110 679
Tự Viện » Huyện Krông Păk
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 06:26:52 15-10-2016 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Đăk Lăk: Lịch sử Chùa Phước Hưng tọa lạc tại huyện Krông Păk

Đăk Lăk: Lịch sử Chùa Phước Hưng tọa lạc tại huyện Krông PăkChùa Phước Hưng toạ lạc tại Thôn 6B – Xã Hòa An – Huyện Krông Păk – Tỉnh ĐắkLắk, cách Thị trấn Phước An 3 km về hướng Đông Bắc
  • Địa điểm: tại Thôn 6B – Xã Hòa An – Huyện Krông Păk – Tỉnh ĐắkLắk
  • Tên gọi trước đây: Phật Giáo Thăng Tiến
  • Năm Khai Sơn: 1961
  • Người Sáng Lập: Phật tử địa phương
  • Trụ trì hiện nay: Sư cô Thích Nữ Tịnh Hoàng
  • Hệ Phái: Bắc tông
  • Các năm trùng tu: 1965, 1970, 1994
  • Điện Thoại: 05003.519.972 - 0946.143.669
Nhân Duyên Thành Lập:
Năm 1960, do chính sách di dân để lập ấp chiến lược của Ngô Đình Diệm, đưa dân các tỉnh miền Trung vào Tây Nguyên. Trong đó có bà con tại xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vào đây sinh sống. Những ngày đầu mới bước chân vào nơi đây tuy cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng tín ngưỡng cổ truyền và tín ngưỡng Phật giáo đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người, nhờ bản chất cần cù, chịu khó của người dân xứ Quảng dần dần cuộc sống ổn định thì một số bà con đã tìm đến với Đạo Phật.
Ban đầu có 15 hộ gia đình do đạo hữu Hồ Được, Nguyễn Khích và Đỗ Thí đứng ra thành lập NPĐ Phật giáo Thăng Tiến vào ngày 08/04/1961. Nhờ sự phát tâm của gia đình đạo hữu Đỗ Thí cho mượn ngôi nhà ở của mình để làm Niệm Phật Đường, là nơi bà con đến lễ bái cầu nguyện, NPĐ Phật giáo Thăng Tiến là tiền thân chùa Phước Hưng ngày nay.
NPĐ Phật Giáo Thăng Tiến ngày càng phát triển, số Phật tử ngày càng đông, vức nhỏ bé không đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy năm 1962 tiến hành làm chùa do đạo hữu Lại Quang Diệu chánh đại diện khởi xướng, lập thủ tục xin chính quyền cấp cho một lô đất rộng 3,7 hecta để làm chùa. Chùa gồm 3 gian mái tranh vách nứa, tổng diện tích 60m2, Chùa khánh thành ngày 15/03/1962 dưới sự chứng minh của ĐĐ Thích Quảng Hương và ĐĐ Thích Đạo Dung.
Năm 1965, do chiến tranh ác liệt chùa được di dời về khu dồn dân Thuần Hiếu 2 – Nay là khối 14, 15 Thị trấn Phước An. Còn khu chùa ngày trước nay là khu nghĩa địa của chùa Phước Hưng.
Năm 1970, chùa được di dời trở về ấp Thăng Tiến cũ, Ban Đại Diện do đạo hữu Trương Diêm làm thủ tục xin chính quyền cấp cho một lô đất rộng 12.144 m2 để làm chùa.
Tại đây chùa được xây dựng khá khang trang diện tích 84m2, vách ván, mái tôn, nền đá xi măng và cũng từ đây chùa được đổi tên là chùa Phước Hưng, dưới sự chứng minh của ĐĐ Thích Huệ Hương.
Năm 1994, chùa được trùng tu lai mái tôn thay bằng mái ngói, vách ván thay bằng gạch, nền lát gạch men và đã xây dựng thêm một nhà Tổ, một cổng Tam Quan kiên cố.
Các đời Chánh Đại Diện:
- Từ 1961 đến 1962: PT Hồ Được
- Từ 1962 đến 1965: PT Lại Quang Diệu
- Từ 1966 đến 1969: Võ Lúa – Pháp danh: Nguyên Để
- Từ 1970 đến 1972: PT Trương Diêm
- Từ 1972 đến 1975: PT Lại Quang Diệu
- Từ 1975 đến 1980: PT Võ Lúa – Pháp danh: Nguyên Để
- Từ 1980 đến 1983: PT Trà Cung
- Từ 1983 đến 1993: PT Trần Quang Nên – Pháp danh: Quảng Pháp
- Từ 1994 đến 2009: PT Nguyễn Đắc – Pháp danh: Quảng Túc
Hiện nay chùa đã có sư cô Thích Nữ Tịnh Hoàng trụ trì, lễ bổ nhiệm được tổ chức vào ngày 16 tháng 12 năm Mậu Tý (ngày 10/01/2009) dưới sự chứng minh của Chư Tôn Đức BTS tỉnh hội phật giáo tỉnh Đăk Lăk.
Chùa Phước Hưng tuy được thành lập rất lâu, đã qua nhiều lần di dời, cho đến nay chùa vẫn còn rất khiêm tốn chùa chưa có tiền đường vì chưa có kinh phí để trùng tu, nâng cấp, việc thờ phụng vẫn bình thường chùa thờ Bổn Sư Thích Ca, Bồ Tát Văn Thù Phổ Hiền và đức Phật Di Lặc Hậu Tổ thờ Tổ Sư Đạt Ma, Bồ Tát Địa Tạng và chư hương linh phật tử Hữu Công, cùng ký linh, ký tự.
Tại chánh điện tuy việc bài trí thờ phụng chưa được trang nghiêm nhưng có sự hiện diện của hai câu đối bằng Việt ngữ, cũng như tại Tổ Đường đã làm cho khách thập phương mỗi khi đến chùa đều cảm thấy thanh thản, an lạc.
Phật xuất thế độ người trong bể khổ.
Pháp ra đời cứu kẻ giữa sông mê.
Phật thuyết chơn kinh phước quả viên thành đăng bảo địa.
Tổ truyền tâm ấn hưng long chánh lý nhập huyền môn.
Ngoài ra trong khuôn viên chùa đã tu trí bảo tượng Bổn Sư Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên bằng chất liệu đá trắng, ngũ hành sơn và bảo tượng Tam Thế Phật bằng chất liệu xi măng cốt sắt, tất cả đều do Phật tử hỷ cúng.
Hiện nay chùa đang lưu giữ một vật kỷ niệm của thời chiến tranh để lại, là một vỏ quả bom cao 1m, đường kính 0,35m do Mỹ thả xuống năm 1965 mà không nổ. Năm 1975, Phật tử đem về cưa một đầu dùng làm quả chuông đồng công phu tại chùa, đến năm 2007 thì được thay thế bằng quả chuông đồng nặng 350kg. Như vậy quả bom mà chùa Phước Hưng dùng làm chuông cung phu đã được 32 năm. Trên đây là vài nét sơ lược về chùa Phước Hưng đã trải qua những bước thăng trầm của thời cuộc gần 50 năm tồn tại và phát triển từ chỗ ban đầu có 15 hộ Phật tử đến nay đã có hơn 400 hộ Phật tử, gần 1.500 Phật tử sinh hoạt tại chùa, được Ủy ban nhân dân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chùa là 12.144 m2. Được BTS Phật Giáo Tỉnh Đăk Lăk bổ nhiệm Sư cô Thích Nữ Tịnh Hoàng về trụ trì và hướng dẫn Phật tử tu học đúng Chánh Pháp.

Ban Văn Hóa & Thông Tin Truyền Thông Phật Giáo Tỉnh Dak Lak
Chia sẻ với bạn bè qua: