210 654
Tự Viện » Huyện Cư Mgar
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 17:32:15 12-08-2016 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Đăk Lăk: Lịch sử Chùa Hoa Nghiêm huyện CưM'gar

Đăk Lăk: Lịch sử Chùa Hoa Nghiêm huyện CưMChùa Hoa Nghiêm tọa lạc tại 02 Lê Lai – Thị trấn Quảng Phú – huyện CưM’gar – Tỉnh Đắk Lắk, là nơi tập trung những người dân Quảng Nam di dân vào Đắk Lắk lập nghiệp từ những năm 1957.
  • Địa điểm: 02 – Lê Lai – TT. Quảng Phú - Huyện CưM’gar – ĐắkLắk
  • Tên gọi trước đây: Chùa Châu Phong
  • Năm Khai Sơn: 1957
  • Người Sáng Lập: Phật tử địa phương
  • Trụ trì hiện nay: ĐĐ. Thích Minh Đăng
  • Hệ Phái: Bắc tông
  • Các năm trùng tu: 2007, 2010, 2013, 2016
  • Điện Thoại:0989.310.128
  • Gmail: chuahoanghiemdk@gmail.com
 

Với lợi thế về vị trí địa lý giáp ranh 3 mặt tiền đường, tạo cho Hoa Nghiêm một vị thế vừa ẩn mình nơi phố thị, vừa uy nghi nét trầm mặc bởi một không gian thoát tục.
 
Tổng diện tích khuôn viên chùa  hơn 6000m2, tạm đủ đủ để kiến tạo ngôi già lam với đầy đủ các thành phần kiến trúc sinh hoạt cơ bản. 
 
Chùa xây dựng vào cuối năm 1957, được cố Đại lão Hòa Thượng Thích Từ Mãn về làm lễ đặt đá với tên gọi là Chùa Châu Phong. Đến năm 1963, tên Chùa được Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn đổi thành Chùa Hoa Nghiêm.
 
Từ năm 1957 đến năm 2005, các thời BĐD đều do Phật tử đảm trách:
1957 – 1960: Phật tử Huỳnh Sơn Tòng, Nguyễn Thoảng
1960 – 1965: Phật tử Nguyễn Đình Lục,
1960 – 1965: Phật tử Trần Quyên, Ngô Đình Thước,
1970 – 1972: Phật tử Nguyễn Kiệu,
1972 – 1985: Phật tử Hồ A, Trần Phúc,
1985 – 1988: Phật tử Nguyễn Đình Mây,
1988 – 1990: Phật tử Võ Đô,
1990 – 1993: Phật tử Trần Văn Minh,
1993 – 2002: Phật tử Nguyễn Khởi,
2002 – 2005: Phật tử Huỳnh Đằng.
 
Đến cuối năm 2005, thể theo nguyện vọng của bà con Phật tử sở tại, cùng sự chấp thuận của BTS GHPGVN tỉnh Đắk Lắk, cũng như sự nhất trí của các cấp chính quyền, Chùa Hoa Nghiêm đã chính thức làm lễ bổ nhiệm Đại Đức Thích Minh Đăng làm trụ trì vào ngày 27 – 12 – 2015.
 
Trải qua những thăng trầm mưa nắng, chùa cũng đã được nhiều lần trùng tu:
Lần thứ nhất: vào năm 2007
Lần thứ hai: vào năm 2010
Lần thứ ba: vào năm 2013
Lần thứ tư: vào năm 2016
 
Chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu, điều đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, điều kiện học tập của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thì tại ngôi chùa này đã lập được một trường Bồ Đề bậc Tiểu học,và những thế hệ học sinh theo học ở đây hiện có người đang giữ những trọng trách trong bộ máy chính quyền địa phương.
 
Nét văn hoá đặc trưng:
 
Đến với Hoa Nghiêm, ngay từ bên ngoài sẽ gặp một cổng Tam quan, với kết cấu cổng chính gồm 4 trụ hình vuông bằng bê tông cao 8 m, mặt ngoài và trong đều được chạm những câu đối.
 
Ở ngoài nhìn vào là 2 cặp câu:
“Đạo Phật trường tồn cùng nhật nguyệt sáng soi muôn thuở
Đất nước hưng thịnh theo non sông vững mạnh ngàn thu.”
 
“Nhà bất biến không kể thượng kinh cồng chiêng chuông trống trầm bỗng thảy là lời diệu Pháp.
Cửa tuỳ duyên chẳng phân thiền tịnh lớn nhỏ nhanh chậm trước sau đều đến cõi chân như.”
 
Ở trong nhìn ra là 2 cặp:
“Cảnh Phật trang nghiêm mõ sớm gõ tan hồn mộng ảo
Cửa thiền thanh tịnh chuông chiều ngân vọng tiếng từ bi”
      
“Đời thị phi phi thị bụi trần lắm kẻ phiền não bon chen
Đạo sắc không không sắc nhiệm màu ít người nghiêm tâm tu tỉnh”
 
Vào trong sân chùa băng qua một khoảng sân rộng lót đá là Chánh điện, được xây theo lối kiến trúc cổ, lợp ngói, mái công chạm hình long phụng. Mặt tiền Chánh điện ở bên ngoài, hai bên tả hữu tôn tượng ngài Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ, bên trong là Đại Hồng Chung nặng 500kg và một trống Bát Nhã. Ở trên treo 3 bức bình phong, ở giữa đề chữ Hoa Nghiêm Tự, bên phải chữ Từ Bi, bên trái chữ Hỷ Xả, tất cả đều được viết bằng chữ Hán.Vào trong hành lang, trước cửa chính của Chánh điện, phía trên đề bảng Như Lai Sở Đô bằng chữ Hán, sơn son thếp vàng. Hai bên tả hữu của hành lang treo bảng Tiểu sử Đại Lão Hoà Thượng Thích Từ Mãn – Bổn sư thầy trụ trì, là người đã đặt đá xây dựng chùa và một bảng Lược sử chùa. Hai bên cửa chính khắc 2 câu đối:
“Phật xuất thế cứu người trong bể khổ
Pháp ra đời độ kẻ giữa sông mê.”
 
Vào bên trong Chánh điện, tôn trí thờ phượng theo theo truyền thống Bắc Tông: Chính giữa tôn trí tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bên phải là Bồ Tát Quán Thế Âm, bên trái là Bồ Tát Địa Tạng, phía trước chính giữa tôn tượng ngài Bồ Tát Chuẩn Đề. Trên đề bốn chữ “Đại Hùng Bửu Điện”, bên phải là ba chữ “Tam Giác Viên”, bên trái là ba chữ “Vạn Đức Cụ” bằng chữ Hán sơn son thếp vàng. Chánh điện được trụ đỡ bằng một dãy cột hình trụ, có chạm trỗ hình rồng uốn quanh và treo những cặp câu đối;
“Đã đến cửa không người việt nghìn thu noi gót Phật
Nguyền xa cõi sắc nhà thiền muon kiếp ngắm chân mây.”
 
“Đạo do thế xuất trước tu sau niệm noi truyền đạo
Sắc vị không sinh sớm mõ chiều chuông cảnh giác đời.”
 
Nối sau Chánh điện đi qua hai dãy hành lang có mái che là Hậu tổ, ở ngoài cửa vào là cặp câu đối:
“Tán lá rừng cây mỗi búp chồi non ngời tổ đức
Đường hoa lối cỏ từng viên sỏi nhỏ hiệp tôn nhan.”
 
Vào bên trong, tôn trí tượng Đức Tổ Sư Đạt Ma, phía trước là Đức Di Đà thủ chấp kim đài. Hai bên tả hữu thờ chư liệt vị Hương linh ký tự, tiền án tôn tượng Ngài Địa Tạng Bồ Tát.

Hai dãy cột có treo bảng gỗ khắc hai cặp câu đối:
 
“Đến tợ vầng trăng theo nước trăm sông về biển cả
Đi như cánh hạc cùng mây vạn núi hướng trời cao.”
 
“Rạng rỡ đèn thiền đức tổ ơn thầy ngàn năm mây cửa động
Ngời ngời đuốc tịnh lời kinh tiếng kệ muôn thuở gió trời không.”
 
Từ ngoài cổng vào, bên tay phải là dãy nhà Tăng chúng, phía cuối là giảng đường.
 
Từ cổng phụ vào là cội bồ đề toả bóng, bên dưới tôn tượng Đức Bổn Sư toạ thiền lộ thiên, vào phía trong là tượng Đức Di Lặc bằng đá cũng được tôn trí dưới cội bồ đề lộ thiên và phía sau là phòng kinh sách, phòng tiếp lễ, phòng khách, phòng thọ trai, nhà bếp…
Phía bên tay trái từ ngoài vào, dưới cội Bồ Đề là hồ sen, bên trên hòn non bộ tôn tượng Đức Bổn Sư, vào phía trong vài mét là tượng Đức Quán Thế Âm lộ thiên, vào sâu phía trong là nhà rường, nhà Tăng, thư viện…
 
Khắc ghi tâm nguyện và sứ mệnh mà cố Hoà Thượng Bổn Sư đã giao phó là: Sự nghiệp của người tu là lấy giáo dục làm hàng đầu, đồng thời đó cũng là truyền thống mà Hoa Nghiêm đã gìn giữ trong gần nửa thế kỷ qua, nên Đại Đức trụ trì đương nhiệm luôn canh cánh bên lòng nỗi băn khoăn làm thế nào để suối nguồn Phật Pháp được lan tỏa, đưa cách tiếp cận giáo lý phù hợp để mọi người thâm nhập dễ dàng. 
 
Ngày qua ngày, duyên tựu, sự thành. ĐĐ.Thích Minh Đăng cũng đã tổ chức những khoá tu dành cho phật tử, đặc biệt là hướng tới những Phật tử có cuộc sống thiếu may mắn, những Phật tử đồng bào vùng sâu vùng xa, chưa có điều kiện tiếp cận với ánh sáng của Đạo Pháp,  đưa họ về tu tập tại chùa để họ được giao lưu, tu tập, hòa nhập, xóa bỏ mọi mặc cảm. 
 
Khoá tu mỗi ngày một đông người, cơ sở thì quá khiêm tốn, thầy trụ trì một lần nữa đã phát tâm kiến tạo giảng đường rộng 1000m2, tôn tạo cảnh quan như Di Đà cảnh, Tịnh Tâm viên, ..... để ngoài mục đích tu tập, Phật tử còn được tắm mình trong không gian trầm mặc, giải thoát của chốn thiền môn.
 
Việc tiếp tăng độ chúng chưa đủ, Chùa Hoa Nghiêm luôn phát động những phong trào chia sẻ cùng những những hoàn cảnh thiếu may mắn, thông qua những chuyến đi băng rừng lội suối nhằm mang hơi ấm tình người đến với những bản làng xa xôi hẻo lánh. Đó là một hoạt động Phật sự thường xuyên và nổi bật của Bổn tự.
 
Mặc dù còn nhiều dự án chưa thực hiện hoàn thành, nhưng tình người nơi đây luôn hòa quyện theo lời kinh, tiếng kệ, cùng âm thanh của tiếng cồng chiêng Tây Nguyên, theo nhịp niệm Phật, để đón chào tín hữu Phật tử gần xa mỗi lần đến đây trong những dịp lễ và những khóa tu.
 
 
Nguyện cầu Hồng ân Tam bảo, tha lực Quan Âm luôn gia bị cho Hoa Nghiêm, để nơi này dẫu chưa phải một danh thắng nhưng cũng là một địa chỉ văn hóa tâm linh, là nơi quay về của sự tu tập và ứng dụng Phật Pháp trên mảnh đất Núi Hoa (CưM’gar) thấm tình đạo vị này. 

Ban Văn Hóa & TTTT Phật Giáo DakLak
 
Chia sẻ với bạn bè qua: