Phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin của thời đại kỹ thuật số
Phần mở đầu, TT. Thích Đạo Phước đã chia sẻ: Đạo Phật xuất hiện trên thế gian đã hơn 2500 năm và du nhập vào Việt Nam cũng hơn 2000 năm lịch sử, trải qua mỗi thời đại với những sự phát triển về xã hội và khoa học, bằng tính “khế lý” và “khế cơ”, Phật giáo đã biết vận dụng những thành tựu đó để xiển dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh. Đối với thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, những vị “sứ giả Như Lai” muốn đạt được những kết quả tốt đẹp trong việc hoằng truyền Phật pháp cần biết ứng dụng công nghệ thông tin của thời đại kỹ thuật số trong việc đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý chính pháp của Phật giáo, nhằm góp phần xây dựng và phát triển GHPGVN ngày càng hưng thịnh, mặt khác ở thời đại CNTT việc xuất hiện thông tin trái chiều, PGVN cũng cần có phương pháp, biện pháp ngăn chặn và xử lý khủng hoảng thông tin gây bất lợi về hình ảnh tổ chức, hoặc liên quan đến các cá nhân tu hành trên mạng Internet.
Theo nghị quyết Chính phủ 49/CP ký ngày 04/08/1993, Công nghệ thông tin (Information Technology) là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại (chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông) nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội. Như thế, nó là ngành ứng dụng công nghệ để lưu trữ, bảo vệ, xử lý, thông báo, trao đổi thông tin qua một khoảng cách mà không phải chuyên chở những thông tin này như thư từ xưa nay. Cũng theo thống kê và số liệu từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 do Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số công bố vào năm 2010, số lượng Phật tử Việt Nam là 6.802.318 người, chiếm 7,92% dân số. Tuy nhiên, nước ta cũng có số lượng đông đảo hàng chục triệu đồng bào có sự tin kính , quý mến đạo Phật chiếm đến 40% – 50% dân số Việt Nam hiện nay. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, số người sử dụng internet hiện nay đã lên đến trên 800 triệu trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam hiện nay có gần 50 triệu người sử dụng internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số (số liệu của Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017). Từ những con số thống kê trên có thể thấy, việc sử dụng internet trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang ngày càng phổ biến và internet chính là một trong những phương thức hữu hiệu trong việc đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý chính pháp của Phật giáo.
Một điều đặc biệt trong công cuộc hoằng dương Phật pháp phải kể đến, đó chính là từ trước đến nay Phật giáo chưa bao giờ sử dụng đến bạo lực, quyền uy, sức mạnh kinh tế… để truyền đạo. Một tôn giáo chỉ thực sự được tồn tại khi nó được truyền đạo và truyền thông là công cụ sống còn của Phật giáo. Ưu thế về sự thâm sâu của tư tưởng, về giá trị quan điểm nhân sinh của Phật giáo chỉ được phát huy tác dụng khi nó được truyền bá đến với tất cả mọi người, nghĩa là khi triệt để khai thác “phương tiện mềm”. “Phương tiện mềm”, đó là hoạt động xuất bản, báo chí, diễn giảng… như trước đây chúng ta đã làm và các phương thức mới như phát thanh truyền hình, internet, website… những phương tiện chỉ mới phổ biến trong vài chục năm nay. Nếu không kịp thời nắm lấy những công cụ hiện đại, chúng ta có thể sẽ gặp khó khăn trong việc truyền bá Phật giáo. Với phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, nếu chúng ta không nhanh nhạy áp dụng công nghệ thông tin vào công cuộc hoằng pháp thì chúng ta sẽ tự đánh mất chính mình trên bước đường hội nhập và hoằng hóa độ sinh. Cho nên, nếu ngay bây giờ chúng ta không để tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin khi cả nước đang hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không kịp hòa vào dòng phát triển đó thì Phật giáo chúng ta sẽ bị lạc hậu trên mặt trận quan trọng này của nhân loại.
Thượng tọa cũng chia sẻ: Khi nói về truyền thông Phật giáo, không phải chỉ mới thời đại hôm nay truyền thông mới có mặt, mà nó đã tồn tại trải qua hơn 2.500 năm trước. Khi đức Phật chứng ngộ, xuyên suốt 49 ngày Ngài đã mang sự giác ngộ đó để giáo hóa chúng sinh. Truyền thông và hoằng hóa Phật giáo đã tồn tại không phải bằng vũ khí, hay dựa vào nguồn tài lực kinh tế dồi dào, mà đơn thuần chỉ bằng sức mạnh của trí tuệ và đức hạnh. Tiếp nối Tăng đoàn là đại diện của Đức Phật tồn tại ở thế gian. Hơn 2.500 năm qua, với sự truyền thừa, tăng đoàn đã duy trì và phát triển giáo Pháp của đức Phật lan tỏa khắp các châu lục trên quả địa cầu, cũng có một phần nhờ vào thời đại CNTT phát triển nhanh ở thể kỷ XX và đang phát triển mạnh ở thể kỷ XXI. Trong lịch sử, trước khi có CNTT, Internet, sự phát triển của truyền thông Phật giáo lúc bấy giờ không phụ thuộc vào mạng kết nối (qua trung gian) vì tăng tượng trưng cho Tam bảo, đã thừa hành sứ mạng, mang chính pháp truyền thừa mạng mạch. Từ đó truyền thông tiếp tục có những đóng góp quan trọng và cần thiết cho nhân loại. Đây thực sự là vấn đề quan trọng mà nó phụ thuộc vào chính những người làm truyền thông, vào mỗi thế hệ tiếp nối của những người vì tương lai của Phật giáo.
Trải qua 25 thế kỷ, truyền thông tiếp tục tồn tại nhưng với những hình thức khác, bằng những con đường khác nhau và hơn hết là những phương thức hiện đại. Trước tiên, từ một xã hội truyền thống sang một xã hội hiện đại và sau đó là sang xã hội công nghệ. Ngày nay dấu hiệu dễ nhận ra của sự thay đổi này ở việc chú trọng vào các mạng xã hội và truyền tải thông tin. Sự chuyển giao này xảy ra trong mọi tầng lớp xã hội trên khắp thế giới. Sự thay đổi này trong truyền thông có thể nói chúng ta đang đi từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin, từ nền văn minh dựa trên sản xuất sang nền văn minh dựa trên tri thức. Sự chuyển giao sang một xã hội “thông tin nhạy bén” đã làm biến đổi bản chất của mối quan hệ truyền thông Phật giáo và xã hội một cách đáng kể và điều này làm cho truyền thông phải đưa ra những giải pháp mới để giữ được sự thích hợp của Phật giáo. Thông qua mạng lưới internet, chúng ta có thể tiếp nhận vô số nguồn tài liệu về Phật giáo và tham gia nhiều diễn đàn thảo luận một cách thiết thực về mọi đề tài liên quan đến đạo Phật. Vì giáo lý nhà Phật không còn là đặc quyền của những người xuất gia và kho tàng kiến thức kinh, luật, luận Phật giáo cũng không chỉ để trưng bày trong tự viện như nó đã từng như vậy trong một nền văn hóa Phật giáo truyền thống.
Ngoài ra, còn có một số phương tiện thông tin, truyền bá Phật giáo trong thời đại CNTT như: Kinh sách, tạp chí, nội san và ghi âm, ghi hình. Ngài còn chia sẻ cho học viên cách ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông vào việc thu hút đa số người dùng sử dụng mạng Internet. Truyền thông thời nay qua cả âm thanh, hình ảnh, ánh sáng,… để thông tin đến với người nhận thông qua cả 5 giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Mạng xã hội đã chính thức trở thành quyền lực số 5. Quan trọng đến mức mới đây tại châu Âu vừa diễn ra một hội nghị quốc tế rất lớn chỉ để bàn về mạng xã hội và quyền lực của nó. Các trang cá nhân giúp con người tự mở cửa nhìn vào xã hội và ngược lại xã hội cũng có thể nhìn vào sinh hoạt của từng cá nhân con người. Tất cả mọi tương tác này rất dễ dàng và hiệu quả.
Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sự phát triển công nghệ thông tin trong những thập niên gần đây tiến rất nhanh. Các chương trình truyền hình, các trang web có thể giúp cho những người cách xa nửa vòng trái đất chứng kiến gần như tức thì những sự kiện xảy ra ở nửa bán cầu bên kia. Hoặc có những buổi họp mà các thành viên ngồi ở nhiều châu lục khác nhau bằng trực tuyến… Sự truyền bá Phật giáo trên internet là rất cần thiết và tiện lợi, bởi lẽ công nghệ thông tin sẽ giúp công việc tìm, chuyển tải những thông tin rất cần thiết, nhanh chóng và tiện lợi, vô cùng bổ ích đến mọi người, làm cho quần chúng hiểu biết đạo lý nhà Phật một cách rõ ràng và thiết thực. Truyền thông là một hoạt động mang tính quá trình. Đó không phải là hoạt động nhất thời, gián đoạn mà mang tính liên tục. Đó là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các thực thể tham gia truyền thông. Chúng ta cần làm cho quá trình truyền thông diễn ra liên tục và thường xuyên để truyền thông Phật giáo không chỉ là một phong trào tự phát hay một chiến dịch nhất thời. Truyền thông phải đạt tới mục đích hiểu biết lẫn nhau, từ đó đem lại sự thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng. Truyền thông Phật giáo và mỗi chúng ta nên ý thức rõ chuyện này để hiểu nhau, thương nhau, đoàn kết tạo nên sự thay đổi của toàn xã hội.
Đặc tính căn bản của truyền thông đại chúng: tính công khai, tính mục đích, tính phong phú và đa dạng, tính dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, tính nhanh nhạy, kịp thời, tính tương tác và hiệu quả. Biết rõ những đặc tính này, với tâm thanh tịnh của mình, mỗi chúng ta sẽ nghĩ ra cách truyền thông đại chúng tốt nhất để mang giáo lý Phật dạy đến với đại chúng. Một thách thức lớn mà hoằng pháp bằng công nghệ thông tin phải đối mặt, đó là tính chính xác,… Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, thế kỷ của văn minh, khoa học, trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, khi mà trình độ dân trí đã được nâng cao, khả năng cảm nhận và nguồn tri thức của quần chúng cũng dồi dào và phong phú hơn rất nhiều. Do vậy, nhu cầu thính pháp của quần chúng phật tử hiện nay ở một tầng bậc rất cao. Họ không đơn thuần là chỉ nghe những bài giảng vốn đã đọc, hay đã qua thông hiểu, mà họ muốn lắng nghe, muốn xem những kiến thức đậm tính khai mở nguồn tuệ giác. Điều này dẫn đến yêu cầu những vị giảng sư cần nỗ lực trau dồi kiến thức,….
Hơn nữa, trong thời buổi bùng nổ thông tin toàn cầu như hiện nay, sự bùng phát, “khủng hoảng” truyền thông Phật giáo là không thể tránh khỏi. Phật giáo cần những người phát ngôn chính thức và có sự phản ứng nhanh trước những thông tin liên quan. Khi một thông tin, sự vụ có tính nhạy cảm xảy ra, cần trả lời kịp thời, tôn trọng sự thật, làm chủ diễn đàn, chọn cách ứng xử khéo léo trước các vấn đề có liên quan. Nói cách khác, người phát ngôn của Giáo hội cần làm chủ sự kiện, quan trọng là chọn cách ứng xử kịp thời, có trách nhiệm với sự kiện, với báo chí thay vì chỉ né tránh, từ chối đưa tin.
Để thực hiện công tác hoằng pháp này, chính các tự viện, chùa chiền và các vị chức sắc tôn giáo, các sứ giả Như Lai phải tự trang bị những thiết bị nghe nhìn, những kiến thức về máy tính, về internet và mở những lớp phổ cập về tin học cho giới trẻ ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa như những hình thức công tác từ thiện xã hội, là một trong những công tác hoằng dương Phật pháp trọng tâm hàng đầu.
+ Hiện nay, các phương tiện truyền thông, công nghệ thông tin phát triển rất nhanh chóng và có nhiều tác động lớn đến sinh hoạt của người phật tử cũng như mọi người trong xã hội. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác truyền bá giáo lý chính pháp của Phật giáo, nhằm phát triển GHPGVN, ngăn chặn và xử lý khủng hoảng thông tin. GHPGVN nói chung và Ban Hoằng pháp nói riêng nên có chủ trương khuyến khích chư tôn đức giảng sư dần dần chọn các phương thức truyền bá mới, gắn với thời đại mà trong đó ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ là cần thiết.
+ Bên cạnh đó cũng cần có tiếng nói khẳng định vị thế riêng của Phật giáo, cần có đội ngũ chuyên trách xử lý khủng hoảng truyền thông, xử lý những phản hồi nhạy cảm. Bởi nhiệm vụ của truyền thông là phải nói lên tiếng nói của lương tâm Phật giáo, làm cho mọi người nhận ra chân – thiện – mỹ. Hơn tất cả, truyền thông Phật giáo phải tồn tại không bằng vũ khí, không dựa trên nguồn tài lực kinh tế dồi dào, mà đơn thuẩn chỉ bằng sức mạnh của trí tuệ và đức hạnh.
+ Để có được những kết quả to lớn như trên, thiết nghĩ một vị giảng sư muốn hoằng dương Phật pháp lợi lạc chúng sinh, cần nên để tâm vào hai việc, đó là trang bị cho mình một nền tảng tri thức nhất định về Phật pháp, về công nghệ thông tin và kết hợp vận dụng hoằng pháp trực tiếp với gián tiếp. Hoằng pháp bằng công nghệ thông tin là vấn đề mà mọi người con Phật trên khắp năm châu, nhất là những vị sứ giả Như Lai, cần phải hiểu và vận dụng nó một cách linh hoạt trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay. Được vậy sẽ góp phần không nhỏ trong sứ mệnh hoằng truyền đạo pháp, lợi lạc quần sinh, góp phần xây dựng ngôi nhà “Đạo pháp và Dân tộc”.
Phần cuối bài chia sẻ, Thượng tọa cho biết: Ngày nay trước một xã hội, thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, để nắm bắt kịp thời thông tin đại chúng trong thời hiện đại và công nghiệp hóa đất nước, các chùa nên cho phép các tăng ni có năng khiếu về tin học… được học môn đó. Nếu được thế thì các Giáo hội địa phương thêm nguồn nhân lực dồi dào cũng như cá nhân tăng ni có thêm điều kiện học tập, cập nhật hóa những tin tức phật sự trong nước và quốc tế. Qua đó sẽ thêm thắng duyên trau dồi kiến thức Phật học và xã hội qua hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Như vậy, nếu như Giáo hội biết quan tâm và có định hướng đúng việc hoằng pháp bằng các công cụ – công nghệ truyền thông hiện đại là bước chuyển mình cần thiết không thể không có nếu như Phật giáo hòa mình cùng với sự phát triển của thời đại.
Buổi học kết thúc trong niềm hoan hỷ của tất cả học viên.
Xin giới thiệu một số hình ảnh buổi học:
An Nhiên, Huệ Minh
Nguồn Phật sự Online