110 804
Văn Hóa » Sách Báo & Tư Liệu
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 23:24:16 03-12-2017 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Sức Bật Của Giáo Hội "Nâng Tầm Cao Mới, Sải Cánh Vươn Xa"

Sức Bật Của Giáo Hội "Nâng Tầm Cao Mới, Sải Cánh Vươn Xa"Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2000 năm tồn tại và phát triển trên quê hương đất Việt, Phật giáo Việt Nam từ thời du nhập đến nay đã bám rễ sâu trong lòng người dân Việt. Sự phát triển của Phật giáo luôn gắn liền với vận mệnh của non sông đất nước qua các thời kỳ lịch sử, đồng hành cùng với dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước trên tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”.
Kể từ năm 1981, Phật giáo Việt Nam đã có đầy đủ cơ duyên thực hiện nguyện vọng thống nhất 09 tổ chức Giáo hội và hệ phái Phật giáo (1) cả nước hợp thành một Giáo hội duy nhất lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (gọi tắt là GHPGVN) dựa trên nguyên tắc hoạt động: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp” (2) tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức vào ngày 04 - 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. (3) 
 
Trải qua 36 năm tương ứng với 7 nhiệm kỳ hoạt động, GHPGVN đã không ngừng phát triển bền vững và ổn định về mọi mặt, thu hút nhiều sự quan tâm của các tín đồ phật tử Việt Nam trong và ngoài nước cũng như các tầng lớp nhân dân trong xã hội, các tổ chức Phật giáo ở các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới; đồng thời góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu ngày càng ổn định và phát triển vững mạnh, đem lại niềm an lạc và hạnh phúc cho mọi người. 
 
Đặc biệt trong nhiệm kỳ VII (2012-2017) vừa qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp cũng như sự lãnh đạo sáng suốt và khéo léo của Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội cùng với sự đóng góp tích cực và ủng hộ nhiệt tình của toàn thể tăng ni, đồng bào phật tử cả nước; GHPGVN đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trong mọi công tác phật sự đa phương diện, nhất là việc mở rộng quan hệ hợp tác và giao lưu văn hóa quốc tế nhằm thắt chặt tình hữu nghị tốt đẹp giữa GHPGVN với các quốc gia, các tổ chức Phật giáo trong khu vực và trên thế giới trong nhiều thập niên vừa qua. 
 
Đề tài tham luận hôm nay của Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương với chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Nâng tầm cao mới, sải cánh vươn xa” hy vọng sẽ là giọt nước công đức và kiến thức trong đại dương công đức và trí tuệ của Chư tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, nhằm trân trọng đóng góp phần nhỏ ý kiến của Ban hướng đến chào mừng Ðại hội Ðại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) tại thủ đô Hà Nội, đồng thời góp phần tích cực trong công việc xây dựng và phát triển bền vững ngôi nhà chung của GHPGVN trong thời kỳ hội nhập Phật giáo thế giới hiện nay.
 
I. Nâng tầm cao mới dựa trên trí tuệ và kỷ cương
 
Với nhóm từ “Nâng tầm cao mới” người viết muốn nêu bật về những định hướng mới mà GHPGVN đã vạch ra với 8 chữ vàng, đó chính là: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập và Phát triển”. Ở phần I này, 04 chữ “trí tuệ và kỷ cương” chính là kim chỉ nam, là nền tảng vững chắc của Giáo hội để nâng tầm cao mới. Đó là phương hướng cải cách canh tân, đột phá và phát huy về mọi phương diện của Giáo hội phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, từ hình thức đến nội dung, từ việc chọn lựa nhân sự đến công tác hành chánh, từ việc quản lý nội bộ trong tăng đoàn đến phương diện đối ngoại. Tất cả đều được ứng dụng một cách đồng bộ, chuẩn mực và khoa học. Vì vậy, muốn nâng tầm cao mới, Giáo hội luôn dựa trên trí tuệ và kỷ cương để lãnh đạo và điều hành phật sự ở nhiệm kỳ VIII (2017-2022) và nhiều nhiệm kỳ kế tiếp trong tương lai. 
 Thượng tọa Thích Quang Thạnh
“Trí tuệ” ở đây chính là muốn nói đến trí tuệ của tập thể Giáo hội, một trí tuệ được kết tinh từ quá trình công phu tu tập tâm linh và đạo hạnh của các bậc Tôn đức lãnh đạo Giáo hội để quyết định chọn lựa những nhân tố tích cực, có tư tưởng chuẩn mực và đạo hạnh uy nghiêm, có uy tín, có trình độ, có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tâm cao trong mọi phật sự, để tham gia vào hàng ngũ lãnh đạo GHPGVN nhiệm kỳ 2017-2022. Vì thế, việc chọn lựa nhân sự cho nhiệm kỳ mới 2017-2022 của Giáo hội là một công việc hết sức quan trọng để quyết định sự tồn vong của GHPGVN. 
 
Do đó, trách nhiệm của mỗi Đại biểu chúng ta khi chọn lựa nhân sự giúp cho Giáo hội, cần phải có trí tuệ sáng suốt và tư tưởng chuẩn mực để góp ý tế nhị, bầu chọn nghiêm túc và quyết định mạnh mẽ, dứt khoát không có sự thiên vị thân sơ, không cả nể, không sợ phiền lòng trên tinh thần cởi mở, hài hòa, thống nhất và đoàn kết. Có như thế, chúng ta mới thật sự chọn lựa được những con người chuẩn mực với tài đức song toàn để tham gia hoạt động phật sự giúp cho GHPGVN ngày càng phát triển vững mạnh về mọi phương diện. Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương rất tin tưởng vào sức mạnh trí tuệ tập thể của Chư tôn đức Tiểu ban nhân sự, Ban tổ chức và Ban chỉ đạo Đại hội khi chọn lựa nhân sự mới của GHPGVN nhiệm kỳ 2017-2022. 
 
“Kỷ cương” chính là mực thước nghiêm minh của GHPGVN khi xử lý và điều hành mọi công tác phật sự đối nội và đối ngoại của Giáo hội. Một tập thể muốn ổn định, phát triển và hoàn thành tốt công tác, cần phải có những con người làm việc thật tận tâm, nghiêm minh, sáng suốt để xử lý và điều hành mọi phật sự của Giáo hội một cách khéo léo, hài hòa, đoàn kết và thực hiện nghiêm túc theo đúng Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự GHPGVN cũng như phù hợp với Hiến pháp và Pháp luật Nhà nước. Vì vậy, mỗi thành viên lãnh đạo Giáo hội phải có đủ tinh thần Bi – Trí - Dũng, là người mô phạm, gương mẫu, có đủ uy lực về trí tuệ và đạo hạnh để xử lý và điều hành tốt mọi phật sự của Giáo hội. 
 
Cương quyết kiểm điểm hoặc bãi bỏ chức vụ các thành viên lãnh đạo Giáo hội có tư tưởng tiêu cực, chống đối hoặc vi phạm luật pháp Nhà nước, Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự GHPGVN; xử phạt nghiêm khắc các thành viên lợi dụng chức vụ lãnh đạo để vụ lợi, tham nhũng, hối lộ, chèn ép và áp đặt những thành viên cấp dưới một cách vô căn cứ, hoặc không làm tròn trách nhiệm và nhiệm vụ được giao; kỷ luật nghiêm túc đối với các tăng ti vi phạm giới luật, thiếu oai nghi và các đối tượng giả danh tu sĩ, v.v... Giáo hội cần có mức xử phạt nghiêm minh đối với những thành viên vi phạm hoặc bị kỷ luật, đồng thời có chế độ khen thưởng đúng mức cho các thành viên hoàn thành tốt công tác được giao. Chính vì vậy, 02 chữ “kỷ cương” chính là nền tảng quan trọng cho mỗi tăng ni Phật giáo cần phát huy ý thức của mình để áp dụng nghiêm túc trong cuộc sống tu tập tâm linh và hành chánh đạo, nhất là các thành viên lãnh đạo các cấp GHPGVN.
 
Với 02 cụm từ “trí tuệ” và “kỷ cương” đã nói lên sự quyết tâm đồng bộ của Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội trong việc nâng tầm cao mới để thay đổi diện mạo hoàn hảo của GHPGVN về mọi phương diện, nhất là việc cải cách hệ thống tổ chức Giáo hội, đơn giản hóa thủ tục hành chánh, đổi mới tư duy và cách tân trong giáo điều,.v..v. Hy vọng sau khi Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII kết thúc, cánh cửa nhiệm kỳ VIII tương lai của GHPGVN sẽ mở ra một trang sử mới đầy ý nghĩa với đầy đủ ánh sáng trí tuệ và màu sắc kỷ cương của Giáo hội khi đang chuyển mình nâng tầm cao mới để thay đổi toàn diện bức tranh đầy nghệ thuật của GHPGVN trong hiện tại và tương lai mai sau.
 
II. Sải cánh vươn xa bằng sự hội nhập và phát triển
 
Như chúng ta đã biết trong nhiệm kỳ qua, nhằm mở rộng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giao lưu văn hóa giữa Phật giáo Việt Nam và các nước Phật giáo trên thế giới qua các mặt: ngoại giao, giáo dục, văn hóa, kiến trúc, học thuật, kinh nghiệm tu học, v..v., GHPGVN đã đón tiếp 20 phái đoàn các đại sứ quốc tế, Phật giáo bạn và các tổ chức Phật giáo quốc tế viếng thăm; tham gia vào thành viên sáng lập và thành viên của 08 tổ chức Phật giáo quốc tế; đã và đang liên kết thân hữu với các nước Phật giáo Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Mông Cổ, Tích Lan, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Pháp, vùng lãnh thổ Đài Loan và một số các nước châu Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, v..v.; đã ký hợp tác giáo dục với 11 trường đại học danh tiếng trên thế giới. Hiện nay, có 200 tăng ni tốt nghiệp Tiến sĩ và Thạc sĩ chuyên ngành Phật học và các ngành khác ở các nước và đã trở về nước tham gia các công tác của các Ban/Viện Trung ương Giáo hội; các Ban chuyên môn trực thuộc các Ban Trị sự các Tỉnh/thành hội Phật giáo.(4) 
 
Nhìn chung, qua các mặt công tác quan hệ Phật giáo quốc tế của GHPGVN, chúng ta nhận thấy sự nỗ lực vượt trội và phát triển không ngừng của Giáo hội được biểu hiện qua nhiều thành quả tốt đẹp trong nhiệm kỳ VII (2012-2017) vừa qua. Với nhận thức đúng đắn, hành động thiết thực trong tinh thần đoàn kết, hợp tác hữu nghị và quan hệ quốc tế, GHPGVN đã từng bước vượt qua những khó khăn trở ngại, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trong mọi công tác đối ngoại nhằm thắt chặt tình hữu nghị tốt đẹp giữa GHPGVN với các quốc gia và tổ chức Phật giáo trong khu vực và trên thế giới trong suốt nhiều thập niên vừa qua. Đây chính là những thành tựu tốt đẹp đáng được tôn vinh của GHPGVN trong công tác quan hệ Phật giáo quốc tế, góp phần tạo uy tín và sự hiểu biết nhiều hơn nữa cho GHPGVN ở trong nước và trên thế giới. 
 
Từ những thành tựu nêu trên, ở phần II này, với nhóm từ “Sải cánh vươn xa” người viết muốn nhấn mạnh đến những định hướng mới của GHPGVN về việc mở rộng hoạt động quan hệ đối ngoại dựa trên tiêu chí “hội nhập và phát triển” mà Giáo hội đã vạch ra trong nhiệm kỳ mới 2017-2022. Thiết nghĩ GHPGVN cần bổ sung, cải cách và canh tân một vài phương cách ngoại giao để hội nhập cộng đồng các nước Phật giáo quốc tế nhằm phát triển, giao lưu và lan tỏa những hình ảnh, hoạt động và những nét đặc trưng tiêu biểu về mọi phương diện của đất nước, con người Việt Nam và GHPGVN đến các nước, các tổ chức Phật giáo trên thế giới. 
 
Về phương diện này, để tăng thêm uy thế trong quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế với các nước Phật giáo bạn trên thế giới, đồng thời nhằm hoàn thiện công tác ngoại giao và hội nhập với cộng đồng quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương kính xin bổ sung 10 góp ý như sau:
 
1. Trong các chuyến công tác giao lưu, hội nghị, diễn đàn, v.v..., với các tổ chức quốc tế và các nước Phật giáo trên thế giới, ngoài việc cử vài vị trưởng lão mang tính tiêu biểu (nếu cần thiết), Giáo hội nên chọn những vị Tôn đức tăng ni có tư tưởng và trình độ chuẩn mực, có phong cách và cử chỉ lịch sự, hình tướng trang nghiêm và thông thạo ngoại ngữ đại diện từ các hệ phái và các Ban/viện liên quan, để thay mặt cho GHPGVN khi tham dự các diễn đàn, hội nghị hoặc ngoại giao với các nước quốc tế. Đặc biệt, vị trưởng đoàn nên tương xứng với vị trí và tuổi tác với các trưởng đoàn của các nước Phật giáo khi ngoại giao.
 
2. Việc mời phái đoàn khách nước ngoài đến thăm, giao lưu và thực hiện các nghi lễ Phật giáo tại các cơ sở tự viện cần phải thực hiện đúng quy trình thủ tục hành chánh của Giáo hội và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tránh thực hiện vượt cấp và không đúng quy định hành chánh Giáo hội. Các cơ sở tự viện này cần phải chấp hành nghiêm túc theo yêu cầu của Giáo hội về phương thức ngoại giao và phải báo cáo về cho Giáo hội và Ban Phật giáo Quốc tế tại địa phương sau mỗi lần tiếp đón hoặc tổ chức nghi lễ Phật giáo.
 
3. Ban Phật giáo Quốc tế là một bộ phận giúp việc chuyên môn cho Ban Thường trực HĐTS về mọi hoạt động liên quan đến Phật giáo quốc tế của GHPGVN; vì vậy, khi các Ban/viện tổ chức các chuyến thăm hữu nghị, tham dự lễ hội, hội nghị, tọa đàm quốc tế, .v..v., với các nước Phật giáo bạn hoặc đăng cai tổ chức các lễ hội, hội nghị, tọa đàm Phật giáo quốc tế tại Việt Nam, cần có sự kết nối và phối hợp chặt chẽ với Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN.
 
4. Giáo hội cần thống nhất để chọn những món qùa biểu trưng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (điển hình như: logo Giáo hội, tượng Phật, v.v...), thống nhất y phục của tu sĩ Phật giáo Việt Nam và ấn hành những tờ bướm về các thông tin cơ bản để giới thiệu về GHPGVN (bao gồm các thứ tiếng: Anh, Hoa, Nhật, Hàn, .v..v.) khi tham dự các hội nghị, diễn đàn, giao lưu với các nước Phật giáo trên thế giới, hoặc khi tiếp đón các phái đoàn đến thăm GHPGVN.
 
5. Giáo hội cần tổ chức phiên họp trước khi phái đoàn đại diện GHPGVN thực hiện chuyến công tác ở nước ngoài, nhằm chỉ đạo và sinh hoạt về quan điểm/tư tưởng cũng như phân công/phân việc cho trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn trước khi tham dự lễ hội, hội nghị, giao lưu, diễn đàn với các tổ chức Phật giáo ở nước ngoài. Cần thống nhất các tư tưởng, nội dung của trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn trước khi đại diện phát biểu. Sau khi kết thúc chuyến đi, vị thư ký đoàn phải gửi báo cáo về chuyến đi công tác cho Trung ương Giáo hội và Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương để tường tri.
 
6. Giáo hội cần chủ động hơn nữa việc mời các tổ chức và các nước Phật giáo bạn đến thăm, trao đổi và giao lưu với GHPGVN cùng với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các cơ quan/ban ngành Chính quyền liên quan, nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa GHPGVN và các tổ chức Phật giáo của các nước trên thế giới.
 
7. Chủ động thành lập một tổ chức quốc tế riêng theo bản sắc văn hóa truyền thống của Phật giáo Việt Nam với sự tham gia của các thành viên từ nhiều nước và các tổ chức Phật giáo trên thế giới, nhằm mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác Phật giáo quốc tế giữa GHPGVN và các nước Phật giáo trên thế giới qua các mặt: hoằng pháp, giáo dục, văn hóa, v..v, phù hợp với thời đại phát triển khoa học và điều kiện mở cửa giao lưu văn hóa của đất nước, góp phần tích cực cho hoạt động Phật giáo quốc tế của GHPGVN ngày càng phát triển mạnh mẽ trên diễn đàn quốc tế.
 
8. Các Ban/Viện Trung ương cần có sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ hơn nữa với Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương trong khi thực hiện công tác quan hệ Phật giáo quốc tế.
 
9. Quan tâm, hỗ trợ và động viên nhiều hơn nữa về mặt tâm linh cho đồng bào Phật tử Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại hải ngoại bằng cách: thường xuyên tổ chức các khóa tu học Phật pháp, các diễn đàn hội thảo Phật giáo, thuyết giảng và chia sẻ kinh nghiệm tu học Phật pháp nhằm đáp ứng nhu cầu hoàn cảnh thực tế của phật tử hải ngoại phù hợp với truyền thống văn hóa PGVN và nước sở tại.
 
10. Củng cố đội ngũ con em phật tử Việt kiều ở hải ngoại nhằm kế thừa di sản truyền thống văn hóa Việt Nam và Phật giáo Việt Nam bằng cách: tổ chức các khóa tu học ứng dụng Phật pháp dành riêng cho các thanh thiếu niên Việt kiều; lắng nghe nguyện vọng tâm tư của các em để hỗ trợ, tư vấn và chia sẻ những kinh nghiệm sống thực tế qua lời dạy của đức Phật với sự hài hòa phong tục tập quán của Việt Nam và nước sở tại nhằm hướng dẫn cho các em đi đúng mục tiêu tương lai của chính họ. Để thực hiện được điều này, chúng ta hãy: “Ban tặng cho các em những gì chúng đang cần, và nói với các em những điều chúng đang muốn hiểu biết”.
 
Có như vậy, giới trẻ ở hải ngoại sẽ tự động truy tìm những viên ngọc quý báu qua lời dạy của đức Phật mà các em đang cần từ những ngôi chùa Phật giáo mang đậm nét truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
 
Kính bạch chư Tôn đức! Kính thưa Đại hội!
 
Trên đây là những thiện ý của Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ của mình cho sự nghiệp phát triển bền vững ngôi nhà chung của GHPGVN và góp phần cho sự thành công Ðại hội Ðại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) tại thủ đô Hà Nội.
 
Kính chúc Ðại hội thành công tốt đẹp! Xin cám ơn quý Đại biểu đã lắng nghe!
 
TT.Thích Quang Thạnh - Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban PG Quốc tế TƯ GHPGVN
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
---------------
Chú thích:
(1) 09 tổ chức Giáo hội và hệ phái Phật giáo cả nước do 09 vị Hòa thượng Giáo phẩm lãnh đạo lỗi lạc dẫn đầu bao gồm: (1) Hội Thống Nhất Phật giáo Việt Nam do HT.Thích Nguyên Sinh; (2) Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất do HT.Thích Thiện Siêu; (3) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam do HT.Thích Trí Tấn; (4) Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh do HT.Thích Thiện Hào; (5) Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam do HT.Thích Siêu-Việt; (6) Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước Miền Tây Nam Bộ do HT.Dương Nhơn; (7) Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam do HT.Thích Giác Nhu; (8) Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo quán do HT.Thích Đạt Pháp; và (9) Hội Phật học Nam Việt do Cư sĩ Phật tử Tăng Quang. Xem thêm trong Bản báo cáo (bản gởi đính kèm số: 341/PC/HĐTS), Văn phòng II Trung ương, Thành phần đại biểu tiêu biểu Phật giáo Việt Nam được Ban vận động vào 22/10/2003, tại Tp.HCM, trang 3ff; Bài tham luận của HT.Thích Trí Thủ, “Lời kêu gọi của Hội nghị Đại biểu Thống Nhất Phật giáo Việt Nam vào 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ, trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kỷ yếu Hội nghị Đại biểu Thống Nhất Phật giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn hóa Trung ương Giáo Hội, 1986: 40f; Tiều-Huy, ‘Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn phát triển, Tuần báo Giác Ngộ, số 197, TP.HCM: Cơ quan Ngôn luận THPG TP.HCM, vào 6/11/2003, trang 9.
(2) Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ‘Lời Nói Đầu’ trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008: 3.
(3) Xem thêm nội dung Hội nghị trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kỷ yếu Hội nghị Đại biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội, 1986. 
(4) Xem thêm ‘Bản báo cáo sơ kết 06 tháng đầu năm 2017’ của Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương trong “Tài liệu Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ngày 04-05/7/2017”, Văn phòng II Trung ương:2017.
Chia sẻ với bạn bè qua: