Tôi bắt chuyến xe buýt từ trung tâm mới của thành phố Anuradhapura để đi đến thị trấn Galnewa, nơi có ngôi chùa Kala Sela Saththu Patima đặt bức tượng Phật cổ bằng đá cao nhất Sri Lanka.
Những khu rừng nhiệt đới còn nguyên vẹn ở đất nước có hình dáng viên ngọc trai nằm trên Ấn Độ Dương mang lại màu xanh mát mắt cứ vụt trôi qua khi xe buýt lướt đi. Chùa Kala Sela đã hiện ra trong mắt tôi khi xe tuktuk vừa đến chân đồi.
Hình : Tượng Phật cổ trong động Dambulla.
Song hành cùng tôi trên những bậc thang quanh co là gia đình anh Amila, một người trẻ tuổi mộ đạo đến từ thủ đô Colombo. Amila cho biết, khi đất trời vào xuân, anh và gia đình cố gắng đi hết những ngôi chùa linh thiêng nhất ở Sri Lanka để cầu phúc.
Sử thi Mahavamsa của người Sri Lanka ghi lại rằng, vào khoảng thế kỷ 5, có một tượng Phật được làm bằng đá đứng sừng sững ở một ngôi làng có tên gọi là Aukana. Tượng Phật cân xứng hai bên được đục đẽo từ một khối đá lớn có chiều cao là 11,58m và nếu tính luôn bệ đỡ, toàn bộ tượng có chiều cao là 14,02 m.
Đây là tượng Phật cao nhất tại Sri Lanka và là tượng thứ hai được làm từ một khối đá khổng lồ trong thời cổ đại tại khu vực Nam Á (bức tượng thứ nhất được làm tại phía Bắc Ấn Độ do vua Dharmasoka xây dựng). Ngày xưa bức tượng có vòm che trên mái đầu để tránh mưa và nắng. Tuy nhiên, mái vòm đã bị hư hỏng theo thời gian.
Hình : Tượng Phật cổ tại Aukana.
Cơn mưa xuân bất chợt lại rơi. Nép bên mái hiên chùa, tôi lắng tai nghe tiếng chuông trầm ấm để tìm về cảm giác nhẹ tênh, nơi chỉ có tâm linh mà không có những toan tính, bon chen trong cuộc đời. Theo tay chỉ của vị sư già trụ trì Shehan, tôi ngước mắt nhìn và cảm nhận sự huyền bí của bức tượng. Sau cơn mưa, những giọt nước chảy từ đầu đức Phật xuống trán, sau đó xuống đến mũi. Từ đỉnh mũi của đức Phật, nó bắt đầu rơi xuống rơi vào khoảng cách giữa hai ngón chân đức Phật.
Cũng theo sư Shehan, thời khắc khác tuyệt đẹp để ngắm bức tượng Phật là lúc hoàng hôn. Khi những tia nắng chiều cuối cùng dọi vào, chúng kết hợp với màu đá làm cho người ngắm có cảm giác Đức Phật đang tỏa “ánh hào quang” nhằm giúp cho các Phật tử nương theo ánh hào quang để bơi qua “bể khổ” của trần gian.
Hình : Bức tượng Phật cổ cao nhất tại Tích Lan (Sri Lanka). Thời điểm ngắm bức tượng đẹp nhất lúc hoàng hôn.
Giải thích cho tôi biết về lịch sử bức tượng, sư Shehan cho rằng có nhiều giả thuyết khác nhau. Tuy nhiên, hợp lý nhất có lẽ là những người Hồi giáo ở làng Galwaduwagama đã đục đẽo từ đá thành bức tượng Phật để tặng người anh em làng Nindagama kế bên theo Phật giáo nhằm thắt chặt mối quan hệ yêu thương đoàn kết. Đồng thời để tặng cho vua Dhatusena (trị vị đất nước từ năm 459 – 477) trong thời gian đi tu trong chùa Kala Sela Saththu Patima ở làng Aukana.
Cây bồ đề hơn 2.000 năm tuổi tâm linh
Thành phố Anuradhapura từng là kinh đô Phật giáo đầu tiên của Sri Lanka và là thành phố sầm uất về thương mại của châu Á trong thời kỳ cổ đại từ năm 500 – 250 tr.CN. Ngày nay, Anuradhapura được chia ra làm hai, khu phố cũ – mới, trong đó vết tích về kinh đô Phật giáo một thời vàng son của người xưa để lại cho Anuradhapura đều nằm bên khu phố cũ.
Tôi lang thang vào cung điện hoàng gia, nơi trồng cây bồ đề đã hơn 2.000 năm tuổi và cũng là “báu vật tâm linh” của Anuradhapura để các Phật tử khắp nơi trên thế giới đến đây tín ngưỡng. Phía trước vườn ngự uyển, một bức tranh lớn được đặt để diễn tả về lịch sử của cây bồ đề.
Hình : Cây bồ đề đã hơn 2.000 năm tuổi và được coi là cây F1 sau khi cây bồ đề tại Ấn Độ chết.
Hình : Bức tranh nói về lịch sử của cây bồ đề.
Năm 250 tr.CN, hoàng tử Devanampiya Tissa thay vua cha Mutasiva trị vì đất nước Sri Lanka. Do có mối thân hảo với hoàng đế Ashoka của Ấn Độ, nên vị vua Ấn đã chiết một cành cây bồ đề, nơi Đức Phật Thích Ca đã ngồi đắc đạo, dâng tặng cho đức vua Devanampiya Tissa. Cây bồ đề này được trồng tại vườn thượng uyển Mahameghavana của vua Mutasiva xây dựng trước đó.
Vì lý do nào đó, cây bồ đề gốc tại Bodhgaya – Ấn Độ đã qua đời, nên cây bồ đề tại Anuradhapura đương nhiên trở thành cây bồ đề gốc. Vào thế kỷ 19, người Anh đã chiết một cành bồ đề từ Anuradhapura để đem trồng lại đúng vào vị trí cây bồ đề đã chết tại Bodhgaya. Do cất giữ “báu vật” của đức Phật, Anuradhapura được xem là thành phố tâm linh thứ hai ở Sri Lanka, chỉ đứng sau thành phố Kandy nơi cho rằng lưu giữ xá lợi răng của Đức Phật.
Hình : Tấm lòng mộ Phật Giáo tìm thấy khắp nơi ở Sri Lanka.
Tôi mua vé vào vườn thượng uyển viếng cây bồ đề. Xung quanh “Ông” được rào bằng các vòng sắt vây quanh, phía dưới chân người ta đã xây dựng thành một cái bệ mà nhìn xa trông giống là một ngôi đền để hành lễ hơn là một vùng đất trồng cây. Những thanh sắt mạ vàng sáng chói được các Phật tử sử dụng để chống đỡ cho những tàn cây quá to đang oằn mình. Chúng được thiết kế giống như vương trượng của các triều đại vua xứ Anuradhapura với phần đầu trượng được khắc huy hiệu của vua Devanampiya Tissa.
Dưới tán cây bồ đề rộng lớn là ngôi chùa lễ Phật và bên ngoài chùa là những Phật tử đang chăm chú nghe sư giảng kinh. Dù không hiểu được ngôn ngữ Shinhala, ngôn ngữ địa phương, nhưng tôi cũng hòa mình vào cùng với các Phật tử nghe thuyết pháp. Những câu kinh trầm bổng vang lên không dứt sau mỗi hồi chuông khiến tôi nhẹ hẳn lòng.
Hình : Những câu kinh trầm bổng vang lên không dứt sau mỗi hồi chuông khiến tôi nhẹ hẳn lòng!
Xung quanh gốc bồ đề, mọi người nối đuôi nhau xếp hàng thành một vòng tròn để đi quanh và tôi không bỏ qua khi đến đây bởi những Phật tử Sri Lanka đã mách nhỏ tôi nếu đi một vòng quanh cây bồ đề sẽ nhận được nhiều điều may mắn trong cuộc sống.
Tôi muốn tìm một cây bồ đề con để tặng một ngôi chùa ở Việt Nam như đã từng hứa, nhưng điều đó bây giờ là không thể bởi một chiếc lá vừa rơi, mọi Phật tử đều muốn có cơ hội để nhặt và nâng niu. Muốn hái lá của “Ông” thì đội quân bảo vệ không cho phép làm. Tôi đi một vòng quanh vườn ngự uyển với hy vọng mong manh tìm kiếm những cây bồ đề con mọc trong các hốc đá rong rêu do gió phát tán hạt đi, nhưng các bờ tường xung quanh chùa sạch bong và không có dấu vết của rong rêu.
Hình : Những cây bồ đề con được bảo vệ như thế này!
Tôi hỏi anh bảo vệ đang đứng canh gác với một hy vọng nhỏ nhoi. Anh ta chỉ cho tôi một vườn ươm các cây bồ đề con, nó nằm sát với cây bồ đề gốc và được các hàng rào sắt bao quanh. Anh ta cho tôi biết: “Đó là quà trao tặng với các nước Phật giáo ở cấp quốc gia với nhau”.
Ngọn tháp linh thiêng Ruwanweli Saya nằm cách cây bồ đề khoảng 200m được xây dựng từ năm 140 tr.CN cao 103m đã lên đèn. Màu trắng của ngọn tháp hoàng gia đang hòa quyện trong ánh sáng vàng của đèn và trở nên huyền bí hơn. Chu vi quảng trường xung quanh ngọn tháp rộng khoảng 290m đầy kính những Phật tử mộ đạo đang cầu nguyện và đọc kinh. Trong tiếng kinh ngân dài, một Phật tử chia sẻ với tôi: “Văn minh Phật giáo lâu đời đã thấm sâu vào cuộc sống chúng tôi kể cả những người trẻ. Nó tạo thành một nét rất riêng và khác biệt của người Sri Lanka khi so sánh với một số quốc gia Nam Á lân cận”.
Hình : Ngọn tháp linh thiêng Ruwanweli Saya lúc hoàng hôn.
Nghe chuông chiều để thấy lòng thanh thản hơn, đọc qua một câu kinh để hiểu được điều gì cần làm, điều gì không nên làm cuộc sống thường nhật. Vào thời gian rảnh hay những ngày lễ lớn của quốc gia, mọi người đều kéo đến chùa để dâng hoa lễ Phật với nhiều cầu nguyện cho cuộc sống tốt đẹp hơn…
Trên con đường kinh doanh gia vị của mình, Phật giáo từ Ấn Độ xâm nhập vào Sri Lanka khoảng thế kỷ 3 tr.CN nhưng bắt đầu thịnh hành và trở thành quốc đạo Sri Lanka vào khoảng năm 250 – 210 tr.CN bởi vị vua mộ đạo Devanampiya Tissa. Đi lên Phật giáo từ Hindu giáo, nên hầu hết các kiến trúc ngôi chùa ở Sri Lanka đều mang dáng dấp của các tiên nữ Apsara hay thần rắn Naga trên các hoa văn.
Hình : Đi lên Phật Giáo từ Hindu Giáo, các ngôi chùa ở Sri Lanka vẫn còn dáng dấp hình bóng các tiên nữ Apsara.
Là quốc gia khai sinh ra Phật giáo, nhưng kiến trúc của Ấn Độ lại không ảnh hưởng nhiều đến các quốc gia lân cận như Myanmar hay Thái Lan bởi phần lớn người Ấn theo Hindu giáo. Trên con đường kinh doanh quế cây từ các thành phố cảng, kiến trúc các ngôi chùa ở Sri Lanka lại ảnh hưởng đến các quốc gia Phật giáo Tiểu Thừa. Hình ảnh ngọn tháp Ruwanweli Saya lung linh trong ánh ráng chiều lúc hoàng hôn trước mặt khiến tôi quay về ký ức những ngày ở Myanmar hay các thành phố phương bắc của Thái Lan.
Hình : Dù khai sinh ra Phật Giáo, nhưng các kiến trúc của Ấn Độ không ảnh nhiều đến Phật Giáo các quốc gia lân cận, mà chủ yếu đến từ Sri Lanka.
Tháp trung tâm là hình ảnh tượng trưng cho núi vũ trụ Meru với đỉnh trung tâm là đỉnh sơn thần Meru. Các tháp nhỏ bao quanh là các vòng núi, tam cấp hình thủy quái Macara và rắn Naga biểu tượng cho nước đại dương. Hình ảnh của sơn thần cũng là hình ảnh về cõi Niết bàn của các nhà sư mường tượng ra trong khi thiền định.
Hoàng hôn đã buông lối, ngọn tháp linh thiêng được dọi từ các ánh đèn vô cùng nổi bật khi bóng đêm đang dần lan tỏa. Tôi men theo con đường lát gạch để quay về khách sạn với những bước chân nhẹ tênh. Phía xa xa, thành phố Aunradhapura đã chìm dần trong những ngọn đèn vàng, tiếng chuông trầm ấm ngân vọng từ các ngôi chùa trong cố đô vẫn còn chưa dứt…
(Sưu tầm : Internet)