610 255
Văn Hóa » Sách Báo & Tư Liệu
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 04:17:36 20-12-2017 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII: Cơ hội và thách thức của PGVN trong thời đại công nghệ phát triển

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII:
Cơ hội và thách thức của PGVN trong thời đại công nghệ phát triểnCác phương tiện công nghệ có thể xem như là một phương tiện truyền bá Phật pháp khá hữu hiệu trong thời đại hiện nay. Vì phần đông ngày nay người có tín tâm và nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật thì khá bận rộn trong cuộc sống mưu sinh nên không có thời gian đi chùa, tụng kinh, thính pháp, ngồi thiền nhiều.
A. Dẫn nhập
 
Chúng ta đang sống trong một xã hội với sự phát triển vượt bậc của văn minh nhân loại, đó là thời đại khoa học và công nghệ phát triển một cách “chóng mặt”. Sự phát triển đó đã mang lại nhiều cơ hội và thánh thức cho con người trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Các phương tiện công nghệ phát triển cũng giúp chúng ta đưa đạo Phật đến gần với mọi người hơn. 
 
Đặc biệt, ta có thể giúp mọi người tiếp cận với Chánh pháp của đức Phật một cách dễ dàng và đây cũng là một công cụ hỗ trợ phù hợp, hữu ích trong công tác hoằng pháp lợi sanh trong thời buổi hiện nay. Đối với Giáo hội, với sự phát triển của công nghệ thông tin giúp việc điều hành, quản lý của Giáo hội trở nên nhanh chóng, hiệu quả và khoa học hơn.
 
Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin giúp nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội phát triển tốt hơn. Đồng thời, sự phát triển đó cũng ít nhiều tác động đến người tu sĩ Phật giáo, và cũng có những tác động ngược lại theo chiều hướng “xấu” đi đối với một bộ phận tăng ni trẻ hiện nay.
 
B. Nội dung
I. Cơ hội
 
Các phương tiện công nghệ có thể xem như là một phương tiện truyền bá Phật pháp khá hữu hiệu trong thời đại hiện nay. Vì phần đông ngày nay người có tín tâm và nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật thì khá bận rộn trong cuộc sống mưu sinh nên không có thời gian đi chùa, tụng kinh, thính pháp, ngồi thiền nhiều. Nhờ sự phát triển của các phần mềm ứng dụng công nghệ, họ có thể sử dụng với nhiều hình thức khác nhau như Youtube, các trang mạng xã hội… để được nghe và đọc thêm nhiều kinh điển, tiếp thu kiến thức Phật pháp trong lúc nhàn rỗi ở mọi lúc, mọi nơi.
 
Với ứng dụng “live stream video” giúp cho các sự kiện Phật giáo, các bài giảng được gửi lên các trang mạng xã hội một cách trực tiếp, càng làm cho Phật pháp tiếp cận dễ dàng, sâu rộng và kịp thời trong quần chúng. Đối với những bậc tôn túc, người có uyên thâm về Phật học hay những nhà hoằng pháp hiện nay đã ứng dụng phương tiện này vào trong việc hoằng pháp. Đây là cách để những bài viết Phật pháp, video bài giảng, hình ảnh và thông tin phật sự nhanh chóng đến nhiều người có nhu cầu học hỏi và nghiên cứu Phật pháp.
 
Người tu học Phật có thể dùng Facebook như một kênh để chia sẻ Phật pháp đến những phật tử và giới trí thức hữu duyên nhằm nâng cao trình độ nhận thức Phật pháp. Nhờ đó, mọi người sẽ có nhiều cách tiếp cập Phật pháp linh hoạt hơn và nó sẽ phù hợp hơn đối với những người bận rộn nhưng có nhu cầu tìm hiểu về Phật pháp. Những phương tiện công nghệ giúp ta nhân rộng ảnh hưởng tích cực của đạo Phật đến với nhiều người trong xã hội ở mọi lúc, mọi nơi, góp phần chuyển tải một “Đạo Phật ứng dụng” đến với con người và xã hội. 
 
Các ứng dụng mà chúng ta có thể thấy nhiều nhất hiện nay ở các cơ sở Phật giáo từ trung ương đến địa phương điều sử dụng các công cụ như: website, gmail, google drive, excel… vào công tác quản lý, trao đổi, cập nhật thông tin trong hoạt động phật sự một cách thuận tiện hơn. Đối với Giáo hội, các phương tiện công nghệ phát triển giúp chúng ta có thể giới thiệu hình ảnh của Phật giáo Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Ngoài ra, còn giúp giáo hội tăng cường hợp tác và giao lưu quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại tôn giáo, nâng tầm vị thế Giáo hội trong khu vực và quốc tế.
 
Đối với những tăng ni trẻ có kiến thức về công nghệ thông tin, họ là một nguồn lực hết sức cần thiết cho nhu cầu trong các hoạt động phật sự của Giáo hội cũng như các cơ sở Phật giáo hiện nay. Bên cạnh đó, nhằm để đáp ứng và bắt kịp với sự tiến bộ của xã hội thì phần đông tăng ni trẻ hiện nay đều thích ứng với các tiện ích của khoa học công nghệ vào trong nghiên cứu và học tập Phật pháp. 
 
Ngoài ra, còn có thể sử dụng các trang mạng xã hội để phục vụ cho vấn đề trao đổi tài liệu học tập, giao lưu chia sẻ, cập nhật thông tin để kịp thời thông báo những thông tin cần thiết đến với việc học. Như vậy, ở một mức độ nhất định, phương tiện công nghệ phần nào đem lại lợi ích thiết thực trong đời sống tu tập, nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách và hợp lý. Tuy nhiên, nó cũng có những tác hại đối với người quá lạm dụng, không có chánh kiến thì dẫn đến những điều không mong muốn như các báo chí đã phản ánh vừa qua.
 
II. Thách thức
 
Ngoài việc ứng dụng các phương tiện công nghệ vào quá trình tu tập và hoằng pháp lợi sanh thì các phương tiện này cũng đem đến những hệ lụy cho tăng ni trẻ hiện nay. Điển hình đó là tình trạng lạm dụng các tiện ích công nghệ thông tin, dành quá nhiều thời gian vào nó. Một ví dụ tiêu biểu, đó là vấn đề sử dụng các trào lưu mạng xã hội như: Facebook, Viber, Zalo, v.v... một cách thiếu thận trọng và thiếu chánh kiến đã gây ra nhiều hình ảnh không hay về người tu sĩ Phật giáo. Nhanh chóng, kịp thời và sức lan tỏa mạnh mẻ, thực sự là điểm ưu việt của mạng xã hội so với các loại hình truyền thông khác.
 
Tuy nhiên tất cả các sự vật hiện tượng hiện hữu trên cuộc đời này đều có hai mặt trái ngược nhau, như là: được mất, hơn thua, phải trái, thương ghét, đẹp xấu, lớn nhỏ, nóng lạnh, v.v… Và việc đối nghịch nhau này, chính là sự thật tất yếu cho nên sự vội vàng, thiếu thận trọng, thiếu kiểm soát trong việc đăng tải, comment (bình luận) và nhấn nút like (quan tâm), share (chia sẻ), view (lượt xem)… theo ý nghĩ cá nhân của mỗi người mà truyền tải làm xấu đi hình ảnh về tu sĩ Phật giáo. Phần lớn không ngoài mục đích muốn câu like, câu view... làm cho không ít người chưa có niềm tin với Chánh pháp, bất mãn trước những điều đó mà sanh tâm hủy báng đối với Phật pháp.
 
Những hình ảnh thiếu trang nghiêm, mất oai nghi v.v… được đăng tải trên các trang mạng xã hội đã làm cho một số người phản ứng kịch liệt. Từ đó làm cho cái nhìn của người phật tử về hình ảnh của tăng đoàn ngày càng xấu đi. Điều đó cho thấy, mỗi hành vi, lời nói, việc làm của những vị tu sĩ đều được “giám sát” bằng chính các phương tiện ghi hình, âm thanh và được phát tán thông qua công nghệ hiện đại. 
 
Do vậy, sống trong thời đại công nghệ nhanh nhạy với sức lan tỏa có thể nói là khó kiềm chế và không thể quản lý được như hiện nay. Mỗi tăng ni trẻ chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng mạng xã hội, nhằm tránh các xuyên tạc, làm xấu đi hình ảnh Phật giáo. Đây cũng là bài học về bản chất hai mặt khi sử dụng các phương tiện khoa học công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng. Nó cũng là con dao hai lưỡi mà không phải ai cũng thấy được mặt trái của việc lạm dụng nó.
 
III. Giải pháp
a. Giải pháp chung
 
- Tăng ni trẻ nên xem sứ mạng tu tập là một điều cấp thiết, cần tự giác khép mình vào trong nếp sống thiền gia quy củ, tôn trọng và thực hành lời Phật dạy.
 
- Giáo hội cần quản lý chặt chẽ về vấn đề người xuất gia, thọ giới, và đạo hạnh của người xuất gia. Cần có những định hướng cho tăng ni trong việc sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại ngày nay. Ngoài ra giáo hội cần có những kênh thông tin chính thống và quản lý các kênh thông tin của các cơ cơ Phật giáo.
 
b. Giải pháp cụ thể
 
Thứ nhất, mỗi vị thầy bổn sư, vị trụ trì cần có trách nhiệm quản lý, nhắc nhở tăng ni trong quá trình tu học và xem đây là hoạt động phật sự quan trọng của một trụ xứ. Phân bố thời gian tu tập và việc sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại như mạng xã hội, internet… cho phù hợp với tăng ni trẻ hiện nay.
 
Thứ hai, Ban Trị sự mỗi tỉnh/thành, các trường Phật học cần kết hợp với Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương tổ chức những buổi tập huấn về “sử dụng an toàn và tác hại của internet, các trang mạng xã hội…” cho tăng ni. Nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết trong không gian đa chiều để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
 
Thứ ba, đối với các văn hóa phẩm Phật giáo như: băng đĩa thuyết giảng, các bài giảng (đăng tải trên các phương tiện truyền thông), ấn phẩm truyền thông… cần có sự thẩm định sơ bộ, nhằm sàng lọc loại trừ lỗi không đáng có, hoặc nội dung không phù hợp để sản phẩm văn hóa khi đưa ra công chúng đạt được sự hoàn thiện. Thiết nghĩ, vấn đề trên Giáo hội cần giao cho Ban Hoằng pháp Trung ương, đặc biệt là giảng sư đoàn để phụ trách công việc này.
 
Thứ tư, Giáo hội cùng với Ban Thông tin - Truyền thông phối hợp với cơ quan chức năng gỡ bỏ những thông tin không đúng sự thật, xấu độc, bôi nhọ… về hình ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các bậc tôn túc lãnh đạo.v.v... Ban Tăng sự cùng với Ban Nghi lễ tổ chức các khóa bồi dưỡng về giới luật về phẩm hạnh, những việc nên làm và không nên làm của một vị tu sĩ Phật giáo. Từ năm 2016 đến năm 2017, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều các lớp học bồi dưỡng kiến thức về Giới luật - Nghi lễ, khóa bồi dưỡng trụ trì cho tăng ni thành phố. Với số lượng người tham gia học khá đông. Chính từ đó, ta có thể thấy nhu cầu này đang rất cần thiết đối với tăng ni hiện nay và Giáo hội cần nên nhân rộng các lớp học này ra khắp các tỉnh thành.
 
Thứ năm, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử các tự viện Phật giáo, văn bản hành chánh Giáo hội... Nhằm mục đích “Xây dựng Giáo hội điện tử” và đồng bộ hóa với công cuộc cải cách hành chánh của Nhà nước.
 
C. Kết luận
 
Khoa học công nghệ phát triển như hiện nay giúp chúng ta có thể kết nối từ châu lục này đến châu lục khác, không còn khoảng cách không gian và thời gian, giúp việc tìm hiểu, học tập và nghiên cứu Phật pháp một cách dễ dàng. Đồng thời, nó cũng thuận lợi hơn, ngay trong cả việc truyền bá Chánh pháp, đưa những lời dạy của đức Phật đến gần với tất cả mọi người. Đương nhiên, cái gì cũng có hai mặt của một vấn đề, nếu chúng ta không có cái nhìn của chánh kiến trong việc sử dụng các phương tiện công nghệ thì sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
 
Dù trong thời đại nào đi nữa, thiết nghĩ, người tu sĩ Phật giáo cần phải gìn giữ hình ảnh tốt đẹp cho tăng đoàn thanh tịnh, hòa hợp vốn có. Người tu cần thận trọng hơn trong việc tiếp thu những xu hướng của thế gian, nên lựa chọn những điều phù hợp nhất với người đệ tử Phật. Như lời của Hòa thượng Thích Thanh Từ đã từng dạy: “Chúng ta phải luôn tỉnh để tự cứu mình, chứ không ai cứu mình được. Nếu mê thì đi trong trầm luân muôn kiếp, còn tỉnh thì lần lần thoát khỏi phiền não vượt ra vòng sinh tử. Đó là chỗ cao siêu cứu cánh trong đạo Phật”.
 
Tăng sinh Thích Minh Lộc - Lớp Trung cấp Giảng sư - Ban Hoằng Pháp TƯ
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
Chia sẻ với bạn bè qua: