810 376
Văn Hóa » Sách Báo & Tư Liệu
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 22:14:20 09-10-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Ứng Dụng Tứ Nhiếp Pháp Đối Với Các Dân Tộc Ít Người Ở Tây Nguyên

Ứng Dụng Tứ Nhiếp Pháp
Đối Với Các Dân Tộc Ít Người Ở Tây Nguyên 
ĐĐ. Thích Lệ Ngôn Phó Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Long An


1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Có 54 dân tộc đang sinh sống rải rác khắp đất nước, tuy nhiên tập trung thành một khu vực có mật độ dân số cao vẫn là vùng đất Tây Nguyên, bao gồm 5 tỉnh: Dak Nông, Dak Lak, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon tum.
Trong xã hội truyền thống, đa số các dân tộc Tây Nguyên đều theo tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” với hệ thống dày đặc các vị thần linh, chi phối toàn bộ các hoạt động
sản xuất và sinh hoạt trong tinh thần của mọi cộng đồng. Nhưng hiện nay, đa phần các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên không còn theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh, đa thần nữa mà đã có sự chuyển đổi tín ngưỡng từ đa thần (thần ý) không hình hài, sang độc thần có hình ảnh thờ phụng (thần quyền), chuyển sang thờ phụng các tôn giáo.
Tây Nguyên là một vùng cao với nhiều sắc dân chung sống với nhiều địa hình khác nhau và văn hoá, tập quán cũng không được tương đồng. Cho nên, việc truyền bá chánh pháp tại nơi đây là một bài toán không đơn giản mà cần phải giải đáp. Thế nên, việc mở rộng chánh pháp đến các sắc dân của khu vực nơi đây là sự hướng đến của bài tham luận này.
Đối với Phật giáo thì từ năm 1992 cho đến thời điểm hiện tại đã có khá nhiều cuộc hội thảo, thuyết giảng đã được thực hiện và cũng có khá nhiều tham luận nêu lên nội dung hoằng pháp cho các tỉnh thành vùng Tây nguyên. Ban Hoằng Pháp từng tỉnh cũng đã thực hiện nhiều hoạt động Phật sự góp vào việc đưa Phật giáo các tỉnh thành của Tây Nguyên đi lên trong những năm qua .
Để tiếp nối những thành tựu của việc hoằng pháp ở Tây Nguyên trong những năm vừa qua của Chư Tôn đức Tăng Ni tại nơi đây và sự hỗ trợ của nhiều nơi khác. Nên phạm vi đóng góp của tham luận này là về việc ứng dụng khéo léo Tứ Nhiếp Pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) trong công cuộc hoằng Pháp đối với các dân tộc ít người ở Tây Nguyên.
2. ỨNG DỤNG TỨ NHIẾP PHÁP
 Hoằng pháp hay hoằng dương chánh pháp là một sự ươm mầm hay một cách gieo hạt giống từ bi hỷ xả vào lòng người để hướng mọi người đến một đời sống chân thiện mỹ. Hay nói cách khác hoằng pháp là hoạt động đưa giáo lý thâm diệu của Đức Phật Thích Ca vào từng con người. Xuất phát từ sự phát triển không đồng đều của mỗi một chúng sinh, của mỗi một cộng đồng tộc người, và vì mỗi cộng đồng lại có tiếng nói riêng, có những nét văn hoá và phong tục tập quán đặc thù, lại cư trú trên những vùng đất khác biệt nhau về độ cao và khí hậu; mà cần thiết có những phương cách truyền bá chánh pháp khác nhau. Hoằng pháp là cách giúp cho người ta chú ý để tìm thấy thêm những lời hay ý đẹp của Đức Phật dạy mà đem đạo vào đời một cách thiết thực như Ngài đã làm. Dựa trên tinh thần đó mà Tứ nhiếp pháp được xây dựng nên phương pháp hoằng pháp cho các tỉnh thành của Tây nguyên.
 Tứ Nhiếp Pháp là bốn cách thức để nhiếp phục hay nói cách khác là phương thức chung cho sự nhiếp phục. Phạm vi của bài này nhằm hướng đến ứng dụng một cách khéo léo nhất của Tứ nhiếp pháp để đạt được hiệu quả cho việc hoằng pháp đối với các dân tộc ít người ở Tây Nguyên.
2.1. Bố thí nhiếp:
Là sự giúp đỡ về vật chất để cải thiện đời sống. Phần lớn những sắc dân nơi đây đều có nghề nghiệp với thu nhập chưa cao cho nên vẫn là đang phát triển, cuộc sống nhiều người vẫn còn ở mức dưới trung bình. Nhu cầu của cuộc sống vẫn không được đáp ứng đầy đủ, nhất là các nhu cầu về cuộc sống hiện đại như điện sinh hoạt, đường sá, trường học, y tế  .v.v. Mặc dù, nhà nước luôn quan tâm để hổ trợ phát triển nhưng vẫn không làm sao đầy đủ. Thế nên, chúng ta vẫn có cơ hội để đóng góp vào các nhu yếu này để tạo gần gũi, thân thiện và cảm tình nơi đây. Thế nên, việc đóng góp vào một số nhu cầu cuộc sống cho người dân nơi đây, nhất là dân tộc ít người là một việc làm cần lưu tâm hơn nữa. Biết rằng, thời gian qua, giới Phật giáo chúng ta đã quan tâm đến việc này không phải ít và đã có những thành tựu đáng kể. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên một chương trình xoá đói giảm nghèo với sự tài trợ của giới Phật giáo. Chúng ta hoàn toàn có thể tiếp nối việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng để tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt. Điều cần lưu tâm là việc điều hành chương trình hỗ trợ này cần có chiến lược lâu dài và cần có nhân sự nhiệt tâm để đảm trách. Như vậy thì các giới mới yên tâm để hỗ trợ cho chương trình một cách lâu dài. Nếu không đáp ứng được việc đó thì khó có thể thu hút được sự hỗ trợ của nhiều người vì họ không biết bắt đầu từ đâu. Bố thí là con đường dễ dàng để tiếp cận với người dân nơi đây, thế nên chúng ta đẩy mạnh hơn nữa việc này thông qua những chủ trương thiết thực bằng các công trình và chương trình cụ thể để truyền thông rộng rãi  nhằm thu hút các giới quan tâm và góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện.
ảnh minh họa
Từ những vật chất cụ thể để cải tạo và nâng cao đời sống của người dân nơi đây mà giới Phật giáo chúng ta có thể tạo được cảm tình từng bước một và hướng dẫn Phật Pháp cho họ từ từ.
2.2. Ái ngữ nhiếp:
Là sử dụng lời nói khéo léo để người khác dễ tiếp nhận và có cảm tình. Vì có nhiều sắc dân nên có nhiều ngôn ngữ khác nhau, có thể sắc dân này không thể hiểu được ngôn ngữ của sắc dân kia và ngược lại. Chúng ta phần lớn sử dụng ngôn ngữ của người Kinh là tiếng Việt. Vì thế, đối với các dân tộc của vùng Tây nguyên có thể có người hiểu được, nhưng phần lớn là không thể hiểu được hết những gì chúng ta nói bằng tiếng Việt. Thế nên thông tin để truyền tải đến với họ đã bị sự hạn chế nhất định. Thậm chí có thể do sự khác biệt này dẫn đến nhiều hiểu lầm đáng tiếc. Đã bị rào cản bởi ngôn ngữ thì làm sao có thể ái ngữ được. Thế nên, để tạo được sự truyền thông đầy đủ, khéo léo và chứa đựng sự yêu thương (lời nói của từ bi), việc thông hiểu được ngôn ngữ địa phương (phương ngữ) là yếu tố bắt buộc đối với người hoằng pháp nơi đây. Thế nhưng làm sao có thể thông hiểu được phương ngữ của dân tộc? Vậy nên có hai đối tượng cần lưu tâm:
Một là người chưa biết phương ngữ thì đầu tư để học phương ngữ nếu đã phát guyện hoằng pháp cho dân tộc ít người. Những vị này phải trải qua một thời gian nhất định nào đó để có thể lào thông hoặc ít nhất cũng hiểu được phần nhiều những gì người dân nơi đây nói và nói được nhiều để người dân nơi đây hiểu.
Hai là đào tạo người địa phương, tức là những người dân tộc ít người có thể hiểu được tiếng Việt. Chúng ta có trách nhiệm un đúc niềm tin Tam Bảo cho họ thật kiên cố và giáo dục cho họ hết lòng vì đạo.
Thế nên, chúng ta quan tâm hỗ trợ để những người Kinh phát tâm học tiếng dân tộc ít người và những người dân tộc biết tiếng Việt tin hiểu Phật Pháp vững chắc ể truyền tải Phật Pháp đến với các buông làng. Chúng ta nên tạo điều kiện để thành lập những trung tâm để các vị này có môi trường phát triển ngôn ngữ, đó là phương án gấp rút phải thực hiện. Chính những người này là những hoằng pháp viên hiệu quả nhất.
2.3. Lợi hành nhiếp:
Là phương pháp tạo nên sự lợi ích cuộc sống cho mọi người. Cái gương sáng nhất về phương diện lợi hành là hạnh nguyện của ngài Trì Ðịa Bồ Tát. Suốt đời, Ngài thường gánh đất đắp đường, ban cho bằng phẳng, hoặc bắc cầu để cho khách bộ hành đi lại được dễ dàng tiện lợi. Ngài thay người già gánh nặng, đẩy giúp cỗ xe lên dốc cao, chèo giúp cho người lái thuyền ngược nước v.v… Tất cả những việc đó đều là phương pháp hữu hiệu để chúng ta noi theo. Vậy nên, bất luận việc lớn nhỏ, miễn giúp ích được cho người dân nơi đây thì những ai gánh vác trong công việc hoằng pháp lợi sanh không được từ nan. Chúng ta có thể huy động tài chánh xây dựng nhà dưỡng lão, nuôi người tuổi già sức yếu, để tuổi già của họ bớt đen tối, nguy nan; hoặc là xây viện dục anh, nuôi trẻ mồ côi cha mẹ, cho chúng học hành và có nghề nghiệp, huấn luyện cho chúng thành những công
dân hữu dụng. Hay dựng trại tế bần, cấp dưỡng cơm ăn áo mặc cho kẻ đói khó, xây dựng bệnh xá để cứu chữa những kẻ bệnh tật; xây trường học giúp con em có nơi học hành v.v… Ðó là những công việc vô cùng lợi ích và thiết thực trong việc vừa xây dựng cho đời vừa giúp cho việc hoằng truyền chánh Pháp đến mọi tầng lớp trong xã hội.
Chính vì mỗi nơi và mỗi dân tộc có truyền thống, tập quán, văn hoá và thói quen khác nhau. Cho nên một khi đã thấu hiểu được điều này thì việc làm được thích hợp với nhu cầu và tránh được những sự hiểu lầm đáng tiếc vì khác văn hoá. Những công việc lành vừa nêu trên sẽ cảm hóa lòng người và hướng họ trở về con đường giải thoát là con đường của đạo Phật.
ảnh minh họa
2.4. Đồng sự nhiếp:
Là hoà mình cùng chung làm việc với mọi người, cùng chia sẻ bùi ngọt đắng cay với người khác và giúp đỡ người bằng chính hành động của mình. Làm sao để cho họ cảm thấy họ với mình không khác biệt, gần gũi, thân thương, yêu mến, giúp đỡ, chia sẽ lẫn nhau khi cần thiết. Tùy theo căn cơ, hoài bão, địa vị, nghề nghiệp của người mà lặn lội vào công việc của họ, cộng tác với họ, để một mặt giúp đỡ họ trong nghề nghiệp, một mặt nêu cao gương lành, làm cho họ cảm mến mà sau đó dẫn dắt họ hướng tâm đến Phật pháp, đến con đường lành. Học hiểu được truyền thống, tập quán, văn hoá và thói quen của người dân nơi đây, sau đó cùng cộng tác với họ, cùng làm việc với họ với cách thức hoà nhập hoàn toàn để họ xem chúng ta là người của họ. Từ đó mà họ không có tâm lý đề phòng hay cách xa chúng ta. Từ những vui buồn trong việc làm và cuộc sống rồi sự chia sẻ về Phật pháp sẽ được họ lắng nghe và làm theo. Từng bước một, bằng đồng sự nhiếp,
chúng ta sẽ đưa Phật Pháp vào đời sống của người dân nơi đây một cách nhẹ nhàng  và hiệu quả.
Đây cũng là một phương pháp có hiệu quả nhất để nhiếp hóa người chung quanh quay về con đường đạo. Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp hay lợi hành nhiếp, mặc dù đều cảm hóa được người, nhưng thiếu kỷ năng hòa nhập và gắn kết với cộng đồng và không có ảnh hưởng sâu xa như phương pháp đồng sự có nghĩa là chính bản thân chúng ta lăn xả vào công việc. Với đồng sự nhiếp, ta có thể giúp đỡ một cách thiết thực với đời sống của người dân bản địa.
 
3. KẾT LUẬN
Làm thế nào để hoằng pháp hiệu quả cho các dân tộc ít người cư trú nơi các tỉnh, thành ở Tây Nguyên luôn là sự quan tâm của Phật giáo Việt Nam nhằm để những người dân thuộc dân tộc ít người có được quyền lợi tu tập để chuyển hoá nội tâm và nâng cao đời sống. Lập kế hoạch để hoằng pháp lâu dài ở Tây Nguyên vẫn luôn là sự quan tâm của chúng ta. Bằng việc ứng dụng Tứ nhiếp pháp khéo léo như là khế cơ để sự có mặt và phát triển của đạo Phật nơi đây được đẩy mạnh thêm nữa. Nếu tinh thần của bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự được thực hiện như đề cập thì sự tiếp nhận và tu tập theo tinh thần đạo Phật được phát huy thêm rộng rãi./.    
 
                                                                                    (Ban TTTT.PG Daklak)                      
Chia sẻ với bạn bè qua: