410 644
Văn Hóa » Sách Báo & Tư Liệu
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 01:03:04 18-10-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Tổ Chức Thành Lập Các Đạo Tràng Tu Học Tại Vùng Sâu Vùng Xa

Tổ Chức Thành Lập Các Đạo Tràng Tu Học
Tại Vùng Sâu Vùng Xa
Đại đức Thích Đồng Giải. Ủy Viên Ban Hoằng Pháp Tỉnh Gia Lai
Hôm nay, trong khung cảch trang nghiêm, phấn khởi, thắm tình đạo vị, đuợc hòa mình vào niềm vui chung của khóa Hội Thảo Hoằng Pháp Do TWGH tổ chức tại Tỉnh Đắc Lăk. Cho phép con xin thay mặt Ban Hoằng Pháp tỉnh Gia Lai, kính gửi đến quý Tôn Đức Chứng minh, chủ Tọa đoàn, quý đại biểu và toàn thể Hội thảo lời cầu chúc tốt đẹp, an lành và hạnh phúc. Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. 
Đạo Phật là đạo đến để thấy, thấy để mà tu, tu để mà chứng ngộ, giải thoát Niết bàn. Hơn nữa, giá trị của đạo Phật là giá trị thiết thực hiện tại. Chính vì thế mà Ban Hoằng pháp mới tổ chức các buổi thuyết giảng các đạo tràng tu học tại các trú xứ. Đồng thời tổ chức tặng quà cho đồng bào khó khăn và xe đạp cho học sinh hiếu học vượt khó, xây dựng nhà Tình Thương cho những hộ nghèo vv…Tất cả không chỉ có giá trị vật chất mà còn làm nổi bật giá trị tinh thần mang một ý nghĩa tâm linh, soi sáng hạnh nguyện “Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Với tinh thần hoằng pháp thiết thực và ý nghĩa cao quý như vậy thì tại sao chúng ta không thể không nói đến việc tổ chức thành lập các đạo tràng để tu học.
Trên thực tế Phật giáo tỉnh Gia Lai hiện nay, ngoài các khu vực trung tâm đô thị Phật giáo phát triển mạnh, song bên cạnh đó vẫn có không ít các vùng sâu vùng xa, Phật giáo chưa được phát triển. Đây là điều mà các vị lãnh đạo Phật giáo Gia Lai hiện đang ưu tư. Thiết nghĩ trong Hội thảo chuyên đề hoằng pháp lần này, Ban Hoằng Pháp Trung ương cũng như ở Tỉnh Gia Lai cần vạch ra một chiến lược cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, ngõ hầu đẩy mạnh công tác hoằng pháp đối với các vùng sâu vùng xa. Cùng với những niềm trăn trở và mong mỏi đó, trước khi Ban Hoằng pháp đề ra một chiến lược hoằng pháp cụ thể… con xin trình bày một vài ý kiến cá nhân đối với việc hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa. Qua chủ đề “Tổ chức Thành lập các Đạo tràng Tu học tại các Vùng sâu, Vùng xa”. Do thời gian
có hạn nên con xin trình bày tập trung vào 3 điểm: 
- Một là Tổ chức thành lập các đạo tràng tu học,
- Hai là Áp dụng các đạo tràng tu học vào hoàn cảnh thực tế ở những khu vực
- Ba là Nêu những khó khăn và kiến nghị của bản thân.
 
1.Tổ Chức Thành Lập Các Đạo Tràng Tu Học
Đạo Phật có 84 ngàn pháp môn tu học, tùy theo căn cơ và trình độ của mỗi người để chọn cho mình một pháp môn. Chính vì thế, nếu muốn các đạo tràng phát triển mạnh trong thời đại văn minh ngày nay, thì chúng ta cần phải có những cơ sở tự viện, tịnh xá….để Phật tử về tu học.
 Cơ sở thờ tự của đạo Phật là Tu viện, Thiền viện, Chùa, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường… đây là nơi để quần chúng quy tụ sinh hoạt tín ngưỡng. Thực tế hiện nay, có quá nhiều địa phương ở vùng sâu chưa có điều kiện để xây dựng chùa, đây cũng là lý do để tín đồ Phật giáo ở những vùng này không thể quy tụ sinh hoạt Tôn giáo và Giáo hội cũng không có cơ sở để thành lập các đạo tràng tu học. Khi đã có cơ sở thờ tự rồi thì sẽ có các đạo tràng tu học như: khóa Tu Bát Quan Trai, Một ngày an lạc, Tu Phật Thất...

2. Áp dụng vào hoàn cảnh thực tế:
Nguyện vọng của chúng ta là muốn đem Phật pháp quảng bá vào các khu vực vùng sâu vùng xa, làm cho mọi người đều được bình đẳng tắm mát trong ánh hào quang của chư Phật. Tuy nhiên, để niềm mong ước đó được trở thành hiện thực, chúng ta phải nắm rõ những mặt thuận lợi và khó khăn thực tế tại các địa phương, ngõ hầu vận dụng nhuần nhuyễn. Đối với việc hoằng pháp các vùng sâu vùng xa, qua tình hình thực tế hiện nay, cần chú ý các điểm sau:
*Tạo Mối Quan Hệ
Giáo hội các cấp cần tạo mối quan hệ tốt đối với chính quyền sở tại, để thuận lợi hơn trong việc hoằng pháp. Cần phải có những chủ trương hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết về mặt tinh thần cũng như vật chất cho những Tăng, Ni hoằng pháp tại những vùng này.
* Xin Phép để được Tổ chức Lễ và hướng dẫn tu học.
Đối với các vùng chưa có Tăng Ni, và không ít một số vùng chính quyền chưa được thông thoáng về đường lối chính sách tôn giáo, hằng năm vào các ngày đại lễ (Phật đản, Vu Lan..) Giáo hội nên xin phép chính quyền cho Tăng, Ni lên làm lễ tại các địa phương này. Hình bóng oai nghiêm của Tăng, Ni xuất hiện, sẽ có tác động tín tâm lớn đối với quần chúng. (ví dụ: Ở địa phương đó đã có chùa rồi nhưng vị trụ trì qua đời. chưa có người thay thế).

3. Từ Thiện
Một thực tế cần phải thấy rõ, đó là hiện nay đời sống kinh tế của nhân dân vùng sâu vùng xa, vô cùng khó khăn. Trong vấn đề này, thiết nghĩ Giáo hội nên kêu gọi các đoàn thể Phật giáo đẩy mạnh việc từ thiện, mở các lớp học tình thương và nỗ lực đáp ứng các nhu cầu văn hoá tiến bộ ở các địa phương này. Đó là những việc cần thực hiện song song với công cuộc hoằng pháp

4. Những khó khăn và kiến nghị của ban thân
4.1 Khó khăn.
Theo chúng con được biết, đối với việc Hoằng pháp vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc như sau:
1 Điều kiện đi lại.
2 Nhân sự Hoằng pháp.
3. Thời gian và tổ chức còn nhiều hạn chế.
4. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chủ yếu là sống dựa vào nông nghiệp, trình độ kiến thức chưa cao, niềm tin đối với Tam Bảo còn hạn hẹp.
5. Có những địa phương không có cơ sở tự viện, thiếu vắng bóng Tăng Ni
6. Xây dựng cơ sở thờ tự mới gặp nhiều khó khăn.
7. Để thành lập đạo tràng tu học cho người dân tộc là cả vấn đề nan giải, đó là về ngôn ngữ, tập quán và điều kiện kinh tế.
Trên đây là một số vấn đề mà chúng con đang gặp phải, hôm nay có dịp tham dự cuộc hội thảo này nên chúng con được phép trình bày đến chư tôn đức để tìm hiểu và trao đổi, hầu có được nhiều giải pháp tối ưu, để cùng nhau gánh vác Phật sự nói chung và ngành Hoằng pháp nói riêng.
4.2 Kiến Nghị
Chúng con xin được đại diện cho Ban Hoằng pháp tỉnh Gia Lai có đôi điều kiến nghị cùng chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp Trung ương như sau:
1. Chúng con xin Ban Hoằng pháp Trung ương có kế hoạch định kỳ về tận vùng sâu vùng xa thăm viếng, tặng quà và tổ chức thuyết giảng, mở lớp giáo lý, hoặc các khóa tu an lạc.
2. Phối hợp với ngành Từ thiện xã hội phát quà Phật đản, Vu lan.
3. Ban Hoằng pháp Trung ương kết hợp với Ban Hoằng pháp tỉnh Gia Lai mở Trường Mần non Tư thục của Phật giáo.
4. Ủng hộ kinh sách, băng đĩa để tạo mọi phương tiện cho Phật tử vùng sâu vùng xa có thể tự thân xem, nghe và tự tu tập tại tư gia của mỗi cá nhân không có điều kiện đến các đạo tràng để thính pháp.
Sau cùng con xin thay mặt cho BHP tỉnh Gia Lai kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu và chúng sanh dị độ. Kính chúc quý vị đại biểu thân tâm thường lạc, vạn sự cát tường, gia đình hạnh phúc.
Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
 
                                                                                    Ban TTTT.PG Daklak
 
Chia sẻ với bạn bè qua: