210 385
Văn Hóa » Sáng Tác
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 02:15:54 07-07-2021 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Đại dịch Covid - mùa An Cư Tăng Ni an trụ Chánh pháp tiếp nhận lực gia bị của Như Lai

Đại dịch Covid - mùa An Cư Tăng Ni an trụ Chánh pháp tiếp nhận lực gia bị của Như LaiNgười chưa tu chứng thường có nhiều tranh cãi về cái ngã. Người có tu chứng không tranh cãi vì biết rõ các pháp vô ngã và người đắc đạo không lệ thuộc pháp, tất cả chư Phật, chư Bồ-tát tùy duyên mà ứng hiện trên cuộc đời này.

Chúng con kính lễ ba đời mười phương chư Phật, tôn pháp và Hiền Thánh Tăng, cúi xin các Ngài thùy từ gia hộ.

Hôm nay là mùa an cư lần thứ 62 của tôi và cũng là mùa an cư lần thứ hai tại chùa Huê Nghiêm PL.2565 - 2021.

Và năm nay, chúng ta cũng gặp biến động lớn là đại dịch xảy ra từ năm 2020 và lần này là lần thứ tư đại dịch xảy ra tại Việt Nam và cũng là lần đại dịch lớn nhất, nguy hiểm nhất so với ba lần trước và thành phố chúng ta có hàng ngàn người mắc bệnh.

Nhưng may mắn cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, đại dịch này xảy ra đúng vào mùa Phật đản. Tuy nhiên, nhờ sự tỉnh giác của Tăng Ni, Phật tử, nên chúng ta không tập trung đông người để làm lễ Phật đản, mà chúng ta làm lễ trực tuyến. Nghĩa là năm nay chỉ có một số vị Trưởng lão Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự làm lễ Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự, còn Tăng Ni, Phật tử hướng tâm về Đức Thế Tôn, về thế giới an lành của Phật và Bồ-tát để cầu nguyện.

Sau đó, các chùa đóng cửa để Tăng Ni nhiếp tâm tu trong Chánh pháp Phật, đó là điều quan trọng cần suy nghĩ và ứng dụng trong cuộc sống tu hành của mình.

Xưa kia, khi Đức Phật ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng phá ma quân và thành Vô thượng Chánh đẳng giác, Ngài đã thấy được ba đời mười phương Phật và con đường hành đạo của Ngài từ khi phát tâm tu cho đến thành tựu quả vị Phật, gọi là chứng được Túc mạng minh.

Tiếp theo, Ngài chứng Thiên nhãn nghĩa là quan sát thấy tất cả các loài hữu tình và vô tình ở trong mười phương thế giới sinh hoạt từ vô thủy kiếp đến hiện tại. Cuối cùng, Ngài chứng được Lậu tận thấy tất cả mọi người dù ở giai cấp nào tu hành cũng thành Phật.

Đức Phật thấy rõ tất cả vận mạng của chúng sanh như thế, nhưng chúng sanh nào thấy Phật, tin Phật thì Ngài dìu dắt họ, nâng họ lên Hiền Thánh. Còn người chưa thấy Phật, chưa tin Phật, Ngài cũng giúp họ trồng căn lành trong Phật pháp để kiếp sau và nhiều kiếp sau nữa, họ cũng tu được.

Đức Phật dạy rằng người tu được nhờ có căn lành thì mới sanh niềm tin và thấy Phật bằng niềm tin. Người không có căn lành không sanh niềm tin và không thấy Phật. Phật ví họ như người mù con mắt trí tuệ, không phải mù con mắt thịt.

Người có mắt nhưng không thấy Phật nghĩa là họ không thấy Phật bên trong Sa-môn Cù Đàm. Đó là hàng ngoại đạo thấy Sa-môn Cù Đàm đi khất thực, nhưng không thấy Phật, còn tiên A Tư Đà thấy bên trong con người của Thái tử Sĩ Đạt Ta từ khi Ngài còn nằm nôi, chưa thành Phật. Vì tiên A Tư Đà tu ở núi tuyết sống trên 120 tuổi và nhờ có Chánh định, nên ông mới thấy Phật bên trong Sĩ Đạt Ta. Ông nói nếu Sĩ Đạt Ta không tu sẽ là Chuyển luân Thánh vương, nếu Ngài tu sẽ là Phật.

Vì vậy, chúng ta nhìn kỹ cuộc sống con người, nếu nhìn theo cách của tiên A Tư Đà, chúng ta cũng thấy người có căn lành, người có niềm tin và người không có niềm tin. Và chúng ta cũng thấy được trong mỗi người có nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ khác nhau.

Thấy bề ngoài thì ai cũng như ai, nhưng nhìn sâu bên trong, không ai giống ai là tánh bên trong không giống. Vì lý này, Phật dạy tu hành quan trọng phải kiến tánh là thấy tánh bên trong và cũng phải tu từ tánh Phật của chúng ta mới thành Phật được.

Phật thấy mọi người và mọi loài, thấy sâu bên trong thì ai cũng có tánh Phật, hay có tánh sáng suốt, nhưng tánh này bị thân ngũ uẩn ngăn che nên nó không sáng lên được. Có thể khẳng định rằng tánh sáng suốt này rất quan trọng. Vì vậy, các Bồ-tát sanh lại nhân gian, mang thân người vô, các ngài cũng bị ngũ uẩn ngăn che, tức thân tứ đại ngăn che khiến sự tiếp xúc của sáu giác quan trở thành vọng thức ngăn che, rồi từ sự suy tưởng của con người mới sanh ra vô số sai lầm, tất cả những thứ này làm ta hiểu biết hoàn toàn theo thế tục.

Bồ-tát sanh lại làm người cũng thế, cũng bị ngũ uẩn ngăn che, nhưng Phật tánh bên trong đã ở vị trí Bồ-tát, tức tâm thánh thiện của các ngài rất lớn đã có và mạnh hơn những thứ bên ngoài, thì vật chất bên ngoài khó tác động các ngài được.

Cũng giống như Phật mang thân ngũ uẩn như chúng ta, nhưng tánh Phật bên trong của Ngài hoàn toàn sáng tỏ rồi, nên Ngài ngồi yên thiền định thì tánh sáng suốt này bừng sáng lên liền. Chính vì vậy mà Phật tu chỉ 6 năm là thành bậc Toàn giác, vì tánh giác của Phật bên trong đã sẵn có, chỉ cởi ngũ uẩn xuống thì tư chất Phật hiện ra.

Còn ba hạng Bồ-tát, Thanh văn và Duyên giác cũng trên mọi người một bước. Các ngài có căn lành sâu dày thuộc hàng thượng căn, trung căn và hạ căn, kinh Pháp hoa gọi là ba xe ra khỏi Nhà lửa. Họ là Thánh nhưng sanh lại nhân gian cũng bị ngũ uẩn ngăn che, nhưng ngũ uẩn này không mạnh, nên họ phá được ngũ uẩn dễ dàng và trở thành Thánh nhân. Điển hình như Xá Lợi Phất thấy Mã Thắng Tỳ-kheo thanh tịnh khiến ngài cũng thanh tịnh theo và khi thấy Phật, ngài đắc quả La-hán, không cần trải qua thời gian tu lâu dài. Kiều Trần Như cũng vậy, thấy Phật là ngài thành tựu Thánh quả. Còn bốn người bạn của Kiều Trần Như phải thể nghiệm pháp Tứ Thánh đế qua một mùa an cư mới giải tỏa được lực chi phối của ngũ uẩn.

Như vậy, chúng ta thấy rõ người nghiệp chướng trần lao mỏng thì chuyển hóa ba nghiệp của ngũ uẩn là đắc Thánh quả liền. Người tu thấp hơn phải qua một mùa an cư mới đắc quả. Người tu thấp hơn nữa phải trải qua hai, ba mùa an cư mới đắc La-hán. Còn chúng ta nghiệp chướng trần lao quá nặng, không gặp Phật, nên phải qua giai đoạn rất lâu mới gặt hái được Thánh quả.

Vì vậy, Phật nói Tứ Thánh đế để giải trừ trần lao nghiệp chướng là pháp căn bản mà tất cả mọi người tu đều phải trải qua nhanh hay chậm mà thôi.

Như đã nói, Xá Lợi Phất chứng ngay vô tác Tứ Thánh đế. Trong khi tất cả chúng ta phải trải qua giai đoạn tiến tu từ Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm cho đến A-la-hán. Và trong bốn giai đoạn tu này, pháp căn bản nhất ở bước đầu tu của Tu-đà-hoàn là phải cắt bỏ sự chi phối của vật chất và sự chi phối của tình cảm. Nhận thức đúng đắn như vậy, nếu Tăng Ni trải qua nhiều mùa an cư nhưng vẫn không bỏ được sự chi phối của vật chất, không bỏ được sự chi phối của tình cảm vui buồn vinh nhục thì không thể bước chân vào đạo, dù là Sa-môn hay Phật tử.

Thể hiện ý này, Phật dạy người tu dù cho chư thiên cúng dường, chúng ta vẫn thấy bình thường và ngược lại, dù bị sỉ nhục, chúng ta cũng thấy bình thường luôn; nghĩa là chúng ta không bị tình cảm xã hội chi phối.


 

Chúng ta thấy rõ người nghiệp chướng trần lao mỏng thì chuyển hóa ba nghiệp của ngũ uẩn là đắc Thánh quả liền. Người tu thấp hơn phải qua một mùa an cư mới đắc quả. Người tu thấp hơn nữa phải trải qua hai, ba mùa an cư mới đắc La-hán. Còn chúng ta nghiệp chướng trần lao quá nặng, không gặp Phật, nên phải qua giai đoạn rất lâu mới gặt hái được Thánh quả.

Hòa thượng Thích Trí Quảng
 

Qua cuộc đời hành đạo của Đức Phật, chúng ta thấy rõ ý này. Khi Ngài được vua Tần Bà Sa La cúng Trúc Lâm, Ngài không khởi vui mừng và khi bị ngoại đạo sỉ vả từ sáng tới chiều, Ngài vẫn không khó chịu.

Tăng Ni, Phật tử phải thực tập điều này theo Phật, dù học nhiều kinh, nói hay nhưng không thoát được sự chi phối của tình cảm là chưa vào đạo được.

Xưa kia, Xá Lợi Phất là đại luận sư bẻ gãy tất cả học thuyết đương thời. Dù nói giỏi, nói hay, nhưng lòng ngài lúc nào cũng buồn phiền. Vì hôm nay ngài thắng, nhưng ngày mai gặp người khác đưa ra vấn đề gì thì phải đối phó cách nào để thắng nữa. Tất cả luận sư thường rơi vào tâm trạng này. Nhưng khi Xá Lợi Phất gặp Tỳ-kheo Mã Thắng sống trong Chánh định mà ngài cảm nhận được định lực này giúp ngài yên tâm theo.

Vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta học nhiều, biết nhiều nhưng không dứt phiền não là nghiệp tăng. Cho nên mở đầu vào đạo, không để tình cảm và vật chất ràng buộc, đó là tu, là chúng ta nhập đạo được và chứng Sơ quả. Thực tế là chúng ta phải tập ăn gì cũng được, mặc gì cũng được, sống thế nào cũng được, không để tâm đến ăn mặc ngủ nghỉ thì có thể vào đạo và không bị khen chê vui buồn vinh nhục quấy nhiễu mình, phải tự biết được thân tâm mình. Pháp căn bản này Phật đã dạy năm nhà hiền triết Kiều Trần Như phải thực tập cho được. Thánh giả thấy Phật, chứng được vô tác Tứ Thánh đế.

Với chúng ta bị vật chất và tình cảm chi phối quá nặng phải lên bờ giác mới bỏ thuyền bè sanh diệt Thánh đế. Còn ở bờ mê tất yếu phải lên thuyền bè Tứ Thánh đế, nghĩa là ai có nghiệp nào thì tu pháp tương ưng để giảm nhẹ lực tác động của vật chất và tình cảm.

Khởi đầu tu, từng bước chúng ta nhận thấy chúng ta từ dục sanh ra, từ ham muốn sanh ra. Phật dạy rằng muốn ra khỏi sanh tử luân hồi phải thực tập Tứ niệm xứ quán là pháp thiền căn bản. Tăng Ni không qua cửa ải này, dù tu gì thì một thời gian cũng mất trắng. Tôi thấy rõ điều này.

Tứ niệm xứ quán là bốn đề mục phải luôn suy nghĩ. Nhờ quán bốn pháp này mà ly tham, ly sân, được giải thoát. Nếu thực tập thuần thục rằng thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường và pháp vô ngã, chúng ta sẽ thấy thân này không phải là ta thì ngã ở chỗ nào.

Người chưa tu chứng thường có nhiều tranh cãi về cái ngã. Người có tu chứng không tranh cãi vì biết rõ các pháp vô ngã và người đắc đạo không lệ thuộc pháp, cho nên bấy giờ, tất cả chư Phật, chư Bồ-tát tùy duyên mà ứng hiện trên cuộc đời này.

Còn mình thì tùy nghiệp mà thọ sanh. Vì vậy, những gì mình muốn không tới, những gì mình không muốn lại tới. Ai cũng muốn giàu sang, thông minh, khỏe đẹp, nhưng mấy ai được như vậy, đó là ham muốn, là nghiệp. Muốn là khổ, được rồi phải giữ cũng khổ và mất càng khổ hơn.

Hiểu như vậy, đối với tất cả mọi việc trên cuộc đời, ta không muốn gì hết, thì được hay không được là tùy theo duyên mà thôi, nên ta không bận tâm. Tuy nhiên, bỏ ham muốn, ta thấy được con người thật bên trong chúng ta.

Trước kia lầm chấp thân này là mình, nhưng Phật dạy quán sát kỹ thân này không phải là ta. Vào thiền, tôi quan sát thấy thân này thay đổi luôn, thì cái ta của hơi thở trước chết rồi, cái ta của hơi thở sau sanh ra và cứ như vậy, cái ta này liên tục thay đổi. Ta thở vô thở ra thấy toàn thân chuyển động là có cái ta và ta mượn cái ta này để tu, dù nó không thực.

Nhưng tu hành, trí sáng thì thấy được sự nối tiếp của cái ta lúc trẻ, cái ta lúc lớn lên và cái ta lúc già tạo thành thân tâm hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, nhìn kỹ thấy được cái không khác là cái ta thực bên trong giả thân này. Thân thực là tánh thấy, tánh nghe, tánh biết của chúng ta. Tu hành phải thấy được tánh, nhà thiền gọi là kiến tánh. Lúc khởi tu, chưa thấy tánh, còn tu pháp phương tiện.

Bước đầu quán thuần thục, thấy thân không phải là ta, vì thân còn hay mất tùy thuộc ở hoàn cảnh. Chúng ta cố gắng tìm cái không mất là tánh sáng suốt của chúng ta. Và tìm được tánh sáng suốt này thì tất cả các pháp sẽ chuyển biến theo tánh sáng suốt của chúng ta.

Phật dạy bước đầu tu Thanh văn quán Tứ niệm xứ, chúng ta tiến lần lên nhờ quán thuần thục nên được giải thoát, trí tuệ sanh ra, thấy sự vật khác, đó là từ Thanh văn tiến qua Duyên giác và vì thấy sự vật khác giúp chúng ta phân biệt được việc nên làm hay không nên làm là hành Bồ-tát đạo.

Và trải qua quá trình hành Bồ-tát đạo, cuối cùng chứng Như Lai thân thì lấy phước đức và trí tuệ làm thân. Thật vậy, là người thì ai cũng như ai. Nhưng người không có hiểu biết và tạo ác nghiệp làm việc tội lỗi, bị người khi dể, ghét bỏ, sống khổ đau. Trái lại, người có trí, tức có hiểu biết sáng suốt và làm những việc lợi ích cho cuộc đời, nên cuộc đời kính trọng họ, coi họ là người tốt, là Bồ-tát.

Và người được tôn kính tuyệt đối là Như Lai vì Ngài có phước đức và trí tuệ trọn vẹn, vượt trên tất cả mọi người, nghĩa là sự hiểu biết và việc làm của Ngài tốt đẹp vô cùng cho cả nhân loại. Bấy giờ, phước đức và trí tuệ của Phật tu tạo được là thân của Ngài, là mạng của Ngài. Còn chúng sanh cũng mang thân người nhưng thân mạng của họ là thân mạng sai lầm, tội lỗi, khờ dại, ngu dốt, bị khinh chê, bị khổ đau. Khác nhau giữa Phật và chúng sanh là như vậy.

Tu hành theo Phật, đầu tiên chúng ta chứng Thanh văn thân là trí chúng ta sáng ra, biết việc nên làm. Qua Bồ-tát thân, chúng ta làm việc tốt, được quý trọng. Bồ-tát lấy sự hiểu biết sáng suốt và việc làm lợi lạc cho mọi người làm thân mạng của Bồ-tát.

Giống như Thánh Gandhi nói rằng người Anh nhốt được con chó của ông, nhưng không nhốt được ông. Ông coi thân này bị giam trong tù là con chó, còn phước đức trí tuệ của ông, họ làm sao nhốt được. Và họ nhốt ông, giết ông rồi, nhưng phước đức trí tuệ của Thánh Gandhi vẫn tồn tại khiến ông trở thành bất tử, nghĩa là phước đức và trí tuệ bất tử. Nếu đắc Thánh quả, chúng ta thấy được sự bất tử này và tới được thế giới bất tử này.

Vì vậy, tu theo Phật, có được hiểu biết đúng đắn hoàn toàn và thực hiện đầy đủ công đức, thể hiện trọn vẹn tâm đại bi là chứng Như Lai thân, nghĩa là như như bất động, lai hóa chúng sanh.

Khi chưa chứng Như Lai thân, muốn cứu chúng sanh, phải đi tới họ. Nhưng chứng Như Lai thân bất động thì chúng sanh hữu duyên có độ cảm tâm với Như Lai liền được Ngài cứu thoát. Điển hình như vua Tần Bà Sa La bị con là A Xà Thế nhốt trong ngục, nhưng nhận được ánh quang của Phật phóng đến, ông không còn buồn giận lo sợ và chứng Thánh quả.

Trên bước đường tu, khi chúng ta nhận được sự giáo hóa của Như Lai thì không bị hoàn cảnh tốt làm chúng ta lay động, hoặc cũng không bị hoàn cảnh xấu làm chúng ta buồn khổ.

Phật chứng Như Lai thân và Ngài dùng Như Lai thân giáo hóa chúng sanh thì người hữu duyên nhớ đến Phật như vua Tần Bà Sa La nghĩ đến Phật, Ngài cũng đến, dù Phật ở núi Linh Thứu, vua đang ở trong ngục. Nghĩa là hai tâm hồn cảm thông nhau, truyền thông cho nhau. Ý này thường được ví là trăng hiện trong nước mà nước không lên trăng.

Với sự tác động của Như Lai thân, khi chúng ta lắng tâm thanh tịnh thì Phật hiện ra trong tâm mình, tâm mình thấy Phật.

Có Tỳ-kheo theo Phật, ngồi bên Phật nhưng không thấy Phật, không được Phật độ. Người ở xa nhưng tâm thanh tịnh, Phật cũng độ.

Phật dùng Như Lai thân rọi qua các pháp, pháp này là tâm thanh tịnh. Vì vậy, chúng ta phải là Tỳ-kheo thanh tịnh, Phật mới rọi ánh quang đến chúng ta được. Người có căn lành nghĩ về Phật, Phật hiện vào họ được. Không nghĩ đến Phật, Ngài không hiện vào được, vì không có sự kết nối để tương thông. Và Phật hiện vào tâm mình, mình trở thành hóa Phật.

Chứng Như Lai thân, Phật dùng tuệ giác rọi vào các pháp, tới pháp nào thì pháp đó là Phật, là Tỳ Lô Giá Na Pháp thân. Tỳ Lô Giá Na là trí tuệ Phật rọi bất cứ cái gì, cái đó cũng biến thành Phật thân. Ví dụ người nhìn tượng Phật thấy là Phật và nghe Phật nói với họ. Vì họ có niềm tin Phật mãnh liệt, nên Phật hiện vào tâm họ và Phật nói qua tâm họ, họ mới nghe được.

Thể hiện lý này, kinh Hoa nghiêm nói rằng không có gì không phải là Phật mới là Phật, đó là Phật của kinh Hoa nghiêm.

Tô Đông Pha hỏi Thiền sư Phật Ấn thấy ông như cái gì. Ngài trả lời tôi thấy ông như Phật, vì tâm của Phật Ấn có Phật nên ngài nhìn đâu cũng thấy Phật.

Trên bước đường tu, điều này rất quan trọng với chúng ta. Bây giờ tâm chúng ta chưa có Phật, nên luôn thấy sự vật theo tham vọng, thấy tốt xấu, được mất, vinh nhục, hơn thua, phải trái…

Nếu tâm chúng ta có Phật sẽ thấy ai cũng là Phật, cây cỏ hoa lá cũng là Phật, núi đá cũng là Phật. Còn tâm chúng ta không có Phật, thì ngồi trước tượng Phật cũng nói đó là tượng, không phải Phật. Thực tu khác với tu hình thức. Tuy nhiên, nương vào hình thức để tu, nhưng điều cốt yếu làm sao để chúng ta gắn kết được với Phật.

Trong các mùa an cư trước, Phật tử thăm viếng liên tục khiến phần nào quý vị dễ bị động tâm, kết quả tu có phần sút giảm. Năm nay đại dịch, chùa đóng cửa, không có Phật tử đến, chúng ta cũng không nghĩ đến việc tiếp khách, nên không bị ngoại cảnh tác động, thiết nghĩ đây cũng là cái duyên tốt giúp tâm chúng ta dễ dàng tự thanh tịnh. Ngoài ra, Tăng Ni ở yên tu hành, sống với những gì chúng ta có, chắc chắn Phật sẽ gia bị biến nghịch duyên thành thuận duyên để chúng ta tiến tu thực sự thanh tịnh. Còn đầy đủ vật chất thường bị vật chất chi phối, tu không cao.

Tôi nghĩ năm nay khó khăn, chúng ta có điều kiện tu nhiều hơn. Quý thầy cô cố gắng chứng Ly sanh khiến tâm chúng ta luôn an lạc, dù hoàn cảnh thế nào cũng thấy an nhiên, thậm chí trước cái chết cũng thấy an nhiên thì không bị đọa. Cầu nguyện Tăng Ni, Phật tử luôn an lành trong Chánh pháp.
 

Bài giảng ngày 6-6-2021 tại hạ trường chùa Huê Nghiêm

HT.Thích Trí Quảng / Nguồn Báo Giác Ngộ

Chia sẻ với bạn bè qua: