1010 456
Văn Hóa » Sách Báo & Tư Liệu
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 19:24:16 24-12-2017 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Vai Trò Hoằng Pháp Góp Phần Phát Triển Cho Phật Giáo

Vai Trò Hoằng Pháp Góp Phần Phát Triển Cho Phật GiáoBên cạnh một vài ngôi chùa “may mắn” thì đa số chùa ở nông thôn, mà nhất là vùng sâu vùng xa chưa được sửa chữa xây dựng. Chùa nghèo nhìn rất buồn! Những vị trụ trì chưa đủ khả năng vực dậy phong trào tu học, thu hút phật tử đến chùa, không thiết lập được những mối quan hệ với các mạnh thường quân. Chùa tồn tại lẻ loi và dường như không dính dáng gì đến xã hội bên ngoài, vị trụ trì dần dần giống như ông Từ giữ đền chứ không còn là một vị sư trụ trì nữa.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quý Liệt vị,
 
Hoằng pháp là nhiệm vụ quan trọng của người tu sĩ Phật giáo. Chư Phật cũng như chư Bồ tát đều có những hạnh nguyện cao cả như thế. Ngày xưa Tổ Bồ Đề Đạt Ma vượt ngàn dặm xa xôi từ Ấn Độ sang Trung Quốc truyền giáo. Trong lịch sử đã có biết bao vị Tổ đã không quản gian lao khó nhọc để đến với những đất nước xa xôi như Tây Tạng cao ngất hay nước Nga giá rét… 
 
Cũng như thế, nông thôn, vùng sâu vùng xa là nơi đang rất cần những ánh sáng tri thức, những sinh hoạt văn hóa, tinh thần bổ ích. Người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa có một đời sống thuần phác, hiền lành, nhưng đa số lại rất nghèo khó, đời sống vật chất và tinh thần đều khó khăn. Họ cực nhọc quanh năm mà vẫn thiếu thốn. Họ là những người làm ra lương thực, lúa gạo rau quả, nhưng những hạt gạo tinh khiết và những rau quả tươi ngon nhất đều dành để bán cho người thành phố dùng, còn bản thân họ thì luôn kham khổ. 
 
Trong khi ở những vùng đô thị có rất đông tăng ni tập trung về tu học và làm việc, những ngôi chùa trong thành phố dày đặc những khóa tu, những lớp giáo lý thường xuyên v.v… thì ở những vùng nông thôn xa xôi rất thiếu vắng những bóng áo nâu, áo vàng của tăng ni. Những ngôi chùa rêu phong kín cổng, những lớp giáo lý, những buổi thuyết pháp càng hiếm hoi, người dân chỉ biết đến chùa vào những ngày Rằm. Tăng ni chỉ có vai trò trong việc cúng sám lễ bái khi hữu sự ma chay v.v…
 
Như vậy khi nói đến chữ hoằng pháp phải kèm theo chữ lợi sanh, vì hoằng pháp là truyền bá giáo pháp nhằm xác định mục tiêu hoằng pháp trong Kinh Pháp Hoa. Lấy lợi sanh làm căn bản tùy theo nhu cầu của thời đại, quốc độ, con người, mà nói để người nghe hiểu được Phật pháp, cảm nhận được an lạc giải thoát, phát tâm bồ đề kính tin Tam bảo, đem giáo pháp ứng dụng có lợi lạc an vui thực sự trong cuộc sống. 
 
Nói chung, ý nghĩa cơ bản của hoằng pháp là làm con người hướng nhận thức đúng đắn để đánh giá hành động và thực hành các giá trị hầu tiến tới sự an lạc và giải thoát trong hiện tại và tương lai và chỉ mong tìm ra được vài biện pháp tối ưu nhằm đem giáo lý Phật đà đến được vùng sâu vùng xa, là ý kiến đóng góp cho Giáo hội, cho các tổ chức xã hội có sự lưu tâm hơn, có những biện pháp tốt hơn để giúp cho đời sống tinh thần người dân nông thôn được nâng cao, tốt đẹp hơn. 
 
Kêu gọi những tăng ni trẻ, hãy lập hạnh hoằng pháp ở nông thôn, hãy đến với vùng sâu vùng xa, nơi ấy đang rất cần những bậc Bi – Trí - Dũng vượt mọi gian khó, mang ánh sáng chánh pháp đến với mọi người.
 
1. Những điều khó khăn còn tồn đọng:
 
Phải công nhận rằng nông thôn ngày nay cũng có một số nơi những ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa hoặc xây cất mới khá khang trang nhờ sự phấn đấu của các vị trụ trì, Ban Trị sự các tỉnh và tấm lòng hảo tâm của phật tử. Nhưng đa số các ngôi chùa được xây dựng đều theo một mục đích tín ngưỡng thuần túy. Cách kiến trúc nhằm mục đích biến chùa thành nơi để lễ bái cúng kiến tham quan, du lịch hơn là nơi để chư tăng ni thực hiện công việc truyền bá đạo Pháp, phật tử có thể tập trung tu học Phật pháp cho đông đảo người nghe.
 
Bên cạnh một vài ngôi chùa “may mắn” thì đa số chùa ở nông thôn, mà nhất là vùng sâu vùng xa chưa được sửa chữa xây dựng. Chùa nghèo nhìn rất buồn! Những vị trụ trì chưa đủ khả năng vực dậy phong trào tu học, thu hút phật tử đến chùa, không thiết lập được những mối quan hệ với các mạnh thường quân. Chùa tồn tại lẻ loi và dường như không dính dáng gì đến xã hội bên ngoài, vị trụ trì dần dần giống như ông Từ giữ đền chứ không còn là một vị sư trụ trì nữa. 
 
Có những ngôi chùa khá cổ, có lối kiến trúc khá đặc sắc, có giá trị nhưng không được quan tâm đúng mức, dần hư hại, rất uổng phí. Một số ngôi chùa bị biến thể thành nơi thờ cúng nửa vời, lai tạp, mang tính cách cá nhân hoặc sử dụng vào việc khác: như cá nhân sở hữu, xem chùa như của riêng một dòng tộc, gia đình, đôi khi biến thành giống như am miếu, nơi để cầu xin cúng kiến. 
 
Một số được đào tạo học hành ở thành phố về thì không có điều kiện thể hiện khả năng hoặc cũng… thực sự không có khả năng làm phật sự. Một số vì sự lơi lỏng của Bổn sư trở nên dễ dãi lôi thôi, làm mất đi vẻ đẹp hình ảnh tăng chúng trong lòng dân chúng. Đó là một thực trạng, mà nếu Giáo hội, các Ban Trị sự tỉnh không quan tâm sâu sát, có biện pháp giáo dục xử lý nghiêm khắc thì ảnh hưởng xấu đến uy tín của đạo Phật không thể lường được. Người dân mất lòng kính tin Tam Bảo, và cái nhìn ấy khắc sâu rồi truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đến hậu quả rất nghiêm trọng.
 
Đa số người dân ở những vùng sâu vùng xa, ai cũng nghĩ rằng mình theo đạo Phật, đến ngày rằm, mùng một thì đi chùa, ăn chay, nhưng nếu hỏi đến pháp danh và việc quy y thì hầu như đa số chưa biết quy y là gì. Đến chùa nghe kinh thì được chứ ngồi xuống tụng kinh thì việc ấy xa vời lắm. Ở một số ngôi chùa vùng thị xã, thị trấn thì trình độ người phật tử có khá hơn, thuần thành hơn nhưng chủ yếu vẫn chỉ là niềm tin thuần túy, chưa hiểu biết gì mấy đến giáo lý, thọ Ngũ giới rồi nhưng chủ yếu là sống theo những nguyên tắc đạo lý dân gian. Đa số các chùa ở nông thôn chủ yếu là tổ chức lễ bái vào những ngày rằm, ngày vía, ngày kỵ, cúng sao v.v… chứ chưa quan tâm đưa việc truyền bá giáo lý bằng hình thức thuyết pháp cho dân chúng.
 
Những khóa tu tổ chức một cách thiếu chặt chẽ, khoa học: Có những chùa khá hơn, thỉnh thoảng có tổ chức những khóa tu Niệm Phật, Bát Quan trai… Với những buổi thuyết pháp hiếm hoi mang tính chất ra mắt, giới thiệu nhiều hơn là thuyết giảng khi có vài bậc Tôn đức ở thành phố về thăm nhân dịp húy kỵ hoặc khánh thành công trình tự viện nào đó thì cũng có tổ chức những buổi thuyết pháp, nhưng đề tài cũng chỉ “cỡi ngựa xem hoa” chung chung, không thể đi sâu bởi lâu lâu mới có dịp gặp một lần và có thể cũng không còn lần trở lại, thì làm sao mà có đề tài thuyết pháp cho sâu sắc, có hệ thống được.
 
Trên đây chỉ là những nét cơ bản, khái quát tình hình thực tế về việc hoằng pháp ở nông thôn vùng sâu vùng xa hiện nay. Trước thực trạng như thế, một vài phương án hoằng pháp cho vùng nông thôn xin được trình bày cùng Đại hội, có điều chi thiếu sót kính xin quý Liệt vị chỉ giáo cho.
 
2. Phương án cho hoằng pháp vùng sâu, vùng xa
 
2.1. Sự chuẩn bị tinh thần cho sứ giả hoằng pháp:
 
Xác định rõ mục đích hướng đến để chọn cho mình một phương pháp phù hợp và quyết tâm thực hiện một cách cương quyết bền chí. Tinh thần là một yếu tố rất quan trọng đối với một hành giả muốn đem chánh pháp trở lại với lòng người, để công tác hoằng pháp vùng sâu vùng xa được thực thi, người phát nguyện phải chuẩn bị cho mình một tinh thần Bi – Trí - Dũng.
 
Phải trang bị cho mình một hành trang kiến thức chu đáo, một tinh thần vững vàng. Phải xác định chấp nhận khó khăn, quyết tâm làm phật sự, vì lòng bi mẫn với người dân nông thôn. Chuẩn bị một tinh thần như thế thì khi bước vào thực tế khó khăn, người mang trọng trách sứ giả Như Lai sẽ không chùn bước. Công cuộc hoằng dương chánh pháp mới có thể thành tựu.
 
2.2. Về vật chất:
 
Phải chuẩn bị cho mình nguồn tài trợ, ủng hộ khi cần trong công việc hoằng pháp. “Có thực mới vực được Đạo”! Xã hội ngày nay không như ngày xưa, công việc hoằng pháp đòi hỏi nhiều điều kiện trợ duyên hơn ngày xưa nhiều. Ngoài tinh thần truyền dạy giáo lý nhà Phật đến với người, ta cần phải tạo dựng một nguồn tài chính để chủ động trong mọi hoàn cảnh.
 
Bản thân mình không cơm ăn áo mặc, không có đủ những phương tiện cần thiết nhất thì khó mà làm việc một cách thuận lợi được. Để chuẩn bị cho mình một nền tảng khá vững chắc về mặt vật chất, có lẽ ta nên có các mối quan hệ với các mạnh thường quân, tâm sự với họ phát nguyện của mình, trình bày lý tưởng, kế hoạch của mình một cách thuyết phục để vận động, khơi dậy lòng hảo tâm nhiệt tình đóng góp khi công tác phật sự cần. Bởi nguồn tài trợ chính đó nó giúp chúng ta thuận lợi về mọi mặt khi hoằng pháp ở nông thôn.
 
2.3. Sự ủng hộ giúp đỡ của Giáo hội và khả năng tự thân:
 
Ngoài sự chuẩn bị về tinh thần và vật chất, chúng ta cần có nguồn động viên và trợ lực của Giáo hội và các bậc Tôn đức. Phải có một nguồn động viên tinh thần và chỗ dựa vững chắc về mặt pháp lý và giáo lý. Nếu đơn phương độc mã thì việc hành đạo sẽ rất khó khăn. Nếu được sự giúp đỡ quan tâm của Giáo hội thì công việc hoằng pháp về mặt quản lý, pháp lý, xã hội sẽ an ổn, tạo nhiều thuận duyên cho ta. Nếu được sự nâng đỡ, trợ lực của các Bậc tôn đức thì công việc mới vững vàng, ta sẽ tự tin hơn. 
 
Tuy nhiên, khi hoằng pháp không chỉ nhìn vào nhân duyên mà quên đi năng lực chính mình, phải thấy những ưu và khuyết để nhận lãnh việc thích ứng. Hay nói khác hơn đòi hỏi khả năng giảng sư phải ngang bằng hoàn cảnh mới đạt kết quả tốt. Trong khi hoằng pháp, không phải lúc nào vị giảng sư thuyết pháp bằng ngôn ngữ, mà có lúc thuyết pháp bằng sự im lặng, hoặc dùng đạo đức, công đức mà cảm hóa. 
 
Tất cả ngôn ngữ đều phát ra tâm lý người hiểu biết, suy nghĩ như thế nào khi nói biểu lộ như thế nấy, cho nên đồng câu nói có người nói nghe mát dạ, có người nói nghe buồn cười, người không tu nói nghe khác, người có tu nói nghe khác. Ngày xưa đức Phật hiện cõi đời này tùy duyên mà thuyết pháp, ngôn ngữ ba thời đều lành, làm vui đẹp lòng chúng, ngày nay vị giảng sư muốn hoằng pháp phải có tâm hồn bình ổn, suy nghĩ đúng đắn, nhìn chính xác, lời nói phát ra nghe thâm trầm, thấm sâu vào lòng người. Từ một lời nói, một câu kệ làm cho người nghe phát tâm bồ đề kính tin Tam bảo.
 
Tuy nhiên theo quốc độ, nhu cầu căn tánh chúng sanh, ở mỗi thời kỳ không giống nhau, cho nên giảng sư không phải lúc nào cũng thuyết pháp bằng ngôn ngữ, mà có lúc im lặng, không nói mà nói thật nhiều, thật sâu sắc, người nói nhiều chưa hẳn là nói hay, có nói hay mà không đúng nhu cầu người nghe, họ không chấp nhận, cũng trở thành dở. Nên người nói hay không phải nói nhiều mà nói đúng thời, đúng đối tượng, đúng nhu cầu thậm chí ít nói, không nói mà làm cho người tỏ ngộ. Vì đạo đức của người tu là người chân chất, thật thà, chuyên tu khổ hạnh... 
 
Sự thị hiện của đức Phật Thích Ca ở thế giới Ta bà, cả cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng. Ngài luôn nghĩ nói hành động phù hợp với nhu cầu của mọi người, không chỉ đời này mà nhiều đời trước cũng thế. Ngài đã từng làm như vậy, trong Kinh Tiền Tân đức Phật ghi rõ, khi hiện thân làm người, Ngài có cuộc sống tốt đẹp vượt loài người, đem an lạc cho mọi người. Cho nên đạo đức cũng phải tùy nơi, tùy thời, tùy đối tượng. Chúng sanh nơi nào, cần gì vị giảng sư đến đó, phải làm như vậy, họ nghĩ người này tốt, người này hay, người này thông thái tài giỏi có đầy đủ đạo đức thì vị đó mới giáo hóa được họ.
 
Chúng ta ngày nay có công đức với đạo thì đạo che chở, có đức với dân thì dân ủng hộ. Nó là chất liệu ẩn chứa bên trong người không thể thấy, chỉ thấy nó bộc phát ra ngoài qua hành động. Lời nói làm cho người thấy nghe cảm phục. Vị giảng sư phải có cái này mới làmnđạo đức, nếu chỉ nói suông không có đạo lý gì để người suy nghĩ cảm phục thì làm sao họ mến phục được. Cho nên vị giảng sư nói được phải làm được cũng để chứng tỏ rằng lời của Phật không phải là những lời lý luận suông không có kết quả. Mà đó là phương pháp chất liệu, nếu thực hành sẽ được cuộc sống hoàn toàn an lạc, giải thoát đem lại lợi ích cho mình và mọi người, từ đó mọi người mới tin và học tập theo trong thời hiện đại. 
 
Nhu cầu dân chúng ngày càng nhiều, càng đa dạng, vị giảng sư cũng phải có khả năng ngang bằng nhu cầu xã hội mới có thể hoằng pháp lợi sanh được; bằng ngược lại nên tự tu để dùng đức hạnh mà trang nghiêm Tam bảo, tạo niềm tin cho người. Người tu Phật là tượng trưng cho trí, đức. Nếu trí không có cũng phải có đức để người quý kính. Nếu trí đã không có mà đức cũng không thì không còn xứng đạo huống chi làm giảng sư. Cho nên vị giảng sư đòi hỏi phải có đức lẫn trí. Không có trí thì khác nào: “Người mù dẫn lũ đui theo dõi, Sa lửa hầm còn hỏi chi chi”.
 
Cho nên giảng sư đòi hỏi phải có trí hơn người, nếu không có trí hơn người thì phải làm hưng long Tam bảo, cũng phải có đức hơn người để gieo duyên lành cho chúng sanh và trang nghiêm cho Tam bảo. Giáo lý đạo Phật phù hợp với tâm thế của con người Việt Nam, ảnh hưởng sâu xa đến đạo đức, cách sống của người dân nông thôn thuần phác, do đó, gieo hạt giống nhà Phật đến vùng nông thôn, chúng ta đã có một mảnh đất màu mỡ, hứa hẹn nhiều bội thu tốt đẹp. Như thế mới khỏi phụ lòng của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni và Chư tôn đức đã dày công giáo dưỡng.
 
2.4. Những thuận lợi mà vị sứ giả hoằng pháp phải khai thác:
 
Vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, rất hiếm những sinh hoạt văn hóa, tinh thần. Người dân rất nhiệt tình tham gia các tổ chức sinh hoạt. Nếu ở vùng đô thị có rất nhiều phương tiện giải trí tha hồ cho mọi người lựa chọn, thì ngược lại người dân nông thôn rất “đói” những món ăn tinh thần. Vì tâm tánh người nông thôn thuần hậu, chất phác, rất tin vào đời sống tâm linh, tâm hồn họ là mảnh đất màu mỡ, trống trải, chưa bị tạp nhiễm, chỉ cần hạt giống tốt là bám rễ, nảy mầm. 
 
Giáo lý nhà Phật lại gần gũi truyền thống, đạo lý nhân nghĩa, tín ngưỡng dân gian của người nông thôn, nên rất dễ được chấp nhận, một khi đã tin thì tin rất mãnh liệt, bền chắc. Đặc biệt, chúng ta cần chú ý đến đội ngũ tri thức nông thôn như các thầy cô giáo, một số công chức, những nông dân trẻ có trình độ,… bộ phận này tuy không nhiều lắm nhưng họ lại có uy tín trong địa phương, hoằng pháp được cho họ là có hiệu quả, bởi họ sẽ có những tiếng nói hỗ trợ chúng ta sau này. Trí thức nông thôn vừa mang tính chất nông dân hồn hậu, lại vừa mang tính tiến bộ của thời đại, tiếp xúc với họ thì khá dễ dàng và thú vị.
 
Do đó đối với người hoằng pháp ngoài việc giảng dạy ở các đạo tràng, khi về chùa chúng ta phải tổ chức các thời khóa cho nghiêm túc như: Thời khóa tụng kinh niệm Phật sám hối trang nghiêm, thu hút người dân đến chùa mỗi tối để tụng kinh sau một ngày lao động. Sau buổi tụng kinh nên có vài lời thuyết pháp nhẹ ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và thiết thực để người dân thấy được lợi lạc và thích thú khi đến chùa và từ đó là nếp sống tinh thần và tư cách của người phật tử tại gia sẽ bắt đầu từ từ lóe sáng với sự giảng dạy của người hoằng pháp có trách nhiệm hướng dẫn trên con đường tập tu và bất cứ nơi nào họ vẫn tin yêu mái chùa và hình bóng người thầy trong tâm trí họ. 
 
Ngoài ra vị giảng sư còn phải khéo léo xác lập mối quan hệ, kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức những hoạt động từ thiện, sinh hoạt đạo đức cộng đồng, kết hợp với chính quyền, tham gia tích cực ủng hộ phong trào xã hội, góp phần với chính quyền xây dựng làng xóm. Đây là vấn đề rất quan trọng, thứ nhất là “nhập gia tùy tục” với chính quyền địa phương, nếu được sự ủng hộ từ phía họ thì công tác hoằng pháp rất thuận tiện; thứ hai nếu bước đầu khó khăn, chúng ta chưa tự mình tổ chức những hoạt động từ thiện thì phối hợp cùng chính quyền, người ta có danh nghĩa mình có công, cố gắng gầy xướng phong trào, tạo chỗ đứng, gây dựng niềm tin trong dân trước một bước, có được niềm tin rồi thì sau đó hoạt động phật sự sẽ rất dễ dàng.
 
2.5. Tổ chức thuyết pháp và giảng dạy:
 
Lớp Phật pháp phải mang tính chính quy và sư phạm, là phải có giáo án, kèm theo những hình ảnh minh hoạ vào, hoặc vẽ biểu đồ, phù hợp với nội dung từng bài, từng câu, khiến mọi người thích thú. Những hình ảnh, biểu đồ giúp cho óc thư gãn và được nhìn ngắm, nảy sinh ra lý tưởng thuộc bài. Người dạy phải có giáo án kèm theo cuốn giáo trình, trong giáo án có những phần giảng rộng thêm trong giáo trình không có. Chuẩn bị tốt giáo án thì đứng lớp sẽ đỡ lúng túng, tránh thói quen tới giờ là lên giảng, nhớ đâu nói đấy, có đoạn sẽ dài lê thê, có đoạn quá tóm tắt, giáo trình có thể giống nhau nhưng giáo án là sự sáng tạo riêng của mỗi người. 
 
Nên sử dụng phấn trắng, bảng, micro như lớp học. Phấn bảng giúp người dạy thay đổi tư thế sinh động, không cứng đơ một chỗ khiến người nghe mau chán, có thể tạo những nhấn mạnh trong bài học, dễ gây chú ý, dễ nhớ bài. Phong thái cần nhẹ nhàng như một cuộc giao lưu, trò chuyện hơn là một buổi học, không để cho người nghe thụ động ngồi nghe suốt một bài pháp, mà luôn tạo cơ hội cho người nghe tham gia bài học bằng cách vừa giảng vừa hỏi để người nghe trả lời. Thậm chí pha trò để cho người nghe cười, luôn động não, không thấy buồn ngủ, đôi khi câu trả lời của người nghe bổ sung cho giảng sư bởi cung cấp thông tin sống động ngoài cuộc đời mà cá nhân một giảng sư không thể nghĩ ra toàn bộ. 
 
Tính giao lưu rất quan trọng cho nên phải tham gia trực tuyến mới hấp dẫn. Thi kiểm tra: Hình thức hái hoa dân chủ, bốc thăm trả lời và nhận phần thưởng tại chỗ, cả lớp đều tham gia với người lên bốc thăm, người nghe có thể ôn bài lại nhờ nghe bạn trả lời. Tiến một bước nữa kiểm tra trên giấy, trắc nghiệm,… Kết hợp với mô hình văn hóa thiếu nhi, vì trẻ em ở nông thôn vùng sâu vùng xa đang thiếu môi trường sinh hoạt văn hóa, làm giàu đời sống tinh thần. Cho nên tổ chức lớp học Phật pháp là tạo môi trường lành mạnh cho các em sinh hoạt tránh tiếp xúc với tệ nạn xã hội.
 
Nhân tố hóa các em tin yêu vào đạo Phật, gây được niềm tin nơi chính quyền địa phương vì hiện nay các xã, ấp rất khó khăn hoạt động văn hóa. Đặc biệt vùng sâu vùng xa, chùa tiếp tay chăm sóc thiếu nhi và như thế chính quyền nhẹ lo, vì mô hình nhà văn hóa thiếu nhi có tác dụng giáo dục rất lớn, thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn, nâng cao dân trí, được chơi, được thư giãn mà vẫn thu thập được bao nhiêu là kiến thức. 
 
Bởi kinh nghiệm cho thấy, ở nhiều vùng nông thôn trẻ em thường nghỉ học sớm, để phụ giúp cha mẹ vì cha mẹ cũng không có tiền cho con học, các em đi làm thuê làm mướn, rồi lấy vợ chồng sớm, rồi tiếp tục nghèo khổ, sinh ra đàn con nheo nhóc, hứa hẹn một thế hệ trẻ cũng nghèo như vậy. Cho nên chúng ta cần đầu tư sớm cho các em về học chữ, kèm theo dạy nghề, chẳng hạn: may, điện, mộc, nấu ăn... Chúng ta đầu tư hiệu quả thật sự chứ đừng dạy theo kiểu trung tâm cưỡi ngựa xem hoa, chẳng làm được gì. 
 
Ví dụ như người già đa số thích nghe chuyện nhân quả, chuyện cổ, cõi nào sẽ về sau khi mạng chung… cái lo của họ tương lai nằm ở kiếp sau và thêm nữa bệnh tật đang làm khổ họ. Trẻ: cái lo lại là tương lai nằm trong năm, mười năm tới, có thành đạt giàu có hay không? Có thể nhấn mạnh nhân quả để định hướng thiện nghiệp cho họ. Trên hết vẫn là tính khoa học, dí dỏm, sinh động. Trung niên: họ cần lý giải những ưu tư trong cuộc sống dưới cái nhìn của Phật giáo, thắc mắc rất nhiều và thường có những chiều sâu do đã trải nghiệm cuộc sống. Vì vậy giảng sư cần tham khảo nhiều tài liệu để giảng dạy sâu sắc hơn, nếu chỉ bám tài liệu một cách khô khan e rằng họ mau nản vì không giải quyết những bận tâm của họ.
 
Song song đó chúng ta nên có kế hoạch các ngày lễ lớn để tạo thêm nét đẹp văn hóa Phật giáo vào lòng của người dân vùng sâu vùng xa bằng cách cố gắng tổ chức những ngày Đại lễ như: Đại lễ Phật đản (ngày 15/4 ÂL), Đại lễ Vu Lan Thắng hội (ngày 15/7 ÂL), Đại lễ Phật Thành đạo (ngày 15/12 Âl) và các ngày lạy vía, Sám hối để phật tử và người dân có dịp hòa nhập vào môi trường Phật pháp, tu học, tăng thêm phần thu hút và đem lại niềm tin lẫn niềm vui cho mọi người, mặt khác cũng là niềm khích lệ khuyến tấn trên con đường tới giác ngộ tâm linh. Để những ngày lễ trên được trang nghiêm và đầy đủ ý nghĩa, ngoài việc tổ chức long trọng thì người tổ chức cần nên đề cập về ý nghĩa của những sự kiện, của những ngày lễ để người dân nơi đây họ được hiểu thêm về ý nghĩa của nó, nhằm tô đậm thêm nét đẹp của văn hóa Phật giáo.
 
2.6. Hoạt động từ thiện:
 
Tục ngữ Việt Nam nói: “Dù xây chín đợt phù đồ, Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người”. Thật vậy, với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, nhường cơm sẻ áo, chia sớt bớt nỗi khổ đau thiếu thốn của những người dân vùng sâu vùng xa nghèo khổ. Với tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật thì một bất cứ chúng sanh nào có khổ đều được cứu khổ. Bởi vì Phật ở trong lòng có cầu tất được đáp ứng. “Phật tự môn trung, hữu cầu tất ứng”. 
 
Tăng sĩ Phật giáo với lòng bi mẫn chúng sinh, tâm từ bi rộng khắp, nên tiến hành song song với họat động truyền bá giáo lý là những hoạt động từ thiện. Trước mắt là cứu cái khổ gần, sau đó mới là cứu cái khổ sâu xa. Phải có một cuộc sống tạm yên ổn thì mới nghĩ đến mục đích giác ngộ giải thoát lâu dài được.
 
Để có nguồn tài chánh phải dựa vào các tấm lòng hảo tâm của những người con Phật trong vùng và trên mọi miền. Vận động cứu giúp những nhà nghèo khổ, khó khăn, bệnh hoạn, cất nhà tình thương, xây cầu đắp đường. Cứu trợ đến những vùng sâu bị thiên tai lũ lụt v.v... là những hoạt động rất cần thực thi ở những vùng nông thôn, nơi mà đời sống người dân luôn bị đe dọa bởi cái nghèo, cái khó triền miên. 
 
Ngoài việc xóa đói giảm nghèo đem lại sức sống cho người dân vùng sâu thì người hoằng pháp phải có trách nhiệm đem ánh sáng trí tuệ, hiểu biết cho người dân nơi đây. Ngoài việc truyền đạt chánh pháp cho họ, chúng ta cần nên mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo hiếu học, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đọc chữ, viết chữ cho các em trong hoàn cảnh ngày nay. Để đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn của lớp học, phải có kế hoạch tổ chức hẳn hoi. Đào tạo giáo viên nội bộ có đủ trình độ đứng lớp, có kinh nghiệm nơi học đường và thuê những giáo viên bên ngoài hay những phật tử thuần thành có nhiều năm giảng dạy để đủ điều kiện truyền đạt tri thức cho các em.
 
2.7. Các sinh hoạt hỗ trợ bổ ích:
 
Ngoài việc tổ chức nơi bổn tự để phật tử có nơi chiêm bái, tu học hằng ngày, song song đó phải tổ chức những chuyến hành hương trong năm của những ngày lễ lớn hay đi thập tự vào mùa Vu Lan Thắng hội, hoặc những nơi du lịch trọng điểm Phật giáo, tham quan các thắng cảnh… Đây là việc làm phụ nhưng đem lại bổ ích rất nhiều cho đồng bào phật tử nơi xa xôi này, là điều kiện tốt khi họ là những người đầu tắt mặt tối lam lũ dưới ruộng đồng từ sớm đến chiều, hì hục cả ngày, tối về chỉ nghe tiếng mõ chuông, thì lấy đâu sức để nghĩ đến chuyện xa vời… 
 
Do đó, chúng ta là người tổ chức thay thế tăng đoàn cho Giáo hội, để bảo vệ hướng dẫn họ trên con đường hoàn thiện giác ngộ giải thoát, thì những điều cần biết cần làm là tạo niềm vui, hạnh phúc và an lạc cho họ thì nên làm, nhằm trau dồi trí đức cho mình và cũng là phương pháp chỉ dẫn cho họ hiểu và tìm được nếp sống mới. Bởi khi sự hiểu biết của người phật tử nơi đây thông hiểu thì từ đây việc đi chùa của họ không ngoài việc lễ lạy mà còn cần nghe pháp nữa. Cho nên về chùa kính Phật trọng tăng là để: Lắng nghe lời pháp dạy răn của thầy!
 
2.8. Đào tạo tăng tài kế nghiệp:
 
“Hoằng pháp vi gia vụ, Lợi sanh vi bổn hoài”. Trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của những người thừa chí cả, ai ai cũng mang trong mình một hoài bão lớn, đó là sự nghiệp của đời mình. Bởi sự nghiệp bao giờ cũng đem lại kết quả của nó cho nên hoài bão ấy muốn được lưu truyền mãi mãi đến đời sau, để những thành quả đó được giữ gìn và phát triển thì ai là người tiếp tục sự nghiệp, phải chăng là những tăng tài sau này? Vì vậy nên quan tâm đến việc đào tạo, thu nhận đệ tử xuất gia, nhằm sau này có người kế nghiệp. Đó là một trong những hoài bão và tâm nguyện quan trọng của một tu sĩ Phật giáo.
 
3. Những kiến nghị:
 
3.1. Đối với Giáo hội và Ban Trị sự các tỉnh thành:
 
Giáo hội nên quan tâm sâu sắc hơn, có một chương trình, kế hoạch cụ thể hơn đối với công tác hoằng pháp vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi v.v… Ban Hoằng pháp Trung ương nên đặt những cơ sở hoạt động thiết thực ở các tỉnh, cung cấp và điều động hợp lý đội ngũ giảng sư, tài liệu kinh sách ưu tiên cho vùng nông thôn. Ban Trị sự các tỉnh nên kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các tự viện trong phạm vi trách nhiệm của mình. 
 
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tăng ni có nguyện vọng và khả năng làm phật sự ở các vùng sâu vùng xa. Sẵn sàng ủng hộ tinh thần, vật chất cho các vùng nông thôn nghèo khó. Kiên quyết làm trong sạch đội ngũ tăng ni, đừng dễ dãi buông lung khiến những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng đến uy tín tăng già và làm mất lòng tin Tam Bảo nơi quần chúng nhân dân. Nên có những biện pháp, chính sách ưu đãi đối với tăng ni sinh trẻ mới ra trường, kêu gọi và động viên họ trở về địa phương làm phật sự.
 
3.2. Đối với các cấp lãnh đạo chính quyền:
 
Nâng cao đời sống tinh thần, đạo đức cho người dân cũng là một đóng góp tích cực về mặt văn hóa, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh văn minh. Đạo Phật trong lịch sử mấy ngàn năm qua đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng đất nước. Những vị vua anh minh thời Lý Trần đã mang lại cho dân tộc niềm tự hào rất lớn bởi những thành tựu rực rỡ mà các triều đại này mang lại. 
 
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của cha ông, thiết nghĩ những người lãnh đạo đất nước hôm nay cần có sự nhìn nhận đúng mức về vai trò đóng góp của đạo Phật vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc tốt đẹp, xây dựng đời sống đạo đức bền vững, lợi ích cho nhân dân. Các cấp chính quyền địa phương nên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động Phật giáo mang lại lợi ích cho đời sống tinh thần và đạo đức người dân. Đồng thời nghiêm khắc xử lý những trường hợp trá hình, lợi dụng tôn giáo làm điều không tốt, đi ngược lại lợi ích cộng đồng và làm ảnh hưởng uy tín đạo Phật.
 
3.3. Đối với lớp tăng ni trẻ:
 
Hãy nhiệt tâm phát nguyện hạnh lợi tha. Vùng nông thôn rất cần những tấm lòng từ bi và sự nỗ lực của quý tăng ni trẻ. Sau khi đã thọ ơn đàn na tín thí cho ta ăn học, hãy trở về những nơi thực sự cần những bước chân hoằng hóa, gạt bỏ những suy tính lợi ích cá nhân, hãy vì lòng bi mẫn chúng sanh mà đem hết sức lực và tài năng cống hiến. Đó là phước báu rất lớn.
 
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quý Liệt vị,
 
Trên bước đường hoằng pháp, vị giảng sư tự lập cho mình một phương thức đặc biệt, đó là nghệ thuật truyền đạo. Ứng dụng lý nhân duyên, biết lựa chọn thời gian, địa điểm, đối tượng, có đủ các yếu tố để thành tựu một pháp hội, không cố gắng độ người không có duyên lành vì biết rõ có cố gắng cũng không có kết quả mà còn phản tác dụng. Cho nên: “Hữu duyên khả độ, Vô duyên bất khả độ”. 
 
Người xuất gia có nhiều hạnh nguyện, nhưng hạnh nguyện cao nhất phải là hoằng pháp. Vì nếu không như thế, thì giáo pháp cao quý của đức Phật sẽ mai một dần và Tam bảo không còn đủ ba ngôi. Mà xét cho cùng giáo pháp mới là ngọn đuốc dẫn đường cho người ta biết sống thế nào an lạc, hạnh phúc. Hiện nay vấn đề hoằng pháp vùng sâu vùng xa là vấn đề cần được quan tâm đối với đội ngũ tăng ni sinh trẻ của chúng ta. Bởi đất nước ta nông thôn chiếm phần diện tích lớn, nơi đó có rất nhiều việc cho ta thực hiện, hơn thế nữa chúng ta cũng từ mảnh đất ấy ra đi, cho nên chúng ta phải trở về phục vụ. 
 
Tất nhiên, hoằng pháp ở nông thôn có những hạn chế nhất định, những khó khăn nhất định, nhưng chúng ta với “hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh”, dấn thân vào đời, xông bước vào nẻo đường chông gai cát bụi, không sợ gian nan, không từ nguy khó, không còn sợ thất bại trước nhu cầu đa dạng của mọi người, đem giáo lý Phật đà sáng soi cùng khắp chúng sanh được như thế: “Trên đền đáp bốn ơn, Dưới cứu khổ ba đường”. Duy trì mạng mạch của đức Như Lai còn mãi ở đời, làm trụ cột vững chắc cho ngôi nhà Tam bảo, góp phần trang nghiêm đạo pháp, lợi lạc quần sanh, đưa đất nước con người toàn chân thiện mỹ và cứu cánh an lạc.
 
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
 
 
 
 
 
Chia sẻ với bạn bè qua: