710 187
Thư Viện » Tư Liệu Phật Giáo
Chia sẻ với bạn bè qua:
Nguyễn Phương. 03:52:45 22-04-2023 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Vài nét tư tưởng Đạo đức Phật giáo thời Lý Trần

Vài nét tư tưởng Đạo đức Phật giáo thời Lý TrầnPhật giáo xuất hiện miền Bắc Ấn Độ, phía Nam dãy Himalaya, thuộc vùng biên giới giữa Ấn Độ và Nepan, vào khoảng cuối thế kỷ VI trước Công nguyên. Tư tưởng đạo đức của Đạo Phật được xây dựng trên cơ sở cuộc đời và tư tưởng triết lý của Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật có nghĩa là Đấng giác ngộ và giác ngộ người khác.

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam qua các thời kỳ, Phật giáo Việt Nam thời kỳ Lý - Trần đã khẳng định được vị thế của mình trên bầu trời tư tưởng, được thể hiện ở tính độc lập thống nhất biểu hiện trong văn hoá, tư tưởng. Với sự biến động của chính trị, kinh tế - xã hội thời kỳ nhà Trần, Phật giáo dần khẳng định tầm quan trọng của mình trong đời sống tâm linh, đạo đức và đặc biệt là đời sống chính trị qua các tư tưởng “dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm”, “thân dân”, “khoan thư sức dân” ở triều đại nhà Trần, hay những tôn chỉ về tinh thần “từ bi, công bằng xã hội, Phật tại tâm,...” của đạo Phật.

Phật giáo xuất hiện miền Bắc Ấn Độ, phía Nam dãy Himalaya, thuộc vùng biên giới giữa Ấn Độ và Nepan, vào khoảng cuối thế kỷ VI trước Công nguyên. Tư tưởng đạo đức của Đạo Phật được xây dựng trên cơ sở cuộc đời và tư tưởng triết lý của Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật có nghĩa là Đấng giác ngộ và giác ngộ người khác.

Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam. Một bộ phận học giả cho rằng Phật giáo du nhập vào nước ta khi nhà Hán đô hộ ta khoảng thế kỷ I. Luy Lâu được xem là trung tâm Phật giáo lớn và sớm nhất Việt Nam bởi lẽ đây là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hoá với các nước láng giềng thời kỳ này. Đây cũng là nơi đầu tiên Sỹ Nhiếp mở trường dạy chữ và văn hoá Hán học. Hầu hết nghiên cứu ở nước ta đều khẳng định Phật giáo phát triển hưng thịnh ở thời kỳ này, có thể thấy trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn ghi lại thư của Viên Huy nhà Hấn gửi cho Thưng thư lệnh là Tuân úc rằng:

“Giao Châu Sĩ phủ quân đã học được học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị,... Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn, những ý nghĩa to lớn, ông đều hiểu biết tường tận, đầy đủ. Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lãnh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát đánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu...”. Lối sống này của Sĩ Nhiếp hoàn toàn xa lạ đối với phong tục, tập quán Trung Quốc và đó chính là lối sống được Phật giáo hóa, Việt hóa”.

Đối với Phật giáo, tư tưởng triết học chủ đạo là sự giải thoát, biểu hiện tính nhân văn và mục đích giải phóng con người khỏi những khổ đau trong đời sống hiện tại. Không phải thông qua sự cầu nguyện hay mơ tưởng đến thế giới khác, Phật giáo chủ trương giải thoát ngay trong chính kiếp sống này, thông qua việc hoàn thiện nhân cách, đạo đức bản thân, hướng hành vi con người đến cái chân-thiện-mỹ. Điều này có tác động to lớn đến tư tưởng đạo đức thời Lý - Trần.

Trước hết, là tư tưởng bình đẳng, từ bi trong Phật giáo. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Phật giáo ở Ấn Độ là biểu hiện của tinh thần bình đẳng. Đối với triết lý công bằng xã hội của đạo Phật, nền tảng cho sự đấu tranh giải phóng con người, Phật giáo thường nhắc đến quan điểm về Vô Ngã bởi nó hàm chứa khả năng tiềm tàng cho một lý thuyết về công bằng xã hội hiện thời, ở đó con người được nhìn nhận như những thực thể bình đẳng, có Phật tánh và khả năng giác ngộ, liễu tri như nhau. Phật giáo đã xác nhận và tuyên bố về quyền bình đẳng căn bản của nhân loại như là một cộng đồng với ý nghĩa rằng những bản chất căn bản của con người là giống nhau, cho dù có thể có sự khác nhau do di truyền, môi trường hay những yếu tố nghiệp.

Dễ dàng nhận thấy, tư tưởng bình đẳng trong đạo Phật tuy biểu hiện dưới nhiều phương diện, song đều xuất phát từ lòng từ bi. Tư tưởng giải phóng con người của Phật giáo không phải là sự hô hào đấu tranh, cũng không nằm trong những tác động chính trị cụ thể. Nó được thể hiện trong

tầng tầng lớp lớp giáo nghĩa của Đạo Phật, bằng sự chiêm nghiệm và hành trì, người ta dần tự mình tách ra hệ thống xã hội nhiều gông cùm hiện hữu. Do vậy, từ bi không chỉ có nghĩa đơn giản là “xót thương” kẻ khác một cách thụ động và tiêu cực mà ngược lại từ bi còn là một sức mạnh tích cực để đi đến hành động, trong mục đích loại trừ mọi thể dạng của khổ đau và mọi cội rễ của mọi khổ đau.

Tinh thần từ bi, yêu thương, bảo bọc lẫn nhau được khắc hoạ sâu đậm trong văn hoá, nếp sống của con người Việt nói chung, chứ không chỉ biểu hiện đối với tín đồ đạo Phật. Đây cũng là một trong những nội dung tư tưởng đạo đức thời kỳ Lý - Trần lúc bấy giờ, chính lòng từ bi, bình đẳng đã góp phần thiết lập khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng tình yêu thương trong nhân dân. Với mục đích làm sao cho người với người song tốt, đem lại lợi ích cho cộng đồng và cá nhân. Nó được biểu hiện dưới khái niệm nhân ái, nhân nghĩa, bao dung mà cha ông ta bao đời bồi đắp, gìn giữ, mô tả ngay cả trong ca dao, tục ngữ Việt Nam như: “Thấy ai đói rách thì thương. Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”, “lá lành đùm lá rách”...

Thời kỳ Lý Trần cũng là giai đoạn mà tư tưởng vô thường, vô ngã, nhân quả, nghiệp báo và triết lý nhân sinh, từ bi, hỷ, xả, cứu khổ, cứu nạn, đứng về phía người nghèo khổ của đạo Phật tiệm cận với văn hoá dân tộc một cách sâu sắc. Các học thuyết Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chính đạo,... đều gần gũi với những triết lý nhân sinh của người Việt như phúc đức, nhân ái, vị tha, hòa hiếu. Quan niệm về nhân quả, nghiệp báo trong triết lý Phật giáo cũng được văn hoá dân tộc Việt tiếp nhận và phổ biến, như một phần của của chính họ. Từ đây ra đời những điều răn, giới luật thể hiện sự tương đồng với luân thường đạo lý, như đạo Hiếu, Tứ Ân, hay Ngũ giới. Chính vì thế mà Phật giáo dễ dàng thâm nhập vào đời sống văn hoá nhân dân, bén rễ và đơm hoa trong đời sống tinh thần, biểu hiện qua những quy chuẩn đạo đức tương đồng.

Nhiều nhận định cho rằng, Phật giáo thời kỳ Lý - Trần là sự hoà nhập đỉnh cao với văn hoá dân tộc, biểu hiện từ hình thức đến nội dung. Chúng được thể hiện thông qua thơ văn, thơ thiền của các vị vua và các thiền sư thời kỳ này. Lý Thái Tổ từ một thiền sư trở thành bậc minh quân, rồi Trần Nhân Tông từ một vị minh quân trở về làm vị thiền sư minh triết của bao đời. Nhân sinh quan, tư tưởng đạo đức của một triều đại hưng thịnh đều gắn liền với những tinh hoa của triết lý Phật giáo, là sự đan xen hài hoà giữa trí tuệ và tình thương, giữa mưu lược là lòng yêu nước, lòng từ bi,... Sự cống hiến không tách rời khỏi ý nghĩa cứu khổ và giải thoát tự thân.

Đại diện tiêu biểu của Phật giáo thời kỳ này phải kể đến là tư tưởng của ba thiền phái lớn thời Lý bao gồm: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Tiếp theo đó là sự phát triển Thiền học của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ thời nhàTrần, và đặc biệt là sự hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử dưới sự dẫn dắt của Trần Nhân Tông - thiền phái mang dấu ấn đặc sắc Việt Nam. Nói thiền phái này mang dấu ấn riêng biệt của văn hoá Việt, bởi đây là sự kết hợp uyển chuyển, linh hoạt hai yếu tố đạo và đời. Đưa Phật giáo vào đời sống thông qua các triết lý đầy tính hiện thực, biểu hiện bằng những điều răn mang tư tưởng đạo đức thuần tuý, căn bản nhất. Đồng thời, chủ trương đi vào cuộc đời, trải nghiệm đau khổ và chấm dứt đau khổ thay vì trốn chạy và chối bỏ sự tồn tại của phiền não. Chính tư tưởng nhập thế đã đưa Phật giáo thời kỳ này đến gần hơn với tín đồ, và tạo được dấu ấn sâu sắc trong văn hoá, đạo đức dân tộc suốt hàng ngàn năm sau đó. Thông qua tinh thần từ bi, hỷ xả của đạo Phật, hướng con người ta đến tình yêu quê hương đất nước, từ đó khơi lên niềm tự tôn và tình đoàn kết dân tộc, tạo nên ý chí kiên cường, bản lĩnh cho nhân dân ta vượt qua những sóng gió của thăng trầm lịch sử.

Phật giáo với tư tưởng vô thường, vô ngã, nhân quả, nghiệp báo và triết lý nhân sinh từ, bi, hỉ, xả, cứu khổ, cứu nạn, cùng với thuyết Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chính đạo, gần gũi và phù hợp với triết lý đạo đức nhân sinh không chỉ ảnh hưởng trong nhân dân mà còn được triều đình và hầu hết các vị vua thời Trần, đặc biệt là vua Trần Nhân Tông đã kế thừa và phát huy để giáo huấn đạo đức, tu dưỡng nhân cách, củng cố khối đoàn kết trong nội bộ vương hầu quý tộc và trong toàn nhân dân, Phật giáo cũng góp phần đưa đến cách giải quyết vấn đề chính trị một cách khoan dung như khoan giảm hình phạt cho dân khi phạm tội, cứu đói cho dân khi mất mùa, thiên tai xuất phát từ lòng nhân ái, trắc ẩn được xây dựng từ đạo đức Phật giáo.

Chùa Một Cột (nằm trong quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu, xây dựng năm 1049 dưới triều vua Lý Thái Tông, hoàn thiện năm 1105 dưới triều vua Lý Nhân Tông). Sau nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, công trình Liên Hoa Đài - Chùa Một Cột hiện tại được phục dựng năm 1955 bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng.

Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (天竺寺 - chùa Cõi Phật), là ngôi chùa tọa lạc ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068m). Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á nặng 70 tấn. Đây là một trong những di tích quan trọng của quần thể Yển Tử, biểu tượng của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, gắn liền với sự hưng thịnh của Phật giáo đời Trần.

Chùa Trấn Quốc (鎮國寺) được xây dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam, 541-547), là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, biểu tượng của văn hoá và tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam.


Tác giả: Ngộ Hạnh

Chia sẻ với bạn bè qua: