Admin. 14:30:56 08-12-2017 (GMT+7).
Kích cỡ chữ:
Thực Trạng, Cách Thức Hành Đạo, Hoằng Pháp Ở Vùng Sâu, Vùng Xa
Giáo hội cần phải có kết hoạch hoằng pháp hàng tháng, hàng năm. Có văn bản đề nghị chính quyền các cấp tạo điều kiện giúp đỡ những nơi có chùa mà chưa có sư trụ trì, những nơi địa bàn rộng nhưng chưa có chùa, ưu tiên vùng sâu, cách xa trung tâm, bà con dân tộc, xem xét địa điểm thuận lợi, vân tập bà con phật tử đến nghe thuyết giảng định kỳ, làm lễ Quy y Tam Bảo...
Kính bạch: Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni.
Kính thưa: Quý Đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương, các địa phương trên toàn quốc.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Hà Giang; phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc; phía Đông và Đông Bắc giáp các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên; phía Tây giáp tỉnh Yên Bái. Có tổng diện tích tự nhiên là: 586.800 ha, dân số gần 80 vạn người, với 22 dân tộc, có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, (6 huyện, 01 thành phố); 141 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, (129 xã, 7 phường và 5 thị trấn) và 2096 thôn, tổ dân phố.
Hiện nay toàn tỉnh có gần 40 ngôi chùa (cả phế tích) với gần 20 vị tăng ni, hơn 15.000 tín đồ phật tử. Có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận là: Công giáo, Phật giáo, Tin lành (thứ tự tính theo số lượng tín đồ).
Đạo Phật đã hiện hữu trên quê hương Việt nam ngay từ những ngày đầu kỷ nguyên Tây lịch, mang một thông điệp Từ bi - Trí tuệ, cùng văn hóa truyền thống hàng nghìn năm văn hiến, để xây dựng quê hương Việt Nam ngày một phát triển, với tinh thần Vô ngã - Vị tha, Phật pháp bất ly thế gian, Phật giáo Việt Nam nói chung và tăng ni, phật tử tỉnh Tuyên Quang nói riêng luôn nêu cao tinh thần phụng sự đạo pháp, phụng sự dân tộc, hướng tới đời sống an vui hạnh phúc tại nhân gian, mỗi tăng ni, phật tử luôn là thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân, cùng hướng tới xây dựng quê hương Việt Nam ngày một phát triển theo phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội.
* Cơ hội: Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Tuyên Quang được thành lập ngày 24 tháng 12 năm 2009 do Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương GHPGVN làm Trưởng ban. Ngay từ khi mới được thành lập, GHPGVN tỉnh Tuyên Quang đã được các cấp Đảng ủy, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cùng các cơ quan chức năng Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì xây dựng, tôn tạo cảnh chùa ngày một khang trang làm chỗ dựa tinh thần, nơi sinh hoạt của nhân dân và phật tử và cũng là nơi thăm quan cho du khách thập phương.
Tăng ni, phật tử ở các cơ sở và những chùa chưa có sư trụ trì đã khắc phục mọi khó khăn, hợp sức với nhân dân địa phương, tiếp nối truyền thống Từ bi - Trí tuệ của Phật giáo. Phát huy chính tín đem giáo lý đạo Phật truyền bá vào quần chúng nhân dân, tổ chức giảng về Pháp luật, về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với Phật giáo, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh, giảng cho phật tử về kỹ năng sống an lạc lành mạnh, phát triển tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, giáo dục con cháu chăm ngoan, gia đình hạnh phúc, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tin theo, các sinh hoạt tu tập của nhân dân, phật tử đi vào nề nếp. Trên tinh thần hoan hỷ cùng nhau xây dựng đạo pháp giữa lòng dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.
* Thách thức: Ở những nơi vùng sâu, xa trung tâm chưa có chùa nên sinh hoạt của phật tử còn gặp nhiều khó khăn: Không có nơi sinh hoạt, sự hiểu biết về Phật pháp còn hạn chế, dễ bị tà đạo tuyên truyền, xúi giục làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, trái với giáo lý nhà Phật. Cơ sở hạ tầng còn chưa tốt nên việc đi lại của nhân dân, phật tử còn gặp nhiều khó khăn.
Ở một số nơi, chính quyền địa phương còn quản lý chùa, chưa giao lại cho Giáo Hội Phật giáo tỉnh quản lý (theo ngành dọc) nên từ nhiều năm nay chùa cảnh không được xây dựng, xuống cấp (rất khác xa so với các chùa có sư trụ trì), phật tử sinh hoạt tự phát, không có bậc thầy hướng đạo, không được nghe giảng pháp nên sinh hoạt của phật tử không đi vào nề nếp.
Nhiều phật tử đã quy y Tam bảo nhiều năm nhưng chỉ nghĩ: Quy y là để Phật, thần gia hộ cho gia đình mình được bình an phát đạt, chứ không phải để học hành lời Phật dạy cải ác hành thiện, không hiểu được thế nào là giáo lý đạo Phật, là chánh tín quy y, là pháp luật, là tín ngưỡng tôn giáo, là hiến chương của Giáo hội…
Người ta thường nói: “Chùa không sư làm hư cả vãi” câu này quả thật không sai, phật tử nhân dân mỗi người một kiểu, mỗi người một phách, chẳng ai nghe ai. Theo lời Phật dạy, ngôi chùa phải có đủ ba ngôi Tam Bảo là: Phật, Pháp, Tăng. Như vậy một ngôi chùa mà thiếu đi bóng dáng của vị chư tăng thì thật chưa phải là một ngôi chùa đúng nghĩa, đó là một sự thiệt thòi lớn cho bà con nhân dân, phật tử và cũng là khó khăn của Phật giáo tỉnh Tuyên Quang.
* Đề xuất:
- Với Giáo hội: Giáo hội cần phải có kết hoạch hoằng pháp hàng tháng, hàng năm. Có văn bản đề nghị chính quyền các cấp tạo điều kiện giúp đỡ những nơi có chùa mà chưa có sư trụ trì, những nơi địa bàn rộng nhưng chưa có chùa, ưu tiên vùng sâu, cách xa trung tâm, bà con dân tộc, xem xét địa điểm thuận lợi, vân tập bà con phật tử đến nghe thuyết giảng định kỳ, làm lễ Quy y Tam Bảo nếu có nhu cầu, kết hợp từ thiện xã hội, các chương trình xây dựng thôn văn hóa, xóa đói giảm nghèo v.v…
Giáo hội cần có sự can thiệp với các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để Phật giáo tỉnh Tuyên Quang hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình đúng với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
- Với chính quyền: Cần quan tâm hơn nữa đến việc quy hoạch, cấp quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, cơ sở hạ tầng (đường xá) ở những nơi vùng sâu vùng xa để bà con nhân dân, phật tử đi lại sinh hoạt, tu tập được thuận lợi. Một số nơi cần giao lại chùa cho Giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý để Giáo hội có kế hoạch xây dựng, tu sửa lại chùa cảnh cho khang trang, sạch đẹp.
Dành quỹ đất để xây dựng và mở rộng chùa, trồng cây xanh tạo cảnh quan đẹp, để gắn du lịch Cách mạng, Lịch sử văn hóa với du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, thu hút khách thập phương đến Tuyên Quang, đồng thời để bà con nhân dân, phật tử có nơi sinh hoạt và đưa sinh hoạt của nhân dân, phật tử vào nề nếp, theo đúng Giáo lý nhà Phật.
* Giải pháp: Trung ương Giáo hội cần quan tâm tạo điều kiện, củng cố tinh thần cho tăng ni trẻ đến hành đạo, gắn bó với nhân dân vùng núi. Các Ban, Viện Trung ương cần tổ chức các chuyến thuyết giảng, uỷ lạc, giao lưu mở mang văn hoá, chuyển hoá nhận thức của nhân dân, chính quyền tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo, phục vụ nhân sinh.
Về quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải là cơ quan hỗ trợ hàng đầu, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động Phật giáo, giúp cho Phật giáo thực hiện kế hoạch đưa đến thành công tốt đẹp. Bỡi lẽ Phật giáo là đưa con người đến đạo đức, hướng thiện, góp phần an sinh và phát triển xã hội rất hiệu quả. Bên cạnh đó chính quyền cần phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp hoạt động tôn giáo trái pháp luật, trá hình, lợi dụng tôn giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, sự tôn nghiêm của Phật giáo, gây bất an cho xã hội, nguy hại quốc gia.
Trên đây là một số ý kiến tham luận hành đạo, hoằng pháp vùng sâu vùng xa, cơ hội phát triển và thách thức cuả Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang.
Cuối cùng xin kính chúc Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni, Quý Đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương, Quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể Đại hội thân tâm an lạc, vạn sự cát tường! Chúc Đại hội thành công viên mãn!
Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tuyên Quang tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
Các tin đã đăng: