910 330
Sức Khỏe » Ẩm Thực
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 08:20:32 30-03-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Thực phẩm chay chứa đầy chất gây sỏi thận

Thực phẩm chay chứa đầy chất gây sỏi thậnTheo kết quả kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, hàm lượng acid oxalic (chất gây sỏi thận) trong các sản phẩm thực phẩm chay là khá cao.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM mới đây đã công bố toàn bộ 4 mẫu mì căn, hủ tiếu khô, mì sợi khô được lấy tại một số điểm kinh doanh trên địa bàn TP và đưa đi phân tích thì cả 4 đều chứa acid oxalic – một chất cấm sử dụng trong thực phẩm vì gây sỏi thận…

4/4 mẫu đều có chất gây sỏi thận

Sau khi thu thập, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM đã gửi đến Cty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng để phân tích. Trước kết quả trên, để đối chứng, Chi cục ATVSTP đã truy nguồn gốc và trực tiếp đến 4 cơ sở: Phong Ký (phường 8, quận 6), Đinh Thanh Lẹ (QL22, khu phố 6, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi), Phạm Văn Năng (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) và một hộ kinh doanh ở TPHCM để lấy mẫu tại cơ sở gửi đi xét nghiệm lần hai đối chứng.

Kết quả hàm lượng acid oxalic trong hủ tiếu khô là 142mg/kg; mì căn là 40,1mg/kg; trong mì sợi khô và sản phẩm còn lại khá cao…

Theo trình bày của chủ cơ sở sản xuất mì sợi khô Phong Ký thì mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 100kg mì sợi khô phân phối cho các chợ trên địa bàn TP. Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất mì là bột mì, trứng gà, phụ gia làm giòn, màu thực phẩm, nước tro. Cơ sở khẳng định không bỏ hoá chất acid oxalic để làm tăng độ trắng vì mì sợi thường có màu vàng.

Chủ cơ sở sản xuất mì căn Đinh Thanh Lẹ khẳng định, mì căn được sản xuất từ bột mì và muối. Bột mì được cơ sở mua tại Công ty G ở quận 10. Sau khi Chi cục ATVSTP công bố mì căn có chứa hoá chất acid oxalic, cơ sở này đã nhanh chóng lấy 4 mẫu bột mì của Công ty G để kiểm nghiệm và phát hiện cả 4 mẫu đều chứa acid oxalic với hàm lượng 157-198mg/kg. Điều đáng nói, lâu nay, mì căn, hủ tiếu khô được xem là loại thực phẩm khá phổ biến trong các bữa ăn chay.

bẩn, hóa-chất, nhiễm-độc, đồ-chay

Nguy cơ nhiễm vi sinh ecoli, coliform từ thực phẩm chay.

Chưa kiểm soát được chất tạo mùi, vị, định hình

Khảo sát thực phẩm chay được bày bán tại một số chợ đầu mối TPHCM như chợ Lớn (quận 6), chợ An Đông (quận 5), chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) cho thấy, phần lớn các loại mì căn, tàu hủ ki, đậu phụ… được sản xuất thủ công trong nước với giá bình dân, phần còn lại là các loại nhập khẩu. Trong đó, hàng nhập khẩu có giá bán khá cao làm giả theo các loại thức ăn mặn.

Gần như có bao nhiêu món mặn là có bấy nhiêu món chay tương tự. Ngoài ra, “góp mặt” vào thực đơn để đãi tiệc còn có nhiều thực phẩm chay như heo sữa quay, gà phát tài, chả lụa, chả quế, chả cá, nem chua… Hầu hết thực phẩm chay đóng gói sẵn có giá khá “mềm”, chỉ khoảng 13.000 – 32.000đ/gói (120 – 250g) và 62.000 – 110.000đ/kg.

Chả lụa chay giá 100.000 đồng/kg, chả nấm 110.000 đồng/kg, chả bó sả 85.000 đồng/kg, chả quế, chả cốm 75.000 – 80.000 đồng/kg; ruốc thịt chay khoảng 170.000 đồng/kg.

Phần lớn các loại đồ chay đều thuộc diện: Không nhãn mác, không hạn sử dụng và cơ sở sản xuất. Nếu có nhãn thì ghi chung chung. Theo các chuyên gia, để tạo ra được hương vị, hình dáng giống như thức ăn mặn thông thường, nhà sản xuất buộc phải cho thêm chất hóa học để tạo màu, mùi, vị. Đặc biệt, phải có thêm chất định hình, để tạo hình cho giống các loại thịt, cá.

TS Phan Thế Đồng – nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Nông – Lâm TPHCM) – cho rằng, acid oxalic kết hợp với sắt, canxi, natri, kali… trong cơ thể sẽ kích thích ruột và gan. Acid oxalic liên kết với canxi, do đó nếu sử dụng thực phẩm chứa acid oxalic trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, chất dinh dưỡng. “Người có các rối loạn liên quan tới thận, thấp khớp, bệnh gút… không nên dùng thực phẩm chứa acid oxalic. Người có tiền căn sỏi thận nếu dùng thức ăn chứa acid oxalic dễ có nguy cơ sỏi thận, làm nghẽn đường tiết niệu” – TS Đồng cảnh báo.

Điều đáng lưu ý, lâu nay, nhiều người cho rằng, chỉ có chất bảo quản mới gây hại, thế nhưng đối với thực phẩm chay, trên thực tế, nhiều chất khác thậm chí còn độc hại hơn như chất tạo mùi, vị, định hình mà ngay cả những nhà sản xuất cũng không biết được tác hại. Chính vì suy nghĩ, “đồ chay là sạch, vô hại” nên ít khi thấy cơ quan chức năng kiểm tra loại thực phẩm này.

Trong khi đó, trào lưu ăn chay đang dần rất phổ biến ở VN. Để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý phải yêu cầu nhà sản xuất giải trình được các chất sử dụng trong sản phẩm chay, tránh tình trạng gian lận, đánh lừa người tiêu dùng.

Theo Sức khỏe& Đời sống

Chia sẻ với bạn bè qua: