510 147
Văn Hóa » Sách Báo & Tư Liệu
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 00:58:43 13-10-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Người Phật Tử Dân Tộc Làm Gì Cho Công Tác Phật Sự Vùng Sâu Vùng Xa

Người Phật Tử Dân Tộc 
Làm Gì Cho Công Tác Phật Sự Vùng Sâu Vùng Xa
Đại đức Thích Vạn Nhơn Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum
Trước hết, chúng con xin có lời thỉnh an đến chư tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Trung ương, chư tôn đức Giáo phẩm Ban trị sự các tỉnh thành. Chư tôn đức Tăng, Ni đại biểu, chư vị quan khách pháp thể khinh an, Phật sự viên thành. Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Đạo Phật truyền vào Việt Nam đến nay đã hơn 20 thế kỷ. Vốn có tư tưởng truyền thống gắn bó với đời sống sinh hoạt văn hóa “Văn minh lúa nước” một nền văn hóa nhân bản, bao dung, trí tuệ, đượm sắc thái hiếu sinh, hiếu hòa và cởi mở.
Chính vì thế đạo Phật đã được người dân Việt đón nhận một cách trân trọng có chọn lọc và đã trở thành Tôn giáo của Dân tộc. Trên cơ sở đạo đời không thể phân ly, có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngay tử buổi ban đầu khai quốc. Qua đó, GHPGVN là một tổ chức kế thừa sự nghiệp: “Hoằng pháp độ sinh” của Lịch đại Tổ sư, các bậc tiền bối, các tổ chức tiền nhân.
Đất nước Việt nam có 54 dân tộc anh em chung sống. Trong tâm nguyện người đệ tử Phật luôn cố gắng thực hành lời nguyện “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Nhưng chúng ta vẫn chưa vận dụng hết Giáo pháp vô thượng thậm thâm của đức Phật đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa hết được.Với truyền thống “Hộ Quốc – An Dân” và những giáo lý thánh thiện, gần gũi với đời sống thường ngày của người dân bản địa chất phác, hiền hòa, việc truyền bá Phật pháp đến bà con vùng sâu vùng xa là việc làm cấp thiết, giúp cho đời sống tinh thần Phật tử dân tộc được an ổn, dần dần bỏ đi những hủ tục lạc hậu, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, đảm bảo được an ninh chính trị, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng… để làm được việc này là cả quá trình bền bỉ, kiên trì, khắc phục mọi khó khăn với một tấm lòng nhiệt thành vì Đạo pháp, không ngại gian khổ. Trong những năm qua, Phật giáo tỉnh Kon Tum đã từng bước đem ánh sáng Phật pháp đến với người Phật tử vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước hết, chúng ta nhìn nhận những thưc tế của đời sống Phật tử dân tộc như bản sắc văn hóa, đời sống kinh tế, mặt bằng dân trí… Đặc biệt là quan điểm về Phật giáo của lãnh đạo địa phương là tối quan trọng. Từ một địa phương các cơ sở tự viện chỉ ở xung quanh TP Kon Tum trong 10 năm trước,, thì hôm nay tại các huyện vùng sâu vùng xa đã có cơ sở Phật giáo như:
Chùa Kỳ Quang, chùa Khánh Phước (Đăk Hà)
Chùa Hội Khánh (Thị xã PleiKần)
Chùa Khánh Sơn (Huyện Sa Thầy)
Chùa Khánh Hưng (Huyện Kon Rẫy)
Chùa Khánh Lâm (Huyện Konplong)
Có chùa, có hình bóng Tăng Ni hoằng hóa. Đồng bào Phật tử về chùa nhiều hơn và các khóa tu được Chư tăng tổ chức đã đem lại những an lạc trong tâm hồn người đệ tử Phật.
Ở vùng sâu vùng xa đa số người dân không biết Phật pháp là gì, cuộc sống của họ đơn giản chỉ là sự tần tảo trong cuộc sống còn nhiều thiếu thốn.Trình độ dân trí chưa cao, đời sống tâm linh của bà con ở nhiều nơi bị thần thánh hóa với những đức tin của truyền thống còn mang nặng mê tín dị đoan. Bà con thường rất thật thà, chất phát và nếu đã tin ai thì sẽ tin đến cùng và ngược lại. Để cảm nhận tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêngngân vang giữa núi rừng đại ngàn, được tổ chức UNESSCO công nhận là văn hóa phi vật thể, trách nhiệm của người đi hoằng pháp là người hiểu rõ về phong tục tập quán và những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, từ đó tạo nên một hình ảnh vả đức tin cho Phật tử dân tộc giúp đỡ qua việc thường xuyên gần gũi, về vật chất, về tinh thần, trong cuộc sống hằng ngày… Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi đã được Phật tử dân tộc tin yêu, có một hình ảnh tốt trong lòng Phật tử dân tộc, lúc đó chúng ta mới dần dần hướng đạo thì chắc chắn sẽ thu được kết quả tốt. Tiêu biểu người Phật tử dân tộc thiểu số tham dự khóa tu một ngày an lạc tại Chùa Huệ Chiếu (Văn phòng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum) số lượng mỗi lần trên 1000 (một ngàn) người tham dự, các đại lễ như lễ Phật đản, lễ Vu Lan báo hiếu rất đông người Phật tử dân tộc thiểu số tham dự.
Người xưa thường nói: “Sống là để tiếp nối quá khứ, xây dựng hiện tại và dự hướng tương lai” với tinh thần trưởng dưỡng đạo tâm, tăng trưởng đạo lực tâm nguyện đoàn kết xây dựng đạo pháp phát triển ngôi nhà chung của giáo hội. Chúng con xin mạo muội đề đạt một số ý kiến về người Phật tử dân tộc làm gì cho công tác hoằng pháp vùng sâu vùng xa.
Thứ nhất: Chúng ta thường nói: “Đạo tại nhơn hoằng” Hoằng pháp là nhiệm vụ thiêng liêng, trong các việc Bố thí, Bố thí pháp là trên tất cả, tương quan với nhiệm vụ hoằng pháp cần có hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí Phật giáo để dân trí được mở mang.
Hằng năm, các Ban trị sự các tỉnh Tây Nguyên đón tiếp và tổ chức rất nhiều chương trình từ thiện, bởi vậy hoằng pháp ngày nay phải biết kết hợp với công tác từ thiện như lời của Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch hội đồng trị sự đã dạy:
“Trước cho ăn no đủ
Sau cho Pháp hỷ sung mãn”.
Mỗi vị hoằng pháp cần có sự kết hợp với các Ban từ thiện để đi đến những vùng sâu vùng xa, nơi có đồng bào dân tộc sinh sống để chia sẽ với họ cơm ăn áo mặc, rồi sau đó mới trao cho học những lời pháp, những bài kinh, câu kệ. Dù rằng bản chất đạo Phật là từ bi cứu khổ, Phật giáo không dùng vật chất tiền tài để mua chuộc, để tăng thêm số lượng tín đồ. Mục đích của đạo Phật là ban vui cứu khổ. Trong Khế kinh đức Phật thường dạy “Vô thường là nổi khổ lớn, đói là chướng bệnh lớn” tục ngữ Việt Nam cũng nói rằng: “Có thực mới vực được đạo” hay “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” Tuy hết sức đơn giản mà thực tế vô cùng.
Thứ hai: Để Phật pháp vào các buôn, làng phải có thời thuyết giảng, chiếu phim Phật giáo, bên cạnh đó cũng đưa những môn học thực dụng như: Ẩm thực, thủ công, nữ công, những trò chơi bổ ích… Có như vậy mới kích thích sự đam mê học hỏi của quần chúng, chú trọng việc giáo dục thành phần trẻ trong xã hội, luôn luôn gần gũi và nhắc nhở cha mẹ gia đình là Phật tử động viên con em tham gia, vào những sinh hoạt của đạo Phật. Bởi lẽ, dù nói là vùng sâu vùng xa, nhưng kỳ thật trên đất nước Việt Nam thân yêu này, nơi nào cũng có người nhân sĩ, cũng có người trí thức sinh sống. Họ có thể là một thầy giáo, cô giáo, một y tá, một chiến sỹ biên phòng, một cán bộ văn hóa thông tin, một bậc cao niên đã từng trải nghiệm đường đời, già làng hay những thanh niên có học vấn… Dù thành phần này chỉ là số ít, tuy nhiên họ là lớp người được người dân tin cậy. Để công tác truyền bá Phật pháp thuận lợi, các nhà hoằng pháp cần để tâm nhiều đến họ, bởi những người này khi đã thâm nhập Phật pháp thì họ sẽ là những “Hoằng pháp viên” nhiệt tình và thấu hiểu tâm lý cũng như tâm tư nguyện vọng của bà con nhiều nhất, chúng ta có thể nói họ chính là cơ sở nòng cốt trợ lực rất nhiều cho ngành hoằng pháp.
Thứ ba: Mảnh đất Tây nguyên có nhiều bản sắc khác nhau với những dân tộc: Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Giẻ Triêng… thể hiện trong tất cả các lĩnh vực đời sống, ý thức của một cộng đồng bao gồm: Cội nguồn, cách tư duy, cách sống, sáng tạo văn hóa, khoa học, nghệ thuật khác nhau nên cách sống cũng khác nhau. Ngoài Phật giáo chiếm một số ít, đa số người dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo và đạo Tin lành, nếu Phật giáo tồn tại ở các buôn làng nên tránh những mâu thuẫn giữa cộng đồng của tôn giáo này với cộng đồng của tôn giáo khác. Ban đầu, những mâu thuẫn xuất hiện mâu thuẫn về giá trị, về văn hóa… nhưng nếu chúng ta không khéo léo sau đó sẽ biến thành những mâu thuẫn xung đột xã hội. Bởi lẽ, do đặc điểm vùng sâu vùng xa hiện nay đa phần có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí chưa cao, vấn đề đất đai, sự phân hóa giàu nghèo và đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân còn rất khiêm tốn, đa phần ảnh hưởng các tập tục lạc hậu, nên rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng. Do vậy, rất mong Giáo hội cần chủ động, vận động đầu tư xây dựng các cơ sở tự viện Phật giáo như niệm Phật đường hoặc ngôi Tam bảo có quy mô phù hợp với từng địa phương. Các cơ sở tự viện này sẽ vừa là ngôi Tam bảo để Phật tử đến tụng kinh bái sám, làm lành tu thiện, vừa là nơi giao lưu văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và nhu cầu giải trí văn hóa tinh thần. Qua đó gắn bó với đạo pháp, gắn bó với dân tộc góp phần bảo vệ biên giới tổ quốc.
Nhu cầu truyền bá Phật pháp đến vùng sâu vùng xa và người Phật tử làm gì cho công tác hoằng pháp là nhu cầu cấp thiết cần được đáp ứng kịp thời trong giai đoạn hiện nay, nhằm xây dựng đời sống tinh thần cho con người, góp phần xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Phật giáo trong vai trò đồng hành cùng dân tộc, góp phần phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí dân tộc trong đời sống cộng đồng thì những vùng sâu vùng xa phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, cần đến những giáo lý rất nhân bản, thiết thực và đầy trách nhiệm của đạo Phật trong phương châm của GHPGVN “Đạo pháp dân tộc – chủ nghĩa xã hội”.
Thành kính chắp tay đảnh lễ công đức của chư tôn Giáo phẩm đã tổ chức Hội thảo Hoằng pháp 05 tỉnh Tây Nguyên để Tăng, Ni, Phật tử chúng con có dịp gặp gỡ, trao đổi và sống trong tình đạo pháp. Những trình bày trong tham luận chỉ là hiểu biết thô thiển, chắc chắn có nhiều khiếm khuyết, sẽ không tránh khỏi làm phật lòng Chư tôn đức và quý Đại biểu. Ngưỡng mong được sự lượng thứ và chỉ giáo của chư vị.
Kính chúc chư tôn đức Giáo phẩm, chư tôn đức Tăng ni và quý đại biểu thân an tâm tịnh, vô lượng hỷ lạc, cát tường như ý.
 
                                                                                                (Ban TTTT.PG Daklak)
 
Chia sẻ với bạn bè qua: