1010 837
Tin Tức » Phật Sự
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 09:28:32 26-02-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Ra mắt tập thơ “Hương nhẹ thì thầm” của Thượng toạ Thích Châu Quang (bút danh Hoài Nguyên Thuỷ)

Ra mắt tập thơ “Hương nhẹ thì thầm” của Thượng toạ Thích Châu Quang (bút danh Hoài Nguyên Thuỷ)Tập thơ “Hương nhẹ thì thầm” của tác giả Hoài Nguyên Thuỷ đã được ra mắt vào ngày mồng 5 tết Âm lịch tại Hội trường Chùa Sắc Tứ Khải Đoan
 
Về chứng minh buổi ra mắt tập thơ có: Hoà thượng Thích Thiện Trí, Uỷ viên Hội đồng Trị sự - Phó trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương,- Đặc trách tại Tây Nguyên, Hoà thượng Thích Giác Thanh, Chứng minh Ban trị sự, Thượng toạ Thích Giác Tiến, Phó Ban Trị sự kiêm CTK, Thượng tọa Thích Châu Quang, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Lắk. Đại đức Thích Hải Định, Ủy viên Kiểm soát Ban Trị sự,  Trụ trì Chùa Hoa Lâm cùng các Đại đức, Tăng, Ni cư sĩ và hơn 400 phật tử các Chùa trong và ngoài thành phố Buôn Ma Thuột tới dự.
Đây là tập thơ đầu tay của Thượng toạ: Thích Châu Quang,, thế danh Phan Khán, bút danh Hoài Nguyên Thuỷ, sinh năm 1951. Quê quán: Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam. Xuất gia năm 1964 tại Chùa Sắc Tứ Khải Đoan. Uỷ viên HĐTS GHPG Việt Nam – Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Đắk Lắk – Trụ trì Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, chứng minh Tập san Vô Ưu. Với bản chất khiêm tốn, trầm lặng quy hướng nội tâm, Ông bắt đầu sáng tác thơ từ năm 1968 cho đến nay, với hơn 400 bài thơ, gồm nhiều thể loại. Nhưng với đời sống tu hành, Phật sự đa đoan nên ông không quan tâm đến việc lưu giữ bản thảo. Lâu nay, được một số anh em thân hữu âm thầm lượm lặt, gom góp, cất giữ được khoản trên 20 bài thơ của tác giả và xuất bản tập thơ nhỏ này để giới thiệu đến bạn đọc gần xa.
Tập thơ “Hương nhẹ thì thầm” đã được Tỳ-kheo Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hoá Trung ương – Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá cao, Ngài nói: “Nội dung tập thơ mang đầy ý đạo, được trình bày nhẹ nhàng, trang nhã với những thuật ngữ Phật học thông dụng,, có sức truyền cảm mạnh mẽ, như: giả huyễn, chân thường, ý đạo, mộng ảo, tịch nhiên, ba ngàn thế giới, ảo hoá, hải triều âm, thị hiện niết-bàn, rừng sa-la, đại định, cõi ta-bà, xá-lợi, diêm phù…là một tu sĩ Hoài Nguyên Thuỷ luôn tin Phật, tin vào giáo pháp giải thoát của Ngài, ước nguyện, mong mỏi lẫn ước mơ, thậm chí mộng mơ được vào cõi Chân như, không tịch, an lạc vĩnh hằng…”
Đây Khải Đoan mái chùa yêu biết mấy
Rêu phong về tô đậm nét uy linh
Chiều tịch nhiên vang vọng mấy hồi kinh
Hồn nhân thế giật mình cơn mộng ảo!
 
Hồi chuông khuya sáng ngời lên ý đạo
Hương trầm bay dâng tận mấy không trung
Khách trần ai tỉnh giấc mộng say nồng
Và thoát khỏi cơn sầu tư bất tuyệt.     (Mái chùa yêu dấu)
 
Và Tỳ-kheo Thích Trung Hậu nhấn mạnh: “Cái thân khoác áo cà sa ấy, cái tâm tinh tấn tìm về giải thoát ấy cũng là cái thân, cái tâm của nhà thơ, của người nghệ sĩ lang thang cùng trăng sao, mây nước, cùng vũ trụ mông lung; thảnh thơi đấy, hoang mang đấy, mộng mơ, buồn bã, vu vơ. Thế giới, vũ trụ, khoảng không gian của ông sao mà rộng rãi quá! Trăng gió ngàn năm, nắng soi vàng, núi biếc rừng xanh, hoàng hôn vàng rực, tình quê thơm ngát…Thế rồi, đêm đến nghe mưa sầu gió tủi, hụt hẫng bên bờ cỏ dại, linh hồn mòn mỏi... thế nhưng, tìm trong nguyên thuỷ điệu đàn luôn cung, hồn thấm đượm ý xuân bay, gom làm cỏ dại…”
Trăng say ngủ thiếp lưng trời
Mây say giăng mắc bên đồi xa xăm
Ta say hương nhẹ thì thầm
Bên bờ vũ trụ đêm rằm trầm hương.    (Hương nhẹ thì thầm)
 
…Ta say hương nồng cỏ dại
Bên song suối lạnh hoang liêu
Mà nghe tâm hồn khắc khoải
Ngẩn ngơ một cánh mây chiều…   (Bâng quơ)
 
Tác giả viết thơ để tự nói cho mình nghe và ai đó có cùng tâm trạng dễ đồng cảm và chia sẽ chút hương lòng. Là con người dù ở phạm vi nào của cuộc sống thì yêu thương, vui buồn, mơ mộng, ước ao…mãi là chất liệu sống. Hình bóng mẹ hiền đối với tác giả chỉ là một “ký ức nhạt nhoà” được lưu lại. Tác giả hoài vọng về phương trời xa, may ra còn nhìn thấy mẹ trở về âu yếm, nâng niu trong vòng tay yêu thương của mẹ.    
Con nhớ mẹ, ngậm ngùi trong cuộc sống
Một linh hồn bé bỏng giữa trần ai
Có nhiều đêm lệ nóng chảy tuôn hoài
Và giấc mộng thấy mẹ về âu yếm…
 
Mẹ hỡi, lòng con đang nhớ mẹ!
Phương trời mẹ có nhớ con không?
Ân nghĩa sinh thành con nguyện đáp
Cù lao chin chữ khắc ghi lòng…    (Nhớ mẹ)
 
Trong thơ Hoài Nguyên Thuỷ hé lộ giữa phút sống của đời thường. Hương vị giải thoát huân nhuần trong từng sát na tâm thức, tác giả quán chiếu nỗi đau của bản thân và cuộc đời bằng lẽ sanh diệt, sắc không của bản thế vũ trụ. “Đạo ở trong đời, đời có trong đạo”.
Cuộc đời dài một cơn say
Say trong ý đạo đong đầy hư không…
Nhà thơ khẳng định:
Ai say men rượu men tình
Ta say ý đạo hiện hình chơn như!
Qua tập thơ “Hương nhẹ thì thầm” Hoài Nguyên Thuỷ đã tuỳ thuận của người thưởng thức mà vận dụng hình thức để ươm trồng ý thơ. Vì thế, tác giả đã không ưu ái cho riêng một thể loại nào. Từ Cổ thi Đường luật, đường luật biến thể, ngụ ngôn, thất ngôn…và cả thể loại thơ mới, thuần tuý dân gian đều được tác giả khéo léo vận dung theo tư duy của riêng mình,. Tất cả nhằm chuyển tải chút “hương nhẹ” “thì thầm” với lòng mình và với ai là người tri ngộ muốn chia sẽ.
Hoàng hôn vàng rực chân trời
Mây về dăng mắc bên bờ xa xăm
Tình quê thơm ngát hương trầm
Ôi, hồn vụ trụ ngàn năm tuyệt với…   (Hồn vũ trụ)
 
Chiều về hồn nhẹ như mây
Bóng hoàng hôn đượm hương say cuối trời
Nghe ta tỉnh giấc mộng đời
Nghe mình lạc nẻo trùng khơi phiêu bồng…  (Tỉnh giấc mộng đời).
 
Trong buổi ra mắt tập thơ, Ban tổ chức còn chia sẽ niềm vui bằng hình thức bốc thăm trúng thưởng và Tác giả cũng đã trao tặng Tập thơ và quà cho các thành viên đến tham dự, món quà tuy nhỏ nhưng rất vui và ấm cúng trong ngày đầu xuân Ất Mùi năm 2015.
 
Một số hình ảnh trong buổi ra mắt tập thơ “Hương nhẹ thì thầm”.

 

 

HỒ VĂN TRINH (PD: Huệ Minh Nghiêm)
Ban TTTT Phật giáo Dak Lak
Chia sẻ với bạn bè qua: