810 956
Nghiên Cứu » Phật Giáo & Khoa Học
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 08:52:30 05-12-2016 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

VUA PHẬT VIỆT NAM

VUA PHẬT VIỆT NAM(Đề tài tham luận Hội thảo: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thiền phái Trúc Lâm” Do trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội tổ chức ngày 27/11/2016 tại Thiền viện Sùng Phúc)
Đã hơn bảy thế kỷ trôi qua từ khi Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, thể nhập vào niết bàn an nhiên tự tại. Dân tộc Việt Nam đều biết đến Ngài là một bậc quân vương anh minh của đất nước Đại Việt, cũng là vị Sơ Tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nói đúng hơn, Ngài là một vị “Vua Phật Việt Nam”. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một trong những vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc Việt Nam. Đối với Đạo pháp, Ngài là một vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngai vàng đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật Giáo Việt Nam thời bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm, được xem là đặc trưng của truyền thống Phật Giáo Việt Nam. Ngài đã xây dựng và phát triển đất nước bằng tinh thần từ bi, trí tuệ của Đạo Phật. Theo một số tài liệu nghiên cứu về Trần Nhân Tông cho thấy: lịch sử Việt Nam chú trọng nói về khoảng thời gian trị vì của Ngài trên vương vị với những chiến công hiển hách và tài lãnh đạo an bang tế thế, trong khi lịch sử Phật Giáo thường luận bàn nhiều về giai đoạn sau khi Ngài xuất gia, hành đạo. Lại có một số tài liệu phân chia rạch ròi ra hai giai đoạn: khi Ngài làm vua chỉ đơn thuần là một vị quân vương trị vì thiên hạ, và khi Ngài xuất gia thì chỉ đơn thuần là một vị Tổ Sư của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang tính Phật giáo dân tộc. Những tư tưởng đó vô hình trung đã làm giảm đi hình ảnh “Vua - Phật” toàn bích của Ngài. Có thể nói, để hiểu một cách toàn diện về con người của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, phải thấy rằng, khi Ngài đang trên vương vị đã biểu thị tâm Phật trong nhân cách trị vì, và khi từ bỏ ngai vàng xuất gia tu hành làm Phật vẫn ẩn hiện tư thái của một vị minh quân thiên tử.
          Vua Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, còn gọi là Phật Kim. Vua là con trưởng của Trần Thánh Tông, thân mẫu là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 11/11/ Mậu Ngọ (1258), được lập làm thái tử năm Giáp Tuất (1274), được truyền ngôi ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1279). Vua trị vì 14 năm (1279 - 1293), nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm Thái thượng hoàng 6 năm (1293 - 1299). Năm 1299, Vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành và là người sáng lập ra Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử  ở nước ta. Vua mất ngày 01/11/Mậu Thân (1308), thọ 51 tuổi. Trong thời gian ở ngôi, vua đã đặt hai niên hiệu: Thiệu Bảo (1279 - 1285), Trùng Hưng (1285 - 1293).([1])
Qua các sử liệu ghi lại, khi vua Trần Nhân Tông khi sinh ra, nước da Ngài có màu vàng ròng, nên được vua cha Thánh Tông đặt tên là “Phật Kim” với mong ước thái tử mang chủng tướng tốt ẩn hiện của Phật đạo. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã ca ngợi Trần Nhân Tông rằng: “Vua có tư chất thông minh và phẩm chất của bậc Thánh nhân, một tâm thế đĩnh đạc và dáng đi chắc chắn, một cái nhìn rạng rỡ, cơ thể khỏe mạnh và bề ngoài chói sáng. Cả Thái thượng hoàng Thái Tông và vua Thánh Tông đều nhận thấy ông là một người phi thường và gọi ông là Kim Tiểu Đồng Tử.” ([2]Khi lớn lên giữa kinh đô Thăng Long phồn hoa đô hội, Ngài vẫn tỏ rõ tâm đạo phi phàm, không tham lam danh vọng, quyền vị. Năm 16 tuổi, Ngài muốn xuất gia nhưng vua cha không chấp thuận và lập Ngài làm thái tử. Sau đó, hai lần xin nhường ngôi lại cho em là Đức Việp nhưng phụ hoàng Thánh Tông vẫn không đồng ý vì nhận thấy tư chất xuất chúng của Ngài và quyết định truyền ngôi lại cho Nhân Tông  như một sắc chỉ phải tuân hành.
Trong thời gian 14 năm trị vì của vua Trần Nhân Tông, đây là một giai đoạn lịch sử đầy biến động nhưng mang đậm hào khí nhà Trần của dân tộc Đại Việt, một triều đại được sử sách ca ngợi là sáng chói, thái bình và thịnh trị nhất trong lịch sử nước ta. Những trang sử vẻ vang của triều Trần sở dĩ có được như thế là do sự lãnh đạo anh minh và tài đức của vua Trần Nhân Tông. Ngài đã áp dụng thành công tư tưởng giáo lý đạo Phật vào công cuộc trị quốc an dân, với quan điểm gần gũi, hòa ái trong việc thu phục nhân tâm quần chúng. Đặc biệt, lãnh hội được tinh thần “dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm,dĩ thiên hạ chi dục vi dục” (lấy tâm của mọi người làm tâm của mình, lấy ý muốn của người làm ý muốn của mình) của ông nội Trần Thái Tông, đứng trước tình hình quân Nguyên Mông chuẩn bị tấn công thôn tính nước ta, vua Trần Nhân Tông đã thực hiện chính sách tập hợp và thống nhất tất cả các giai tầng trong xã hội thành một khối đại đoàn kết, triệu tập thành công hai cuộc hội nghị dân chủ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử là hội nghị Bình Than (1282) và hội nghị Diên Hồng (1285), huy động sức mạnh toàn dân chống giặc Nguyên Mông xâm lược. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thể hiện tinh thần dân chủ và bình đẳng. Nếu chẳng phải một vị vua thấm nhuần giáo lý thì chẳng thể làm được vậy.
Ở đây cần đưa ra một phương diện để nhìn nhận. Phải chăng Ngài huy động chiến tranh là không có “tâm Phật”, là phạm giới sát sanh theo tinh thần “xả ác thủ thiện” của giáo lý nhà Phật? Nhận định trên chưa được thấu đáo. Bởi đây không phải là một cuộc chiến tranh phi nghĩa với cuồng vọng xâm lăng như vó ngựa độc tài của Thành Cát Tư Hãn mà là cuộc chiến chống quân xâm lược để giữ yên bờ cõi, bảo vệ cuộc sống bình yên, độc lập tự cường cho dân tộc và đất nước Đại Việt ngàn đời sau. Đây là tinh thần “sát nhứt miêu, cứu vạn thử” của tâm lượng một bậc trượng phu quân tử. Hơn nữa, cuộc đấu tranh là sự đồng thuận trên dưới một lòng của toàn dân và toàn quân thề quyết chiến chứ không phải ý kiến chủ quan nơi Ngài. Một trường hợp lịch sử điển hình có thể đem ra nhận xét là vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa khi bị giặc loạn Hầu Cảnh kéo quân vây thành Kiến Khang, quần thần xin vua cho đánh nhưng vua không cho, ra lệnh bế thành, tụng kinh cầu nguyện cho giặc lui. Kết quả giặc chẳng lui mà vua lại bị mất nước và giết chết. Nếu xét hành động của vua Lương Võ Đế - một ông vua rất mộ đạo - thì chưa khế hợp với tinh thần tích cực nhập thế của Phật giáo. Trái lại, vua Trần Nhân Tông biết lúc nào chưa cần đánh và lúc nào nên đánh mà vẫn không rời đạo lý, hiểu sâu tinh thần uyển chuyển, sống động, nhập thế tích cực, “tuỳ duyên nhi bất biến, bất biến nhi tuỳ duyên” của đạo Phật. “Sống thiền” chẳng phải là sống nơi rừng núi không người, không “tiếp duyên xúc cảnh”, mà “sống thiền” là sống giữa nơi “động” mà lòng luôn “bất động”. Tinh thần nhập thế tích cực được Ngài ứng dụng một cách thích hợp. Khi đất nước lâm nguy, một vị vua học Phật vẫn có thể thân chinh trên yên ngựa cầm quân xông pha trận mạc để cứu nguy cho đất nước, đem lại cuộc sống thanh bình cho muôn dân.
          Nói về đạo đức của vua Trần Nhân Tông, toàn dân đều ca tụng Ngài là bậc “minh quân chi chúa”, thương dân như con. Chẳng những thế, đối với giặc Nguyên Mông, Ngài vẫn muốn đem chí dung tâm để thay cường bạo, lấy đại hùng từ bi để chiến thắng hung tàn. Sử liệu còn ghi lại: “Khi bộ tướng của Ngài chém được đầu Toa Đô đem đến dâng trước thuyền rồng, thương cho viên tướng giặc vì vô minh mà lâm vào tội ác đến nỗi chết không toàn thây, Ngài liền cởi áo bào đang mặc quẳng cho bọc thủ cấp của Toa Đô”. Với chính sách “khoan, giản, an, lạc”, vua Trần Nhân Tông cũng đã đối xử rất khoan dung và độ lượng với những kẻ phản nghịch theo giặc bằng cách ra lệnh đốt tráp đựng những bức thư thỏa hiệp, thông đồng với ngoại bang. Chính tấm lòng nhân đạo, đức độ thấm đượm tinh thần hòa hiếu trong Ngài, biết áp dụng giáo lý đạo Phật vào việc “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đã làm nên một chiến thắng vẻ vang cho dân tộc, đem lại sự thái bình thịnh trị, một triều đại hùng cường cho đất nước Đại Việt, ngàn đời sau sử sách còn ca ngợi:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
  Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.
          Sau những thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã làm cho nền độc lập dân tộc ngày càng vững chắc, vào lúc này, Vua Trần Nhân Tông bắt đầu vào công cuộc xây dựng cho toàn dân một nền luân lý đạo đức Phật giáo sống động và thiết thực, không bi quan, yếm thế, mở ra một cái nhìn toàn diện và tích cực trong triều đại nhà Trần. Dựa trên nền tảng tư tưởng nhân văn tiến bộ của Phật giáo, Ngài đã dung hợp, gắn kết chặt chẽ tôn giáo vào cuộc sống, tích cực xây dựng đất nước và dân tộc. Lấy tinh thần từ bi bác ái, cứu khổ độ sanh của đạo Phật làm căn bản, phát huy tốt mọi khía cạnh tích cực trong đời sống xã hội, nhằm đáp ứng những nhu cầu của thời đại đầy biến động của Việt Nam trong thế kỷ XIII - XIV.
Bản thân vua Trần Nhân Tông, ngay như lúc đang ngồi trên chín bệ, quyền uy tột bực mà vẫn biết rằng:
 “Mình ngồi thành thị
  Nết dùng sơn lâm
  Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh
  Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.”
                                  (Cư Trần Lạc Đạo Phú - Hội thứ nhất)
“Với bản chất Thánh hiền, Điều Ngự rất thông minh, có năng khiếu bẩm sinh và rất siêng năng, ông đã đọc tất cả các loại sách, và rất uyên thâm cả về kinh Phật và những kiến thức ngoài Phật giáo. Sau khi tiến hành công việc triều chính, có thời gian rảnh rỗi, vua lại cho mời những học giả Phật giáo đến và giảng về Thiền và đạo Phật, và ông thường tham vấn Tuệ Trung Thượng Sĩ, vì thế ông đã nắm được tinh hoa của con đường Thiền và thường đối đãi với Tuệ Trung như thầy dạy của mình.” ([3]) Với cương vị của mình, Phật hoàng Trần Nhân Tông đóng vai trò vừa là một vị vua anh minh, nguyên thủ quốc gia, nhà chính trị xuất chúng, vừa là một nhà lãnh đạo tinh thần, nhà đạo đức gương mẫu, hiền triết lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam. Ngài có kiến thức thế học vững chắc, vừa có trình độ Phật pháp uyên thâm nên đã dung hợp giữa nền chính trị quốc gia với tinh thần giải thoát vô ngại của Phật giáo, tạo ra sự tương tác, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững trên cả hai phương diện đời sống vật chất và tinh thần. Dưới triều đại này, dân chúng an cư lạc nghiệp, bốn phương yên bình như thời Nghiêu Thuấn. Phật giáo đời Trần gắn liền với quốc gia qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc và kiếp nhân sinh. Chủ trương của Phật giáo đời Trần là đào tạo những mẫu người được giáo dục toàn diện với tinh thần Bồ tát đạo, dấn thân vào đời, vui với niềm vui của đất nước, đau với nỗi đau của dân tộc, khi cần chiến đấu thì quyết tử hy sinh vì Tổ quốc non sông, khi đất nước thanh bình thì trở về với cuộc sống tu hành thoát tục, mới có thể đáp ứng được những nhu cầu lịch sử đặt ra. Trên cơ sở kế thừa tư tưởng Thiền của vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông đã tìm thấy trong đạo Phật những yếu tố tích cực có thể tăng cường sự đoàn kết dân tộc và đặc biệt củng cố nền đạo đức xã hội. Tư tưởng “vui đạo sống tùy duyên” của Ngài được phát huy đúng mức với người tu Phật, ý thức đoàn kết dân tộc, đó chính là nền tảng để xây dựng một đất nước dân chủ, tự do ngày càng vững mạnh.Tư tưởng ấy khế hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam ngàn đời. Đó là cách xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt trở nên hùng cường thì đồng thời Phật giáo cũng được hưng thịnh theo tinh thần nhập thế, thân dân, đem đạo vào đời, đồng hành với mọi hoàn cảnh và thời khắc lịch sử của dân tộc.
Năm 1299, Ngài truyền ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi đi xuất gia ở chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, ăn rau rừng, uống nước suối, khoác áo phong sương, gối đầu trên tán mây đại pháp, để lòng ở chốn không môn. Năm năm đầu trên đỉnh non thiêng ròng rã tinh chuyên, không hề xuống núi. Rũ sạch hết muôn vàn thế sự, lên núi ẩn tu, phải chăng Ngài muốn lánh đời, yếm thế? Tuy cởi hoàng bào, khoác áo cà sa, Ngài vẫn để mắt theo dõi từng bước đi của triều đại, chăm chút đời sống tâm linh của muôn dân. Ngài hạ thủ công phu chẳng chút lơi lỏng, lấy “phản quan tự kỷ” làm phận sự gốc, lấy thiền định làm lẽ sống. Cuối cùng trí tuệ bừng sáng, ngài giác ngộ chân lý tối hậu. Từ đó, Trúc Lâm Đại Sĩ chống gậy trúc dạo khắp nhân gian, xây dựng một sức sống tròn đầy cho mình cùng tha nhân. Các pháp môn tu hành là những phương thuốc trị tâm bệnh cho chúng sinh, là phương pháp giúp con người sống an vui hạnh phúc, cũng là con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát. Khi đã nếm được pháp vị giải thoát, Ngài thường xuyên giáo hoá Tăng Ni, phật tử, đem ánh sáng chánh pháp đến tận những xóm làng ngõ ngách xa xôi. Ngài du hoá khắp nơi, khuyên chúng dân làm lành lánh dữ, tu thiện. Tuỳ từng căn cơ thượng hạ mà Ngài truyền dạy pháp tu cho mọi người được an lạc nơi tự thân, đề cao sự nỗ lực rèn luyện và khả năng tự ngộ của hết thảy mỗi người. Trúc Lâm Điều Ngự đã hoạt động tích cực trong việc xây dựng một xã hội Phật giáo dựa trên nền tảng của giáo lý thập thiện. “Ngài tự mình sống đạo đức, tuyên truyền dân chúng khắp nơi sống theo nếp sống thập thiện của Phật giáo, thật sự muốn xây dựng một xã hội Việt Nam lấy đạo đức Phật giáo làm nền tảng.” ([4])
Đời sống phạm hạnh của Đức Điều Ngự Giác Hoàng rất nghiêm tịnh nhưng tư tưởng lại phóng khoáng, tự tại. Với chủ trương “Tam giáo đồng nguyên”, Ngài đã xây dựng và phát triển đất nước bằng tinh thần từ bi, trí tuệ của Đạo Phật. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo, lấy lợi ích dân tộc và lợi ích chúng sinh làm mục tiêu căn bản trong quá trình tu tập và thực hành Phật sự của mỗi cá nhân. Đặc biệt, Điều Ngự Trúc Lâm đã tiếp thu những tinh hoa và phối hợp ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc thuần túy dân tộc, sau đó được phát triển sâu rộng với xu hướng nhập thế, gần gũi với đời sống thường nhật của người dân. Dưới sự  hướng dẫn của Ngài, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thể hiện sự độc lập tự chủ về văn hoá, tôn giáo và tổ chức Giáo hội đặc thù của Đại Việt, phục vụ một cách tích cực và hữu hiệu cho đất nước. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm, trên cơ sở hợp nhất ba dòng thiền trên về một mối, đoàn kết thống nhất cả về mặt tổ chức và pháp môn hành trì, càng chứng tỏ quá trình hội nhập và phát triển đạo Phật tại Việt Nam, khả năng dung hợp và tiếp biến văn hóa của người Việt đối với các yếu tố văn hóa và tôn giáo ngoại lai, tạo nên một sức mạnh, phát triển nếp sống văn hoá Việt Nam, nếp sống đạo đức, giải thoát của Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã chứng tỏ là dòng Thiền mang đậm dấu ấn của văn hóa Đại Việt, mà đỉnh cao là tư tưởng nhập thế, hộ quốc an dân, hòa quang đồng trần, vừa xây dựng một lối sống đạo đức theo lý Thiền. Chính từ đây, Phật Giáo Việt Nam đã thể hiện rõ nét nhất, là đỉnh cao về sự nối kết chặt chẽ Phật Giáo Việt Nam với dân tộc Việt Nam, với lịch sử Việt Nam và văn hoá Việt Nam. Đây còn là đỉnh cao của nền tự chủ độc lập của cả dân tộc và Phật Giáo Việt Nam. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Nhân Tông là một triết gia lớn với sự khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm. Triết học Phật giáo Việt Nam thời Trần đã phát triển rực rỡ, thể hiện đầy đủ trí tuệ, tình thương và bản lĩnh Việt Nam. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã đi vào đời sống tâm thức người Việt, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của dân Việt trong bối cảnh lịch sử cả dân tộc độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và tôn giáo. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã gắn liền mục tiêu tâm giải thoát, tuệ giải thoát và độ sanh, ích quốc lợi dân qua con đường trung đạo là phục vụ dân tộc, cuộc đời mà vẫn chứng đắc pháp vị an lạc giải thoát. Chủ trương nhập thế tích cực như một cương lĩnh đường lối hoạt động của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
“Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc.
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công”.
(Cư Trần Lạc Đạo phú - Đệ tam hội).
Sơ Tổ Trúc Lâm khuyến cáo bất cứ ai sống giữa đời thế tục mà tạo ra phúc đức để độ mình, độ người mới đáng trân trọng. Còn ở ẩn giữa rừng núi mà không giác ngộ, giúp đời thì thật đáng trách. Trần Nhân Tông không chỉ là vị vua anh minh mà còn là một vị lãnh đạo tài đức bậc nhất của Giáo hội Trúc Lâm Đại Việt thời Trần. Ngài rất tích cực trong việc xây dựng củng cố nền tảng vững chắc cho Giáo hội, đồng thời thường đi vân du, hoằng hóa khắp nơi để giáo hóa đồ chúng và nhân dân thiện tín: thuyết giảng giáo lý, tiếp tăng độ chúng, truyền giới cho người xuất gia và tại gia, tổ chức các khóa tu tập Thiền định, các khóa an cư kiết hạ tại Ngọa Vân Am, Thạch Thất Am, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Siêu Loại..., quy tụ rất đông đồ chúng đến nghe Sơ Tổ giảng đạo.
Là một vị vua anh hùng lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến chống  Nguyên Mông, cũng là Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hẳn nhiên, Điều Ngự Trần Nhân Tông luôn trang bị cho mình một tư tưởng “thiền biện tâm”. Cho nên, Ngài luôn sống hồn nhiên và tự tại, sống giữa đời mà vẫn vui với đạo, tuy ở ngôi vị cao nhất của xã hội nhưng Ngài không hề hối tiếc, buông xả tất cả những gì mình có, để đi tìm một cuộc sống bình thường nhất. Mặc dù có địa vị vinh quang như thế, nhưng Ngài không hề dính mắc một sắc danh nào.“Thượng hoàng Trần Nhân Tông, Ngài đã vươn lên trong khoảng đời khó vươn lên nhất, thắp sáng hiện hữu, bừng dậy một sức sống cho mình cùng tha nhân:
Nửa gian lều quý hơn nửa thiên cung.
Ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.
Đã thế có gì ngần ngại biến chốn kinh thành núi rừng muôn thuở, an nhiên tự tại, giải thoát hoàn toàn”([5]). Ngài bước vào cuộc đời đầy giản dị, đạm bạc, không gia đình, vui với suối rừng, chim thú và hoa cỏ thiên nhiên. Ngài đã để lại tấm gương cho hậu thế soi chung về một nhân cách mẫu mực dung hòa, với nếp sống ở đời vui đạo, qua “Cư Trần Lạc Đạo Phú”:
“Cư Trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”.
Trong kinh nghiệm chứng ngộ tâm linh của Đức Điều Ngự, Ngài dạy với tâm không chấp trước, không dính mắc thì toàn thể cuộc đời là Đạo. Tâm không chấp trước, không dính mắc ấy là Thiền. Con đường đến với đạo, với tâm thiền là con đường quay trở về tự thân, trở về với tâm niệm vô chấp, vô ngã, vô dục. Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy được chân lý của đạo không ở đâu xa lạ, và chúng ta cũng không trốn chạy bởi một thế giới hiện hữu đầy ô trược kia, vì đạo và đời tuy hai phạm trù nhưng cốt tủy chỉ là một, đều trên một lý tánh bình đẳng, nhất như. Điểm dừng chân của Ngài là chỉ cho chúng ta thấy rõ được con người thật của chính mình, cũng chính là bộ mặt thật xưa nay của con người. Nhận thức được “bản lai diện mục” và sự thật đang hiện hữu thì không phải nhọc nhằn hay bôn ba đi tìm một chân lý xa vời, mà nó luôn hiện hữu ở đây và bây giờ. Con người thật mà Thiền phái Trúc Lâm quan niệm, đó là con người không tham, sân, si; là con người sống cao đẹp, hết mình vì dân, vì nước. Thiền được đưa vào đời sống, phục vụ đất nước, nhân dân và quần chúng xã hội, hướng dẫn mọi người tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách đạo đức. Đây cũng chính là tinh túy, cốt lõi của tư tưởng Thiền học “Phật tại tâm” của Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương thật sự lạc quan, một tư tưởng cơ bản xuyên suốt lịch sử Phật giáo Việt Nam đã khích lệ hàng ngàn, hàng triệu những người con Phật Việt Nam vượt lên trên những ham muốn thế tục tầm thường, phấn đấu không ngừng để thành tựu một lý tưởng cao cả nhất, đó là giác ngộ giải thoát.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông - vị Vua Phật Việt Nam là một tính cách lớn, một tâm hồn lớn với tư tưởng minh triết, là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Quân vương tỏa sáng vì những chiến công oanh liệt thì lịch sử có thể ghi lại, nhưng thiền sư tỏa sáng từ nội tâm tịch tĩnh thì không ngôn từ nào có thể diễn đạt. Lịch sử Việt Nam đã tôn vinh toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp đế vương của Phật Hoàng Trần Nhân Tông như huyền thoại có một không hai về một nhân vật lịch sử vô tiền khoáng hậu của dân tộc. Nhưng ở nơi ngài còn có một sự nghiệp vĩ đại, trường cửu, bất tuyệt hơn, đó là sự nghiệp đạo pháp. Đối với Phật giáo Việt Nam, Phật Hoàng Trần Nhân Tông chẳng những là Sơ Tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, mà còn là vị Phật thể hiện trọn vẹn nhất tinh thần nhập thế tích cực “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Ngài để lại tấm gương cho hậu thế soi chung, một cuộc đời mẫu mực dung hòa. Bên thì vui đạo, bên lại vẹn đời. Ngài đã thể hiện xuất sắc giá trị nhân bản của đạo Phật bằng nhãn quan của một vị vua anh minh, một triết gia uyên thâm, thiền sư lỗi lạc, một hình mẫu của nhà cầm quyền lý tưởng trong lịch sử nước ta. Đây chính là trí tuệ, là điểm son của vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp Việt Nam. Một vì sao Bắc Đẩu trên bầu trời nghìn năm văn hiến của đất nước Đại Việt, toả sáng lung linh, soi đường cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam biết đâu là nguồn cội trở về. Trần Nhân Tông là một vị vua hay một vị Phật đều như một, không khác, đều là một Bậc giác ngộ được lý thiền, tu hành giải thoát. Chúng ta học Ngài không phải nơi vua, cũng chẳng phải nơi Phật, mà là nơi sự giác ngộ, giải thoát của Ngài. Xứ Ấn Độ có một vị Thái tử xuất gia ngộ đạo thành Phật, thì Việt Nam lại có một vị vua đi tu thành Tổ, khai sinh ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam. Đây là niềm tự hào cho cả dân tộc Việt Nam nói chung và cho Phật Giáo Việt Nam nói riêng đối với các nước bạn. Gương sáng của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông vẫn truyền mãi cho ngàn đời sau biết về một  vị “Vua Phật Việt Nam”.
 “Được làm vua chăn dân trăm họ
  Được làm Phật cứu độ muôn loài
  Ngạn cổ ngàn xưa đâu có sai
  Vua Trần đã hoá thành Vua Phật
  Tây Phương kề cận Phật Như Lai”.
                                     (Vua Phật - Hoàng Quang Thuận)
 
 TT. Thích Thông Huệ 
 
 
[1]
            [1] Nguyễn Khắc Thuần, Thế thứ các triều vua Việt Nam, NXB Giáo Dục, 2000.
 
[2]
            [2] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký toàn thư, Cao Huy Du dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn Học, 2009, tr.298
 
[3]
            [3] Thích Phước Sơn dịch, Tam Tổ Thực Lục, Viện Phật Học Vạn Hạnh, 1995, tr.34
 
[4]
            [4] Ban Văn Hóa TƯGHPGVN, Phật giáo và thời đại Lý - Trần, Tập văn Phật đản PL.2529, 1985, tr.239
 
[5]
            [5] Nhật Quang, Nửa Ngày Của Thái Thượng Hoàng (Lời đầu sách) - viết về Cư Trần Lạc Đạo Phú, NXB Tổng hợp TP.HCM,
 
Chia sẻ với bạn bè qua: