Tống Dũng. 07:50:56 17-05-2018 (GMT+7).
Kích cỡ chữ:
Các ngày Lễ Phật giáo trong năm (theo Âm lịch)
Trong quá trình phát triển, tuy Phật giáo được phân chia thành nhiều hệ phái và tông phái khác nhau, nhưng những ngày lễ lớn của Phật giáo vẫn được duy trì, được tổ chức trọng thể trong từng quốc gia theo đạo Phật, đặc biệt là một số quốc gia xem Phật giáo là quốc giáo.
Trước đây, những quốc gia theo Phật giáo đều tổ chức lễ Phật đản vào ngày rằm tháng tư âm lịch. Trước năm 1963, ở Việt Nam, Phật giáo Bắc tông tổ chức lễ Phật đản kéo dài từ mồng 8 tháng 4 đến rằm tháng 4. Từ sau năm 1975, ngày lễ Phật đản ở Việt Nam được chính thức tổ chức vào ngày rằm tháng tư, cũng là ngày mở đầu cho mùa an cư kiết hạ của các tăng ni theo Phật giáo Bắc tông.
Theo kinh điển của Phật giáo Nam tông, ngày đức Phật đản sinh, thành đạo và niết bàn đều diễn ra vào ngày trăng tròn. Ngoài đại lễ mừng Phật đản sinh, trong năm từng hệ phái còn có ngày đại lễ riêng.
Đối với Phật giáo Nam tông, lễ hội rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng sáu, rằm tháng bảy và rằm tháng chín có ý nghĩa lớn. Lễ hội rằm tháng giêng có hai ý nghĩa chính: Đức Phật tuyên hứa và khẳng định với Ma vương ba tháng nữa sẽ nhập niết bàn, là ngày đại hội thánh tăng tại Trúc Lâm tịnh xá (Ấn Độ) Phật thuyết pháp cho 1.250 vị tỳ kheo.
Lễ hội rằm tháng tư của Phật giáo Nam tông kỷ niệm ngày Phật đản sinh. Đây là ngày trọng đại của Phật giáo trên thế giới và của Phật giáo Nam tông, kỷ niệm một lúc ba sự kiện Bồ tát đản sinh, Bồ tát thành đạo và Phật nhập niết bàn.
Lễ hội rằm tháng sáu là ngày Phật giáo Nam tông mở đầu mùa an cư kiết hạ, đánh dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp đạo pháp của Đức Phật.
Lễ hội rằm tháng bảy là ngày Phật giáo Nam tông tổ chức lễ Vu lan báo hiếu nhưng theo nghi thức của Nam tông.
Lễ hội rằm tháng chín đối với Phật giáo Nam tông là ngày mãn mùa an cư kiết hạ, là khởi điểm mùa dâng y Kathina trong vòng một tháng, từ 16.9 đến 15.10 âm lịch. Ngày này, Phật tử chuẩn bị vật phẩm cúng dường cho chư tăng. Tăng sĩ vui mừng vì ngày này đánh dấu thêm một tuổi đạo. Trong ngày này, tăng sĩ cũng nói rõ những sai lầm, khuyết điểm của mình, trước sự chứng minh của chư tăng để sám hối. Đây là hình thức sinh hoạt tốt đẹp, thể hiện tinh thần tập thể góp ý, phê bình. Cá nhân tiếp thu ý kiến và sửa đổi, không tái phạm.
Phật giáo Bắc tông tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu vào rằm tháng bảy. Đây cũng là ngày kết thúc mùa an cư kiết hạ. Ngoài những ngày lễ có liên quan đến các giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Đức Phật như lễ Phật đản, lễ Thích Ca thành đạo, Lễ Thích Ca nhập niết bàn, Phật giáo Bắc tông còn có những ngày Vía lớn dành cho các vị bồ tát như vía Đức Di Lặc đản sinh (1.1 âm lịch), Vía Đức Thích Ca xuất gia (8.2 âm lịch), Vía Đức Thích Ca nhập diệt (15.2 âm lịch), Vía bồ tát Quan Âm (19.2, 19.6, 19.9 âm lịch), Vía bồ tát Phổ Hiền (21.2 âm lịch), Vía bồ tát Chuẩn Đề (16.3 âm lịch), Vía bồ tát Văn Thù (4.4 âm lịch), Vía bồ tát Đại Thế Chí (13.7 âm lịch), Vía bồ tát Địa Tạng (30.7 âm lịch), Vía Phật Dược Sư (30.9 âm lịch), Vía Phật A Di Đà (17.11 âm lịch), Vía Đức Thích Ca thành đạo (8.12 âm lịch)…
Lễ nghi của Phật giáo Bắc tông và Nam tông cũng có sự khác biệt.
Phật giáo Nam tông có chín nghi thức hành lễ riêng biệt quan trọng như: nghi thức Quy y và thọ giới, nghi thức thờ Phật, nghi thức tụng kinh, nghi thức sám hối, nghi thức trai tăng, nghi thức thuyết pháp, nghi thức hành thiền, nghi thức khất thực, nghi thức hôn nhân.
Lễ nghi của Phật giáo Bắc tông có khác biệt, do không chủ trương đi khất thực và trong thờ phụng, do có quan niệm, ngoài thờ Phật còn có các vị bồ tát, các thần linh cần được sự hỗ trợ, nên nghi lễ trong Phật giáo Bắc tông có lễ cúng dành cho các vị bồ tát, cho những oan hồn uổng tử, không có thân nhân cúng bái. Mỗi chiều từ 16 giờ đến 17 giờ mỗi chùa theo hệ phái Bắc tông đều có buổi lễ cúng Môn Sơn thí thực dành cho cho những người này. Trong chùa còn có các nghi lễ như lễ Chúc tán (ca ngợi Phật và các bồ tát), lễ Bố tát (đọc giới luật cho những người thọ giới nghe), lễ Tự tứ (kiểm điểm trước tăng chúng)…
Nhìn chung, những ngày lễ lớn và những nghi lễ chính của Phật giáo là những sinh hoạt Phật giáo mang tính chung nhất trên thế giới, tuy có một ít khác biệt theo hệ phái Bắc tông và Nam tông, đã tồn tại hàng ngàn năm nay, tạo cho Phật giáo một sức sống bền bỉ, vững chắc.
THÁNG GIÊNG | |
Ngày mùng 1 | Ngày Đức Phật Di-lặc đản sanh; ngày tu tập và làm phước của toàn thể Phật tử, theo Bắc tông. |
Ngày rằm | Theo Nam tông, đây là ngày Pháp Bảo (Māghapūjā), kỷ niệm Đức Phật nói Kinh Giải Thoát Giáo (Ovādapāṭimokkha) và là ngày Đức Phật tuyên bố sẽ viên tịch. – Theo Bắc tông, ngày rằm thượng ngươn này là ngày lễ hội lớn, tu tạo các công đức. |
Ngày 22 | Tổ Thập Tháp (tức tổ Phước Huệ), Chứng Minh Đạo Sư, Hội Phật giáoTrung Phần, viên tịch. |
Ngày 30 | Tổ Khánh Anh, Pháp Chủ Tăng-già Việt Nam, nhiệm kỳ 2, viên tịch. |
THÁNG 2 | |
Ngày mùng 8 | Ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất gia, theo Bắc tông. – Vía tôn giả A-nan-đa , theo Bắc tông. |
Ngày rằm | Ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập diệt, theo Bắc tông. |
Ngày 19 | Vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, theo Bắc tông. |
Ngày 21 | Vía Đức Bồ-tát Phổ Hiền, theo Bắc tông. |
THÁNG 3 | |
Ngày 02 | Hòa thượng Thích Trí Thủ, ngày 02 tháng 4 năm 1984 |
Ngày 16: | Vía Đức Bồ-tát Chuẩn-đề, theo Bắc tông. |
THÁNG 4 | |
Ngày mùng 4 | Vía Đức Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. |
Ngày mùng 8 | Ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đản sanh và ngày lễ tắm Phật, theo Bắc tông. |
Ngày rằm | Theo Nam tông, đây là ngày Đại Lễ Tam Hợp hay còn gọi ngày Phật Bảo(Visākhapūjā) kỷ niệm ba sự kiện trọng đại của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni: đản sinh, thành đạo và viên tịch. Từ năm 1956, Phật giáo thế giới chọn ngày này làm ngày tưởng niệm đức Phật giáng sanh. |
Ngày 16 | Ngày an cư kiết hạ của Tăng Ni, truyền thống Bắc tông. |
Ngày 20 | Ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 11-6-1963) |
THÁNG 6 | |
Ngày rằm | Theo Nam tông, đây là ngày Đức Phật chuyển Pháp Luân tại Lộc Uyển, và là ngày an cư kiết hạ của chư Tăng, Nam tông. – Ngày Đại đức Thích Nguyên Hương vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 4-8-1963) |
Ngày 19 | Vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, theo Bắc tông. – Vía tổ Khánh Hoà, tổ thứ nhất của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam. |
Ngày 24 | Ngày Đại đức Thích Thanh Tuệ vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 13-8-1963) |
Ngày 26 | Ngày Sư Cô Thích Nữ Diệu Quang vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 15-8-1963) |
Ngày 27 | Ngày Đại đức Thích Tiêu Diêu vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 16-8-1963) |
Ngày 13 | Vía Đức Bồ-tát Đại Thế Chí. |
Ngày rằm | Ngày Tự tứ và Mãn hạ của Tăng Ni, cũng là ngày dâng cúng y công đức, và ngày đại lễ Vu-lan-bồn hay còn gọi là ngày báo hiếu công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, theo Bắc tông. |
Ngày 30 | Vía Đức Bồ-tát Địa Tạng Vương. |
THÁNG 9 | |
Ngày mùng 2 | Ngày Đại đức Thích Quảng Hương vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 5-10-1963). |
Ngày 11 | Ngày Đại Đức Thích Thiện Mỹ vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 27-10-1963). |
Ngày rằm | Ngày Mãn hạ và dâng y công Đức (Kathina) hay còn gọi là ngày Tăng Bảo, theo Nam tông. |
Ngày 19 | Vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, theo Bắc tông. |
Ngày 30 | Vía Đức Phật Dược Sư. |
THÁNG 11 | |
Ngày mùng 1 | Tổ Huệ Quang, Pháp Chủ GHPGVN, nhiệm kỳ I, viên tịch. |
Ngày 17 | Vía Đức Phật A-di-đà, theo Bắc tông. |
THÁNG CHẠP | |
NGày 8 | Vía Phật Thích-Ca thành đạo. |
Ngày rằm | Ngày Hiệp kỵ, tức ngày tưởng niệm các bậc tiền bối đã dày công xây dựng và phát huy đạo Phật Nguyên thủy tại Việt Nam. |
Ngày 20 | Hoà thượng Thích Thiện Hoa, viện trưởng Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN,viên tịch. |
PHỤ LỤC:
NGÀY TƯỞNG NIỆM CÁC CƯ SĨ TIỀN BỐI HỬU CÔNG
Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, pháp danh Thiều Chửu, nNgày 15.7.1954, tức ngày 16.6 năm Giáp Ngọ
Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám, ngày 23-4-1969 (nhằm 7-3 âl, năm Kỷ Dậu)
Cư sĩ Mai Thọ Truyền, ngày 17-4-1973 tức rằm tháng ba năm Quý Sửu
Cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu, ngày mùng 2 tháng 5 năm 1979, tức ngày mùng 7 tháng 4 năm Kỷ Mùi
Cư sĩ Đoàn Trung Còn, ngày 15 tháng 3 năm 1988 ngày 28 tháng Giêng năm Mậu Thìn
Cư sĩ Nguyễn Đăng Thục, ngày 3 tháng 6 năm 1999
(Tổng hợp bài viết từ https://thuvienhoasen.org và https://phapthihoi.org)
Thiện Đạo (Ban TTTT GHPGVN tỉnh Đăk Lắk)
Các tin đã đăng: