910 624
Tin Tức » Các Sự Kiện
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 12:18:36 06-06-2014 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Cây Bồ Đề 100 năm tuổi trên Cao Nguyên Đăk Lăk

Cây Bồ Đề 100 năm tuổi trên Cao Nguyên Đăk LăkVào tháng 4 năm 2000, chúng tôi có đến tham quan khu du lịch Buôn Đôn,trong chuyến tham quan, chúng tôi đã may mắn gặp được một số đồng bào người Lào theo đạo Phật qua tiếp xúc chúng tôi được biết sinh hoạt tín ngưỡng của họ tại vùng đất này và họ chỉ cho biết dấu tích rất đáng lưu ý, đó là cây bồ đề rất lớn.
Cây bồ đề cổ thụ này hiện nằm trong sân của nhà Văn hóa Cộng Đồng buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, nằm bên cạnh dòng sông Sêrêpôk; cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột chừng 45 km. Nơi đây, xưa kia là nơi giao lưu buôn bán giữa các nước Lào, Chiêm Thành và Chân Lạp; có các dân tộc Ê Đê, Lào, M'Nông, Kinh và Gia Rai cùng sinh sống, ngôn ngữ giao tiếp phổ thông là tiếng Lào.
Dân làng còn kể rằng, ngày xưa, một nhà sư gốc Lào sang truyền đạo ở Buôn Đôn và chung sống cùng bà con ở buôn Yeng Lan (Yang Lành bây giờ). Ông đã cùng dân làng xây dựng nên một ngôi chùa nhỏ, và mang cây bồ đề này từ Lào về trồng tại đây. Hằng năm, cộng đồng người dân ở đây thường tổ chức lễ Phật vào mùa xuân để cầu bình an, no đủ hạnh phúc và các lễ hội truyền thống. Sau đó một thời gian vị sư quay về Lào không thấy trở lại, dân làng vẫn tiếp tục thờ tự, gìn giữ và bảo quản ngôi chùa, cho tới khoảng năm 1960, bom đạn chiến tranh đã tàn phá, ngôi chùa đã hư hỏng; dân làng đã đặt tượng Phật bằng đất nung trong hốc cây Bồ đề, …
Sau khi nắm được những thông tin ban đầu như nói trên đây, chúng tôi đến buôn Yang Lành để tìm hiểu sự việc; khi thấy chúng tôi đến chiêm quan gốc Bồ Đề, dân làng biết mục đích của chúng tôi là muốn tìm hiểu về các dấu tích của Phật Giáo tại đây; họ dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà sàn của một thầy giáo nghỉ hưu. Thầy giáo tên là Y Tom K'Dok, ông nay đã 80 tuổi, người gốc M'Nông, lấy vợ gốc Lào. Sau khi cho chúng tôi xem bản hương ước của làng, ông kể rằng: “Vào những năm cuối của thế kỷ thứ XIX, sau khi lập làng, cùng với Luông Sỹ nhiều người Lào đã đến đây buôn bán và định cư. Chẳng biết vào thời gian nào, có một tu sĩ người Lào, quấn áo vàng đến đây truyền đạo, ông đã lập một am nhỏ và trồng cây bồ đề tại đây, …”.
 


Cây bồ đề 100 năm tuổi
Cây Bồ Đề nằm bên cạnh nhà văn hóa cộng đồng của Buôn, Y Tom nói: “Lúc tôi còn nhỏ, thấy ông Y Thua chăm sóc cây đa này, cây này mang từ Lào sang”. Hiện nay người dân thường gọi là cây đa, người biết thì gọi cây Bồ Đề. Gốc cây Bồ Đề hiện nay cũng phải 8 - 10 người ôm mới hết, tán lá của nó tỏa rộng tròn xoe, ước cũng phải 20 đến 25 m tứ phía.
Y Tom K’Dok kể rằng: “Lúc ông còn nhỏ, khoảng độ 12 -13 tuổi, vào các ngày lễ hội, ông thường theo bố mẹ đi dự Lễ tại am thờ Phật gần gốc cây Bồ đề này. Lúc bấy giờ ở buôn Yang Lành, buôn Trí, Ea Huar đa số là người Lào, nhà nào cũng thờ Phật. Hàng năm các nhà sư từ SavanaKhẹt, Pắk Xế (Lào) thường sang buôn Yang Lành tổ chức những lễ Tết năm mới (Bun PiMay), lễ Phật cho bà con ở đây vào tháng 4 , tại am thờ Phật gần gốc cây Bồ đề”.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ Tịch thường trực - Hội đồng ban trị sự GHPGVN
và Chư Tôn Đức ban trị sự Phật Giáo tỉnh Đăk Lăk
 
Vào trung tuần tháng 11 năm 2013, chúng tôi tiếp tục tiến hành khảo sát thực địa, mời Phó giáo sư Tiến sĩ Bảo Huy và các kỹ thuật viên của bộ môn Quản lý rừng và Môi trường của Trường Đại học Tây Nguyên tiến hành các phương pháp chuyên môn để xác định tuổi của cây bồ đề này,
Sau một thời gian làm việc, chúng tôi đã có một số kết quả rất đáng mừng, theo bản báo cáo kết quả khảo sát cây bồ đề Phó giáo sư Tiến sĩ Bảo Huy trình bày thì cây Bồ đề có tên khoa học là Ficus religiosa L, thuộc họ thực vật Dâu Tằm - Moraceae, bộ thực vật Gai - Urticales, lớp Ngọc Lan - Magnoliopsida, ngành thực vật Ngọc Lan - Magnoliophyta. Cây có đường kính 271,9 cm, chiều cao 28,8 m, bán kính tán lá trung bình 13,5 m, có 9 thân, rễ phụ ít, tán lá rộng tròn đều theo các hướng. Cây có độ tuổi trung bình là 115 năm, cao nhất là 131 năm, thấp nhất là 99 năm.
Hội đồng khoa học trường Đại Học Tây Nguyên
Hiện nay ở nước ta có hai giống cây bồ đề chính - một là giống cây bồ đề bản địa thuộc họ đa lâm vồ có đặc điểm dễ nhận biết là cuối lá không có đuôi, cây này mọc tự nhiên nhiều ở các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ; hai là giống đa bồ đề đặc điểm của giống này cuối lá có đuôi dài, không có trong tự nhiên ở Việt Nam mà do du nhập từ Ấn Độ.
Từ nhận định trên và theo những tư liệu mà chúng tôi có được, thì đây là cây Bồ đề - thuộc giống đa bồ đề được mang từ Ấn Độ vào trồng ở Việt Nam, qua một nước trung gian là Lào.
Qua thực tế vừa trình bày, chúng tôi có thể xác định được rằng đạo Phật có mặt ở Tây nguyên rất sớm, do các sư sãi Lào truyền sang; ít nhất vào những năm cuối thế kỷ thứ XIX, (khi Buôn Yeng Lan được thành lập do những người Lào sang buôn bán định cư tại đây), dấu tích minh chứng còn lại là tượng Phật và cây Bồ đề đã hơn 115 năm tuổi./.


Tin - Ảnh : ĐĐ Thích Hải Định (Chùa Hoa Lâm, TP. BMT)
Chia sẻ với bạn bè qua: