710 891
Tự Viện » Thành Phố Buôn Ma Thuột
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 04:58:13 16-09-2016 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Đăk Lăk: Lịch sử Chùa Phổ Minh tọa lạc tại Thành phố Buôn Ma Thuột.

Đăk Lăk: Lịch sử Chùa Phổ Minh tọa lạc tại Thành phố Buôn Ma Thuột.Chùa Phổ Minh tọa lạc tại 68 – Nguyễn Cư Trinh - Phường Tự An – TP.BMT
  • Địa điểm: 68 – Nguyễn Cư Trinh - Phường Tự An – TP.BMT
  • Năm Khai Sơn: 1955
  • Người Sáng Lập: HT. Thích Độ Lượng
  • Trụ trì hiện nay: ĐĐ. Thích Trí Minh
  • Hệ Phái: Bắc Tông – Phật giáo miền Vĩnh Nghiêm
  • Các năm trùng tu: 1968, 1985, 2003
 
Chùa Phổ Minh (lấy theo tên chùa Phổ Minh tỉnh Nam Định ngôi cổ tự quê hương cố Hòa thượng khai sơn Thích Độ Lượng), tọa lạc số 68 đường Nguyễn Cư Trinh phường Tự An, cách trung tâm thành phố  Buôn Ma Thuột 1km về hướng đông nam. 
Chùa được thành lập ngày 08 tháng 04 mùa Phật Đản Phật lịch 2499, năm Ất Mùi 1955, thuộc hệ phái Phật giáo miền Vĩnh Nghiêm.
Năm 1954 cùng với số đồng bào di cư từ Bắc vào Nam trong đó có số ít chư tăng của Giáo hội Phật giáo Tăng Gìa Bắc Việt, nhằm tạo thiện duyên hướng dẫn tinh thần cho số bà con có tín ngưỡng Phật giáo. Cuối năm 1954 Thượng tọa Thích Tâm Châu, Thượng tọa Thích Độ Lượng quy tụ và hướng dẫn một số bà con lần đầu tiên lên Buôn Ma Thuột lập trại định cư Phật giáo lấy tên Hưng Đạo, những ngày đầu lập trại còn muôn vàn khó khăn về vật chất.
Cuộc sống của bà con tạm thời ổn định, ngôi chùa được hình thành bằng vật liệu thô sơ tường gỗ, mái lợp tôn. Thượng tọa Thích Tâm Châu trở về Sài Gòn còn lại Thượng tọa Thích Độ Lượng tiếp tục làm Phật sự cùng phụ tá cho Thượng tọa có hai vị Đại đức Thích Thanh Thuyên và Đại đức Thích Thanh Nhuệ. 
Trong thời gian này Thượng tọa Thích Độ Lượng đã làm được nhiều Phật sự đáng trân trọng như: xây dựng hai dãy nhà bên tả, hữu chính điện để làm trường học, lấy tên trường tiểu học Hưng Đạo, dạy văn hóa cho con em  Phật tử. Thầy giáo dạy văn hóa lúc bấy giờ là do chư Tăng phụ trách, dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Thích Độ Lượng. Đến mùa thu năm Canh Tý 1960,Thượng tọa Thích Độ Lượng trực tiếp chỉ đạo đúc Đại Hồng Chung nặng 400kg và một pho tượng Phật A Di Đà, nghệ nhân thực hiện được tuyển từ phường Đúc cố đô Huế vào, tượng A Di Đà diện mạo được đúc theo khuôn của mẫu tượng Phật đang tôn thờ tại các ngôi cổ tự cố đô, Đại Hồng Chung được lên khuôn và thi công theo mẫu chuông của các chốn tổ phía bắc, hiện nay vẫn đang tôn trí tại bản tự Phổ Minh, đó là Bảo vật và cũng là niềm tự hào của hàng Phật tử chùa Phổ Minh, "Chuông và Tượng được đúc tại khuôn viên đất chùa". Sau khi đúc chuông và tôn tượng viên mãn, Thượng tọa Thích Độ Lượng trở về Sài Gòn, chùa được giao lại cho hai thầy Thích Thanh Thuyên và thầy Thích Thanh Nhuệ.
 Sau cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963 (Qúy Mão), chế độ độc tài Ngô  Đình Diệm sụp đổ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Sau đó thầy Thanh Thuyên và thầy Thanh Nhuệ đều trở về Sài Gòn, lúc ấy chùa được giao lại cho toàn thể Phật Tử điều hành, từ đó ban trị sự chi hội Phật giáo Vĩnh Nghiêm ĐăkLăk bầu ông Phạm Đức Quang (ông Lý Sầm) làm trưởng ban và một số Đạo Hữu có tâm huyết đảm trách.
Vì ngôi chùa cũ làm bằng vật liệu thô sơ, trải qua thời gian dài đã xuống cấp cũng như địa điểm không thuận tiện cho sự sinh hoạt của quần chúng. Được sự chỉ đạo của chư tôn đức miền Vĩnh Nghiêm, thể theo nguyện vọng của quần chúng bà con Phật tử đã tự nguyện hiến cúng đất, tịnh tài, tịnh vật xây dựng chùa mới.
 Vào mùa Xuân năm Ất Tỵ 1965 chùa được di chuyển ra vị hiện nay. Khuôn viên chùa được tọa lạc trên một triền đồi thoáng mát phong cảnh hữu tình, chùa hướng về phía Tây Nam nhìn xuống thung lũng, ngôi chùa cũ và khuôn viên đất được Phật tử làm đình để tôn thờ Quốc tổ Hùng Vương, Đức thánh Trần Hưng Đạo và các vị anh linh anh hùng dân tộc, theo đúng tinh thần của người Phật tử xứ Bắc luôn hướng về Quê Hương nguồn cội. Ngôi chùa mới được xây dựng cho đến mùa Thu năm Đinh Mùi 1967 hoàn thành, diện tích 200m­2 xây dựng bằng vật liệu kiên cố bê tông cốt thép, tường xây gạch mái lợp ngói, dáng vẻ uy nghiêm hùng mạnh mang đậm bản sắc Phật giáo xứ Bắc. Đây là một phật sự đáng trân trọng đối với toàn thể Phật tử trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ.
 Niềm vui của Phật tử chưa được bao ngày, thì cuộc chiến tàn khốc tết Mậu Thân (1968), chùa bị bom Mỹ  bắn phá hư hỏng 80% đây là một thách thức vô cùng lớn lao đối với toàn thể Phật tử bổn tự Phổ Minh. Thế rồi với sự cố gắng của các vị lãnh đạo chùa và bằng tất cả tấm lòng của Phật tử, ngôi chùa được khôi phục lại, để có nơi cho Phật tử sinh hoạt và lễ bái (đây là lần trùng tu thứ nhất). Tâm nguyện của tất cả Phật tử đề bạt lên chư tôn đức lãnh đạo môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm nhiều lần mong sao chùa có vị sư trụ trì để hướng dẫn Phật tử tu học nhằm ổn định tinh thần cũng như cuộc sống thường nhật.Duyên lành đã đến, vào mùa Thu năm Kỷ Dậu 1969 đáp lại lời thỉnh cầu của tất cả Phật tử chùa Phổ Minh, môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm đã công cử Thượng tọa Thích Thiện Liên lên Tây Nguyên làm công tác phật sự và trụ trì chùa Phổ Minh cho đến ngày ngài viên tịch.Thượng tọa Thích Thiện Liên về nhận công tác Phật sự, lúc đó cơ sở vật chất ngoài Chính điện và một ngôi Tổ đường ra, tất cả vẫn còn bề bộn đè nặng lên vai vị trụ trì. Với tinh thần hoằng dương chính pháp phụng sự chúng sinh. Thượng tọa đã từng bước xây dựng và cải tạo lại cơ sở vật chất như san lấp mặt bằng khuôn viên chùa, trùng tu lại Tổ đường, tượng đài Quán Thế Âm, thành lập Nghĩa trang để khi Phật tử và dân địa phương qua đời có nơi an táng.
 
 Sau ngày 30/04/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, lúc đó cả nước ta còn nhiều khó khăn về kinh tế do hai cuộc chiến tranh quá dài. Thượng Tọa và tất cả bà con Phật tử với tinh thần phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, tiếp tục đưa chùa Phổ Minh phát triển theo tinh thần GHPGVN "Đạo Pháp, Dân Tộc, Chủ Nghĩa Xã Hội". Năm 1985 ngôi Chính điện xuống cấp, Thượng tọa và Phật tử xin phép giáo hội và chính quyền địa phương trùng tu, nới thêm chính điện khoảng 70m2 tổng diện tích chính điện ngày nay khoảng 270m(đây là lần trùng tu thứ hai).
Năm 1991 tôn tượng Thích Ca Thành Đạo.
Năm 1995 xây dựng Hội Trường.
Năm 1996 xây dựng Bảo Cái Di lặc.
Năm 1998 trùng tu nhà Tổ.
Trải qua 33 năm, Thượng tọa Thích Thiện Liên hoằng dương chính pháp tại Buôn Ma Thuột nói chung và chùa Phổ Minh nói riêng, cho đến ngày 27 tháng Giêng năm Tân Tỵ (nhằm 19/02/2001) Ngài viên tịch. Cùng vào thời gian này, thể theo nguyện vọng của tất cả Phât tử chùa Phổ Minh có lời thỉnh cầu lên môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm và ban trị sự GHPGVN tỉnh ĐăkLăk để có một vị tăng về kế thừa.
Vào ngày 25/03/2001 (nhằm ngày 1/3 năm Tân Tỵ), môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm cũng như ban trị sự GHPGVN tỉnh ĐăkLăk bổ nhiệm Đại đức Thích Trí Minh kế nghiệp trụ trì chùa Phổ Minh. Kể từ đó đến nay Đại đức Thích Trí Minh đã tiếp nối con đường hoằng dương chính pháp của các bậc Cao tăng tiền bối đã đi.
Cuối năm 2001, Đại đức cùng ban Hộ tự chùa đã vận động Phật tử trùng tu lại nhà tăng và hoàn thiện khuôn viên sân.
-Năm 2002 trùng tu tượng đài Quán Thế Âm, tiểu lâm viên Tỳ Ny, mua thêm 500m2 đất (cụ Nguyễn Nghĩa) phía sau trai đường mở rộng khuôn viên chùa và mua 6000m2 đất (đạo hữu Nguyễn Khắc Bản) sát bên Nghĩa trang để mở rộng khuôn viên.
 
-Năm 2003 vận động 05 gia đình Đạo hữu cư ngụ phía trước chùa hiến cúng 361,6m2 đất:
1-GĐ Đạo hữu Phạm Văn Cháp hỷ cúng 81m2.
2-GĐ Đạo hữu Huỳnh Mai hỷ cúng 57m2
3-GĐ Đạo hữu Đỗ Văn Bỉnh và Nguyễn Thị Mai hỷ cúng 67,2m2
4-GĐ Đạo hữu Phạm Ngọc Thao hỷ cúng 57,4m
5-GĐ Đạo hữu Nguyễn Thị Nụ hỷ cúng 99m2.
Và cũng thời gian này xây tường bao khu đất vừa tiến cúng, trùng tu bảo cái Di Lặc, quy hoạch, xây dựng chỉnh đốn lại nghĩa trang.Tháng 10 năm Qúy Mùi 2003 chính thức khởi công đại trùng tu ngôi chính điện 
(đây là lần trùng tu thứ ba), đến mùa Vu Lan năm 2004 
- Phật Lịch 2548 công trình đại trùng tu được hoàn tất, cùng thời gian này kết hợp trùng tu Tổ đường, xây dựng cổng  Tam quan, hoàn tất tường rào bao quanh chùa, sau khi đã mua thêm 649,1m2 đất (đạo hữu Nguyễn Thị Nhiều) phía sau Chính điện, xây dựng nhà khách tăng và nhà cho Phật tử tu học cũng như khách thập phương nghỉ, trùng tu và mở rộng nhà trù, hoàn tất các công trình phụ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong các dịp lễ lớn.
Thể theo nguyện vọng của các bậc tiền bối vào mùa Phật Đản năm (Mậu Tý) 2008 PL2552 ( Đại lễ Phật Đản liên hiệp Quốc tại Việt Nam ) gia đình đạo hữu Phạm Văn Cháp đã hoan hỷ sang nhượng lại cho nhà chùa lô đất ngay phía sân trước Chính điện làm đường bộ hành lên chùa chiều dài 26,84 mét chiều rộng 10 mét và cũng trong thời gian này khởi công động thổ xây dựng cổng Tam quan bằng vật liệu đá xanh Ninh Bình và nhóm nghệ nhân đã được tuyển từ cố đô Hoa Lư Ninh Bình vào thi công trong thời gian một năm. Đây là một công trình kiến trúc với bao tâm huyết và hoài bảo của nhiều thế hệ, các hoạ tiết hoa văn công trình trang trí được làm theo phong cách Phật giáo thời Lý Trần.
Để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào Phật tử các giới xin chính quyền địa phương giao lại lô đất chùa cũ do nhà nước đang quản lý, ngày 05 tháng 01 năm 2010 UBND tỉnh ĐăkLăk đã phê duyệt quyết định quy hoạch số 49/QĐ – UBND do chủ tịch Lữ Ngọc Cư đã ký và ngày 20 tháng 01 năm 2011 UBND tỉnh ĐăkLăk cấp cho chùa Phổ Minh khu đất có diện tích 7000m2, để xây dựng công trình phúc lợi xã hội (trung tâm dưỡng lão), cưu mang những  người già có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa.
Năm 2010 mua thêm 317,9m2  GĐ Đạo hữu Phạm Ngọc Thao.
Năm 2013 mua thêm 687,4m2 GĐ ông Vòng Sòng Phí.
Năm 2016 mua thêm 233m2 GĐ ông Trần Ngọc Thanh.
 -Ngoài việc phát triển cơ sở vật chất, hướng dẫn Phật tử tu học cũng được song hành. Hiện nay duy trì một Đạo tràng Tịnh độ tu niệm vào hàng đêm khoảng trên dưới 50 vị.
-Đạo trang Bát quan trai tu học định kỳ hàng tháng vào 14, rằm, 30 và mồng một trên 100 vị. 
-Lớp học Giáo lý căn bản cho Phật tử vào tối chủ nhật hàng tuần hơn 130 vị
-Một tổ chức GĐPT sinh hoạt vào chủ nhật hàng tuần trên 150 đoàn sinh.
Chùa Phổ Minh là một trong những ngôi chùa được hình thành sớm tại Buôn Ma Thuột, ngày nay là một địa chỉ tu học quen thuộc của giới Phật tử địa phương.
Để có một ngôi chùa trang nghiêm, tú lệ như hiện nay chính là nhờ công đức to lớn của cố Hoà thượng sáng lập chùa Phổ Minh Thích Độ Lượng cố Hoà thượng đệ nhất trụ trì 
Thích Thiện Liên và toàn thể thiện nam tín nữ địa phương, sự quan tâm giúp đỡ của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo hệ phái tổ đình Vĩnh Nghiêm, ban trị sự GHPGVN tỉnh Đak Lak cũng như các cấp chính quyền địa phương, sự hình thành và phát triển chùa Phổ Minh làm rực rỡ thêm cho môn phái Vĩnh Nghiêm cũng như Giáo Hội Phât Giáo Việt Nam.
Xây dựng chùa và tổ chức tu học không nằm ngoài mục đích xiển dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, nêu cao tinh thần dân tộc để xứng đáng là nhịp cầu nối giữa Đạo và Đời, nhằm góp phần xây dựng xã hội Thanh bình, Thịnh vượng. Với đà phát triển này trong tương lai chùa Phổ Minh hứa hẹn nhiều khởi sắc.

Ban Văn Hoá  & Thông Tin Truyền Thông Phật Giáo Tỉnh Dak Lak
 
Chia sẻ với bạn bè qua: