210 903
Nghiên Cứu » Các Tông Phái
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 14:12:09 05-11-2014 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Phật giáo Nguyên Thủy Nam Tông và Nam tông KHMER Luôn hòa nhập-đồng hành cùng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trong tiến trình phát triển của Lịch sử Dân tộc.

Phật giáo Nguyên Thủy Nam Tông và Nam tông KHMER
Luôn hòa nhập-đồng hành cùng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Trong tiến trình phát triển của Lịch sử Dân tộc.

Quá trình hình thành & phát triển của Phật giáo nguyên thủy-Nam tông: Đạo Phật du nhập vào đất nước ta đã trên hai mươi thế kỷ nay, trải qua biết bao gian lao thử thách và các bước thịnh suy của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo nguyên thủy – Phật giáo Nam tông và Nam tông Khmer nói riêng, luôn hài hòa với nền tảng đạo lý, văn hóa dân tộc, tích cực tham gia, đồng hành cùng sự trường tồn và hát triển của đất nước. Từ hơn ba mươi năm trước đây (1981), Phật giáo Nam Tông Khemer là một trong chín tổ chức hệ phái tham gia thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, sau khi nước nhà được hoàn toản giải phóng, đất nước thống nhất giang san thu về một mối; Tích cự thực hiện phương châm Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ nghĩa Xã hội của Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử tìm về nguồn cội, chúng ta được biết Phật giáo Nam tông tại Việt Nam có hai hệ, xuất phát từ hai nguồn chính:
      Một là : Phật giáo Nam tông Khmer, xuất phát từ truyền thống hành trì của phật giáo trong cộng đồng người Việt gốc Miên, duy trì tập quán từ thế kỷ XIII đến nay, chủ yếu tập trung ở khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ ngày nay. Bao gồm một hệ thống chùa tháp với kiến trúc khá độc đáo củả nền  văn hóa Ốc Eo & phật giáo Khmer; Ngôi chùa và vị sư sãi có vị trí quan trọng, có ấn tượng rất đậm nét trong đời sống tinh thần và văn hóa trong cộng đồng dân cư; Hệ thống trường lớp Phật Học ở các chùa, Khu vực và tiêu biểu là Học Viện Phật giáo Nam Tông Khmer được thành lập và hoạt đông có hiệu quả mấy năm qua, Chứng tỏ sự phát triển nhanh chóng vai trò của Nam Tông Khmer trong xã hội và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp với Hệ phái Phật giáo này. Chúng ta sẽ còn nhiều dịp tiếp tục nghiên cứu, giới thiệu, và quảng bá rộng rãi, sâu sắc hơn về hệ phái Phật giáo nguyên thủy Nam tông này..
       Hai là : Phật giáo Nam tông trong cộng đồng người Việt, mới được du nhập vào Việt Nam khoảng những năm cuối thập kỷ ba mươi của thế kỷ XX; Do Ngài Hộ Tông, nguyên là một thày thuốc Việt Nam sang  hành nghề ở Nam Vang, sau đó xuất gia tu hành theo truyền thống Nam tông Khmer, rồi trở về nước, hoằng truyền Phật pháp, phát triển Phật giáo Nam tông trong cộng đồng người Việt ở Sài Gòn-Gia Định và các tỉnh Nam bộ rồi phát triển dần ra Huế, các tỉnh Trung Bộ và lên các tỉnh Tây Nguyên. So với lịch sử hai mươi thế kỷ du nhập, đồng hành phát triển cùng Dân tộc của Phật giáo Việt Nam thì với thời gian bảy chục năm thì thật quá ngắn ngủi. Nhưng qua những phật sự thực tiễn trong quà trình từ buổi du nhập, tồn tại, phát triển của mình trong xã hội và vận động thu hút được khá đông đảo phật tử thuần thành; Phật giáo Nam tông cũng đã có những đóng góp nhất định vào thành tựu chung của Đại gia đình  Phật giáo Việt Nam. Nhìn lại bối cảnh của thời điểm du nhập vào việt Nam của Phật giáo Nam tông; Chúng ta thấy đây là giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng và nhạy cảm của cả Dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Lúc đó là thời kỳ Đảng Công Sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã tồn tại phát triển được mươi năm. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam mà điểm hội tụ là thành phố Sài Gòn – Gia Định đang diễn ra những cao trào đấu tranh cách mạng hào hùng của mọi tầng lớp nhân dân trong  công cuộc kháng chiến kiên cường chống lại sự xâm lược, bóc lột của đế quốc thực dân để dành lại Độc lập tự do cho Tổ quốc. Chính từ bối cảnh đó đã tạo nên cơ duyên thuận lợi cho quá trình hội nhập nhanh chóng, phát triển nhịp nhàng của Phật giáo Nam tông trong vân hội chung của Tổ quốc, sánh vai cùng các hệ phái khác trong cộng đồng, góp phần xây dựng Phật giáo Việt Nam trờ thành một tôn giáo chân chánh, phù hợp với truyền thống đạo lý, văn hóa tâm linh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Nhờ đó mà dù trải qua các triều đại cùng các bước thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng sự nghiệp xây dưng – bảo vệ Tổ quốc cho đến bước phát triển ngày nay.
 Nghiên cứu về Phật giáo Nam Tông du nhập, hiện diện, phát triển trên đất nước Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến công lao khai sơn phá thạch từ những buổi ban  đầu của quý vị chư Tăng, Phật tử, thiện hữu trí thức là những Việt kiều sinh sông trên đất nước chùa tháp Campuchia. Họ đã giao lưu kết hợp với một số phật tử nhiệt thành ở trong nước, từng bước xây dựng nền móng cơ sở ban đầu của Phật giáo Nam Tông tại Việt Nam. Đó là quý vị chư tăng và cư sĩ thiện hữu tri thức tiêu biểu; đầu tiên phải kể đến Bác sỹ thú y Lê Văn Giảng, sau này là Hòa thượng Hộ Tông,; Tiếp đó phải nói đến ông Nguyễn Văn Hiếu cùng gia đình bạn bè thân hữu đã tích cực hộ pháp cho các vị Chư Tăng khác như các Hòa thượng Bửu Chơn,Thiện Luật, Giới Nghiêm, Ân Lâm, Tối Thắng..
 Trong giai đoạn đầu tại Việt nam, các vị cư sỹ Nam Tông chỉ tập trung vào việc hướng dẫn tu tập thiền quán, biên dịch Kinh sách, thuyết giảng phật pháp, hướng dẫn cho phật tử sơ cơ tu học giáo lý chánh truyền của đức phật, để giúp họ loại bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan không phù hợp với tín ngưỡng chánh pháp của đạo Phật; Tìm địa điểm thích hợp để xây dựng cơ sở tòng lâm tự viện; Đơn giản hóa trong cách thờ phụng và nghi lễ cúng kiếng, không rườm rà cầu kỳ gây phiền hà cho phật tử bá tánh khi đến chùa lễ Phật.
Điểm đáng chú ý là cách thức thờ phụng đơn giản nhưng uyên thâm, trên chánh điện thường chỉ thờ duy nhất một tương Phật Thích Ca Mâu Ni; Các vị tăng tu tập theo truyền thống nguyên thủy, kinh tạng Pali không độ chay mà dùng tam tịnh nhục, không ăn chiều mà chỉ độ ngọ, trong nghi lễ các vị không sử dụng chuông, mõ để ngân nga cúng kiếng..Vì duy trì truyền thống tu tập giống như các nước Phật giáo Nam Tông trên thế giới, nên trong những buổi ban đầu Hòa thượng Hộ Tông và các vị Tăng sỹ, cư sỹ khác đã gặp không ít định kiến khó khăn. Lý do là các vị tăng sỹ, phật tử người Việt đã quen hình thức tu tập theo Phật giáo Bắc tông có hàng ngàn năm lịch sử, vấn đề khác biệt giữa sự ăn chay và ăn theo tam tịnh nhục..Đã khiến các vị tiền bối của Nam tông tốn không ít thời gian để thuyết phục, giảng giải cho các vị tăng sỹ, phật tử tông phái khác và bá tánh hiểu lại cho đúng theo tinh thần kinh diển truyền thống và lời dạy nguyên thủy của Đức Phật. Đề cập đến vấn đề này, người viết chợt nhớ đến một đoạn trong “Hành Trạng Thượng Sỹ” của Sơ tổ Trúc Lâm : “ Riêng tôi nay cũng nhờ ơn Thượng Sỹ (Tuệ Trung Thượng sỹ-Trần Tung) dạy dỗ, lúc chưa xuất gia, gặp tuần tang của Đinh Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân thỉnh Thượng sỹ, Ngài trao cho tôi hai quyển Lục Tuyết Đậu và Dã Hiên. Tôi thấy lời nói thế tục quá, bèn khởi tâm trẻ con trộm hỏi rằng: chúng sinh do nghiệp uống rượu, ăn thịt, làm sao thoát khỏi tội báo. Thượng sỹ đã dùng bài Kệ giải rõ: “ Ăn rau cùng ăn thịt, Chúng sanh mỗi sở thuộc. Xuân về trăm cỏ xanh,  Chỗ nào thấy tội phước? Ngài còn dặn nhỏ tôi “Chớ bảo cho hạng người không ra gì biết”. Tôi thấy môn phong của Thượng Sỹ cao vót. Một hôm tôi xin hỏi về “Bổn phận Tông chỉ”. Thượng sỹ đáp : “ Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (soi lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được). Nghe xong tôi thông suốt được đường vào, bèn vén áo thờ làm Thày”..Qua đó giúp cho chúng ta hiểu rõ thêm, vấn đề quan trong nhất của người tu hành là cốt cách, bản lãnh, phẩm hạnh của người tu hành, để có thể vận dụng linh hoạt trong thực tiễn, theo đúng lời chỉ dạy của Đức Phật là “Tùy duyên bất biến-bất biến tùy duyên”      
          Chính từ những sinh hoạt đặc thù nguyên thủy đó đã thu hút sự chú ý của  nhiều người, rồi cảm kích, tin theo ngày một đông đảo; Vì vậy tuy hiện diên tại Việt Nam chưa lâu nhưng Phật giáo Nam tông đã ăn sâu bám rễ trong xã hội, phát triển nhanh chóng cả về số lượng chư Tăng, tín đồ phật tử và các cơ sở tự viện  ở Sài Gòn-Gia Định, các tỉnh miền Tây đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Trung Bộ. Trong đó  ngôi chùa BỬU QUANG TỰ là Tổ đình đầu tiên của Phật giáo Nam Tông, tọa lạc tại xã Tam Bình huyện Thủ Đức ( nay là 171/10 Quốc lộ IA, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) được xây dựng từ cuối năm 1937. Có thể coi đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận những cố gắng và thành quả ban đầu của chư Tăng và Phật tử trong quá trình vận động cho sự hình thành phát triển của Phật giáo Nam Tông tại Việt Nam từ những ngày đầu “Khai sơn phá thạch”. Người viết bài này có cơ duyên đã đôi lần được đến thăm chùa Bửu Quang, đồng thời là trụ sở tòa soạn của “Tạp chí Phật giáo Nguyên Thủy”. Sau hai buổi chiều được hướng dẫn tham quan các di tích củ còn in dấu thời gian và các công trình mới xây dựng như các vườn tháp, am cốc của hai khu nội viện Tăng và Ni mà ở đây thường gọi là “nữ tu”; Tôi đã có dịp đến vấn an, tham vấn nhiều vị Tăng cao tuổi quê ở cả Bắc-Trung –Nam và nước ngoài về tu tâp, nhập thất ở đây, trong đó có Hòa thượng Giác Đăng đã 87 tuổi (tuổi Mậu Thìn – hơn tôi một con giáp), nhưng vẫn còn mạnh khỏe, rất tinh tường minh mẫn; Trước lúc chia tay, Cụ còn sách tấn và ghi tặng tôi cuốn “Chọn Đường Tu Phật”  của Cư Sỹ Trùng Quang, với lời đề tặng , nét chữ rất khoáng đạt chân phương. Tôi cũng đã đến thăm “Thư viện Phật giáo Nguyên thủy Theravada” khá ngăn nắp và đủ loại sách Phật học cho đông đảo phật tử đến đọc và mượn sách về nhà. Tại đây tôi đã được Cư sỹ Nguyễn Văn Bính, phụ trách Thư viện và là Phó Thư ký Tạp chí PGNT cung câp cho một số Tập San PGNT, có rất nhiều tư liệu bổ ích, bổ sung cho bài tham luận tại Hội Thảo khoa học về Phật giáo Nam Tông Khmer sắp tới. Tôi cũng đã có một đêm nghỉ tại Thất khách của chùa Bửu Quang, đã được trải nghiệm cùng các thời khóa tụng niệm theo Kinh Pali của Tăng ni Phật tử vào buổi tối, sáng sớm. Và đặc biệt có nhiều giờ đàm đạo, trao đổi với Tiến sỹ, Đại Đức Thiện Minh, Phó Tổng Biên Tập kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí PGNT về phật Giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam tông, Nam tông Khmer nói riêng trong việc duy trì, phát huy giá trị đạo đức văn hóa tốt đẹp của Phật giáo nước nhà; Vần đề giao lưu trao đổi kinh nghiệm tu tâp giữa các chùa theo truyền thống của Nam tông Khmer và Nam tông Kinh; Để có thể góp phần tích cực, hài hòa hơn trong tiến trình xây dựng  nền Văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tiếp tục phát huy tuyền thống Văn hiến Việt Nam trong quá trình hội nhập của thời đại mới. Được biết ông còn là ủy viên HĐTS của TƯ GHPGVN và THPGVN tp HCM, quận Thủ Đức; là Giảng sư cao cấp trẻ (sinh 1970) của Ban hoằng pháp TUGHPGVN, nên qua đàm đạo, tôi rất đồng cảm với nhiều ý tưởng mới trong các hoạt động Phật sự hoằng dương Phật pháp và trong việc xây dựng, quản lý các tự viện mà ông đang đảm trách.
        Từ chùa Bửu Quang, tôi có cơ duyên được đến thăm chùa Bửu Long gần đó, nơi có Tịnh thất của Ngài Hộ Tông xưa kia; để có dịp tìm  hiểu về Hành trạng của một Bậc Cao Tăng của Phật Giáo Nguyên  thủy Việt Nam thế kỷ XX. 
            Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông (Maha Thero Vansarakkhita)
         Ngài có thế danh là Lê Văn Giảng, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1893, tại làng Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nay thuộc tỉnh An Giang; xuất thân từ một gia đình trí thức trung lưu, song thân là những người thuần thành mộ đạo. Thiếu thời, ngài theo gia đình sang lập nghiệp tại Nam Vang. Năm 16 tuổi, ngài được tuyển vào học tại trường Trung học College Sisowath. Sau khi đậu bắng Thành trung ( Diplome) thì được tuyển vào làm việc tại các Sở Bưu điện, Giáo dục Nam Vang , rồi xây dựng gia đình. Sau đó Ngài về Hà Nội học ngành thú y. Khi tốt nghiệp lại trở về Nam Vang làm bác sỹ thú y. Năm 1934, Ngài được chỉ định về làm việc tại tỉnh Soay Riêng, giáp biên giới Việt Nam. Từ đây Ngài phát tâm tìm hiểu đạo Phật, tu tập tìm đường giải thoát, đã trải nghiệm nhiều phương pháp ép xác khổ hạnh, tuyệt dục, Niệm chú, niệm Phật. Nhưng đều không có kết quả. Nhờ có duyên lành đưa dẫn Ngài đến chùa Unalom, gặp được vị Phó Vương Cam Bốt, đồng thời là Giám đốc Trường Cao đẳng Pali tại Nam Vang. Sau khi nghe vị sư thuyết giảng về Bát Chánh Đạo Ngài cảm thấy sáng láng phấn chấn hẳn lên. Ngài tìm đến Thư viện  chùa Unalom tìm đọc cuốn Bát Chánh đạo bằng tiếng Pháp. Ngài đọc một cách say mê và quyết tâm tu hành theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravada, tích cực học tập các kinh điển Pali. Ngài cũng được một vị thiền sư chỉ dạy  Pháp quán hơi thở “anapanasati”, ít lâu sau Ngài đã đạt nhiều kết quả trong việc nhập định. Trong thời gian này Ngài thường về Việt Nam để dạy Thiền, truyền đạo ở vùng biên giới; Tạo được mối quan hệ thân hữu với các cư sỹ, thiện tri thức ở Sài Gòn-Gia Định, trong đó có ông Nguyễn Văn Hiếu là một đạo hữu chí tình, hết lòng ủng hộ, khuyến khích con đường hoằng đạo của Ngài. Năm 1939, Ông tìm được một thửa đất ở vùng Gò Dưa để lập một ngôi chùa cho người Việt có nơi tu hành theo hệ phái Nam tông Phật giáo nguyên thủy.
        *  Năm 1940, được sự đồng thuận của gia đình; Ngày 15/10/1940 Bác sỹ Lê Văn Giảng chính thức xin xuất gia với vị  Phó Tăng Thống Cam Bốt với Pháp danh là Hộ Tông ( Vansarakkhita) và được ông Nguyễn Văn Hiếu và cư sỹ, Phật tử trong nước mời về Trụ trì ngôi chùa mới xây cất tại Thủ Đức. Sau đó Ngài Hộ Tông đã mời được Hòa thượng Chuon Nath là Tăng Thống Cam Bốt cùng Đoàn Tỳ khưu gồm 30 vị sang làm lễ Kết giới Sima và đặt tên chùa là Bửu Quang (Ratana Ramsayarama). Từ đó Ngài Hộ Tông cùng các vị Tỳ Khưu khác của Việt Nam như các ngài Bửu Chơn, Thiện Luật, Huệ Nghiêm..bắt đầu truyền giảng Phật pháp Nguyên thủy cho đồng bào Phật tử người Việt ngay trên quê hương mình và duy trì , tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.
          *  Năm 1944, Ngài Hộ Tông thực hành chuyến du tăng sang Cam Bốt theo hạnh đầu đà, độc cư, hành thiền, chu du khắp nơi chốn rừng sâu thanh tịnh, trải nghiệm thấu hiểu sâu sắc. Đến năm 1949 Ngài mới trở lại Việt Nam. Thời điểm này chùa Bửu Quang đã bị quân pháp tàn phá từ năm 1947. Ngài cùng Ông Nguyễn Văn Hiếu, tìm mua một thửa đất trống ở khu vực Bàn Cờ, quận 3, Sài Gòn, rồi xúc tiến xây dựng một ngôi chùa khác lớn hơn tại trung tâm thành phố để thuận tiện cho đông đảo phật tử đến tu tập.  Chùa được hoàn thành vào năm 1950 và được đật tên là Chùa Kỳ Viên ( Jetavana Vihara). Sau đó tiếp tục xây dựng, trùng tu lại chùa Bửu Quang vào năm 1952.
           *  Năm 1954. Ngài cùng Hòa thượng Bửu Chơn đi tham dự Đại hội Kết tập Tam Tạng Pali lần thứ VI tại Rangoon, Miến Điện. Ngài Hộ Tông đã có bài diễn văn quan trọng trong Lễ bế mạc Đại hội. Sau đó Ngài có cuộc hành hương thăm các Thánh tích tại Ấn Độ, tham dự các khóa tu tập về hành thiền và kinh điển Pali tại Tích Lan và Thái Lan.
           *  Ngày 18 tháng 12 năm 1957, Giáo hội Tăng già Việt Nam được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Ký Viên, Ngài Hộ Tông được toàn thể Chư Tăng suy cử làm TĂNG THỐNG của Giáo Hội Tăng già Nguyên thủy VN  khóa I.
           *   Năm 1980 Ngài sang Pháp, nhưng chỉ một năm sau, năm 1981 Ngài trở lại Việt Nam, ngụ tại chùa Bửu Long, Thủ Dức. Dù tuổi cao, Sức yếu, Ngài vẫn rất minh mẫn và tu hành nghiêm cẩn; hướng dẫn, giảng dạy cho hàng  đệ tử về Pháp hành thiền quán niêm hơi thở; Ngài vẫn ra công giúp tu bổ xây dựng chùa.
           *  Ngày 25 tháng 8 năm 1981 ( Nhắm ngày 26 tháng  7 năm Tân Dậu), vào lúc 16 giờ 45 phut, Ngài an nhiên viên tịch. Trụ thế 89 năm, Hạ lạp 41 năm. Nhục thân của Ngài được hỏa thiêu tại chùa Bửu Long, chư tăng đã lập Tháp thờ Ngài tại đây.
          Trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ, từ khi còn là một cư sỹ – Thiện hữu trí thức thấm nhuần Phật pháp, đến khi xuất gia tu hành, Trở thành vị Tăng thông đâù tiên của Giáo hội Tăng Già Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam ; Trải qua bao bước thăng trầm, Ngài luôn tận tụy, bình thản ,trọn đời sống cho Đạo, Vì Đạo pháp và Dân tộc; Sưu tầm, soạn thảo Kinh sách, khuyến khích xuất gia tu hành. Xây dựng thêm chùa, truyền giảng  giáo pháp. Ngoài hai ngôi chùa đầu tiên của Tổ đình là Bửu Quang và Kỳ Viên, ngài còn trực tiếp tham gia và đóng góp xây dựng  Chùa Nguyên thủy Phật Giáo khác ở nhiều nơi khác như Bửu Long-Thủ Đức, Tịnh Xá Định Quang, Bồ Đề-Vũng Tàu, Chùa Nguyên Thủy ở quân II.v.v.  Ngài đã để lại cho hậu thế Hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Nam tông nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung một nền tảng, kho tàng tâm linh vô giá.
Hàng năm cứ đến ngày 26 tháng 7 Âm lịch, đông đảo Tăng Ni, Phật tử hệ phái Nguyên thủy vẫn vân tập về ngôi chùa Bửu Long để tưởng niệm công đức vô lượng của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông – Vị Tăng Thống đầu tiên của Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
 Tài liệu tham khảo :
 -  Phật giáo Nam Tông tại Đông Nam Á – TT Học liệu Phật giáo.
 - Kỷ yếu các HTKH Phật giáo & lịch sử.
 -  Các số Tâp San và Tạp chí Phật giáo nguyên thủy.
 -  Theo dấu chân xưa – Giảng sư ĐĐ,TS Thiện Minh, NXB Hồng
     Đức – 2013. Và nhiều TL khác.
 
NNC Tuệ Khương.
                                                                     Viện Nghiên cứu Phật học VN.
 
 
Chia sẻ với bạn bè qua: