210 250
Văn Hóa » Sách Báo & Tư Liệu
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 18:17:36 09-12-2017 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Đưa Ánh Sáng Chính Pháp Đến Với Các Dân Tộc Thiểu Số Tại Tây Nguyên

Đưa Ánh Sáng Chính Pháp Đến Với Các Dân Tộc Thiểu Số Tại Tây Nguyên Đề cập đến việc hoằng pháp người ta thường nghĩ đến các tăng ni và đó là chuyện đương nhiên. Người tu sĩ giảng đạo có sự thuận tiện là hình thức đầu tròn áo vuông, thực tu và thực chứng, tín đồ nghe quý thầy cô giảng thì họ dễ tin hơn là cư sĩ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch Chư tôn đức,
Kính thưa Đại hội!
 
Đạo Phật là đạo giải thoát, đức Phật xuất hiện giữa cuộc đời vì một đại sự nhân duyên là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Nếu cuộc đời không khổ đau, đạo Phật không có mặt để làm gì. Bởi vậy, những sứ giả Như Lai mang một sứ mệnh thiêng liêng cao cả nhưng không kém phần gian khó là đem hương vị giải thoát đến cho tất cả nhân loại chúng sinh. Hơn bao giờ hết, người tu sĩ Phật giáo đòi hỏi phải dấn thân đem những sở học sở đắc của mình để phụng sự chúng sinh, đưa ánh sáng Chánh pháp đến những mảnh đời tối tăm nơi biên địa. 
 
Xã hội luôn bất an với những tệ nạn, tội phạm, tranh chấp, băng hoại, tha hóa, nhũng nhiễu… Phải chăng một phần vì giáo lý đạo Phật chưa thâm nhập được những ngõ ngách tâm lý phức tạp của con người trong thời đại ngày nay. Là những sơn tăng đã bao nhiêu năm làm phật sự tại địa bàn Tây Nguyên của đất nước Việt Nam, chúng tôi đã thật sự dấn thân và thấu hiểu hoàn cảnh con người tại đây. Những khó khăn và hạn chế của dân chúng ở vùng sâu vùng xa đã là những nguyên nhân trở ngại trong việc giới thiệu đạo Phật đến với vùng núi rừng cao nguyên đầy ma chướng này. 
 
Sau ngày hoà bình lập lại, với sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, Tây Nguyên ngày càng khởi sắc và phát triển nhanh chóng. Cuộc sống kinh tế khá giả và ổn định đòi hỏi đời sống tâm linh dồi dào và năng động hơn. Các tôn giáo hoạt động mạnh mẽ về nhiều mặt để tạo uy tín và thu hút tín đồ tại vùng đất có nhiều tiềm năng này. Trong bối cảnh đó, đạo Phật đã làm được gì để giúp đỡ người dân nơi đây bớt khổ và tạo niềm tin cho họ thoát khỏi những mê hồn trận đầy mê tín hủ tục lâu đời ?!... 
 
Đã hơn ba mươi lăm năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với những thành tựu đạt được Phật giáo đã có nhiều cố gắng hoạt động ở Tây Nguyên, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ và còn rất nhiều hạn chế. Trong Đại hội hôm nay, chúng tôi muốn trình bày tham luận cùng các cấp Giáo hội về vấn đề: “Đưa ánh sáng Chánh pháp đến với cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên”.
 
1/Bối cảnh lịch sử: 
 
Tây Nguyên là vùng núi rừng cao nguyên phía Tây đất nước gồm 5 tỉnh: Đăk Nông, Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng. Đây là vùng đất đa sắc tộc gồm nhiều dân tộc thiểu số như Ê Đê, Bana, Jarai, Sê Đăng, K Ho, M Nông, Châu Mạ… và dân tộc Kinh. Hiện nay, Tây Nguyên có khoảng 38% dân số là người có đạo, gần 5.000 chức sắc nhà tu hành, hơn 1.300 cơ sở tôn giáo. Phật giáo xuất hiện ở Tây Nguyên khoảng cuối thế kỷ 19. Tại Lâm Đồng, Tổ đình Linh Quang được xem là ngôi chùa đầu tiên do Tổ sư Nhân Tứ khai sơn năm 1921. Tại Đăk Lăk, chùa Sắc Tứ Khải Đoan được thành lập năm 1951 do đức Từ cung Đoan Huy, Hoàng thái hậu mẹ vua Bảo Đại kiến tạo và hiến cúng cho Giáo hội Phật giáo. 
 
Như vậy khoảng giữa thế kỷ 20, Phật giáo mới bắt đầu phát triển ở Tây Nguyên. Ban đầu là trong cộng đồng người Kinh ở những tỉnh miền Trung đi làm công nhân các đồn điền của người Pháp dần dần định cư ở vùng núi cao nguyên này. Còn đối với các dân tộc ít người, Phật giáo chỉ mới được truyền vào các buôn làng khoảng 50 năm trở lại đây thôi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với chính sách hòa hợp dân tộc và phát triển kinh tế vùng núi biên cương, Tây Nguyên nhanh chóng trở thành khu vực trọng điểm về kinh tế, chính trị và quân sự. 
 
Vấn đề tôn giáo được Nhà nước quan tâm hỗ trợ duy trì và phát triển vì vai trò ổn định đời sống tâm linh trong việc an sinh xã hội và bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc. Phật giáo Tây Nguyên trong bối cảnh này cũng từng bước được củng cố xây dựng và lớn mạnh. Vì thế nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực được đặt ra đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp thiết giải quyết.
BTS GHGPGVN tỉnh Lâm Đồng Nhiệm kỳ (2017-2022)
2/Vấn đề hoằng pháp và nhân sự Phật giáo tại Tây Nguyên: 
 
Để thấy được tổng thể tình hình Phật giáo tại Tây Nguyên chúng tôi xin điểm lại một vài con số :
-) Phật giáo tỉnh Đăk Lăk: có 154 cơ sở tự viện, khoảng 564 tăng ni và khoảng 195.000 tín đồ.
- Phật giáo tỉnh Gia Lai: có 85 cơ sở, khoảng 450 tăng ni và khoảng 100.000 tín đồ.
- Phật giáo tỉnh Lâm Đồng: có 360 cơ sở, khoảng 2.000 tăng ni và khoảng 320.000 tín đồ.
- Phật giáo tỉnh Kon Tum: có 25 cơ sở, khoảng 50 tăng ni.
- Phật giáo tỉnh Đăk Nông: có 40 cơ sở tự viện, khoảng 74 tăng ni.
 
Đa số tín đồ là người dân tộc Kinh còn tăng ni và tín đồ người dân tộc thiểu số rất ít. Hầu như vấn đề truyền bá đạo Phật trong cộng đồng người dân tộc của Giáo hội đã chậm một bước so với các tôn giáo bạn như Thiên Chúa, Tin Lành. Giữa tháng 7/2015, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có tổ chức một buổi hội thảo hoằng pháp các tỉnh Tây Nguyên. Có rất nhiều đại diện các cấp chính quyền đoàn thể, các chuyên gia, lãnh đạo Phật giáo tham dự và trình bày tham luận. Nhiều vấn đề được đặt ra, nhiều kiến nghị được nêu lên nhưng rồi sau đó tất cả đều rơi vào im lặng. 
 
Ban Hoằng pháp Trung ương vẫn không hoặc chưa có một kế hoạch hành động cụ thể để giúp các Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh Tây Nguyên tiến hành cải thiện đẩy mạnh việc hoằng pháp. Tình trạng tiếp cận đồng bào dân tộc thiểu số để giới thiệu đạo Phật vẫn bế tắc dậm chân tại chỗ. Những hoạt động đơn lẻ như các đạo tràng người dân tộc tại chùa Thanh Sơn, chùa Pháp Hoa huyện Di Linh hay chùa Di Đà ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng chỉ âm thầm hoạt động có tính cách địa phương. Câu hỏi là đến bao giờ Trung ương Giáo hội Phật giáo mới có kế hoạch đầu tư hoạt động hoằng pháp tại Tây Nguyên?
 
3/Giáo dục tăng ni nên nghĩ đến việc đào tạo cán bộ hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa:
 
Đề cập đến vấn đề giáo dục tăng ni chúng ta đọc được những báo cáo rất khả quan. Phật giáo Việt Nam hiện có 3 Học viện ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, nhiều lớp Cao đẳng Phật học, hơn 30 trường Trung cấp Phật học Phật giáo, hàng trăm lớp Sơ cấp Phật học. Hằng năm đào tạo ra trường hằng trăm tăng ni sinh tốt nghiệp Trung cấp, Cao cấp Phật học. Các khoá đào tạo giảng sư, bồi dưỡng nghiệp vụ trú trì mỗi khoá tốt nghiệp hằng trăm vị. Nhân tài chúng ta không thiếu, tăng ni là tiến sĩ, thạc sĩ Phật giáo có đến hằng trăm, hàng ngàn vị cử nhân Phật học, chưa kể đến tăng  ni tốt nghiệp Trung cấp Phật học, nhưng tại sao ở đâu cũng thiếu nhân sự có năng lực. Riêng tại Tây Nguyên cán bộ lại càng thiếu trầm trọng, cụ thể Ban Trị sự tỉnh Lâm Đồng tìm người để cơ cấu rất khó. Một người phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ, có vị gần 80 tuổi vẫn phải làm Trưởng ban. Vậy thì tăng ni sinh tốt nghiệp các trường Phật học đã đi về đâu? Chúng ta đào tạo những con người có kiến thức Phật học để làm gì?
 
Những giáo trình đào tạo liệu có thực tế để tăng ni sinh đi vào đời hành đạo hay  chỉ là một mớ kiến thức kinh viện xa rời quần chúng? Chưa kể trong 100 tăng ni sinh ra trường thì có bao nhiêu phần trăm tình nguyện hoạt động hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa. Có bao nhiêu tăng ni biết được tiếng các đồng bào dân tộc thiểu số để giảng đạo? Rất nhiều vấn đề được đặt ra nhưng càng hỏi càng khó trả lời, càng rối rắm. Một nhà nghiên cứu hoạt động tôn giáo ở Tây Nguyên đã nói: Trong 100 tín đồ Thiên chúa và Tin lành ở đây thì có 80% có thể giảng đạo. Còn trong 100 tín đồ Phật giáo chỉ có khoảng 10% là những hoằng pháp viên mà thôi. Tại sao vậy, xin nhường câu trả lời cho những vị có trách nhiệm.
 
4/Vai trò cư sĩ phật tử trong việc hoằng pháp nhất là hoằng pháp tại Tây Nguyên:
 
Nói đến vai trò cư sĩ phật tử - những cận sự nam và cận sự nữ - trong tứ chúng đã được đề cập rất nhiều từ xưa tới nay. Khi Phật còn tại thế đã có tứ chúng đồng tu và Giáo hội Phật giáo như một cái vạc có bốn chân rất vững vàng. Sự liên kết bổ sung cho nhau giữa tu sĩ và cư sĩ là mối liên hệ gắn bó sinh tử không thể tách rời ra được. Nhưng hiện nay cơ cấu trong hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo Việt Nam rất thiếu cư sĩ phật tử, điều đó làm cho cái vạc khập khiễng rất dễ đổ.
 
Nhìn vào lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại chúng ta không thể quên một Tiều Chửu Nguyễn Hửu Kha, một Tâm Minh - Lê Đình Tám, một Chánh Trí - Mai Thọ Truyền trong phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 19. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ Phật giáo tại miền Nam năm 1963 - 1966 biết bao cư sĩ phật tử đã âm thầm cống hiến và hy sinh cho đạo pháp. Gần đây những cư sĩ như Tống Hồ Cầm, Võ Đình Cường cũng đã có những đóp góp nhất định cho Phật giáo. Nhưng tại sao hiện nay người ta ít cơ cấu cư sĩ phật tử trong giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam? 
 
Trở lại vấn đề hoằng pháp với vai trò cư sĩ phật tử. Đề cập đến việc hoằng pháp người ta thường nghĩ đến các tăng ni và đó là chuyện đương nhiên. Người tu sĩ giảng đạo có sự thuận tiện là hình thức đầu tròn áo vuông, thực tu và thực chứng, tín đồ nghe quý thầy cô giảng thì họ dễ tin hơn là cư sĩ. Nhưng người cư sĩ hoằng pháp cũng có những thuận tiện của nó nếu có đạo tâm và trình độ. Khi ứng dụng Tứ nhiếp pháp trong việc hoằng hóa người cư sĩ dễ đồng sự hơn tu sĩ. Vì tu sĩ là người “tâm hình dị tục” nên rất khó để cùng ăn cùng ở cùng làm với quần chúng nhân dân. Mà khi chúng ta “nói” đi đôi với “ làm” thì quần chúng mới dễ tin, với đồng bào dân tộc chúng ta càng phải ba cùng mới có cơ hội hướng dẫn họ đến với đạo. Hơn nữa người cư sĩ lăn lộn bon chen ở ngoài đời nên đã từng vấp ngã khổ đau biết được những khó khăn và thực chứng hơn giới tu sĩ thường giảng pháp theo kinh điển mà chưa kinh qua.
 
Đương nhiên có những việc phạm vi người cư sĩ có thể biết, có thể làm mà giới tu sĩ không được làm. Điều đó có thể bổ sung cho nhau trong việc hoằng pháp. Tại tỉnh Đăk Lăk, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã xuất bản được một tập san Vô Ưu rất có giá trị. Tập san này đã sống được đến nay là 19 năm và đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc hoằng pháp tại Tây Nguyên. Điều đáng nói là Ban Biên tập và điều hành tập san này đa số là những cư sĩ có đạo tâm. Trình bày như vậy để quý vị thấy vai trò hoằng pháp của giới cư sĩ phật tử tại Tây Nguyên quan trọng như thế nào.
 
5/Một số giải pháp đề xuất:
 
Từ tình hình thực tế tại địa phương chúng tôi xin đề xuất một số điểm sau:
 
a/Khẩn trương và ưu tiên cho kế hoạch hoằng pháp tại Tây Nguyên, cần thiết nên thành lập một Ban Phật giáo Tây Nguyên (hay là Phật giáo cao nguyên và các vùng biên cương hải đảo). Phải biết kết hợp các Ban ngành đào tạo hoằng pháp, từ thiện xã hội… thì việc truyền đạo vào các cộng đồng người dân tộc thiểu số mới có hiệu quả. Hiện nay các buôn làng xa xôi còn nghèo đói lạc hậu, nên chăng chúng ta thường xuyên tổ chức cứu trợ, khám bệnh phát thuốc và kết hợp với chính quyền hướng dẫn dân chúng sống lành mạnh văn minh. Phải làm tất cả với cái tâm của mình chứ đừng đánh trống bỏ dùi.
 
b/Việc xây dựng các cơ sở Phật giáo theo hình thức nhà rông cũng quan trọng nhưng trước mắt ưu tiên cho việc đào tạo hoằng pháp viên. Có thể 50% là tu sĩ và 50% là cư sĩ, ưu tiên tuyển nhân lực tại chỗ, nguồn có thể tìm ở các trường dân tộc nội trú. Những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn nên triển khai thường xuyên. Có thể tổ chức ngắn hạn tại nhiều địa phương trong việc học tiếng dân tộc và bồi dưỡng kiến thức giáo lý cơ bản. Nên kết hợp với Nhà nước mời cán bộ giảng dạy tiếng các dân tộc, việc này có thể giao cho các tu sĩ đang là đại biểu Quốc hội liên hệ với Ban Dân tộc Trung ương giúp đỡ trên tinh thần hỗ tương.
 
c/Thường xuyên tổ chức những chuyến tham quan thực tế, học và tìm hiểu những phong tục tập quán của từng tộc người. Biết được những mỹ tục và hủ tục của họ ta sẽ dễ dàng hướng dẫn và khuyến hoá dân chúng tin theo những lý tưởng Phật giáo. Trung ương Giáo hội cần có biện pháp hỗ trợ cho các đạo tràng người dân tộc và chùa dân tộc, đặc biệt khuyến khích và nâng đỡ bồi dưỡng cho các tu sĩ người dân tộc. Từ đó, có thể nhân rộng giới tu sĩ và tín đồ trong các buôn làng, không có gì hiệu quả bằng dùng người dân tộc để truyền đạo trong cộng đồng của họ. Lực lượng đoàn sinh Gia đình Phật tử là những hoằng pháp viên quan trọng. Các em có thể sinh hoạt giao lưu với người thanh niên dân tộc trong những dịp lễ hội. Những sinh hoạt dã ngoại cắm trại,vừa chơi vừa học lồng trong những mẫu chuyện đạo và truyền thuyết địa phương làm cho lớp trẻ gần nhau hơn. Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung ương có thể biên soạn chương trình giáo lý cơ bản cho các em bằng tiếng dân tộc, tại sao không?
 
d/Người xưa thường nói: “Có thực mới vực được đạo”, điều đó càng có ý nghĩa hơn ở những vùng sâu nhiều khó khăn và nghèo đói. Hiện nay có nhiều ngôi chùa xây dựng hàng trăm tỷ, đúc nhiều đại hồng chung cả chục tấn… Giáo hội có thể vận động họ bớt đi vài chục tỷ để giúp cho những vùng sâu vùng xa. Cũng nên nhắc lại lời phát biểu của Thượng toạ Thích Giác Tâm, Phó Trưởng Ban Trị sự tỉnh Gia lai trong tham luận ở Đại hội VII: “Nên vận động những đại gia cúng dường ngân quỹ hoằng pháp. Quan niệm xưa nay phật tử thường nghĩ rằng chỉ có cúng đúc chuông, tạo tượng, xây chùa thì mới được phước lớn còn ủng hộ cúng dường các phật sự hoằng pháp… không có phước bằng. Do vậy ít để tâm cúng dường đến phật sự quan trọng này”. 
 
Tăng ni tình nguyện hoằng pháp nơi vùng xa rất cần hỗ trợ về vật chất, tài chánh trong việc đi lại , ăn ở… Nên chăng Giáo hội cần có những quy định cụ thể về việc tài trợ và ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho những trường hợp này. Việc phân bổ phật sự cho tăng ni sinh khi ra trường cũng phải được nghiên cứu hợp lý khi bổ nhiệm về từng địa phương. Người cư sĩ là những hoằng pháp viên tình nguyện phải được đào tạo bài bản và Giáo hội phải tạo điều kiện pháp lý cho họ hoạt động bên cạnh các tu sĩ.
 
Kính thưa Đại hội! 
 
Đưa ánh sáng Chánh pháp vào vùng sâu vùng xa là điều rất nhiều người quan tâm đề cập từ lâu, tuy nhiên từ lý thuyết đến thực hành vẫn còn rất xa. Hiện tại người dân nơi đây vẫn luôn khát khao dòng pháp nhũ, như những đứa con chờ mẹ nhưng mẹ vẫn đi biền biệt chưa về. Hằng ngày, chúng ta vẫn thường đọc tụng lời phát nguyện của Ngài A Nan: “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân. Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh, ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”. Lời phát nguyện mà chắc vị xuất trần thượng sĩ nào cũng tâm niệm ngày đêm.
 
Trong thời đại ngày nay, tuy những điên đảo vọng tưởng của cuộc thế, những tiện nghi vật chất và ánh sáng phù hoa nơi phố thị luôn cám dỗ người xuất gia trẻ tuổi. Nhưng chúng tôi tin tưởng vẫn còn đó những tấm lòng vị tha, với Tứ vô lượng tâm, vì tương lai đạo pháp mà xả thân phục vụ. Ước mong những Như Lai sứ giả lúc nào cũng nghĩ tưởng đến câu: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. 
 
Thành kính đảnh lễ Chư tôn đức. 
Trân trọng kính chào quý liệt vị.
 
Hoà thượng Thích Toàn Đức, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Lâm Đồng
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
 
 
 
 
 
Chia sẻ với bạn bè qua: