Lâm Đồng: Hội thảo Hoằng pháp năm 2019 đã chính thức bế mạc
Quang lâm chứng minh có: HT.Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng Ban tổ chức hội thảo; HT. Danh Đổng – UVTT HĐTS, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang; HT. Thích Thanh Tân – UV HĐTS, quyền Trưởng ban BTS tỉnh Lâm Đồng, đồng Trưởng ban Tổ chức; HT. Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TƯ; TT. Thích Phước Nghiêm – UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TƯ; TT. Thích Minh Nhẫn – UV HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp TƯ; TT. Thích Giác Trí – UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TƯ; TT. Thích Đức Lợi – UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TƯ; HT. Thích Giác Cảnh – Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kiểm soát GHPGVN tỉnh Lâm Đồng; TT. Thích Viên Thanh – Phó ban Trị sự kiêm Trưởng BHP GHPGVN tỉnh Lâm Đồng; Chư tôn giáo phẩm HĐTS, Ban Hoằng pháp TƯ, Ban Hoằng pháp các tỉnh thành; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng và đông đảo Phật tử tham dự.
Báo cáo tại lễ bế mạc, TT.Thích Minh Nhẫn, Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp T.Ư cho biết: Hội thảo kỳ này với chủ đề “Sứ mệnh Hoằng pháp thời đại công nghệ số và trọng trách xây dựng niềm tin vững chắc cho cư sĩ Phật tử”. Hội thảo được chính thức diễn ra vào lúc 8g00 ngày 02/12/2019 đến 03/12/2019, tại chùa Linh Sơn và Khách san Bavico TP. Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Hội thảo do HT. TS. Thích Bảo Nghiêm và TT. Thích Thanh Tân đồng Trưởng ban Tổ chức. Với sự tham dự của trên 600 Đại biểu gồm đại diện của Chư Tôn đức Thường trực HĐTS GHPGVN; Chư Tôn đức đại diện ban ngành viện Trung ương, đại điện Ban Tôn giáo Chính phủ; cục An ninh Bộ công an, Ban Hoằng pháp Trung ương, lãnh đạo chính quyền tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt, đại diện Ban Trị sự và chư Tôn đức Tăng ni thuộc ngành Hoằng pháp của 34 tỉnh thành khu vực phía Nam và 6 tỉnh thành khu vực phía Bắc và Quý vị học giả, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức. Ban Tổ chức đã nhận được tất cả 25 bài tham luận và bộ phận nội dung đã chọn 19 tham luận của Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni, chư vị học giả, nhà nghiên cứu, thiện hữu trí thức trình bày tại hội thảo và tất cả bài tham luận được số hóa và ứng dụng công nghệ mã code QR để phổ biến các bài tham luận đến tất cả quý đại biểu.
Sau 2 ngày làm việc tích cực chư Tôn đức Tăng ni và quý vị đại biểu đã thống nhất đúc kết như sau:
- Nâng cao nhận thức cho Tăng, Ni
Đẩy mạnh tuyên truyền cho Tăng, Ni thấy rõ hiệu quả và tính thiết yếu của việc ứng dụng công nghệ số trong công tác Hoằng pháp của thời đại kỷ nguyên số.
Ban Hoằng pháp các tỉnh thành nên đề xuất với Thường trực BTS tỉnh thành, thông qua các khóa An Cư, bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì thì có chương trình tuyên truyền thực hiện điểm thứ 8 của Nghị quyết về phương hướng hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội khóa VIII (2017-2022), “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp”. Để qua đó, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong công tác Hoằng pháp tại các tỉnh thành.
- Bồi dưỡng đội ngũ nhân lực Phục vụ nhiệm vụ
Ứng dụng công nghệ số trong công tác Hoằng pháp đây là một lãnh vực mới có tính chuyên môn, nên ngành Hoằng pháp cần đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, các kỹ năng ứng dụng CNTT cho chư Tăng ni ngành Hoằng pháp, do vậy cần tổ chức nhiều khóa tập huấn ngắn và dài hạn để có lực lượng chuyên môn và đội ngũ chuyên nghiệp, thực hiện tốt công tác này.
- Nâng cao trình độ tin học và kỹ năng ứng dụng CNTT cho Tăng, Ni
+ Xây dựng đội ngũ cốt cán
Bồi dưỡng kỹ năng tin học và ứng dụng CNTT cho các vị thành viên Ban Hoằng pháp Trung ương cùng các tỉnh thành.
Ban Hoằng pháp Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai đề án “ Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hoằng pháp” và tiếp tục cử đoàn đến các tỉnh thành để tập huấn chia sẻ kinh nghiệm đến tất cả Chư Tôn đức Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành để kịp thời và đủ năng lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong công tác hoằng pháp. Nhằm đạt được kết quả của tinh thần Nghị quyết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII đã nêu:”Đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử… Và đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp”. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube, wechat, Zalo, … Trong công tác thuyết giảng, hoằng pháp hướng đến mỗi người Phật tử hoằng pháp viên là một cán bộ hoằng pháp trên mạng xã hội thông qua các thiết bị nghe nhìn di động và điện thoại thông minh.
+ Mở lớp đào tạo nghiệp vụ dài hạn:
Tổ chức các lớp đào tạo về nghiệp vụ ứng dụng công nghệ số trong công tác Hoằng pháp mang tính dài hạn, từ kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý thông tin, quản lý dữ liệu, bảo mật tài khoản. Các lớp đào tạo này được tổ chức theo hình thức trao đổi giúp đỡ lẫn nhau, tập trung chủ yếu vào những kỹ năng mà Tăng Ni cần sử dụng trong quá trình hoằng pháp, bắt đầu từ những kỹ năng đơn giản nhất như cách tra cứu và tìm kiếm thông tin, cách sử dụng một số phương tiện như máy chiếu, máy quay phim, chụp ảnh, các bước soạn một bài trình chiếu, các phần mềm thông dụng và các kỹ năng sử dụng mạng xã hội…
- Thu hình Video giảng pháp và cung cấp thông tin dữ liệu tra cứu
Thực hiện tốt công văn Số : 16 /TB.BHP, Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2019 về việc cung thỉnh chư Tôn đức giảng sư cả nước thu hình thuyết giảng tại phim trường để có các video chuẩn về các nội dung thuyết giảng, có kiểm duyệt nội dung để phổ biến đến tăng ni Phật tử trong và ngoài nước, phát huy hiệu quả kênh truyền hình trực tuyến hoằng pháp online và cổng thông tin cung cấp dữ liệu số đến Tăng Ni giảng sư kho dữ liệu tra cứu tại địa chỉ: thuviensophatgiao.
- Xây dựng hình ảnh của người Sứ giả Như Lai
Cần nâng cao đời sống tâm linh, công phu tu tập để trở thành biểu tượng gương mẫu, hình ảnh cao quý để Phật tử qúy kính và qua đó xây dựng niềm tin vững chắc cho cư sĩ Phật tử.
- Hoằng pháp vùng đồng bào dân tộc
Tiếp tục phát huy hiệu quả về công tác Hoằng pháp đối với đồng bào Dân tộc, xây dựng nhiều video thuyết giảng phù hợp với đồng bào dân tộc phù hợp với các vùng miền đồng thời phát huy lực lượng Hoằng pháp viên, đạo tràng niệm Phật của các tự viện để tiếp cận với đồng bào dân tộc và kết hợp cùng công tác từ thiện để thực hiện nhiệm vụ Hoằng pháp tại các vùng Đồng bào Dân tộc.
Giao Ban thư ký của Ban Hoằng pháp nghiên cứu toàn bộ các bài tham luận và ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của chư Tôn đức Tăng ni và quý vị học giả nhà nghiên cứu tổng hợp trình chư tôn đức lãnh đạo Ban Hoằng pháp Trung ương và vận dụng các ý kiến hữu ích đưa vào phương hướng hoạt động.
Hội thảo Hoằng pháp với chủ đề: “Sứ mệnh Hoằng pháp thời đại công nghệ số và trọng trách xây dựng niềm tin vững chắc cho cư sĩ Phật tử”. Do Ban Hoằng pháp Trung ương kết hợp cùng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng đăng cai tổ chức tại Chùa Linh Sơn, Khách sạn Bavico TP Đà Lạt đã đạt được nhiều kết quả trong biện pháp thực hiện. Hội thảo đã thành công tốt đẹp trong tinh thần hoan hỷ – đoàn kết.
Đạo từ Hội nghị, HT. Thích Bảo Nghiêm, mong rằng Ban Hoằng pháp các tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư về con người và trang thiết bị để tận dụng tính ưu việt của công nghệ số trong công tác hoằng pháp nói riêng, hoạt động Phật sự nói chung, để theo kịp sự phát triển của xã hội trong thời đại mới mà cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra khắp mọi miền của đất nước.
Hòa thượng mong rằng chư Tôn đức, các học giả tiếp tục cống hiến và đóng góp nhiều hơn nữa cho Ngành Hoằng pháp nói riêng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung.
Sau phần đạo từ, Ban Hoằng pháp TƯGH đã ký kết bảo trợ cho Kênh truyền hình Phật sự OnlineTV mỗi tháng 20 triệu do HT. Thích Minh Thiện, UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TƯ ký kết cùng TT. Thích Minh Nhẫn, UV HĐTS, Tổng Biên tập Kênh truyền hình Phật sự onlineTV dưới sự chứng minh của HT. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN.
Buổi lễ bế mạc khép lại sau những tràng vỗ tay giòn giã của BTC và toàn thể hội chúng.
Một số ảnh tại buổi lễ đã ghi nhận:
Tuệ Tánh, Minh Lực, Minh Thuận, PSO, Ban TTTT PG tỉnh Lâm Đồng
Nguồn PSO