1010 595
Văn Hóa » Sách Báo & Tư Liệu
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 07:01:18 07-10-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Công Tác Hoằng Pháp Tại Vùng Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số Tỉnh Kon Tum

  Công Tác Hoằng Pháp 
    Tại Vùng Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số Tỉnh Kon Tum 
Đại đức Thích Quang Hạnh Trưởng Ban Hoằng pháp tỉnh Kon Tum

Như chúng ta đã biết, hơn 4000 năm văn hiến của đất nước thì có trên 2000 năm, Phật giáo đã có mặt và đồng hành cùng dân tộc. Với tinh thần Từ bi-Trí tuệ, Vô ngã-Vị tha của Phật giáo kết hợp với truyền thống bao dung, độ lượng của dân tộc đã tạo cho con người Việt Nam tinh thần đoàn kết, hiếu hòa, tương thân tương ái. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh tang thương và ác liệt, dân tộc ta vẫn kiên cường đứng lên bảo vệ và xây dựng đất nước, biết khép lại quá khứ để hướng tới tương lai, xóa bỏ mọi thù hận để cùng hòa hợp chung sống thành một đại gia đình 54 dân tộc anh em, với hai tiếng đồng bào thân thuộc.
Sau ngày thống nhất đất nước, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) tiếp nối sự nghiệp của Chư vị tiền bối, Tổ Sư để hoằng truyền chánh Pháp. Tuy còn gặp nhiều trở ngại, nhưng với tinh thần Từ bi - Hỷ xã và bề dày truyền thống “Nhập thế độ sanh” GHPGVN đã vượt mọi khó khăn cùng với bao thế hệ Tăng - Ni, Cư sĩ tiếp tục đóng góp sức mình vào công cuộc xiển dương Đạo pháp và xây dựng đất nước.
Kể từ ngày GHPGVN được thành lập đến nay đã hơn 30 năm (1981-2015), mặc dù Phật giáo đã phát triển lớn mạnh trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, công tâm nhìn nhận thì giữa Phật giáo vùng đồng bằng và Phật giáo vùng miền núi, giữa Phật giáo miền ngược và Phật giáo miền xuôi vẫn còn sự chệnh lệch khá xa trong việc thọ nhận ánh sáng, giáo lý Phật Đà. Có thể nói rằng đây là một sự thiệt thòi đáng tiếc cho quần chúng vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, việc truyền bá đến tận vùng sâu, vùng xa cần phải được xem xét là nhiệm vụ hàng đầu của sự nghiệp hoằng pháp độ sanh, nhất là trong thời kỳ Phật giáo  phát triển rực rỡ như ngày nay.
Trên tinh thần đó, Xin được thay mặt Ban Hoằng pháp tỉnh Kon Tum, tôi xin có đôi ý đóng góp thêm với Hội Thảo về công tác hoằng pháp hiện nay tại Tây Nguyên nói chung và tại tỉnh Kon Tum nói riêng.
Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, dù chúng ta đã rất cố gắng thực hiện lời nguyện “Chúng Sinh Vô Biên Thệ Nguyện Độ” nhưng hơn 30 năm qua, GHPGVN vẫn chưa mang được giáo pháp Vô Thượng thậm thâm của Đức Phật đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa hết được, thế nên cho đến nay những hiểu biết về Giáo lý của Đức Phật, những tư tưởng văn hóa đạo đức của họ vẫn còn rất đơn giản và lạc hậu.
Vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, ngoại thành và khu vực kinh tế mới có đặc điểm chung là nghèo về kinh tế, văn hóa chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, phương tiện sống lạc hậu, công cụ lao động kiếm sống còn thô sơ, khoa học kỹ thuật còn yếu kém, đường giao thông khó khăn, đời sống người dân còn kham khổ,…  Và cho dù ở xã hội ngày nay, kinh tế vật chất có phần khả quan, và đang dần chuyển biến, thế nhưng, khổ đau của con người, vấn nạn của xã hội, môi trường ô nhiễm ngày càng tăng, nhất là nghèo đói, bệnh tật, thiên tai,… ngày càng diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân nói chung và càng là vấn đề khó khăn hơn nữa đối với đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, vùng xa nói riêng.
ảnh minh họa
Do đó, các hoạt động Hoằng Pháp và Từ Thiện luôn cần phải kết hợp chặt chẽ với nhau nhất là đối với  đồng bào DTTS đúng theo tinh thần hoằng truyền Phật pháp, lấy yếu tố khế cơ, tùy duyên của đạo Phật để vận dụng, thích nghi với mọi hoàn cảnh nhưng không làm biến dạng bản thể Phật tánh nơi tâm mình.
Hoằng pháp là để đáp ứng nhu cầu "Tín ngưỡng Phật giáo" khiến nhân sinh thoát ly khổ não, là món ăn tinh thần cho cuộc sống không thể thiếu. Còn hoạt động từ thiện của Phật giáo trước hết là nhằm xoa dịu nỗi khổ của những con người đang chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống và cũng là cơ hội để Phật giáo đi sâu, gắn kết với các cộng đồng dân tộc và đào tạo con người với những phẩm chất tốt đẹp để góp phần xây dựng đất nước. Hiện nay, trong nước có rất nhiều cơ sở từ thiện của Phật giáo, thường là trong các chùa như: Tuệ Tĩnh Đường, chăm sóc trẻ khuyết tật, nuôi dưỡng người già neo đơn, nuôi dạy cô nhi... nhưng nhu cầu truyền bá giáo lý và từ thiện đến vùng sâu, vùng xa chưa thật sự được quan tâm và chưa mấy khả quan. Rồi các đợt cứu trợ mỗi phần quà vài trăm nghìn  từ cách xa hàng trăm Km đến cứu trợ cũng chỉ giải quyết tạm thời cho người dân tại đó không quá một tuần, thời gian còn lại họ sống như thế nào? và cứ như thế vô hình trung đã tập cho bà con tính ỉ lại, chờ đợi sự giúp đỡ, sinh ra thụ động lười biếng, không chịu khó nghĩ ra cách làm ăn. Vì thế, Hoằng Pháp là phải gần dân, hiểu dân, giúp đỡ họ cả tinh thần lẫn vật chất nhưng phải theo nghĩa thay vì cho họ con cá thì hãy cho cần câu để họ tự tạo lập cuộc sống cho chính họ. Hiện nay ruộng đất của bà con không còn nhiều (vì đã bán để mua xe máy, điện thoại, tivi...) không vốn liếng, ít kiến thức, thiếu kinh nghiệm mua bán cạnh tranh, vì vậy cuộc sống quanh năm vẫn nghèo cho dù hàng năm có rất nhiều đoàn đến cứu trợ.
Trong lĩnh vực Hoằng Pháp tại Tây Nguyên, chúng ta làm sao nói đến luật nhân quả, luân hồi khi mà hũ gạo nhà họ khô đáy, cái đói đang cận kề từng bữa, con cái đông không đếm xuể, bệnh tật không có tiền chữa? Xác định rõ những khó khăn trên, Hoằng pháp Kon Tum với sự quan tâm hướng dẫn rất sâu sát của Ban trị sự Giáo hội tỉnh và sự phối kết hợp chặt chẽ với lãnh đạo địa phương đã luôn nỗ lực tìm hướng đi phù hợp với đặc thù của tỉnh nhà.
Ngoài việc Hoằng pháp, giúp đỡ, bồi dưỡng cho hơn 4.000 Phật tử người dân tộc thiểu số đã được quy y thì bằng sự năng nổ, nhiệt tình của quý Tăng, Ni trẻ của tỉnh và sự quan tâm sâu sắc của Hòa thượng Trưởng Ban trị sự tỉnh Kon Tum đã luôn quan tâm đến công tác Hoằng Pháp và từ thiện đến từng các thôn, làng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng đến các hạt nhân là con em đồng bào người dân tộc thiểu số để chăm sóc và hướng dẫn tu tập thường xuyên.
ảnh minh họa
Hiện nay, Kon Tum đã triển khai và làm tốt các công tác như: Mở phòng khám  Đông, y tổ chức khám và châm cứu, cấp thuốc nam cho trên 5.000 lượt người; kết nối với các Đoàn Y, Bác sỹ trong Thành phố Hồ Chí Minh ra khám và cấp thuốc cho hơn 1.000 người;  duy trì thường xuyên “Nồi cháo tình thương” tại bệnh viện huyện Đăk Hà (Kon Tum); thành lập Hội tương tế để hỗ trợ giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, cấp hòm và giúp toàn bộ phương tiện cho Lễ tang của người nghèo  khó, neo đơn; đặc biệt là đã thành lập Công ty TNHH MTV Kỳ Quang để giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào địa phương. Công ty chuyên sản xuất nhang trầm và đồ mỹ nghệ, nguồn thu nhập được sử dụng vào các hoạt động từ thiện như: nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật và cứu trợ cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn; kết nối với các đoàn từ thiện của Chư Tăng và Phật tử thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ hơn 10.000 phần quà cho bà con dân tộc thiểu số và tín đồ Phật tử có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (gồm gạo, mì tôm, quần áo, nước tương và muối); Ủng hộ vào “Ngân hàng cộng đồng” của địa phương 10 tấn gạo; đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Ban Hoằng Pháp Kon Tum đang có kế hoạch xây dưng mô hình kinh tế điểm dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Với các hình thức lập các tổ hợp
kinh tế dựa trên các nguyên liệu có sẵn tại địa phương để làm nhang, trồng nấm, làm thủ công mỹ nghệ truyền thống... Cụ thể, đã cùng với địa phương quy hoạch một số diện tích đất, chọn lựa một số hộ dân để thực hiện phát triển kinh tế theo mô hình mẫu. Ban Hoằng pháp sẽ hướng dẫn cho bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế theo khoa học và kỹ thuật, sau đó sẽ nhân rộng mô hình này cho nhiều bà con, được bà con tin tưởng và nhìn nhận, từ đó sẽ có sự thi đua làm kinh tế vươn lên thoát nghèo. Từ một vài hộ kiểu mẫu sẽ có làng kiểu mẫu và nhiều nhiều hơn nữa. Nghe có vẻ quy mô khó khăn, song nếu với sự năng động, chịu khó trên tinh thần Hoằng Pháp, biết cầu thị, biết thích nghi với phong thổ, xã hội của quý Tăng - Ni trẻ thì chắc chắn kế hoạch trên sẽ thành hiện thực.
Tăng - Ni trẻ ngày nay luôn nhận thức: chính mình là người duy trì mệnh mạch giáo pháp của Đức Như Lai, là thế hệ kế thừa, thực hành phật sự của Đức Phật, của Chư Tôn Đức, của các bậc tiền nhân.
Qua Hội thảo này, rất mong Chư Tăng - Ni trẻ luôn phát tâm và dấn thân cho công cuộc Hoằng pháp lợi sinh với tinh thần “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.
“Đạo Pháp - Dân tộc - CNXH" là phương châm hoạt động thể hiện tôn chỉ mục đích của GHPGVN. Thế nên nhu cầu và giải pháp truyền bá, Hoằng Pháp đến vùng sâu, vùng xa là một nhu cầu thiết yếu cho người dân Phật tử ở vùng sâu, vùng xa, góp phần vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với mô hình thí điểm vừa nêu trên, rất mong sự đóng góp ý kiến, sự chung tay giúp sức của  quý Tăng  Ni để mô hình này được nhân rộng và trở thành những ngôi làng kiểu mẫu của Phật giáo Việt Nam; trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú tâm hơn nữa trong việc chăm lo Hoằng pháp, lấy việc phục vụ chúng sinh, ích đạo lợi đời, làm phương tiện để tu hành hướng tới con đường giác ngộ, giải thoát và sẽ tiếp tục phát huy, vận động bà con Phật tử sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Hơn nữa, góp phần xây dựng, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” do Đảng và Nhà nước đề ra; khẳng định những giá trị ưu việt của tôn giáo hòa bình và để xứng đáng với sự tin yêu, gửi gắm của quý cấp lãnh đạo địa phương và quý Tăng ni, Phật Tử trên toàn tỉnh Kon Tum và Trung ương GHPGVN.
  Kính chúc  chư tôn đức giáo phẩm, chư tôn đức Tăng, Ni vô lượng kiết tường.
 Kính chúc quý vị Đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc.Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
 
                                                                                                Ban TTTT,PG DakLak
 
 
Chia sẻ với bạn bè qua: