610 498
Văn Hóa » Sách Báo & Tư Liệu
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 03:21:13 22-10-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Phật Giáo Đăk Lăk Với Đồng Bào Dân Tộc Tây Nguyên

Phật Giáo Đăk Lăk 
Với Đồng Bào Dân Tộc Tây Nguyên
Đại đức Giác Phổ Phó Trưởng ban TT. Ban Hoằng pháp tỉnh Đăk Lăk
A. DẪN NHẬP
Đạo Phật được biết đến như là đạo của từ bi, đạo của lẽ thật, luôn lấy từ bi, cứu khổ ban vui làm mục đích đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh được an lạc, hạnh phúc. Khi mới thành lập tăng đoàn, đức Phật đã từng dạy "Này các Tỳ-kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người"(4) Lời dạy trên của đức Phật đã nói rõ hoài bão tha thiết của Ngài là cứu khổ độ sanh, đem lại niềm an vui cho tất cả chúng sinh. Không phân biệt giới tính, màu da, sắc tộc, tôn giáo…
Khi đạo Phật được truyền đến Việt Nam với tinh thần từ bi cứu khổ đã hòa quyện vào đời sống sinh hoạt của cư dân bản địa, đạo Phật được đón nhận một cách dễ dàng vào bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam và đồng hành cùng với dân tộc Việt suốt hơn 2000 năm qua. Do đó, “Phật giáo nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển cùng với dân tộc kiến thiết xây dựng bảo vệ đất nước”(5)
B. NỘI DUNG
1. Tổng quan về Phật giáo Tây Nguyên Đăk Lăk
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa, phía Nam giáp Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Tây giáp Campuchia với đường biên giới dài 193 km, phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai.Theo thống kê của tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh Đắk Lắk có 47 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Trong đó dân tộc kinh chiếm đông nhất với 01.161.533 người, thứ hai là Người Ê Đê có 298.534 người, thứ ba là Người Nùng có 71.461 người, thứ tư là Người Tày có 51.285 người. Cùng các dân tộc ít người khác như M'nông có 40.344 người, Người Mông có 22.760 người, Người Thái có 17.135 người, Người Mường có 15.510 người(6)… và nhiều sắc tộc có tín ngưỡng đặc thù theo phong tục tập quán của bản. 
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 13 Tôn giáo khác nhau, chiếm 450.728 người. Trong đó, nhiều nhất là Công giáo với 171.661 người, thứ hai là đạo Tin Lành với 149.526 người, thứ ba là Phật giáo với 125.698 người, thứ tư là đạo Cao Đài có 3.572 người, cùng với các tôn giáo khác như Phật giáo Hòa Hảo có 162 người, Hồi giáo có 65 người, Bửu Sơn Kỳ Hương có 23 người, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam có 3 người, Bahá'í có 2 người, ít nhất là Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo và Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa mỗi đạo có 1 người(7) Phật giáo đã có mặt tại vùng cao nguyên Đăk Lăk từ rất sớm (vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX). Tại một số các buôn làng của người dân tộc thiểu số đã có thờ Phật cùng với các tín ngưỡng địa phương. Tính đến tháng 4/2015, Phật giáo đã có mặt tại nơi đây được 132 năm(8)
Theo báo cáo tổng kết của Ban trị sự GHPGVN tỉnh Đăk Lăk năm 2014, tổng số Tăng Ni, chúng điệu trong tỉnh có 588 vị (trong đó Bắc tông có 454 vị, Khất sĩ có 133 vị và Nam tông có 01 vị), 183 tự viện, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường (133 cơ sở chính thức, 50 cơ sở chưa chính thức).(9)
      2. Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống của đồng bào Tây Nguyên Đăk Lăk
Trong nhiều năm qua dưới sự chỉ đạo của Ban Trị sự và nỗ lực hoằng pháp tích cực của Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Đăk Lăk, với sứ mạng “Tác Như Lai sứ” đem giáo pháp của Như Lai đến với các buôn làng Tây nguyên.
Năm 1989, vào dịp Tết Nguyên đán, cố HT. Giác Dũng và chư Tăng tịnh xá Ngọc Quang đã đến thăm và tặng quà cho đồng bào dân tộc Ê-đê tại buôn Sud M’Dưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar. Người đồng bào dân tộc Ê-đê đã bắt đầu cảm mến và quý kính các nhà sư Khất sĩ với hình ảnh hiền hoà, giản dị, dễ gần đã khắc ghi vào tình cảm của người dân nơi đây.
Đầu năm 1990, trong lễ Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), 30 người dân tộc Ê-đê đã về tịnh xá Ngọc Quang xin phát nguyện Quy y Tam bảo. Cố HT. Giác Dũng đã chứng minh truyền giới Quy y. Đây là những người dân tộc thiểu số đầu tiên quy hướng Tam bảo sau một thời gian dài đạo Phật có mặt tại cao nguyên Đăk Lăk.
Trong buôn làng, bà con Phật tử đã hiến cúng một ngôi nhà sàn dài 10m rộng 4m làm Niệm Phật đường để có nơi thờ phượng, lễ bái hằng đêm và tổ chức những ngày sóc vọng, lễ hội. Trong thời gian nông nhàn bà con Phật tử người Ê-đê đã về tu Bát quan trai với Phật tử người Kinh mỗi tháng 2 kỳ tại tịnh xá Ngọc Quang. Nhằm tạo điều kiện cho phật tử Ê-đê tìm hiểu giáo lý và tụng đọc kinh kệ.
Năm 2004, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đăk Lăk kết hợp với Ban Hoằng pháp đã soạn dịch quyển “Lịch Sử Đức Phật Thích Ca và giáo pháp của Ngài” chuyển ngữ sang tiếng dân tộc Ê-đê và “Nghi Thức Tụng Niệm” song ngữ “Việt – Ê-đê” để cho đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng thọ trì (người chịu trách nhiệm soạn dịch 2 quyển sách này là ĐĐ. Giác Sỹ, Phó Ban hoằng pháp PG tỉnh Đăk Lăk hiện nay). Có thể nói công tác tổ chức sinh hoạt tu tập của đồng bào dân tộc Ê-đê tại buôn Sud M’dưng đã đi vào nề nếp.
Ngày 24 tháng 5 năm 2009, Tịnh xá Ngọc Quang vinh dự đón nhận Cúp kỷ lục Việt Nam do Trung Tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam trao tặng về việc “Tịnh xá Khất Sĩ đầu tiên quy y Tam bảo cho đồng bào Ê-đê ở Việt Nam”.
Song song với đà phát triển của Phật giáo tỉnh Đăk Lăk, hiện nay các tự viện ở các huyện vùng sâu, vùng xa cũng đã tích cực hoằng pháp và tổ chức các khóa tu học đến với bà con người dân tộc thiểu số. Nổi bậc nhất là chùa Hoa Nghiêm, huyện Cư’ M’gar. Hàng tháng tổ chức khóa tu “Một ngày an lạc” dành cho đồng bào dân tộc Ê-đê mỗi tháng một lần, trung bình khoảng 300 lượt người tham gia tu tập với các nội dung như: Tụng kinh, kinh hành niệm Phật, ăn cơm trong chánh niệm và ngồi thiền. Bên cạnh đó còn có chùa Phước Bình, huyện Krông Păk. Hàng tuần tổ chức khóa tu “Một ngày an lạc” dành cho đồng bào dân tộc mỗi tuần một lần, trung bình khoảng 100 lượt người tu học, với nghi lễ đan xen Kinh – Thượng nhịp nhàng theo bước chân kinh hành niệm Phật hòa trong tiếng mõ được làm bằng ống tre.
Chùa Quảng Trạch, huyện Lăk cũng là một ngôi chùa xa thành phố có các Phật tử người dân tộc tập trung về đây tụng kinh hàng đêm.
Ngoài ra còn có nhiều tự viện ở các huyện cũng đã tích cực hoằng pháp và gắn liền sinh hoạt với bà con vùng sâu, vùng xa.
3. Phương hướng phát triển ở vùng xâu, vùng xa
Để hoằng pháp đến được những vùng Phật pháp chưa đến, đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Ban Hoằng pháp cần phải có những đánh giá toàn diện, khách quan về các mặt của đời sống kinh tế, văn hóa tâm linh, giáo dục sức khỏe cộng đồng.
a.Đời sống kinh tế
Người dân tộc thiểu số đã có mặt tại Đăk Lăk từ ngàn xưa, lâu nhất có thể nói là người dân tộc Ê-đê. “Người Ê-đê là cư dân đã có mặt lâu đời ở miền Trung Tây Nguyên. Dấu vết về nguồn gốc hải đảo của dân tộc Ê-đê đã phản ảnh lên từ các sử thi và trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình dân gian. Cho đến nay, cộng đồng Ê-đê vẫn còn là một xã hội đang tồn tại những truyền thống đậm nét mẫu hệ ở nước ta”(10)
Xã hội Ê-đê vận hành theo tập quán kế thừa của tổ chức gia đình mẫu hệ.Người phụ nữ chủ động trong việc hôn nhân, nhờ mai mối hỏi chồng, và cưới chồng về ở rể. Hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con mang họ mẹ, con gái út là người thừa kế.
-Khó khăn
Đồng bào vùng xâu, vùng xa với đời sống chủ yếu là nương rẫy, trồng trọt theo chế độ luân khoảnh. Sau một thời gian canh tác thì bỏ hoang, phó thác cho rừng tái sinh rồi quay trở lại phát, đốt … Chu kỳ từ 5-8 năm tùy theo loại đất và khả năng phục hồi của đất. Phần lớn mỗi năm họ chỉ làm được một vụ mùa.
Người dân tộc chăn nuôi gia cầm, gia súc chủ yếu là để phục vụ cho tín ngưỡng, tang ma và cúng tế thần linh khi có lễ (giết heo, gà, mổ trâu, bò … để cúng Yang, cúng tế các vị thần linh, ma quỹ…).
Nghề trồng bông dệt vải bằng khung dệt theo kiểu cổ xưa lỗi thời. Công việc làm ăn mua bán bằng hình thức trao đổi hàng hóa. Nói chung, đời sống kinh tế của người dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, khó khăn nhất là vào mùa giáp hạt, đa phần là thiếu ăn.
-Giải pháp
Để giúp cho bà con vượt qua khó khăn về cái ăn, sự mặc. Trước đây, Ban từ thiện Phật giáo và các tự viện thường tổ chức các đợt từ thiện để giúp bà con cải thiện một phần nào về mặt kinh tế trong đời sống gia đình của họ. Nhưng việc làm này chỉ giúp ngặt chứ không thể giúp cho hết nghèo được. Người xưa từng nói “nên cho cần câu, chứ đừng cho con cá”. Thiết nghĩ, Ban Trị sự, Ban Kinh tế và các doanh nhân Phật tử hoặc các tiểu thương Phật tử đã từng có liên kết làm ăn mua bán với bà con vùng sâu, vùng xa cần lên kế hoạch phối hợp giao thương, tiếp cận những người đồng bào biết tiếng Việt, hòa nhập vào đời sống của họ và dẫn dắt họ về với đạo Phật. Đây có thể nói là “Lợi hành và Đồng sự nhiếp” hai trong bốn phương pháp hóa độ chúng sinh của nhà Phật.
Để làm được việc này, rất cần đến sự phát tâm của các Hoằng pháp viên dấn thân thực hiện sứ mạng thiêng liêng của một “Sứ giả Như Lai”. Phát triển thương mại khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, trồng hoa màu và phân phối tiêu thụ sản phẩm.Hướng dẫn họ áp dụng lời Phật dạy trong việc chi tiêu cá nhân, xây dựng đời sống kinh tế gia đình. Khi có tiền thì mỗi gia đình, cá nhân phải biết cách chi tiêu cho phù hợp, một phần tiết kiệm đề phòng bất trắc hoặc tình huống khẩn cấp xảy ra như: Hạn hán, mất mùa … và phần lợi nhuận còn lại nhập vào vốn kinh doanh đầu tư sinh lời, ổn định sản xuất và phát triển kinh tế lâu dài, bền vững.
b. Văn hóa tâm linh
Trong cuộc sống không thể thiếu văn hóa tâm linh. Vai trò định hướng tâm linh vào “Chánh kiến” và “Chánh tín” cho bà con và đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên rất cấp thiết, trong thời gian gần đây, văn hóa tâm linh đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ và là chỗ dựa tinh thần, xoa dịu những đau thương mất mát, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, thiêng liêng, giúp con người vượt qua nỗi sợ hãi trước khổ đau, đem lại sự thanh thản, cân bằng cho tâm trí. Có thể nói yếu tố tâm linh tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng các dân tộc. Với đà phát triển này, một số tổ chức đã lợi dụng Phật giáo.
Trong những năm qua, một số cá nhân đã lợi dụng giáo lý và các pháp môn tu tập của Phật giáo để thành lập các tổ chức tà đạo như “Thanh Hải Vô Thượng Sư, Pháp Môn Diệu Âm, Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp), Đức Phật Ngọc Hồ Chí Minh vv…” các tổ chức tà đạo trên đã xâm nhập vào Đăk Lăk và đang tuyên truyền hoạt động mạnh tại hầu hết các huyện, thị xã và TP. Buôn Ma Thuột nhằm phát triển tín đồ và thành lập cơ sở. Đối tượng chính mà các tổ chức này tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo theo họ là Phật tử chúng ta (11), và họ tập trung hoạt động ở vùng sâu, vùng xa đối với những người nhẹ dạ cả tin.
Với tình hình phức tạp về mặt tín ngưỡng ở vùng sâu, vùng xa. Các tự viện ở các huyện đã tích cực hoằng pháp cũng như mở các khóa tu học nhằm đem lại “chánh kiến và chánh tín” cho bà con. Tuy nhiên, trong quá trình hoằng pháp, các giảng sư gặp không ít sự khó khăn.
  -Khó khăn
+ Ngày nay các buôn làng có thể nói là đa tôn giáo (Tin Lành, Thiên Chúa, Phật giáo, các tổ chức tà đạo và tín ngưỡng địa phương) nên các giảng sư gặp rất nhiều khó khăn và dễ bị hiểu lầm.
+ Trong địa bàn tại các làng xã vùng sâu, vùng xa chưa có cơ sở tự viện mang đậm nét văn hóa, kiến trúc của người dân địa phương. Các giảng sư không được phép ở lại khi nơi đó chưa phải là cơ sở sinh hoạt tôn giáo.
+ Hầu hết các giảng sư hiện nay là người Kinh, nên không nói được tiếng địa phương. Không hiểu hết về ngôn ngữ, tập tục, tập quán, truyền thống và tín ngưỡng
văn hóa vùng miền. Người dân không rành tiếng Việt, trình độ dân trí còn thấp.
+ Ngại ngùng khi tiếp cận với văn hóa khác biệt, lo sợ khi ở một mình trong làng xã vào những đêm tối trời.
- Giải pháp
+ Phật giáo có vai trò làm chuyển hóa đời sống tinh thần, văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Có thể nói ở góc độ tôn giáo, đối với những nơi vùng sâu, vùng xa có nhiều tôn giáo quan tâm truyền bá, song Phật giáo là tôn giáo có sự thích nghi và giảm thiểu các tác động tiêu cực nhất.
+ Để mở ra hướng hoằng pháp và phát triển cho vùng sâu, vùng xa. Trước hết, xin các cấp chính quyền địa phương cho thành lập cơ sở tự viện mang kiến trúc của người dân miền núi, vùng cao, vùng sâu, ví dụ như ngôi tự viện mang kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống.
+ Ngôi nhà dài của người Ê-Đê là thể hiện nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ, nó được xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất mà buôn làng đó sinh sống, cộng với những yếu tố tinh thần như tập quán, văn hóa, tình cảm, tín ngưỡng … sự kết hợp này mang một nghệ thuật kiến trúc riêng của cộng đồng người Ê-Đê.
+ Thành lập một cơ sở tự viện mang dáng vóc như nhà dài Ê-Đê là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, nơi đây tạo nên sự gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hình ảnh ngôi tự viện như con thuyền Bát nhã lướt sóng. Chiếc cầu thang là một biểu tượng đầy nét hoang sơ, mang tính chất mẫu hệ của người Ê-Đê, đôi bầu sữa, một biểu trưng độc đáo, từng nấc thang đi lên, cũng có thể hiểu là từng bước tiến hóa của chúng sanh. Thiết nghĩ, một ngôi tự viện như thế có thể giúp chúng ta hình dung được nếp sinh hoạt, nét văn hóa cộng đồng. Chúng ta cần phải quan tâm, đầu tư, bảo tồn một trong những nét văn hóa riêng của người Ê-Đê và cũng là đem kiến trúc Phật giáo hòa nhập với người dân bản xứ.
  Các ngày lễ trong năm (lễ trưởng thành, lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ cưới, lễ bỏ mả …) đều có thể tổ chức tại ngôi tự viện này. Những lễ hội nối tiếp nhau cũng trùng với dịp mừng Năm Mới của người Việt.
c. Giáo dục
- Ngôn ngữ
Hàng ngày, mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp … đều sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện tiện giao tiếp, tư duy, nhận thức … Chúng ta có thể thấy, phần lớn các giảng sư thuyết giảng bằng tiếng Việt, nên mỗi lần giảng pháp trong các đạo tràng có bà con Phật tử người dân tộc sinh hoạt, thì họ không hiểu và không biết mình nói gì! Để cho người dân vùng sâu, vùng xa hiểu được Phật Pháp, thiết nghĩ cần phải thành lập lớp học bổ túc văn hóa song ngữ Việt – Ê-đê.
    Các giảng sư phát nguyện dấn thân hoằng pháp vào vùng sâu, vùng xa cũng nên dành thời gian học ngôn ngữ của người bản xứ và nhẫn nại với thời tiết khắc nghiệt tại địa phương.
    Mời người bản xứ biết tiếng Việt tham gia vào các hoạt động Phật pháp, tham dự vào đội ngũ Hoằng pháp viên của Ban Hoằng pháp huyện, và khi hiểu được giá trị của Phật pháp, tự thân họ sẽ chuyển tải lời Phật dạy đến với người bản xứ.
 Chuyển ngữ các bộ phim hoạt hình ra tiếng Ê-đê, soạn dịch những mẫu chuyện tiền thân đức Phật ra tiếng địa phương.
- Sức khỏe
Khi Phật còn tại thế, đức Phật đã dạy cho các hàng Tỳ-kheo phải thông suốt “Ngũ minh”, khi muốn hoằng truyền Phật pháp.
Ngũ minh là năm phương pháp vi diệu mà người “Sứ giả Như Lai” cần phải quán triệt, đó là: Nội minh, Nhân minh, Thanh minh, Công xảo minh và Y phương minh.
-Y phương minh: là một trong năm phương pháp hóa độ chúng sanh nhằm xoa dịu nỗi khổ niềm đau rất thiết thực đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa.Sức khỏe là hạnh phúc lớn nhất đối với chúng sanh sống giữa nhân gian này, Đức Phật đã từng dạy:
“Không bệnh, lợi tối thượng
Biết đủ, tiền tối thượng
Thành tín đối với nhau
Là bà con tối thượng
Niết bàn, lạc tối thượng”.
(Kinh Pháp Cú, câu 204)
Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nghèo, vùng dân tộc thiểu số là điều đáng quan tâm. Hiện nay, tại các huyện vùng sâu, vùng xa, bà con thường mắc những chứng bệnh về nấm da, đường ruột, hô hấp…
Trong khi đó, các trạm xá thì xập xệ, bệnh viện lại nhếch nhách, tồi tàn, người bệnh nghèo khổ vật vã, đau đớn, đội ngũ y bác sĩ thì tay nghề có giới hạn, thuốc men thì thiếu thốn. Về môi trường thì hôi hám, ô nhiễm nặng.
Đã đến lúc Phật giáo chúng ta nên thành lập “Phòng khám di động”, triển khai các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí tại vùng sâu, vùng xa nhằm đưa Y phương minh của Phật giáo vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ðây là một mô hình thể hiện lòng từ bi, cứu khổ nhằm xoa dịu nỗi đau của con người.
 C. KẾT LUẬN
Người dân sống ở vùng sâu, vùng xa chất phát hiền lành, hài hòa dễ mến, thiện cảm hiếu khách. Tâm hồn họ như trang giấy trắng, họ nghèo khó đơn giản, khát khao được học hỏi những điều lành. Họ hết mực nghe theo lời của Già làng, thực hiện theo sự hướng dẫn của trưởng thôn, và chấp hành tốt khi được sự chỉ đạo hướng dẫn của người giảng sư (các thầy, hoằng pháp viên …) khi đến thăm viếng, chia sẻ.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo chưa hề gây ra các xáo trộn hay xung đột với niềm tin và tín ngưỡng truyền thống của bà con các dân tộc, điều này đã được chứng minh trong thực tế.
Thành lập tự viện ở vùng sâu, vùng xa là yếu tố cần thiết cho mục đích hoằng pháp, và cũng là nơi tu hành của người xuất gia, là nơi tổ chức lễ hội của đồng bào, là nơi giáo dục đào tạo, cho con em của đồng bào dân tộc, là trung tâm văn hóa của buôn làng, đồng thời cũng là nơi thờ cúng những người thân của đồng bào dân tộc sau khi mất.
Đã có một thời chùa chiền, tự viện gắn liền với tín ngưỡng và triết lý của đạo Phật và cũng đã trở thành nơi hội tụ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã Việt Nam, nổi bậc nhất là thời kỳ Đinh, Lê, Lý, Trần.
Trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo tỉnh Đăk Lăk đã có những đóng góp tích cực xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Tây Nguyên, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, xứng đáng là một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
______________________
 
­­­(4) HT. Thích Minh Châu. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tương Ưng I, 128
(5) TS. Thích Phước Đạt. Phật giáo Việt Nam trong qua trình tiếp biến và hội nhập. Xem Webside: giacngo.vn (cập nhật ngày 5/7/2015)
(6) Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009. do Tổng Cục Thống kê Việt Nam thực hiện. Xem vi.wikipedia.org
(7) Cùng nguồn tư liệu với chú thích 3
(8) Lễ vinh danh cây Bồ đề 132 năm tuổi, webside: phatgiaodaklak.org. Truy cập ngày 4/6/2015 (“Theo nhà văn hóa dân tộc Trương Bi nguyên là Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Đăk Lăk và Đại Đức Thích Hải Định (Ủy viên Kiểm soát BTS GHPGVN tỉnh, Trụ trì chùa Hoa Lâm TP. BMT ) cung cấp thông tin qua quá trình điều tra thực tế. Đặc biệt nhờ sự giúp đỡ cung cấp thông tin khá đầy đủ của một số gia đình dân tộc M’Nông – Lào tại buôn Yang Lành và buôn Trí, huyện Buôn Đôn. Cây Bồ-đề này có nguồn gốc từ cây Bồ-đề 2.500 tuổi ở Ấn Độ, do nhà sư từ Pắc Xế của đất nước bạn Lào, đã mang cây đến trồng tại buôn Yang Lành, giao cho ông Y Thua chăm sóc.Đây là chứng tích lịch sử cây Bồ-đề được tổ chức kỷ lục Châu Á trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam, Văn hóa Phật giáo Lào đã đến vùng đất Bản Đôn từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đây cũng là một di sản Tôn giáo”.Ngày 1.6.2015 tại sân nhà cộng đồng Buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk; Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – Hội Đồng cây Di sản quốc gia tiến hành trao quyết định công nhận cây di sản Việt  Nam đối với cây Bồ Đề 132 năm tuổi. Đây là một minh chứng rõ nét về việc bảo vệ cây lâu năm nói riêng và bảo vệ môi trường sống của cộng đồng nói chung, nó không những có ý nghĩa lịch sử  mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, của nhân dân các dân tộc tỉnh Đăk LăK.”)
(9) Trích: Hội nghị tổng kết công tác Phật sự năm 2014 và phương hướng công tác năm 2015 của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Đăk Lăk, ngày 29-01-2015
(10) Trần Quang Phúc, Việt Nam sắc màu văn hóa 54 dân tộc anh em, Nhà xuất bản Đồng Nai, trang 322.
(11) Website: phatgiaodaklak.org, xem: Thông tin Tà đạo tại địa bàn tỉnh Đăk Lăk
  •  
 
Chia sẻ với bạn bè qua: