910 647
Phật Học » Thiền Tông
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 15:38:59 26-04-2018 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Thiền tông là cội gốc của đạo Phật

Thiền tông là cội gốc của đạo PhậtChúng tôi là những người tu thiền ở Việt Nam, nhưng thời chúng tôi không được sự kế thừa của các vị Tổ trong Ngũ gia tông phái ở Trung Quốc. Song tôi quyết tâm tu thiền nên dồn hết sức mình vào việc nghiên cứu tu Thiền. Điều đáng tiếc là Thiền tông Việt Nam đã vắng bóng gần một thế kỷ, nên chúng tôi phải tự tra cứu, học hỏi trong kinh sách và lịch sử để tìm ra một lối tu.
Riêng tôi, trước hết tôi tu Lục diệu pháp môn, là phương pháp của Thiền sư Trí Khải ở Trung Hoa, lấy đó làm cương lĩnh ban đầu. Lục diệu pháp môn gồm có sáu pháp: Sổ tức, Tùy tức, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Khi đi sâu vào tu hành, chúng tôi cũng có tiến bộ đôi chút. Dù vậy, tôi rất băn khoăn, muốn thấu hiểu được đường lối tu thiền của chư Tổ để ứng dụng tu, đồng thời kế thừa sự nghiệp của những bậc tôn túc thời trước. 
 
Nhưng khi nghiên cứu thiền của chư Tổ chúng tôi thấy rất khó, đọc tác phẩm của các Ngài không hiểu gì cả. Như câu chuyện Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, ngồi xoay mặt vào vách chín năm. Sau đó có một người tên Thần Quang đến xin tu tập và được Tổ nhận cho làm đệ tử đổi tên thành Huệ Khả, luôn theo hầu Tổ. Một hôm, Ngài Huệ Khả bạch với Tổ Đạt-ma: “Bạch Hòa thượng, tâm con không an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm”. Tổ Đạt-ma bảo: “Đem tâm ra ta an cho”. Ngài Huệ Khả tìm lại tâm mình, tìm mãi không được, bèn thưa: “Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi!”. 
 
Câu chuyện đối đáp giữa hai thầy trò, chúng tôi mò mẫm mãi không ra. Tại sao Tổ bảo đem tâm ra ta an cho, rồi ngài Huệ Khả thưa tìm tâm không được, Tổ liền nói: “Ta đã an tâm cho người rồi !”. Lời nói đó bí ẩn ở chỗ nào mà tôi đọc mãi không lãnh hội được, còn ngài Huệ Khả nghe câu đó lại biết lối vào. Điều này ngày xưa chúng tôi rất đau đầu, nghĩ mãi không ra. Thời gian sau, đủ duyên nhập thất tu, tôi cũng đọc đi đọc lại câu chuyện đó, bỗng dưng thấy được lối vào của Tổ Huệ Khả. 
 
Nghe câu chuyện trên chúng ta lấy làm lạ, tại sao các ngài không dạy một pháp an tâm mà lại bảo “đem tâm ra ta an cho”? Chúng ta lâu nay cứ nghĩ rằng tâm là cái suy nghĩ, phân biệt tốt xấu, phải quấy của mình. Vì vậy khi ngồi thiền, tâm đó chạy nghĩ tứ tung khiến cho ta bất an. Lúc Tổ Đạt-ma bảo “Đem tâm ra ta an cho”, đó là lời nói của một vị Tổ siêu thoát, phi thường nên Ngài Huệ Khả không dám xem thường. Ngài liền xoay tìm cái tâm lăng xăng của mình. Khi tìm Ngài không thấy hình bóng của nó nữa, tức nó đã lặng. Thế nên Tổ Đạt-ma bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi!”. 
 
Tu Thiền theo Tổ Đạt-ma là cốt quay lại tìm xem cái tâm nghĩ suy lăng xăng đó ở đâu, thật hay giả. Phương pháp này danh từ chuyên môn gọi là “Phản quan tự kỷ”. Bởi vì chúng ta mê lầm tâm hư dối bóng dáng là tâm mình, nên lâu nay bị nó dẫn chạy ngược chạy xuôi. Giờ đây, nhìn kỹ lại nó tan biến. Đó là lối tu của Tổ Đạt-ma dạy, không có trong kinh điển. Vì vậy được gọi là “Giáo ngoại biệt truyền”, tức truyền ngoài giáo lý. Đây chính là chân tinh thần của Thiền tông. 
 
Chúng tôi lãnh hội được yếu chỉ đó, nên ứng dụng tu và dạy Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tu thiền như thế. Nghĩa là phải nhìn tường tận những tâm niệm vừa dấy khởi, liền biết nó là vọng tưởng hư dối, không theo thì nó tự lặng. Khi nào nó mạnh, làm ồn thì chúng ta phản quan lại, xem nó xuất phát từ đâu, khi đó nó mất tăm mất dạng. Ngài Huệ Khả nhận được yếu chỉ đó rồi, tu một thời gian và trình với Tổ Đạt-ma: “Hiện con đã dứt hết các duyên”. Tổ Đạt-ma bảo: “Coi chừng rơi vào không”. Ngài Huệ Khả thưa: “Rõ ràng thường biết, làm sao không được”. Tổ Đạt-ma liền ấn chứng cho ngài Huệ Khả. 
 
Chúng ta thấy đường lối tu của Thiền tông là phải làm sao dứt bặt tâm duyên theo ngoại cảnh. Tâm đó lặng hết, thì cái rõ ràng thường biết hiện tiền, đó là gốc của tu thiền. Khi sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sáu trần bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà không dính không nhiễm, lúc đó chúng ta được an tâm. 
 
Sau này, Lục tổ Huệ Năng nhân nghe Ngũ tổ dạy kinh Kim cang, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa là không có chỗ trụ mà sanh tâm kia, Ngài bừng sáng liền tỉnh ngộ, thốt lên rằng: “Đâu ngờ tâm mình xưa nay thanh tịnh. Đâu ngờ tâm mình xưa nay trùm khắp. Đâu ngờ tâm mình hay sanh muôn pháp”… Lục tổ biết rõ khi tâm không chạy theo, không dính mắc với sáu trần thì đó là tâm an nhiên, thanh tịnh, trong sáng, hằng hữu của chúng ta, nhưng lâu nay mình quên. Giờ đây, không dính với sáu trần nữa nên nó hiển lộ ra, chính là thể thanh tịnh sẵn có xưa nay của chúng ta. 
 
Nghe thế Ngũ tổ biết ngài đã triệt ngộ liền truyền tâm ấn và trao y bát cho, rồi dạy ngài về phương Nam giáo hóa. Trên đường Tổ trở về phương Nam, có một đoàn người đuổi theo để giành lại y bát trong đó có Thượng tọa Minh đuổi theo kịp. Thấy vậy, Tổ Huệ Năng liền để y bát trên một tảng đá, rồi chui vào bụi cây trốn. Thượng tọa Minh tới thấy y bát mừng quá liền ôm lên, nhưng ôm không nổi, buộc lòng kêu lên: “Hành giả! Hành giả! Tôi đến đây vì pháp chứ không phải vì y bát”. Nghe vậy, Tổ từ trong bụi cây chui ra, bảo: “Nếu ông đến đây vì cầu pháp, thì hãy đứng yên lặng, ta sẽ nói cho”. Khi Thượng tọa Minh đứng yên lặng giây lâu, Tổ bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?”. Ngay câu nói đó, Thượng tọa Minh liền lãnh hội được. Bởi vì tâm vừa nghĩ lành, vừa nghĩ dữ là đã loạn rồi, là tâm vọng tưởng. Một khi khởi nghĩ thì luôn luôn là đối đãi, mà đối đãi là sanh diệt. Không còn mắc kẹt trong đối đãi nữa thì khuôn mặt thật muôn đời sẵn có của mình hiện bày. Cho nên Thiền sư Vô Nghiệp, khi có người hỏi bất cứ câu gì, ngài chỉ trả lời: “Chớ vọng tưởng!”. 
 
Tinh thần Thiền này truyền mãi đến Việt Nam vào thế kỷ thứ mười ba. Vua Trần Nhân Tông, khi đi tu Ngài lên núi Yên Tử, lập một hệ phái tên là Trúc Lâm Yên Tử. Ngài có làm bài phú “Cư trần lạc đạo”. Trong đó, câu chót thế này “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Nghĩa là đối với cảnh mà không có tâm dính mắc thì đừng hỏi thiền chi nữa, vì ngay đó là thiền rồi. Đối với cảnh mà tâm không dính mắc tức là chỗ kinh Kim cang bảo sáu căn đừng dính với sáu trần. Do không dính mắc với sáu trần nên tâm an định. Đó là Thiền. Như vậy, Thiền của Thiền tông là cốt không cho tâm dính mắc với sáu trần. Đó là gốc, là đường lối căn bản của nhà Thiền. 
 
Trước khi xuất gia, vua Trần Nhân Tông đã được học với ngài Tuệ Trung thượng sĩ. Khi sắp trở về lên ngôi Thái tử, Ngài hỏi Tuệ Trung chủ đích của thiền là gì. Tuệ Trung đáp thế này: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, nghĩa là nhìn lại mình là phận sự chính, đừng chạy ra bên ngoài. Quay lại ngay nơi tâm mình đó là bổn phận chính của người tu thiền, không thể hướng bên ngoài mà được. Ngay câu đó, nhà vua lãnh hội được yếu chỉ thiền. Phương hướng tu hành của Thiền tông là phải biết xoay lại nơi mình để nhìn thẳng nội tâm, biết cái gì hư dối buông xả, cái gì chân thật nhận lại, chứ không có gì xa lạ hết. 
 
Tại sao tôi nói Thiền là cội gốc của đạo Phật? Bởi vì trong kinh A-hàm, Đức Phật dạy người tu hiền phải quán Tứ niệm xứ. Quán Tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Bốn pháp quán ấy đều xoay lại mình, để thấy cho tường tận cho đúng. Như vậy tu Thiền theo giáo lý Nguyên thủy cũng phải phản quan. 
 
Nếu tu Thiền theo kinh Kim cang thì không cho sáu căn dính mắc với sáu trần. Rõ ràng kinh Phật từ hệ Nguyên thủy cho đến hệ Bắc tông đều dạy phải xoay lại, tự quán chiếu chính mình và tự gìn giữ, đừng để tâm phóng theo sáu trần. Cho đến kinh Lăng nghiêm thuộc Bắc truyền, có một đoạn kể lại ngài A-nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, cái gì là cội gốc của sanh tử luân hồi? Cái gì là cội gốc của Bồ-đề Niết-bàn?” Đức Phật im lặng. Lúc đó mười phương chư Phật đồng thinh bảo rằng: “Cội gốc luân hồi sinh tử là sáu căn của ông. Cội gốc Bồ-đề Niết-bàn cũng là sáu căn của ông”. 
 
Như vậy, từ kinh Phật cho đến đường lối Thiền tông của chư Tổ rất phù hợp, rất thích ứng nhau. Vì vậy chúng tôi mới quả quyết Thiền tông là cội gốc của đạo Phật. Ngày nay chúng tôi cũng căn cứ theo đó tu và hướng dẫn Phật tử hâm mộ tu Thiền cùng tu. Do tính khế hợp từ Đức Phật cho đến chư vị Tổ sư nên tôi nói “Thiền là cội gốc của đạo Phật”. Mong tất cả ghi nhận và hiểu đúng điều này. Được vậy, chúng ta sẽ vững niềm tin hơn trong pháp tu Thiền của mình.
HT.Thích Thanh Từ
Nguồn: Giacngo.vn
Chia sẻ với bạn bè qua: