810 278
Tự Viện » Thành Phố Buôn Ma Thuột
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 21:31:51 16-09-2016 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Đăk Lăk: Lịch sử Tịnh xá Ngọc Ban tọa lạc tại Thành phố Ban Mê Thuột.

Đăk Lăk: Lịch sử Tịnh xá Ngọc Ban tọa lạc tại Thành phố Ban Mê Thuột.Không phải ngẫu nhiên, mà là một bước đột phá phát triển khá rõ rệt đáng được biểu dương cho Phật giáo tỉnh Đaklak.
  • Địa điểm: 06 – Phạm Văn Đồng – Phường Tân Hòa – TP.BMT
  • Năm Khai Sơn: 1969
  • Người Sáng Lập: Ni Trưởng Thích Nữ Hoa Liên
  • Trụ trì hiện nay: Sư cô Thích Nữ Thảo Liên
  • Hệ Phái: Khất sĩ
  • Các năm trùng tu: 1999
  • Điện Thoại: 0983.700.035
Khi du khách có dịp ghé thăm vùng đất đỏ cao nguyên, ngoài những khu di tích lịch sử, du lịch vui chơi giải trí thiên nhiên. Bên cạnh đó, hình ảnh cây đa, giếng nước, bến đò ngôi Chùa làng luôn luôn là một trong những hình ảnh khắc họa sâu sắc trong tâm trí con người dù ở bất cứ nơi đâu. Thật vậy, Song song với các ngôi Tự viện, tùng lâm, thì Tịnh xá Ngọc Ban như một nét chấm phá đặc trưng vô cùng độc đáo trong quần thể kiến trúc chùa chiền vùng phố núi, vào những năm đầu thập niên 60 Ni trưởng Hoa Liên và chư Ni đã đặt chân đến vùng cao nguyên đất đỏ Ban Mê để hành đạo. Ban đầu thầy trò chỉ sống cơm rau đạm bạt trong những cốc lá đơn sơ cùng nhau tu học, thỉnh thoảng vào rừng hái lá thuốc nam để chữa bịnh cho dân chúng trong vùng. Nơi ấy ngày xưa chỉ là một vùng đất hoang vắng đất rộng người thưa, nhưng ngày nay đã trở thành khu dân cư đông đúc hơn xưa, hằng ngày có rất nhiều du khách thập phương, Phật tử gần xa đến thăm quan, chiêm bái tôn tượng Quan Âm gỗ quý.
Tịnh xá Ngọc Ban, có tên gọi quen thuộc được lấy từ chử đầu của Ban Mê Thuột, ngôi Đạo tràng tọa lạc tại Số 06 Phạm Văn Đồng - phường Tân Hòa, Tp. Ban Mê Thuột do cố Ni trưởng Hoa Liên thành lập. Là một ngôi Tịnh xá nằm trên đường quốc lộ 26 lối về Nha Trang cũng Là một trong những danh lam thắng cảnh ngày nay.
 
Từ những ngày đầu với những hành động thiết thực ấy đã gây nhiều cảm tình với người dân địa phương. Cảm nhận được lòng từ bi mẫn của người tu hạnh Khất Sĩ nguyện trọn đời vì Đạo pháp và Dân tộc.
Năm 1968 ông An Toine Nil pane Tổng Giám Đốc Công Ty (cao su) CHPI tại Ban Mê Thuột đã hiến cúng cho cố Ni trưởng Hoa Liên 1 mẫu 2 sào 58 m2 đất của nông trường, để gọi là tặng thưởng công hạnh của cố Ni trưởng Hoa Liên. Vào Năm 1969 Tịnh xá Ngọc Ban, bắt đầu được xây dựng và hoàn thành trong khoảng thời gian một năm. Đến năm 1970 đại lễ khánh thành được tổ chức trọng thể dưới sự chứng minh của Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam. Cũng như sự chứng minh của GHPG tỉnh Đaklak. Đặc biệt còn có sự chứng minh tham dự của HT. Pháp sư Thích Giác Nhiên cũng đã hoan hỷ quan lâm.
 Trãi qua 30 năm chánh điện đã đến thời hư hoại xuống cấp trầm trọng, cho nên đầu năm 1999 Ni trưởng cho trùng tu. Khi ý nguyện của Ni trưởng được thành tựu viên mãn, Ni trưởng lập tức cho thợ thi công và hoàn thành công cuộc trùng tu Tịnh xá trong vòng 2 năm. Vào tháng 3 năm 2001 Ni trưởng tổ chức khánh thành Tịnh xá Ngọc Ban một cách hân hoan và trọng thể. Tịnh xá kể từ đó đã khoát lên mình một kiến trúc hài hòa đầy vẻ tôn nghiêm thanh tịnh. Sau khi công trình trùng tu Tịnh xá được hoàn mãn. Năm 2006 cố Ni trưởng thành lập Tuệ Tĩnh Đường Ngọc Ban. Từ thiện xã hội cho các bệnh nhân nghèo miễn phí chuyên khoa Đông y. Với chí nguyện còn chưa hoàn thành năm 2007 cố Ni trưởng mặc dù tuổi cao sức kém nhưng người vẫn tiếp tục cho xây dựng tượng Bổn Sư ngọa thiền dài 12 m. Còn có những công trình đáng kể như: năm 2008 cố Ni trưởng cho thợ tạc tượng Quan Thế Âm bằng gỗ quý với độ cao 2,7 m, nhà khách, nhà trù, nhà Ni hay bảo tháp v…v…cũng được dần dần hoàn thiện ngay sau đó.
 
Như chúng ta đã biết bất luận là ai khi sinh ra trên cõi đời này cũng không khỏi chi phối bởi quy luật tự nhiên của vũ trụ là phải theo định luật vô thường sanh trụ dị diệt, sau khi hoàn mãn bổn nguyện tạo tượng, xây Chùa, độ chúng vừa xong, thì vào Năm 2009 cố Ni trưởng Hoa Liên thân tứ đại trả về với tứ đại. Người đã phó chúc công việc đảm nhiệm Trụ trì Tịnh xá Ngọc Ban lại cho Sư Cô: Thích Nữ Thảo Liên Thế Danh: Nguyễn Thị Kim Cúc là người đã kế thừa ngôi vị của Ni trưởng thay Người hoằng dương Phật pháp. Khi được sự ủy nhiệm trọng trách trụ trì Tịnh xá Ngọc Ban của Tổ Thầy. Năm 2010 Sư cô Thảo Liên đã tiếp tục bổn nguyện của Tổ Thầy về lĩnh vực tiếp tăng độ chúng cũng như tham gia trong công tác Từ thiện xã hội. Bên cạnh đó, còn “thành lập lớp thọ Bát Quan Trai, cho quý Phật tử về tham dự khóa tu mỗi tháng 2 kỳ nhằm ngày “mùng 08 và 23”, mỗi tháng cúng hội 2 ngày “30 và rằm” đều có giảng kinh thuyết pháp cho Phật tử tu học, tham gia về việc Từ thiện xã hội giúp đở những hộ nghèo, cấp nhà tình thương cho những hộ neo đơn, ..v..v.. hằng ngày đều có Y Bác sĩ khám và bốc thuốc, châm cứu miễn phí cho bịnh nhân, cho đến ngày nay chư Ni vẫn duy trì. Hằng năm Tịnh xá còn mở Khóa Tu Truyền Thống Hệ Phái Khất Sĩ trực thuộc chư Ni phân đoàn 1 giáo đoàn 4 về tu học tại Tịnh xá rất đông được sự ủng hộ của quý phật tử rất nhiệt tình và sắp đến đây khóa tu sẽ tổ chức vào ngày 17/9 AL năm bính thân.
 
Thông thường theo tinh thần Phật giáo khi thiết lập mô hình kiến trúc Chùa hay Tịnh xá đều thể hiện những tinh hoa trong giáo lý Phật đà là nền tảng của Đạo Phật, không một tôn giáo nào trên thế giới có hình thức lối kiến trúc hay thờ phượng được lồng  vào trong giáo lý của mình như Đạo Phật và đặc biệt riêng chỉ có hệ phái Khất Sĩ, ngôi Tịnh xá Bát Giác tượng trưng cho Bát Chánh Đạo. Ngọn đèn chân lý hay còn gọi ngọn đèn trí tuệ được an trí trên chóp của Tịnh xá thể hiện ánh sáng Phật pháp hằng soi sáng muôn loài vạn vật. Bốn trụ cột chính của chánh điện xung quanh tháp Phật là tượng trưng cho bốn chúng “Tăng, Ni, Nam và Nữ” cùng nhau tu học hộ trì Phật pháp, mỗi trụ có một bông sen đỡ chân nhằm để nhắc nhở cho hàng tứ chúng phải dựa trên nền tảng tam nghiệp luôn luôn thanh tịnh, tinh khiết như hoa sen, ngôi nhà Phật pháp không có bốn trụ không thể đứng vững trên nền đất tâm cũng như trên thế gian này. Bên trong ngay giữa chánh điện có tháp tam cấp tôn thờ bảo tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nền tháp có ba bậc tượng trưng cho ngôi tam bảo đó là Phật, Pháp,Tăng. Phía trên nóc tháp có 13 tầng là biểu trưng cho con đường tiến hóa của chúng sanh từ địa ngục đến Như Lai. Tám bức tranh được treo trên tường tám hướng của bên trong chánh điện miêu tả về cuộc đời Đức Phật từ Đản sanh đến Niết Bàn. Bước vào chánh điện chúng ta có thể chiêm ngưỡng và đảnh lễ hình tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là tượng trưng cho Phật tánh trong tâm của chúng ta, với ý nghĩa trong nhà luôn có bảo vật giống như trong mỗi con người dù xấu hay tốt đều có sẵn hạt giống từ bi, hạt giống giác ngộ, là chơn tâm thường trú sáng suốt, không vẩn đục, không ô nhiễm, sự lý viên dung, tượng Bổn Sư tôn trí duy nhất trong chánh điện.
Ngoài lối kiến trúc chung của Hệ Phái khất sĩ về mô hình Tịnh xá, Ngọc Ban còn có một di sản vô cùng quý hiếm hầu như không phải bất cứ nơi nào cũng có được diễm phúc ấy chính là tôn tượng Đức Quan thế Âm Bồ Tát bằng gỗ Thủy Tùng một loại gỗ quý hiếm hiện nay có một tuổi thọ hơn 2000 năm tôn tượng được nhóm nghệ nhân điêu khắc đường nét hoa văn rất điêu luyện tinh xảo thần kỳ, khi bất cứ ai có duyên chiêm ngưỡng cũng không tránh khỏi nổi xúc động qua hình ảnh cách bày trí trang nghiêm thanh tịnh nơi đây, đặc biệt ở đây khi quý Phật tử cũng như du khách thập phương hướng về nơi đây như là quay về ngôi nhà tâm linh xoa dịu nỗi khổ niềm đau lắng động tâm tư sau những ngày lao động vất vả, những vấp ngã cuộc đời họ muốn có được một khoảng không gian thanh tịnh để tâm hồn ngơi nghĩ qua hình ảnh Bồ tát Quán Âm dịu hiền chứ không phải về với cái nhìn một kỳ tích lịch sử hay về với tâm trạng mang dáng vẻ mê tín theo kiểu vái lạy cầu khẩn van xin mong Bồ tát gia hộ ban bố phước lành, và đây mới chính là một trong những nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu riêng biệt khi biết đến Tịnh xá Ngọc Ban. Qua hình tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm có hình dáng như người mẹ hiền, với bình cam lộ, giọt nước, cành dương xoa dịu những nỗi khổ đau nơi trần thế, Ngài có bản nguyện và năng lực là “quán sát" và “lắng nghe” những âm thanh kêu gọi cứu khổ của chúng sinh mong ngài mở lòng cứu độ vô điều kiện. nhờ vậy, hàng Phật tử tôn kính, với niềm tin tuyệt đối ngưỡng nguyện Ngài mọi lúc, mọi nơi hy vọng hướng tâm về ngài với hạnh nguyện cao đẹp ấy.
Đối diện với Quan Âm được tôn trí chân dung Tổ sư Minh Đăng Quang Ngài chính là người khai sáng hệ phái Khất Sĩ, nên trong mỗi ngôi Tịnh xá điều thờ Ngài để bày tỏ tấm lòng nhớ ơn người đã khai sáng Hệ phái Khất sĩ cho đến ngày nay. Để đánh dấu bước đường hoằng dương Phật Pháp của Tổ Sư, thời pháp đầu tiên được Ngài khai đàn giảng là “ Thuyền Bát Nhã” vào ngày rằm tháng tư tại Linh Bửu Tự, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Từ đó người dân hiền cảm mến hình ảnh một thầy tu, một nhà sư thân đắp mảnh y vàng, tay ôm bình bát đất, đi khất thực vào mỗi buổi sáng, không nhà cửa, không gia đình quyến thuộc, không cất giữ chứa chấp món chi, không ở một nơi nào nhất định, không tiền bạc v.v… Ngài phát nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp”, noi gương Phật Tăng xưa sống đời phạm hạnh giải thoát .
Tiếp sau là nhà thờ Cửu Huyền Thất Tổ là nơi dành cho con cháu có lòng hiếu thảo ông bà cha mẹ hay người thân đã quá vãng để thường tới lui đạo tràng đốt hương tưởng niệm, thể hiện lòng hiếu kính của mình đối với người đã khuất hay những nghĩa tình với thân bằng quyến thuộc theo tinh thần Phật giáo. Chính giữa có thờ Tam Thế Phật.
Chung quanh khuôn viên Tịnh xá được tạo lập rất nhiều cảnh quang để khách tham quan có cơ hội mỗi khi đặt chân đến nơi này không còn cảm thấy trống trải lạc lõng mà luôn có cảm giác như đang đi vào nơi thanh tịnh vắng lặng của tâm hồn, không khí thanh tịnh trang nghiêm nơi đây đã toát lên vẽ đẹp văn hóa không thể không nhắc đến qua những hình ảnh uy nghi của tôn tượng Bổn sư đang Ngọa thiền bên dưới là hồ nước cây cối xanh tươi…, thạch động Di Lặc bồ tát luôn nở trên môi một nụ cười hỷ lạc, hình ảnh đức Quan Âm lộ thiên với vẽ mặt từ bi hòa ái, hang Đạt Ma Sư Tổ cũng thêm phần trầm hùng của bậc chứng đắc đạo quả luôn ẩn mình nơi vách đá, núi Ngũ Hành Sơn cũng là nơi du khách thường chiêm bái. Ngoài ra, những cây cối hoa lá xanh tươi đơm hoa bốn mùa cũng tạo nên một quan cảnh thiền vị đáng quý, bên cạnh đó, nơi đây đặc biệt hơn Tịnh xá Ngọc Ban còn có một cơ sở Tuệ Tĩnh Đường Ngọc Ban được khởi công xây dựng vào năm 2006, tạo lập một cơ sở mới trang bị đầy đủ tiện nghi tại các phòng: khám bệnh, châm cứu, bấm huyệt, vật lí trị liệu, hốt thuốc, sao chế thuốc, kho thuốc, sân phơi và nhà vệ sinh đảm bảo nhu cầu khám và điều trị miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân theo lương y. Phòng khám hoạt động vào thứ 2,4,6 trong tuần. Bệnh nhân đến khám hầu hết là bệnh thấp khớp tê bại, thần kinh tọa, các bệnh nội tiết, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, bệnh lí về gan thận, tiêu hóa, sỏi thận, viêm dạ dày, còn lại là bệnh về suy nhược thần kinh.
Thật đúng như câu nói: “mái chùa che chở hồn dân tộc nếp sống muôn đời của tổ tông cho dù bạn có đi đến bất cứ nơi nào thì hình ảnh thân yêu của mái Chùa hay Tịnh xá luôn là điểm tựa là nơi trở về tâm linh bình an nhất cho chúng ta.
 
Tịnh xá Ngọc Ban là một danh lam thắng cảnh không những đậm nét văn hóa dân tộc mà còn là lối kiến trúc mang tính nghệ thuật  mầu sắc hài hòa phù hợp với đường lối Phật giáo Hệ phái Khất Sĩ, qua những quang cảnh thiên nhiên mà con người đã kiến tạo. Có những giá trị thiết thực của kiến trúc Tịnh xá cũng như Phật giáo đối với đời sống con người, là di sản văn hóa quý giá, để góp phần làm cho văn hóa dân tộc Việt Nam có tính chất đặc thù, mang tính thuần phong mỹ tục, vừa đậm nét nhân văn, lại vừa mang tính truyền thống tâm linh, là nơi un đúc, đào luyện những cái giá trị đạo đức, tinh thần cho bất cứ ai hướng về Tam Bảo giúp họ vững bước trên con đường đời chông gai nhiều đau khổ mà vẫn có thể sống vui trong an lạc trong hạnh phúc.
 
Tịnh xá cũng là nơi xây dựng niềm tin cho mọi người, xây dựng đạo đức cho xã hội, góp phần đưa đạo pháp vào trong lòng mọi người. Ngoài ra Tịnh xá là biểu tượng văn hóa của dân tộc ta. Trong thời đại khoa học ngày này, thế giới đang trên đà phát triển và hội nhập, con người đang bị vật chất lôi cuốn, biết bao nhiêu người đã đánh mất nhân bản dẫn đến thoái hóa và biến chất. Do đó, muốn được điều này thiết nghĩ hình bóng ngôi chùa sẽ là điểm tựa tâm linh đi sâu vào lòng người.
 
Ngày nay Tịnh xá Ngọc Ban không những là nơi đại diện của Hệ phái trong lòng Giáo hội, mà còn là một trong những danh lam thắng cảnh của Phật giáo Thành phố cao nguyên. Bảo bói quý giá để hàng Phật tử du lịch danh lam cổ tự, chúng ta một phần nào hiểu được giá trị tổng quan của ngôi Tịnh xá thấy được giá trị kiến trúc cảnh quan của nó chúng ta cần phải bảo vệ và giữ gìn để tịnh xá ngày một phong phú hơn. Tuy nhiên, so với cái mênh mông bao la của biển cả thì viên sỏi nó quá nhỏ nhoi thấp bé. Thế nhưng, viên sỏi ấy nó vẫn có giá trị thiết thực trong cái mênh mông bao la của biển cả vì biển cả không thể thiếu những viên sỏi hạt cát nhỏ nhoi kia.
 
Cũng vậy, Tịnh xá Ngọc Ban được hình thành và phát triển một cách khiêm tốn so với những đạo tràng trên vùng phố núi, nhưng chính nơi ấy cũng đã tạo nên một nét đẹp văn hóa, một ngôi nhà tâm linh cho dân tộc Việt nam và đặc biệt nhất nơi đây là chổ quay về nương tựa của những Phật tử qua những ngày lao động vất vả khi trở về Tịnh xá họ ít nhiều cũng tận hưởng được sự an lạc thanh tịnh từ nội tâm.

Ban Văn Hoá & Thông Tin Truyền Thô​ng Phật Giáo Tỉnh Dak Lak
Chia sẻ với bạn bè qua: