Môn học thầy Lương dạy miễn phí là tiếng Anh. Theo lời thầy kể thì đó là môn học “khó nuốt” nhất quãng đời học sinh của thầy. Năm thi vào lớp 10 trường THPT Thái Phiên, cậu học trò Lương bị trượt do điểm môn tiếng Anh rất thấp. Quá sợ hãi, cậu quyết xin về học hệ bổ túc để “né” môn Anh. Ban đêm học lớp bổ túc, ban ngày cậu tìm tới các thầy cô trường chuyên Lê Quý Đôn để học thêm các môn Toán, Lý, Anh…
Sau hai năm hoàn thành chương trình phổ thông, Lương học tiếp trường Trung cấp Phật học Phổ Đà, vừa học Phật học, vừa luyện lại các môn chính thời phổ thông. Nắm chắc kiến thức, Lương đăng kí thi vào ngành tiếng Anh biên, phiên dịch, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, và năm ấy, cậu là người có điểm số cao nhất lớp: 26,5 điểm, trong khi điểm trúng tuyển chỉ có 16,5.
“Thầy dạy bằng cái tâm của mình nên tụi em tới đây học rất thoải mái, không hề mặc cảm. Không có lớp học của thầy thì một học trò khó khăn như em chắc chắn không có được ngày hôm nay. Sau này thành tài, em sẽ giúp thầy dạy tiếp những lớp học sinh sau”.
Cậu học trò Phạm Thành Đạt tâm sự
Suốt 10 năm trời, thầy Thích Thanh Lương dạy học miễn phí cho hàng ngàn học trò.
Ảnh: Thanh Trần
Năm 2006, lúc ấy thầy là sinh viên năm hai, trong một lần đi cứu trợ nghe được câu chuyện của một cậu học trò học kém môn tiếng Anh, nhà lại khó khăn nên thầy quyết tâm mở lớp dạy học miễn phí. Ban đầu chỉ chừng chục em trong xóm tới học. Thế rồi lứa trò đầu tiên có em được đi thi học sinh giỏi và có giải tiếng Anh các cấp, phụ huynh khắp nơi dẫn con về chùa gửi thầy. Ra trường năm 2008, thầy cùng một người bạn thuê nhà dạy học. Thời điểm ấy lớp của thầy đã có hơn 100 trò, có cả học trò trường chuyên Lê Quý Đôn.
Lớp học miễn phí của thầy không chỉ dành cho trò nghèo mà sẵn sàng đón nhận bất cứ em nào muốn học. Thầy nói: “Mình mà bị chữ nghèo chi phối thì không thể nào đào tạo được trò giỏi. Nhiều trò có hoàn cảnh tốt hơn nhưng vẫn muốn học ở đây, sao có thể không dạy được”.
Để sàng lọc học trò, thầy đưa ra những quy định khắt khe. Thầy cho học trò rất nhiều từ vựng, em nào một tuần không thuộc từ vựng hai lần sẽ trả lại cho phụ huynh. Để kiểm tra ý chí, mỗi ngày thầy buộc các em chép một đôi giấy từ vựng, thường xuyên giao bài tập về nhà. Cứ vậy, một số học trò không kham nổi đã phải bỏ cuộc giữa chừng, và số học trò ham học mỗi năm tìm tới đây mỗi đông. Năm nay học trò lên con số hơn 1.000.
Ngoài ra, thầy còn kêu gọi những tình nguyện viên khác về dạy thêm Toán, Lý, Hóa cho các em. Năm nay có gần 900 em học tiếng Anh, lớp đông nhất 80 em, các môn khác khoảng 200 em.
Cứ đầu tháng 5 thầy lại đăng thông báo chiêu sinh học trò. Năm nào số lượng đăng kí cũng lên tới gần 2.000, trong đó hơn một nửa là học tiếng Anh. Suốt 10 năm dạy học miễn phí, ngày thầy dạy thảnh thơi nhất là 3 ca, còn lại toàn “vắt chân lên cổ” với 5, 6 ca, mỗi ca 1,5 tiếng, bắt đầu từ sáng cho tới tận khuya. Thầy dạy tiếng Anh cấp hai, luyện thi đại học, IELTS.
Sang Úc học để tiết kiệm tiền xây nhà dạy miễn phí
Học trò đông, dạy ở chùa không tiện, thầy thuê nhà cấp 4 để dạy. Căn nhà lúc ấy chật chội, mở cửa thì bụi, đóng cửa thì nóng, chưa kể mùi hôi từ các trại heo xung quanh xông thẳng vào lớp. Thương trò mà thầy lúc ấy chẳng có gì ngoài bàn tay trắng và khát khao có một lớp học thật rộng rãi, khang trang.
Rồi thầy được mách nước cứ đi du học, ra nước ngoài vừa học vừa làm thể nào cũng có tiền dư mang về. Thế là cứ ở đâu có hội thảo, có chương trình học bổng là thầy đến dự cho bằng được để tìm kiếm cơ hội. May mắn cũng mỉm cười khi thầy “săn” được một học bổng vào trường Canberra (Úc), chuyên ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho người nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Thầy xách vali sang Úc tá túc trong Hội Phật giáo, vừa học vừa làm ngày làm đêm công việc dạy tiếng Việt cho các trường học, Trung tâm ngoại ngữ, giáo dục kĩ năng mềm cho thanh thiếu niên. Công việc không quá nặng nhọc mà lương lại cao, đến khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, năm 2012 thầy về nước, tích cóp được hơn 300 triệu đồng.
Lớp học miễn phí khang trang không khác các trung tâm ôn luyện, có quạt, điều hòa, internet.
Ước mơ lớp học khang trang của thầy bắt đầu được “khởi công”, nhưng với 300 triệu đồng trong tay còn không mua nổi miếng đất. Thầy phải về nhờ học trò đóng góp mỗi năm một em 300 ngàn đồng, hoàn toàn tự nguyện. Thời điểm ấy, lớp đã hơn 500 học trò, và con số 150 triệu được trò nhiệt tình đóng góp trong vòng một tháng trời. Nửa năm sau, thầy đánh liều mua miếng đất 600 triệu đồng, mang sổ đỏ cắm luôn ngân hàng để được vay tiền trả nợ.
Cuối năm 2013, thầy nhờ một phụ huynh thiết kế cho căn nhà cấp 4 xây làm lớp học. Biết được tấm lòng thầy, vị này khuyên thầy nên xây kiên cố phòng bão lũ rồi sẽ ủng hộ đá xây dựng. Mừng hết đỗi, thầy xây căn nhà hai tầng, tầng trên lợp tôn. Đúng như dự đoán, cơn bão năm 2014 đổ bộ vào Đà Nẵng giật mái tôn phần phật, thầy trò phải khuân đá, cát chèn mái lại.
Sau đợt ấy, thầy cắn răng vay mượn hoàn thiện luôn căn nhà 3 tầng kiên cố để học sinh an tâm học hành. Mỗi năm lại nhờ các em đóng góp 300 ngàn, coi như học phí để trả dần. Thầy tâm sự: “Ngôi nhà ấy không phải của mình tôi, mà của cả thầy, cả trò, là tấm lòng của những người hiếu học”.
Ngôi nhà khang trang với hệ thống các phòng học riêng biệt, phòng học đại trà, phòng học nghe, phòng học nói…Mỗi phòng đều có quạt, điều hòa, internet, điện sáng trưng, hệ thống âm thanh đầy đủ. Học trò tới học bỏ hết giày dép, mũ nón lên kệ, gìn giữ lớp học y như nhà mình. Thầy nói sau này có điều kiện sẽ trang bị mỗi phòng một màn hình led để các em có thể học tập tiện nghi hơn.
Học miễn phí săn được học bổng du học
Tiếng là học miễn phí, nhưng lớp học của thầy Lương còn nền nếp, quy củ hơn cả học ở trường. Cách dạy chuyên nghiệp, hiện đại hơn cả các Trung tâm ôn luyện ở ngoài. Học sinh trước khi vào học bài mới sẽ nộp lại toàn bộ bài tập cho các trợ giảng là sinh viên tình nguyện. Sau khi trợ giảng chấm bài xong cuối giờ thầy sẽ sửa bài. Thầy và các trợ giảng bám sát từng em để đôn đốc học tập, không em nào “thoát” việc làm bài tập, học bài cũ.
Đa số học trò ở đây đều học nhiều năm liền, từ lớp 6 cho đến khi thi đại học nên khả năng của từng em thầy nắm hết, vì vậy thầy sẵn sàng tư vấn và định hướng cho các em lựa chọn thi vào các trường đại học. Kể số học sinh đạt thành tích cao, giật giải các cuộc thi tiếng Anh, đỗ đại học từ lớp học miễn phí của thầy thì nhiều vô kể.
Câu chuyện của em Đinh Viết Nguyên, cậu học trò lứa đầu của thầy Lương làm cả xóm Trung Nghĩa, phường Hòa Minh còn nhắc mãi. Nguyên có hoàn cảnh khó khăn nhưng học rất khá, năm lớp 7 Nguyên vào chùa học tiếng Anh của thầy Lương, thân thầy như anh em ruột thịt. Mỗi ngày hai thầy trò dậy học với nhau từ 5h sáng, rảnh giờ nào là ôm vở học thêm giờ ấy. Rồi Nguyên gặt được rất nhiều giải tiếng Anh. Đến năm lớp 9, thầy săn cho Nguyên được một học bổng của Singapore.
Qua nhiều vòng thi tuyển, Nguyên lọt vào top 10 người cuối cùng được phỏng vấn để đi du học. Thầy nghèo, trò nghèo, chẳng có điều kiện đến các trung tâm ôn luyện để tìm hiểu xem họ sẽ hỏi những gì. Thầy ngày đêm lên mạng tìm tài liệu cùng học với Nguyên, và Nguyên đã giành được học bổng khi trả lời câu hỏi khác hẳn với những thí sinh còn lại. Bây giờ, Nguyên đã là sinh viên đại học năm 3 ở Singapore.
Cậu học trò trường chuyên Phạm Thành Đạt trưởng thành từ lớp miễn phí của thầy Lương.
Sau Nguyên, phải kể đến Mai Nguyễn Công Thuận, thủ khoa trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng năm 2015, Phạm Thành Đạt, người ẵm vô số giải tiếng Anh thành phố và quốc gia. Đạt học tiếng Anh ở thầy Lương 6 năm trời, bây giờ cậu là học trò chuyên Anh trường chuyên Lê Quý Đôn. Đạt liên tục giành giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh cấp quận, cấp thành phố, huy chương bạc tiếng Anh qua Internet cấp quốc gia và mới đây, cậu vừa thi IELTS được 7.5.
Đạt nói: “Phương pháp dạy của thầy sát từng học trò, kiến thức của thầy rất lớn nên ai học cũng nhanh tiến bộ. Nhiều người hỏi em học ở đâu mà có kết quả cao, em tự tin trả lời rằng học ở lớp học miễn phí, ai cũng ngạc nhiên. Có một điều em tin ở thầy là thầy không bao giờ bỏ học trò vì bất cứ chuyện gì, lúc thầy đi du học 2 năm, thầy đã nhờ người dạy để việc học của chúng em không bị ngắt quãng.
Thanh Trần (http://www.tienphong.vn/)