410 226
Tin Tức » Phật Sự
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 08:46:16 27-05-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức Tổ Chức Lễ Tắm Phật

Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức Tổ Chức Lễ Tắm PhậtHắng năm vào ngày 8-4 âm lịch Thiền Viện Trúc Lâm Van Đức – Phường Tân Hoà Tp. Buôn Ma Thuột đều tổ chức Lễ tắm Phật. Lễ Tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của Lễ hội Phật đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau.
     Nghi thức này vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa, và ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng đồng Phật giáo khắp nơi như là một cử chỉ, một hành động để tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2.600 năm.

      Nguồn gốc của Lễ Tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử. 
     Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, khi thái tử ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý cõi trời nâng thái tử, Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử. Có lẽ chính sự cung kính của chư thiên đối với sự kiện Đản sanh của thái tử được mô tả trong bản kinh này đã tạo nguồn cảm hứng để về sau trong mùa Phật đản, người Phật tử thường tôn trí tượng Đản sanh trong một bồn hay thau sạch và quý, đặt trong điện thờ Phật hay một nơi nào đó trang nghiêm, dùng nước sạch có ướp các loài hoa thơm để làm lễ tắm Phật nhằm tưởng nhớ đến ân đức của Đức Phật và bày tỏ niềm tôn kính sâu xa đối với Ngài.
Đức Phật dạy rằng, nhờ việc tắm tượng, chúng sanh trong hiện đời được nhiều phước báu thù thắng, sở nguyện thành tựu, quyến thuộc được an ổn, mau thành chánh giác. Sau khi an trí tượng, nên đối trước tượng dâng hương, chắp tay thành kính tụng bài kệ sau:
“Con nay tắm gội chư Như Lai
Công đức trang nghiêm tịnh trí đầy
Nguyện cho chúng sanh lìa năm trược
Mau chứng Như Lai tịnh pháp than
Giới, định, tuệ… năm phần hương báu
Tỏa ngạt ngào trong khắp mười phương
Khói hương này xin hằng lan mãi
Phật sự làm vô lượng vô biên
Nguyện khổ nạn ba đường bặt dứt
Nhiệt não trừ, an trú thanh lương
Đồng phát tâm vô thượng Bồ-đề
Thoát biển ái lên bờ đại giác.”
     Nghi thức tắm tượng Phật được mô tả trong bản kinh trên là một trong những nét sinh hoạt tự viện tại Ấn Độ mà ngài Nghĩa Tịnh đã ghi lại trong ký sự của mình. Cách thức thực hành như thế không phải chỉ thuần túy là một nghi thức truyền thống đơn thuần mà còn là một pháp môn tu tập của chư Tăng Ni và người Phật tử. Báo thân của Đức Phật đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, tâm Ngài thanh tịnh vô nhiễm và nhu nhuyến, pháp thân Ngài thì bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, cho nên việc tắm Phật là một cơ hội để hành giả thực tập nếp sống chánh niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tâm nhiệt thành đến Đức Phật, hay nói cách khác, hướng đến sự viên mãn của đức hạnh và trí tuệ. Những dụng công trên của mỗi người tham dự lễ sẽ là những yếu tố tối quan trọng để họ tự chuyển, điều phục và thăng hoa tâm thức của mình. Trong biển sanh tử chập chùng, do vô minh sai sử, nên chúng sanh tạo vô số oan nghiệp, tâm thức luôn bị vẩn đục bởi những tố chất nhiễm ô của phiền não, tà kiến. Do vậy, mỗi khi được tắm Phật, tâm họ được lắng đọng trong niềm tôn kính thanh tịnh. Đó là cơ duyên hy hữu để mỗi người gội rửa thân tâm, sám hối những lỗi lầm trong bao đời, để từ đây hướng đời mình đến sự tịnh hóa ba nghiệp, từ bỏ những niềm vui tầm thường, mong manh thế tục để tìm đến niềm an lạc đích thực của tâm hồn.
     Lễ Phật đản cũng như lễ tắm Phật ngay từ thời Lý không chỉ đơn thuần là một nghi lễ của cộng đồng Phật giáo mà nó đã trở thành những sinh hoạt văn hóa chung trong dân gian. Điều này được ghi lại trong Lĩnh Nam trích quái như sau: “Ngày mồng tám tháng Tư, Man nương tự nhiên mà thác sinh lên trời, linh xác gói chôn trong chùa. Nhân dân lấy đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm cứ đến ngày này trai gái, già trẻ bốn phương tụ tập về chùa để vui chơi, ca múa các trò đàn địch mãi thành tục lệ, gọi là “hội tắm Phật”, đến nay lệ vẫn còn.” Sự dung hòa giữa văn hóa Phật giáo nói chung và Lễ Tắm Phật nói riêng trong xã hội Việt Nam thời xưa đã được Lê Tắc ghi lại trong mục “Phong tục”, phần nói về phong tục dân gian của xã hội An Nam trong tác phẩm An Nam chí lược như sau: “Mồng tám tháng Tư, mài trầm hương và bạch-đàn-hương, dầm nước tắm rửa tượng Phật và dùng thứ bánh giầy mà cúng Phật. Tiết Đoan-Dương (mồng năm tháng năm), làm cái nhà gác ở giữa sông, vua ngồi coi đua thuyền. Ngày Trung-Nguyên, lập hội Vu-Lan-Bồn, để cúng tế, siêu độ cho người chết, tốn hao bao nhiêu cũng không tiếc.” Tác phẩm này cho thấy một điều hết sức độc đáo là ngay từ thời Lý-Trần, việc dùng các loại hương thơm dầm nước để tắm tượng Phật, đúng như cách thức được mô tả trong kinh Công đức tắm Phật như trên đã được thực hiện phổ biến trong dân gian. Điều đó cũng đủ cho thấy sự phổ biến của nghi thức này trong các sinh hoạt văn hóa bản xứ.
     Trải dài theo dòng lịch sử dân tộc, ngày Lễ Phật đản cùng nghi thức Tắm Phật đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong xã hội Việt Nam. Đối với người Phật tử, sự tôn kính, lòng nhiệt thành đối với Đức Phật trên nền tảng của chánh kiến mới thực sự mang lại cho họ một niềm tin trong sáng và sự an lạc đích thực, lâu dài. Mỗi khi dâng một nén hương, một đóa hoa, một phẩm vật lên Đức Phật, hay khi rưới những dòng nước tinh khiết lên tôn tượng của Ngài, đó chính là nhân duyên thù thắng để mỗi người quay về với chính mình, hầu tự sách tấn, tự trang nghiêm cho bản thân bằng hương đức hạnh, bằng hoa trí tuệ, và bằng nước nhẫn nhục, từ ái, tùy thuận thích ứng với mọi nhân duyên, ngay cả chướng duyên để hướng đến một nếp sống hướng thượng, tỉnh giác. Phải chăng chính những lúc đó, mỗi người đang tự tắm Phật trong từng sát-na của đời mình?
     Trong Kinh Dục Phật Công Đức có chép về tắm phật có 15 công đức: "... Những ai chí tâm cúng dường như thế sẽ có được mười lăm công đức thù thắng sau: 1. Thường biết tàm quý; 2. Phát khởi niềm tin thanh tịnh; 3. Tâm ngay thẳng; 4. Được gần gũi bạn lành; 5. Chứng huệ vô lậu; 6. Thường gặp chư Phật; 7. Luôn hành trì chánh pháp; 8. Làm đúng với lời nói; 9. Tuỳ ý sanh vào quốc độ chư Phật; 10. Nếu sanh trong nhân gian thì sanh vào dòng họ tôn quý, được người khác tôn kính, khởi tâm hoan hỷ; 11. Nếu sanh trong nhân gian thì tự nhiên biết niệm Phật; 12. Không bị ma quân gây tổn hại; 13. Hay hộ trì chánh pháp trong thời mạt pháp; 14. Được chư Phật trong mười phương gia hộ; 15. Mau thành tựu được năm phần pháp thân".
                                                                                                                                                                                              
Kinh Lễ tắm Phật
Hôm nay được tắm cho Như Lai
Trí tuệ trang nghiêm công đức lớn
Chúng sanh ba cõi đang chìm đắm
Được thấy trần gian hiện pháp than
Trong thành Tỳ Gia chưa từng sanh
Giữa cây Sa La chưa từng diệt
Bất sanh bất diệt đức Cù Đàm
Mắt sáng rạng soi không vẫn đục
Ngày trăng tròn tháng tư âm lịch
Cung vua Tịnh Phạm sanh Tất Đạt
Chín rồng phun nước tắm kim than
Mỗi bước hoa sen nâng gót ngọc
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

     Một số hình ảnh diễn ra trong Lễ tắm Phật tại Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức














































 
HỒ VĂN TRINH PD. Huệ Minh Nghiêm
Ban TTTT Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đăk Lăk
Chia sẻ với bạn bè qua: