710 309
Tin Tức » Phật Sự
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 15:44:54 08-03-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Lễ cầu bình an đầu năm

Lễ cầu bình an đầu nămRằm tháng Giêng âm lịch (Tết Nguyên Tiêu) là một trong những ngày rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Bởi vậy mới có câu: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Vào ngày này, người dân thường đi chùa lễ Phật, cầu mong an lành cho bản thân và gia đình.

Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười). Đứng về khía cạnh văn hóa, rằm tháng Giêng là một lễ lớn theo tín ngưỡng Việt Nam. Là một nước thuần nông, tháng Giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mùa màng bội thu..

Theo Phật giáo thì ngày mồng Một và ngày rằm hằng tháng được coi là ngày của Phật, các tín đồ đến ngày ấy phải đi lễ chùa. Rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên, nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật tử, lại thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà cho nên số người đi chùa đông đảo hơn. Trong dân gian với số đông người theo phong tục thờ cúng ông bà thì rằm tháng Giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn các đẳng... Nhưng luôn có cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.  Số gia đình theo đạo Phật cúng chay và ăn chay. Lễ vật dâng cúng thường dùng rau quả, trầu cau, chè xôi, các món đậu, canh xào...
Với những ý nghĩa trọng đại đó, các chùa đồng loạt tổ chức lễ cúng rằm tháng Giêng nguyện cầu cho quốc thái dân an, xã hội an bình, nhà nhà an vui. Tại các chùa theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy thường kỷ niệm sự kiện trọng đại này bằng cách thọ hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, thức trọn đêm; hoăc cúng đèn, hay cúng dường đặt bát đến chư Tăng cầu phúc đầu năm. Đối với Phật giáo Đại Thừa, các chùa trong những ngày Rằm đều tổ chức những nghi thức cầu an cho đại chúng, có chùa còn làm lễ Quy y, tạo điều kiện để những người có duyên với Phật giáo được chính thức công nhận và học tập theo những điều Phật dạy.
Hiểu đúng về cúng sao giải hạn
Theo quan điểm của Phật giáo, không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa, bởi vì tất cả đều do nhân quả của chính người ấy làm nên. Đức Phật dạy, không có quả nào từ trên trời rơi xuống, hoặc dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động qua thân, khẩu và ý của con người tạo ra. Mọi sự thành công hay thất bại của mỗi người trong đời chẳng phải do ai ban phát cho, mà do những hành động hoặc lời nói đã tạo từ trước (nhân), cộng với các yếu tố trong hiện tại (duyên), khi nhân duyên đầy đủ thì lãnh thọ quả báo (quả). Tuy nhiên, cúng sao giải hạn là một trong những hình thức phương tiện các chùa Phật giáo vận dụng để đưa chúng sinh đến gần với Phật pháp. Khi vận dụng nghi thức cúng sao giải hạn của Lão giáo, các thầy chủ lễ không sử dụng nghi thức Lão giáo mà thay vào đó là tụng kinh, sử dụng các nghi thức của Phật giáo, để cho những ai chưa phải Phật tử được nghe lời kinh mà thức tỉnh. Những ai đã là Phật tử rồi, có dịp ôn lại lời kinh để việc học Phật, tu Phật càng vững chãi hơn, tinh tấn hơn. Hơn nữa, qua việc cúng bái đó, Tăng Ni có cơ hội tiếp cận, gần gũi và giúp đỡ quần chúng; khuyên họ làm lành lánh dữ, đi chùa tụng kinh lạy Phật, bố thí cúng dường... Tuy nhiên một số nơi khi cử hành nghi thức cúng sao hạn nặng nề, phiền phức, mang vẻ âm u huyền bí, làm mất sự trong sáng của nền tín ngưỡng Phật giáo và bản chất của phong tục. Chính điều đó đã biến phong tục ngày càng mang màu sắc mê tín trầm trọng, kèm theo những đánh giá không tốt về Phật giáo.
 
 Một số hình ảnh cúng đầu năm –Nguyện cầu cho quốc thái dân an, xã hội an bình, nhà nhà an vui. 




Tin, Ảnh : HỒ VĂN TRINH (PD: Huệ Minh nghiêm)
Ban TTTT Phật giáo tỉnh Đắk Lắk
Chia sẻ với bạn bè qua: