710 247
Văn Hóa » Sách Báo & Tư Liệu
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 01:16:06 29-09-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

CHỮ TÍN TRONG KINH HOA NGHIÊM (Giới thiệu tư tưởng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh 01)

CHỮ TÍN TRONG KINH HOA NGHIÊM
(Giới thiệu tư tưởng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh 01)
TT. Thích Minh Thành, Ủy viên TT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban HPTƯ.
Trên là cách giải chính, còn có cách giải kèm theo như sau: ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG là pháp sở chứng; PHẬT là người năng chứng; HOA NGHIÊM dụ cho Phật ở nơi nhân địa mà vạn hạnh như HOA; dùng hoa này mà TRANG NGHIÊM quả đất, nên gọi là HOA NGHIÊM. Kinh Hoa Nghiêm được xem là một bộ kinh quá dài, khó đọc, khó tin, khó giải, khó hành, khó chứng. Truyền thuyết nói rằng Đức Phật thuyết kinh này ngay sau khi chứng được quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác, lúc Đức Phật chưa rời khỏi cội Bồ đề ở làng Ưu lâu tần loa bên dòng sông Ni liên thuyền. Đối tượng nghe Hoa Nghiêm không phải là phàm phu, hữu hình mà là chư vị Bồ tát khắp nơi vân tập. Pháp hội vô cùng trang nghiêm, biến mãn vô tận, cảnh giới nằm trong cảnh giới, lồng vào nhau, trùng trùng điệp điệp. Thiền sư Duy Tắc nói đó là Nhất chân pháp giới bao gồm vô biên thế giới, mười thứ huyền môn tổng nhiếp vô lượng pháp môn, tức sự tức lý, tức tánh tức tướng, tức tục tức chân, tức nhân tức quả, tức năng tức sở, tức thánh
tức phàm, tức đa tức nhất, tức chánh báo tức y báo, như lưới báu của Đế Thích, trùng trùng hiển hiện, chẳng phải thần thông làm thành, vốn là pháp tánh như thế. Ở chổ khác Thiền sư còn nói rằng “Hoa tạng thế giới sở hữu trần, nhất nhất trần trung kiến pháp giới”. Các ngươi có thấy chăng? Nếu mà thấy được thì liền thấy thân Như Lai Tạng vô tận quang minh công đức, cùng hư không, khắp pháp giới, hiện ở nơi đây; vi trần số cõi Phật Bồ Tát hải hội, cũng tại nơi đây; vi trần số cõi Phật chư thiện tri thức, thiên long bát bộ, cũng tại nơi đây; vi trần số cõi Phật bảo tòa, bảo sàng, bảo liên hoa, bảo anh lạc, bảo võng, bảo thụ cũng tại nơi đây; lời vấn lời đáp; viên dung hành bố cũng tại nơi đây; tín giải hành chứng cũng tại nơi đây; Di Lặc búng tay mở cửa lâu các (cung điện) cũng tại nơi đây; Văn Thù đưa tay xoa đầu Thiện Tài cũng tại nơi đây.
Vì Kinh Hoa Nghiêm khó tụng đọc, cố đọc thì cảm thấy khó hiểu, cố hiểu thì cảm thấy khó chấp nhận. Một hạt bụi làm sao mà dung chứa được ba ngàn thế giới. Không chấp nhận nên bỏ lơ xem như không có duyên. Các vị tổ Hoa Nghiêm có lẽ nhận ra tình trạng này nên thiết lập nên giáo lý Thập tín và xem đó như là thềm thang, là cầu nối để làm lợi lạc cho hành giả Hoa Nghiêm. Ý thức đặt ra câu hỏi, thực hành là câu trả lời. Thực hành thật lòng hay thực hành lấy có là do có niềm tin hay không có niềm tin. Niềm tin mạnh mẽ chừng nào thì thực hành thật lòng chừng nấy. Thực hành thực lòng thì kết quả có thực chất và giúp cho niềm tin thêm vững chắc. Đó là lý do mà người viết muốn giới thiệu bài kệ nói về chữ Tín theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm như là chiếc cầu bắc ngang qua dòng sông kinh sợ nghi nan để tiếp cận Thế giới Hoa tạng hải.
Bài kệ nói về chữ Tín trong kinh Hoa Nghiêm do Phật-đà-bạt-đà-la dịch.

 Dịch âm:
Tín vi đạo nguyên công đức mẫu,
Tăng trưởng nhất thiết chư thiện pháp,
Trừ diệt nhất thiết chư nghi hoặc,
Thị hiện khai phát vô thượng đạo.
Tịnh tín li cấu tâm kiên cố,
Trừ diệt kiêu mạn cung kính bổn,
Tín thị bảo tàng đệ nhất pháp,
Vi thanh tịnh thủ thọ chúng hạnh.
 
Có thể dịch nghĩa như sau:
Tín là nền móng của con đường, là mẹ sinh ra công đức,
Tín làm cho tăng trưởng tất cả những yếu tố thiện lành (dẫn dắt đến cảnh giới giác
Tín xóa tan tất cả sự nghi hoặc, chỉ cho thấy và mở ra con đường vô thượng.
Niềm tin thanh tịnh làm cho tiêu trừ tất cả cấu uế, làm cho tâm được vững vàng,
Tín đoạn trừ hết lòng kiêu mạn, tín trở thành nền tảng cho lòng cung kính.
Tín là một kho báu, tín là giáo pháp cao quý nhất.
Tín là bàn tay thanh tịnh tiếp nhận tất cả những hạnh lành.
Nhìn tổng quan, trong những kinh luận khác nhất là Kinh tạng Phật giáo thời sơ kỳ chữ Tín có vị trí chừng mực hơn, có nhiều khi trở thành giá trị thứ yếu. Tuy nhiên, ở hệ tư tưởng Hoa Nghiêm chữ Tín được tôn vinh ở mức độ gần như cao nhất:
Chữ Tín được xem là “giáo pháp cao quý nhất”, “làm cho tiêu trừ tất cả cấu uế”.Tỉ mĩ hơn chúng ta có thể thấy có bốn hình tượng được sử dụng để miêu tả chữ Tín: Nền đường, người mẹ, kho báu, và bàn tay. Lại có chín công năng của chữ Tín:
Sinh ra công đức; (2) Tăng cường những phẩm tính thiện; (3) Xóa tan tất cả nghi hoặc; (4) Chỉ cho thấy con đường vô thượng và mở ngõ đi vào; (5) Tẩy uế; (6) Ổn định Tâm; (7) Xóa tan kiêu mạn; (8) Làm nền cho lòng cung kính; (9)Tiếp nhận tất cả những hạnh lành.
Nếu chúng ta không xếp theo trật tự trong bài kệ mà xếp theo ba giá trị – giá trị căn bản, giá trị chuyên biệt, và giá trị nâng cao – chúng ta sẽ có trật tự mới như sau:
1. Giá trị căn bản: Tín được xem như một Thiện pháp, khi tu tập một pháp thiện sẽ làm duyên để tạo ra một quả thiện. Như vậy hai mục đầu, Sinh ra công đức (1) và Tăng cường những phẩm tính thiện (2), được xem là Giá trị căn bản của Tín.
2. Giá trị chuyên biệt: Tín được xem như một pháp mà đã là một pháp thì ngoài giá trị chung với các pháp thiện khác, Tín còn có giá trị riêng của nó, làm cho nó không lẫn vào với các pháp khác, cụ thể là các pháp thiện khác. Ở đây giá trị chuyên biệt của Tín là công năng Trừ nghi, nói rõ là, Xóa tan tất cả nghi hoặc (3). Nhận thức được tính tương tức nên nhận ra rằng khinh người cũng có nghĩa là khinh mình. Vì vậy, Tín có công năng tiêu trừ sự Kiêu mạn (7) và làm nền cho lòng Cung kính (8). Đường đạo nhờ đó được khai thông (4). Nói gọn, ngoài giá trị chuyên biệt chính là trừ nghi, Tín còn có ba giá trị đi theo sau là: Xóa tan kiêu mạn; thiết lập lòng cung kính; và mở ra con đường đạo.
3. Giá trị nâng cao: Giá trị nâng cao của Tín nằm trong ba công năng sau cùng là Tẩy uế (5), Ổn định tâm (6) và Tiếp nhận tất cả hạnh lành (9)  Vi thanh tịnh thủ thọ chúng hạnh. Nếu xếp ba giá trị nâng cao vào khung Giới – Định – Tuệ thì chúng ta có Tẩy uế thuộc về Giới; Ổn định tâm thuộc về Định; và Tiếp nhận tất cả hạnh lành thuộc về Tuệ.
 Từng hạng mục trong ba giá trị trên cần phải được triển khai rộng thêm và diễn giải chi tiết hơn, nhưng việc triển khai hay diễn giải không thích hợp cho một tham luận hội nghị.
Câu hỏi có thể đặt ra: Vấn đề Hoằng pháp Tây nguyên nơi mà người dân tộc còn đang gặp khó khăn trong việc hiểu Phật giáo dưới dạng đơn giản nhất, tại sao lại giới thiệu kinh Hoa Nghiêm, một bộ kinh được xem là Tối thượng thừa, thường được cất cao trong tủ thờ Pháp bảo?
Xin được gợi lên hai hướng trả lời:’
1. Bản đồ 3 mà kinh Hoa Nghiêm vẽ ra không có phân làm hai, một bên là Tây nguyên và một bên là Đông hải. Tất cả là một tổng thể mà không có sự phân lập. Nếu cho rằng là có thì chỉ có một dãi Giang sơn gấm vóc mà tiền nhân đã khai phá và để lại. Thế hệ chúng ta đang góp phần bảo vệ và vun bồi thêm sức sống về mọi phương diện: Kinh tế, đạo đức, văn hóa, chính trị, xã hội.
2. Chữ Tín ở đây chính là chiếc cầu nối hiệu dụng giữa người Tây nguyên với Phật pháp bởi vì lòng tin có yêu cầu rất thấp đối với mặt bằng tri thức và các phương diện khác như kinh tế, đạo đức, văn hóa. Như vậy chữ Tín là khởi điểm thích hợp cho người Tây nguyên – niềm tin vào Đức Phật. Chữ Tín cũng là khởi điểm thích hợp cho nhân sự hoằng pháp – niềm tin vào ý nghĩa và kết quả cũng công việc hoằng pháp mà mình đang thực hiện. Kinh Hoa Nghiêm gợi lên rằng những nhà hoằng pháp hãy trò chuyện với người dân tộc bằng chính “ngôn ngữ” của họ, bằng chính cách nhận thức, cách tiếp cận của họ. Chữ “ngôn ngữ” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng.
 Thay lời kết:
Tây nguyên chính là một trong thước đo năng lực hoằng pháp của Ban hoằng pháp nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Phật giáo Tây nguyên là bộ phận cần thu hút được nguồn lực từ trung ương và nhờ đó phát huy được chức năng giữ vững địa bàn trải khắp đất nước của Phật giáo Việt Nam. Mặt khác, việc hoằng pháp ở Tây nguyên cũng làm gia tăng sức đề kháng của các sắc tộc Việt Nam đối với những thách thức thường trực như cái nghèo, cái kém nhận thức, cái mê tín, và những yếu tố ngoại lai đang ngày đêm len lõi quấy phá biên cương của Tổ quốc. Từ nhận định trên, người viết thấy rằng sự nghiệp Hoằng pháp ở Tây nguyên không phải chỉ thuộc về Ban hoằng pháp mà là của toàn thể thành viên, xuất gia và tại gia, của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thậm chí của tất cả những người có lòng
đối với dân tộc và quê hương Việt Nam thân yêu.
 
Phụ lục:
Một dị bản của bài kệ về chữ Tín do Thực-xoa-nan-đà dịch:
Dịch âm:
 Tín vi đạo nguyên công đức mẫu;/ Tăng trưởng nhất thiết chư thiện pháp./ Đoạn trừ nghi hoặc xuất ái lưu;/ Khai thị Niết bàn vô thượng đạo./ Tín vô cấu trược tâm thanh tịnh;/ Diệt trừ kiêu mạn cung kính bổn./ Diệc vi pháp tàng đệ nhất tài;/ Vi thanh tịnh thủ thọ chúng hạnh.
 
(1 ) qua lời dịch của Thiền sư Thích Duy Lực.
(2 ) (input dị bản)
(3 )dân số, văn hóa, giao thông, địa thế, chính trị
 
 
Chia sẻ với bạn bè qua: