Không thiếu chuyện kể về trường hợp được Bồ Tát Quán Thế Âm cứu đã vượt qua ách nạn và cũng không thiếu trường hợp niệm mà không được linh ứng! Vì sao? Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn Phật dạy Quán Thế Âm Bồ Tát vị Bồ tát có khả năng thấu nghe hết thảy nỗi thống khổ của mọi loài chúng sinh - không đâu là không có, lúc nào cũng sẳn sàng dang tay tế độ bất cứ ai gọi đến danh hiệu Ngài. Cầu con trai được con trai ngoan hiền...cầu con gái được con gái xinh đẹp đức hạnh. Gặp nạn lửa thiêu hay nước cuốn trôi, bị đánh đập, xiềng xích, tù đày hay bị xô rớt từ trên đỉnh cao...Gọi đến danh hiệu Ngài liền được cứu thoát ra khỏi mọi ách nạn nước, lửa hiểm nguy! Theo giáo lý nhân quả nghiệp báo thì gieo nhân ắt gặt quả, tạo nghiệp tất phải thọ quả báo tương ưng! Và nghiệp lực tạo tác bởi hành vi có chủ ý từ ý khẩu thân trong quá khứ (kiếp trước) là qui luật khách quan chi phối hoàn cảnh sướng khổ, hạnh phúc hay khổ đau mỗi người. Phật, Bồ Tát có thể nào can dự vào số phận, hoàn cảnh của ai! Trong khi đạo Phật lấy “duy tuệ thị nghiệp” làm mục tiêu, giải thoát là cứu cánh. Như thế giữa nghiệp lực quả báo và năng lực cứu độ mầu nhiệm Bồ tát Quán Thế Âm có mâu thuẫn? Giữa giáo lý và thực tiển tức giữa lý và sự có phù hợp? Giáo lý có nói sai bao giờ, tôi đâm băn khoăn!
II/ Một số sự việc xẩy ra mà tôi chứng kiến hoặc ít ra nghe kể lại gợi mở cho tôi đôi điều suy ngẫm về câu hỏi được đặt ra.
1/ Chuyện đầu tiên tôi muốn đề cập là chuyện Đường Tăng thỉnh kinh Tây Trúc Ngày nay không ai còn lạ chuyện Ngài Tam Tạng đi Ấn Độ thỉnh Kinh, khác nào trang huyền thoại. Khi ngang qua sa mạc Gobie, một vùng không người không cây cỏ, cát và gió vùi lấp tất cả những gì trên đó, có chăng chỉ trơ những bộ xương người và thú vật bỏ lại sau khi ngang qua đây. Con ngựa chở Ngài không chịu nổi đã chết dọc đường. Nhưng một mực Ngài quyết tâm thực hiện bằng được hoài bảo đến Tây Trúc. Sức cùng lực kiệt, Ngài chỉ còn cách chí tâm chí thành cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm: “Con đi đây đến Tây Trúc thỉnh Kinh về truyền bá chánh pháp cứu độ bá tánh. Nếu đúng như tâm nguyện của con, xin Ngài cứu độ cho tai qua nạn khỏi!” Bỗng một dòng nước ngọt ứa ra từ cổ họng làm Ngài cảm thấy dễ chịu, lấy sức tiếp tục lên đường. Đi được một đoạn con ngựa mới tậu được chở Ngài tự ý tách sang hướng khác mà Ngài không ghì giữ được. Bỗng trước mắt hiện ra thảm cỏ xanh non và một dòng nước mát giữa sa mạc. Quá đổi vui mừng Ngài dừng lại cho ngựa uống nước, ăn cỏ. Ngài cũng uống nước và lấy đầy bình trước khi tiếp tục hành trình. Câu chuyện trên được kể lại trong tác phẩm nổi tiếng “Tây du ký” của nhà văn Ngô Thừa Ân.
Ảnh Minh họa
2/ Chuyện thứ hai tôi xem như người trong cuộc. Một đứa bé trong nhóm bảy tám đứa được gửi giữ tại nhà tôi đang ngủ bỗng giật mình khóc thét lên...bị đau chỗ nào đó hay bị kiến, muỗi hoặc con vật gì chích. Vợ tôi dỗ mãi không nín. Mấy chị phục vụ ở cửa hàng ăn uống cạnh nhà thường qua lại chơi, thấy thế hết chị này đến chị khác vỗ về “Mẹ đây”và đưa tay đỡ. Đứa bé không nín mà còn thét to hơn. Một người từ ngoài chạy vào cũng lên tiếng “Mẹ đây”rồi ôm chầm đứa bé ẳm vào lòng. Đứa bé im ngay nằm yên trong tay chị. Vâng, người đàn bà đó chính là mẹ em. Chị cho biết “cảm thấy xốn xang trong bụng, một linh cảm nào đó mách bảo chị biết con đang gặp rắc rối. Chị vội chạy đến và con chị đang gặp trục trặc. Dù chưa biết nguyên nhân và chưa làm một động tác cụ thể nào ngoài tình cảm sâu sắc người mẹ dành cho con, chị cũng đủ bao bọc chở che cho đứa con. Em bé cảm nhận được nguồn năng lượng từ mẹ. Khi “đồng thanh tương ưng, đồng khí tương cầu!” hai mẹ con đạt đến sự đồng cảm sâu sắc.
3/ Sự việc sau đây tôi chỉ chứng kiến và có thể gợi suy nghĩ về trường hợp cầu mà không linh ứng. Một thời gian tôi bận việc lâu không đến thăm bạn được, khi nghe tin chị bạn bị tai nạn. Tôi đến thăm nghe chị kể lại: “Một hôm đứa con đi làm sơ ý quên khóa cổng. Xế chiều đường vắng, tôi lui hui làm việc trong bếp nhà trước không có ai, thừa cơ hội một thanh niên lẻn vào đến sân. Tôi từ sau ra tới, chợt thấy anh ta hốt hoảng giả bộ: “Lỡ đường vào xin miếng nước” Thấy có bộ khả nghi tôi một mực “Không nước nôi gì cả. Xin ra cho!” Anh ta cứ lần đân tiến vào. “Rõ ràng có ý đồ xấu!” tôi nghĩ thầm và ba chân bốn cẳng bước ra sân định cản lại. Nôn nóng quá nên bị hụt chân tôi té từ hiên xuống sân. Tôi la lớn kêu cứu, anh ta sợ quá chạy một mạch ra ngõ. Thật giận muốn chết, ước chi đứng lên được lấy cây phan cho một trận, thanh niên chi không lo làm ăn mà lo đi trộm cắp. Nhưng đau quá không thể đứng lên được tôi đành nằm yên và cầu nguyện Bồ tát Quán Thế Âm. Cho đến khi con đi làm về chở đi bệnh viện, tôi bị trật khớp chân phải bó bột và phải nằm viện theo dõi sợ ảnh hưởng đến cái đầu! Nói thật ngày ngày tôi vẫn chí tâm cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm cho tai qua nạn khỏi. Nhưng khổ quá cái chân tôi ri có đi lại, làm ăn chi được, Ngài không thấu cho? Chị than vản! Tôi an ủi chị - Sao không, chỉ bị sái khuỷ chân chẳng phải may đó sao, có người té sơ đã phải bó bột mấy tháng, chưa kể bị chấn thương sọ não, nằm một chỗ nguy đến tính mạng!- Thì tôi vẫn biết thế nên chí tâm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Rứa mà vẫn xảy ra nông nỗi, tôi còn tin vào đâu được? - Chị không tin? Khi niệm chị nghĩ đền điều gì, có oán hận người đó không?- Răng không! Tự nhiên vô nhà người ta, nhà không có đàn ông của cải thì linh tinh trong nhà, ngoài vườn. Để chi nếu không ý đồ ăn cắp, còn gây ách nạn cho người ta! - Chị vội vả đến bị té như thế có phải chính mình gây tai nạn cho mình sao còn oán người ta. Bồ tát làm sao cứu? Nói thế cũng hơi quá, thật ra chị mới bị sái khuỷu chân là may, nếu Bồ Tát không ra tay liệu cái đầu chị có an toàn?
III/ Những sự việc trên đã phần nào minh họa lời Phật dạy và gợi mở cho tôi hiểu đôi chút về năng lực mầu nhiệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm theo kinh điển là vị Cổ Phật vì hạnh nguyện cứu độ chúng sinh đã thị hiện làm Bồ Tát cõi Ta bà. Do chúng sanh nhiều căn cơ sai biệt nên lời Phật dạy luôn thể hiện tinh thần trí và bi. Trí và bi trong Đại thừa Phật giáo đi liền nhau như hai cánh của một con chim, thiếu một cánh chim không bay được. Không thể có đạo Phật nếu thiếu một trong hai yếu tố đó. Kinh kể lại, trong một tiền kiếp đang làm thái tử Phật gieo mình xuống hố làm mồi cho hổ mẹ ăn thịt để có sữa cứu đàn hổ con đang đói. Có người thắc mắc như thế đại bi nhưng liệu có trí? Theo đại thừa Phật giáo trí và bi là một. Trí soi sáng cho người tu học nhận ra cứu độ chúng sanh là mục tiêu giải thoát. Ngược lại lòng từ bi khai mở tâm trí có khả năng dập tắt vô minh, đạt giải thoát. Chúng sanh nhiều căn cơ khác nhau, giáo lý Phật khai thị luôn khế hợp từ thấp đến cao, từ bất liếu nghiã đến liễu nghĩa, từ tục đế đến chân đế, từ lý đến sự, từ sự đến lý đến lý sự viên dung mà luôn đượm vị giải thoát. Do đó kinh điển bao hàm nhiều tầng nghĩa lý phù hợp tùy căn cơ, ngoài hiển nghĩa còn ẩn nghĩa, thâm nghĩa, mật nghĩa. Chân đế hay chân lý liễu nghĩa áp dụng đối bậc Bồ tát hay A la hán đã chứng quả. Tục đế hay chân lý tương đối áp dụng cho hạng phàm phu hạ căn hạ cơ. Trên cơ sở tục đế hành giả quán chiếu sâu sắc nhận ra nghĩa lý thâm sâu nội tàng qua kinh điển tức chân đế hay chân lý liễu nghĩa xuyên suốt tính nhất quán giữa lý và sự. Trong phẩm Phổ môn kinh Pháp Hoa, Phật dạy “Cầu đến danh hiệu Quán Thế Âm bồ tát, sẽ vượt qua nạn nước, lửa...” Nước ở đây Phật ám chỉ nước tham muốn dục lạc đang nhận chìm con người vào bể khổ trầm luân...Và lửa ở đây là lửa giận hờn, phiền não đang đốt cháy ta trong vòng vô minh!” Và “Quán kỳ âm thanh giai đắc giải thoát” Quán là quan sát, xem xét. Thế là cuộc đời. Âm là âm thanh; Quán Thế Âm là khả năng nghe được mọi tiếng kêu của muôn loài. Khả năng này hiển thị khi không còn vị ngã, không còn tham lam tật đố, tức trí tuệ bừng sáng bóng tối vô minh bị đẩy lùi. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Phật dạy Quán Thế Âm cũng là Quán Tự Tại, khi Ngài hành thâm bát nhã ba la mật tức thực hành sâu trí tuệ giải thoát vô ngại Ngài nhận rõ ngũ uẩn giai không, cả năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức; năm yếu tố tạo nên mỗi chúng sanh đều hình thành do duyên sanh duyên khởi hay nói cách khác muôn loài từ vô tình đến hữu tình đều vô thường, vô ngã nên vô tự tánh hay tự tánh vốn “không” ngay túc thì Ngài vượt mọi khổ ách (độ nhất thiết khổ ách) là điều tự nhiên! Phật dạy vạn pháp duy tâm tạo. Vạn pháp hiện ra như thế nào tốt xấu, hoạ phúc, rủi may đều từ tâm này biểu hiện tương ưng.
Ảnh minh họa
Trong kinh Pháp Hoa Phật dạy Bồ tát Quan Thế Âm là “thí vô uý giả” Người ban tặng sự không sợ hải. Trước đây một số người vượt biên, giữa biển khơi nổi sóng gió ghe tàu bỗng chết máy lại lo sợ bị bắt...Mọi người trên ghe chí thành niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” Trước đó họ có bao giờ tin Phật, Bồ Tát! Hai con cá xuất hiện kê hai bên mạn ghe đưa ghe ra hải phận quốc tế nhờ thế được an toàn vào bờ! Người bạn tôi quân nhân kể lại có lần đi lạc vào rừng thấy cọp sợ đến són...trong quần! Nhớ lời mẹ, anh chỉ còn biết: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Một con nai bỗng vụt qua trước mặt lôi cuốn sự chú ý của con cọp. Anh thoát nạn...Đó là gì nếu không là Bồ tát thị hiện? Cùng đường bí lối không còn nơi nương tựa, tính mạng chỉ như sợi chỉ mành treo chuông, không còn gì ngoài câu niệm: “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn” đến nhất tâm bất loạn, chỉ là một với câu niệm. Khi đó kinh nói:“năng lễ sở lễ tánh không tịch” mới “cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. Tâm ta thanh tịnh thì tâm ta và tâm Bồ Tát là một, mới nảy sinh cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn. Bồ tát xuất hiện! Đó là sự tương ưng giữa năng lượng thanh tịnh của ta và khả năng mầu nhiệm bất khả tư nghì của Bồ tát...Trong cuộc sống khi ta biết cảm thông, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với người, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc mình, tâm ta rộng mở hòa nhập cùng pháp giới. Ta có năng lượng Bồ tát, năng lượng đó đem lại sự an lạc vững chãi cho ta và cả mọi người.
Võ Văn Lân
Nội san Vô Ưu số 45
Nội san Vô Ưu số 45