Đông Triều. 21:06:15 24-12-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ:
Tham Luận: Nghĩ Về Bạo Lực Trong Giới Trẻ
TK. Giác Phổ
Phó Thường trực Ban hoằng pháp Phật giáo tỉnh Đak Lak
A. DẪN NHẬP
Trong thời gian gần đây, chúng ta không khỏi bàng hoàng sửng sốt về những tội ác diễn ra liên tục trong giới trẻ. Vụ thảm sát 4 người ở Nghệ An do nghi phạm từng yêu đơn phương nạn nhân[1] và vụ thảm sát 6 người trong một gia đình tại Bình Phước[2], đầu tháng 8 vừa qua, tại huyện đảo Phú Quốc cũng xảy ra vụ án mạng kinh hoàng tại quán Lion Graden Beer Club[3] làm 2 người chết tại chỗ, trong đó có một nam sinh vừa thi xong kỳ thi THPT Quốc gia.
Lật lại từng trang báo, chúng ta không khỏi nao lòng khi cái ác đang ngự trị trong tâm hồn tuổi trẻ, và đáng lo ngại hơn nữa là cái ác đang tồn tại ở sân trường, nơi mà biết bao nhiêu bậc phụ huynh đang đặt niềm tin và gởi gấm con em mình ở đó.
Xem lại những Video clips về bạo lực học đường[4] còn đang lan rộng trên các trang mạng là những bằng chứng cho chúng ta thấy việc hành xử bạo lực giữa học sinh với học sinh, giữa bạn bè với với bạn bè… đang ngày càng lan rộng, bên cạnh đó còn có cả hàng trăm vấn đề nan giải như: say sưa nghiện ngập, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bắt cóc tống tiền, giết người cướp của …
Bạo hành, bạo lực trong giới trẻ đã trở thành một “hiện tượng tự nhiên” trong xã hội hiện nay. Những hành vi bạo lực, bạo hành hầu như xảy ra hằng ngày xung quanh chúng ta. Làm thế nào để giảm thiểu hành vi bạo lực, bạo hành và ngăn chặn không cho chúng xảy ra?
Trong thời kỳ đổi mới, đất nước ta đang hướng đến xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Để đạt đến mục đích trên, thiết nghĩ, Người hoằng pháp cần phải có những đánh giá thiết thực, khách quan về các vấn nạn xã hội và phát huy tinh thần hoằng pháp của mình để giảm thiểu các vấn nạn xã hội.
B. NỘI DUNG
Để có giải pháp giảm thiểu và ngăn chặn các vấn nạn nêu trên, chúng ta lần lượt tìm vào những trang kinh Phật hầu mong có thể thấy được một vài giải pháp để tháo gở những vấn đề nan giải của xã hội theo quan điểm Phật học. Phật giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác giáo dục trong một quốc gia độc lập. Công tác giáo dục là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội và tôn giáo.
1. Đối với gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi con người sinh ra và lớn lên, là nơi thế hệ trẻ được chăm lo cả về thể chất, tinh thần và nhân cách để hội nhập vào cuộc sống cộng đồng và xã hội. Trong gia đình, những đứa trẻ được nuôi dưỡng lớn lên. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình mà trong đó, mọi thành viên sống vui vẻ, êm ấm, yêu thương và có ý thức trách nhiệm với nhau, chăm sóc lẫn nhau và khi cần thiết thì biết hy sinh cho nhau.
Để con em mình trở thành một người tốt, trách nhiệm đầu tiên là cha mẹ, cha mẹ phải là người gương mẫu, chuẩn mực về đạo đức trong hôn nhân, chuẩn mực về thái độ ứng xử, tránh trường hợp tranh cải, văn tục trước mặt con em mình. Đối với trẻ thơ, cha mẹ là 2 thần tượng vĩ đại nhất, là 2 tấm gương sáng nhất và cũng là 2 chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy nhất. Cho nên, gia đình phải thực sự là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng tinh thần, là điểm tựa không thể thiếu để hình thành nhân cách con trẻ.
Một số trẻ em, tuổi vị thành niên rơi vào tội lỗi, bị cuốn vào vòng xoáy các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật …vv. có lẽ một phần là do sự lơi lỏng, chủ quan, tham công tiếc việc của các bậc phụ huynh đã dẫn đến những hậu quả thật đáng tiếc.
2. Đối với nhà trường
Mỗi dân tộc có một nền văn hóa giáo dục riêng, nó là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh và bản sắc của dân tộc đó. Giáo dục học đường là một yếu tố rất quan trọng cần thiết để quản lý, xây dựng và duy trì nền đạo đức làm nền móng vững chắc đưa đất nước phát triển.
Đối với văn hóa học đường có thể được xem là những quan niệm đạo đức chuẩn mực quy định trong cách ứng xử giao tiếp giữa học sinh với học sinh, giữa trò đối với thầy và ngược lại; học đường là nơi tiếp thu kiến thức, học hỏi qua hành vi giao tiếp, cách ăn mặc, cách ứng xử với cảnh quan môi trường... Học đường là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những con người sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp.
Chúng ta có thể ôn lại lời dạy của ông bà xưa “Dạy con từ thuở lên ba…” cho nên nhà trường phải có vai trò định hướng giáo dục cho học sinh. Hướng dẫn học sinh kỷ năng sống có văn hóa ứng xử trong giao tiếp, thể hiện với nếp sống văn minh, thanh lịch, nhà trường cần phải có thêm phòng tư vấn tâm lý cho học sinh để giúp học sinh tháo gỡ khó khăn trong tâm lý, có định hướng trong tương lai và biết làm chủ bản thân.
3. Đối với xã hội
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có chiến lược, chủ trương, định hướng chuẩn mực về mặt đạo đức. Vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là hết sức quan trọng thông qua những chính sách và chủ trương, dùng những thiết chế pháp luật để tác động tới ý thức của người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật đến với người dân. Định chế pháp luật có tính chất răn đe, bồi dưỡng giáo dục có tính chất bồi đắp, bổ sung, phổ biến những giá trị nhân văn tốt đẹp vv... Định chế pháp luật phải minh bạch, cụ thể rõ ràng, không nên chung chung.
Tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, khuyến khích phát huy tinh thần hòa hợp giữa các phong tục, tập quán tốt đẹp của mọi tầng lớp và tiến tới phát triển ổn định. Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ quyền bình đẳng giữa mọi người trong xã hội.
Cơ quan quản lý nhà nước cần phải phối hợp với nhà trường để nâng cao năng lực giải quyết các vụ việc bạo lực học đường. Giúp đỡ ban giám hiệu nhà trường xử lý đúng đắn những vụ việc bạo lực học đường.
Khi xảy ra bạo lực, người làm công tác xã hội nên đưa ra những đánh giá mang tính chuyên môn, xử lý đúng vụ việc công khai, chính xác và kịp thời, người thực thi pháp luật phải làm đúng chức năng của mình và thức tỉnh người vi phạm nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực của hành vi mình gây ra, chủ động phát huy tính tích cực, sáng tạo trong công việc công tác tuyên truyền pháp luật.
4. Đối với Phật giáo
Giáo dục Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc dạy cho con người cách sống, hoàn thiện về kỹ năng chuyên môn mà còn dạy cho chúng ta về đạo đức làm người.
Chỉ có đáp ứng được những yêu cầu như vậy mới xây dựng được một đất nước phồn vinh và thịnh vượng trên hai phương diện vật chất và tinh thần, nơi đó giáo dục Phật giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực nhất quán này.
Lời dạy của Đức Phật đã nói rõ cho mọi tầng lớp trong xã hội là bình đẳng. Tôn trọng sự sống là quan điểm của Phật giáo. Kinh Pháp cú đức Phật dạy:
“Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong.
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết”.
(Kinh Pháp cú, câu 129)
“Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người ưa sống còn.
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết”.
(Kinh Pháp cú, câu 130)
Tinh thần bất bạo động được đức Phật giảng dạy trong suốt cuộc đời hoằng pháp của ngài. Khi Phật còn đang ở thành Vương Xá (Rajagaha), Vua A Xà Thế (Ajatasattu), vị vua giết cha, đã sai khiến viên đại thần đại thần của mình là Vassakara đến dò hỏi ý kiến Thế Tôn về mưu định của nhà vua muốn xâm chiến nước Cộng hòa Vajjian, thuở ấy rất giàu có.
Phật đưa ra 7 điều kiện với Ananda trước mặt Vassakara, nội dung như sau:
1. Ngày nào mà dân chúng thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
2. Ngày nào mà dân chúng thường hay tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết.
3. Ngày nào mà không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống đã được ban hành thuở xưa.
4. Ngày nào mà dân chúng tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão.
5. Ngày nào mà dân chúng không cướp bóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ.
6. Ngày nào mà dân chúng còn tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các miếu tự ở trong và ngoài tỉnh thành, không bỏ lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
7. Ngày nào mà dân chúng bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp với các vị A-la-hán ở tại nơi mình, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến sẽ sống an lạc.
Cuối cùng Phật kết luận:
“Này Vassakara, khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjìan, khi nào dân chúng Vajjìan được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời dân Vajjìan sẽ cường thịnh, không bị suy giảm”[5]
Khi nghe đức Phật giảng dạy bảy điều kiện thịnh suy của người dân Vajjian, vị đại thần Vassakara nhận thức chắc chắn rằng vua xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) không thể chiến thắng dân tộc Vajjian.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ lời dạy của Phật cách đây 2600 năm vẫn còn có giá trị đến ngày hôm nay. Để có được phương hướng giáo dục đạo đức cho lớp trẻ, thiết nghĩ Ban hoằng pháp và các tự viện nên tổ chức các khóa tu học bồi dưỡng đạo đức Phật giáo cho lớp trẻ.
Con đường đạo đức của Phật giáo là xây dựng cho mọi người cái tâm an lạc, cuộc sống ổn định, không làm tổn hại chúng sinh, và từ bi hỷ xả đối với mọi người, cho nên nền tảng giáo lý nhà Phật hướng dẫn mọi người sống với lòng từ bi, bất hại, bất sát, bất đạo, bất dâm ... Ðó cũng là tính đặc thù của giáo lý hòa bình, an lạc và điều này được gói gọn trong lời dạy của Ðức Phật:
"Không làm mọi điều ác.
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy."
(Kinh Pháp cú, câu 183)
Lời dạy trên thật bình dị, đơn giản nhưng thực hành cho đúng như pháp thì không phải là chuyện dễ làm.
Theo quan điểm của Phật giáo, một người sống hạnh phúc là khi họ từ bỏ mọi việc ác, làm tất cả việc lành có lợi cho mình và mọi người, không gây đau khổ cho người khác, giúp đỡ mọi người bằng tất cả phương tiện có thể.
Trong kinh Trung Bộ II, Phật dạy:
"Sát sanh, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ sát sanh là thiện. Lấy của không cho, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện. … Xan tham, này Vaccha, là bất thiện, không xan tham là thiện. Sân, này Vaccha, là bất thiện, không sân là thiện. Tà kiến, này Vaccha, là bất thiện, chánh kiến là thiện. Như vậy, này Vaccha, mười pháp là bất thiện, mười pháp là thiện"[6] Mỗi người sống trong xã hội ngày nay chỉ cần thực hành một trong những lời Phật dạy thì chắc chắn sẽ được bình an, hòa hợp, hạnh phúc.
C. KẾT LUẬN
Phật giáo không đồng ý bất kỳ cá nhân nào dùng bạo lực bóc lột, ức hiếp người khác vì sự ích kỷ của mình. Giáo dục Phật giáo luôn nỗ lực quan sát và tìm hiểu phản ứng không chỉ của con người với con người trong đời này mà còn ở những đời khác trong vòng sinh tử luân hồi.
Quan điểm của Phật giáo đối với các vấn đề xã hội có tính thực tế. Giải quyết hoàn toàn các vấn đề xã hội là việc làm không tưởng, phương pháp tốt nhất là tìm hiểu và hòa giải với chúng. Thái độ này giúp chúng ta kiểm soát được chúng, đó chính là một giải pháp mang tính thực tế.
Hiểu mình, biết người sẽ cho chúng ta một cuộc sống an lạc và hạnh phúc, giảm thiểu đến mức thấp nhất trong xung đột giữa mình và người. Rất thường xảy ra việc tự mình xung đột với chính bản thân mình sau đó lan sang cho kẻ khác. Càng ít xung đột nội tại, thì càng ít xung đột với tha nhân. Giáo dục Phật giáo mở đường cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạn chế thấp nhất cuộc chiến tự thân và tha nhân.
[2] www.24h.com.vn/thảm sát 6 người ở Bình Phước
[3] www.dantri.com.vn/ Truy hung thủ nổ súng giết 2 người tại "bia club" đảo Phú Quốc
[4] www.kenh14.vn/ những Video clips bạo lực học đường
[5] Kinh Trường bộ, tập 1, bản dịch của HT. Thích Minh Châu, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1991, tr.545.
Các tin đã đăng: