Thấy nhân duyên là thấy Pháp, thấy Pháp là Như Lai
Trước hết, nói về tông môn hệ phái, đó là việc tốt, nhưng nếu cố chấp vào đó cũng trở ngại lớn cho chúng ta. Kinh nghiệm của tôi thấy như vậy từ 50, 60 năm trước.
Thật vậy, đầu tiên tôi xuất gia ở Phật giáo Cổ truyền nằm trong sơn môn thuộc Lâm Tế gia phổ. Lúc đó, tôi gặp khó khăn, thầy này ở Lâm Tế gia phổ, thầy kia ở Lâm Tế Chúc Thánh, thầy nọ ở Lâm Tế chánh tông… Chỉ riêng dòng Lâm Tế đã tự phân chia như vậy, tạo thành bức tường ngăn cách giữa những người tu đạo Phật.
Lúc đó, Hòa thượng Thiện Hòa nói rằng chúng ta nên cắt bỏ tông môn hệ phái, vì tất cả chúng ta đều là đệ tử Phật. Ai xuất gia trước, người đó lớn. Người thọ giới sau thì nhỏ hơn. Dù thọ giới sau một đàn cũng là sau.
Nếu kẹt tông môn hệ phái, tôi thuộc đời Lâm Tế thứ 41, mang chữ Nhật. Hòa thượng Trí Tịnh cũng mang chữ Nhật. Như vậy, giữa tôi và Hòa thượng là huynh đệ, tức cùng trong một hệ phái đã như vậy.
Khi Phật học đường Nam Việt ra đời, tất cả chúng tôi thuộc hệ phái khác nhau, nhưng học chung một trường, có cùng một thầy thì trong học đường này, tất cả đồng là huynh đệ, ai thọ giới trước là lớn. Nhưng điều này cũng không giữ được lâu, cũng nảy sinh tư tưởng hệ phái.
Và hệ phái bấy giờ lại chia ra Phật giáo Cổ sơn môn, Phật giáo Tổng hội. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã chia ra mười mấy hệ phái chống phá nhau, tự tiêu diệt nhau. Như vậy, chúng ta đã lọt vào cái bẫy ngoại đạo.
Năm 1963, nhiều người nghĩ rằng Phật giáo bị xé thành nhiều mảnh vụn, nên dễ bị tiêu diệt. Nhưng lắng lòng coi lại ai tiêu diệt mình, phải chăng các sơn môn hệ phái tự tiêu diệt nhau. May mắn, các vị lãnh đạo thức tỉnh. Các Hòa thượng đã thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, dù thuộc hệ phái nào, nhưng tất cả chúng ta đều vì sự tồn vong của Phật giáo, chỉ có một điểm chung là Phật giáo, nên hãy quên đi hệ phái.
Vì vậy, có 11 hệ phái ký tên thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo và năm 1964, trở thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi, lúc đó còn có hai hệ phái không ký tên vào, nhưng cũng đóng vai trò quan trọng. Đó là một hệ phái ở trong vùng giải phóng, đứng đầu là cố Hòa thượng Thiện Hào. Tuy ngài không ra ký tên, nhưng ngài đã làm việc quan trọng là đi các nước xã hội chủ nghĩa tuyên bố cho mọi người biết rằng Phật giáo tồn tại ở đất nước chúng ta. Ngoài ra, các nước thuộc khối tư bản, hay khối không liên kết đều ủng hộ Ủy ban Liên phái. Như vậy, rõ ràng Phật giáo chúng ta đoàn kết rất có lợi.
Một hệ phái nữa là Hội Phật giáo Thống nhất ở miền Bắc không ký tên, nhưng chính Phật giáo miền Bắc cũng tổ chức biểu tình, ra kiến nghị kêu gọi ủng hộ Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng có tất cả 13 hệ phái trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, không phải chỉ có 11 hệ phái. Thể hiện ý nghĩa hợp nhất 13 hệ phái, khi xây Việt Nam Quốc Tự, Giáo hội thành phố chúng ta đã xây tháp cao 13 tầng tiêu biểu cho 13 hệ phái đoàn kết tạo thành sức mạnh của Phật giáo.
Vì sự quan trọng vô cùng của sự đoàn kết, hòa hợp, khi Phật Niết-bàn, Ngài nói rằng ngày nào chư Tăng còn hòa hợp trong Chánh pháp của Phật là khi đó Phật giáo tồn tại vững mạnh, không có ngoại đạo thiên ma nào có thể phá hại chúng ta được.
Thể hiện tinh thần Phật dạy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981, khẳng định lập trường rằng chúng ta thống nhất tổ chức, thống nhất ý chí và thống nhất hành động, nhưng pháp tu biệt truyền vẫn được tôn trọng. Tất cả mọi người có pháp hành riêng, miễn là ở trong Chánh pháp Phật; nói theo ngày nay là đa năng, đa dạng.
Thật vậy, chúng ta nhìn kỹ thấy rõ mỗi người một việc, một người không thể làm tất cả việc. Tổ chức chúng ta có sự tôn trọng lẫn nhau và chính cốt lõi này giúp Phật giáo chúng ta tồn tại. Nhưng muốn như vậy, chúng ta phải thấy theo Chánh pháp và sống đúng Chánh pháp. Nếu tu lệch ra ngoài Chánh pháp, sẽ đưa đến nhiều bất đồng, tranh chấp, cho đến tan hoại.
Không lệch ra ngoài là gì. Khi chúng ta còn ở trong vòng an toàn giống như Tề Thiên vẽ cho Tam Tạng phải ở yên trong vòng tròn an toàn, nếu lọt ra ngoài vòng an toàn này là bị yêu tinh bắt liền. Chúng ta tu, đừng bước ra khỏi vòng này. Vòng này là gì.
Trước nhất, Phật quy định chúng ta phải an cư kiết hạ ba tháng. Chúng ta có tuân thủ hay không. Thầy nào không tuân thủ pháp hành này, không phải đệ tử Phật và đã ra ngoài vòng an toàn rồi, phải bị ma bắt thôi.
Theo kinh nghiệm riêng tôi, từ năm 1961 đến 1962, 1963, trong mùa hạ ba năm liền, tôi không ra khỏi chùa Ấn Quang. Đó là quy định dành cho chư Tăng giúp chúng ta tìm được giải thoát trong vòng đai an toàn. Vì vậy, việc cấm túc an cư rất quan trọng đối với đời sống người tu.
Về sau, Hòa thượng Thiện Hòa mở rộng thêm, không đi ra ngoài trong ba tháng an cư, trừ khi có Phật sự do Tăng sai. Khi sống khép kín có lợi cho việc tu học, nhưng không lợi cho việc hoằng hóa. Như vậy, mở ra cho quý thầy đi giảng dạy, làm lợi cho đạo.
Tôi nhờ sống khép kín như vậy, nên dư thì giờ đọc sách, đọc kinh và lạy Hồng danh Phật. Lần lần đời sống tôi thâm nhập vào dòng thác trí tuệ Như Lai, gọi là Dự lưu. Không phải tôi bị bắt buộc, nhưng hạnh phúc được ở yên tu hành, không bị phiền não quấy rầy. Ở yên một chỗ, dư thì giờ tụng kinh, sám hối, tham thiền, dễ dàng dẫn chúng ta vào con đường giải thoát mà Phật vẽ ra cho mình.
Kinh nghiệm tu của tôi, phải giữ mình trong ba tháng an cư được Phật quy định. Thầy nào, chùa nào giữ đúng luật này, thì Phật nói có Thiên long giữ gìn. Tụng kinh Pháp hoa, thấy rõ điều này. Phật khẳng định rằng người nào tuân thủ pháp này, Ngài khiến Bát bộ Thiên long giữ gìn, người nào sống trong Thiền định, Ngài sai hóa nhân cúng dường đầy đủ và được thấy Phật, nghe Phật thuyết pháp. Đó là lộ trình mà Phật đã vẽ ra cho chúng ta. Còn đi hay không là ở ta.
Trong một năm, suốt chín tháng chúng ta bận nhiều việc, thì ba tháng an cư, cần nỗ lực thể nghiệm pháp Phật để thấy hằng sa Phật.
Làm đạo, thầy có công đức dễ làm đạo hơn. Nhưng thiếu công đức, chắc chắn gặp khó khăn vô cùng. Tu theo Phật, tất yếu phải ép vào khuôn tu hành.
Sáng nay, tôi giảng ở trường hạ Học viện Phật giáo TP.HCM, đây là năm đầu tiên, tôi ép Tăng Ni sinh viên vào khuôn tu hành, có học thì phải có tu. Người không ở trong nội giới tu hành ba tháng an cư, dù học giỏi cũng không được ra trường, vì có học nhưng không có hạnh.
Vì vậy, quy định của Học viện, ít nhất có hai năm nội trú, tức có tu, thể hiện được hạnh tu, sau này mới có thể ra làm đạo. Mới “có thể” thôi, chứ cũng chưa chắc, vì ra làm đạo, thiên ma ngoại đạo có vô số bẫy. Cho nên, chúng ta thấy có nhiều người tu học, nhưng được việc không nhiều.
Cần nhớ rằng người tu không an cư không phải đệ tử Phật, không được Thiên long Bát bộ giữ gìn, không được Phật phóng quang gia hộ. Tu như vậy, một thời gian sẽ rớt vào ngoại đạo, làm nô lệ cho ngoại đạo.
Điều thứ hai, Phật dạy rằng hành Bồ-tát đạo đáng quý, nhưng phải đắc Thánh quả A-la-hán mới có đủ đạo lực để hành Bồ-tát đạo. Chưa đắc A-la-hán, thì chưa tin được tâm mình, cứ nghĩ mình tốt, nhưng chắc gì mình tốt.
Tôi quan sát có người hành Bồ-tát đạo để mau thành Phật, nhưng muốn mau thì lại càng lâu. Vì vậy, Phật quy định phải đắc Thánh quả, chưa đắc Thánh quả mà muốn độ người, rất nguy hiểm.
Thầy chưa đắc Thánh quả muốn độ người xuất gia, nên bỏ ý này. Chưa đắc Thánh quả, độ người là gánh nặng vô cùng, vì đi một mình không nổi, còn đeo mang thêm, làm sao đi. Thật vậy, chúng ta xuất gia, từ bỏ tất cả để ra khỏi sinh tử, bản thân không đi nổi, còn gồng gánh thêm bà con nữa chỉ có nước ngã quỵ.
Phải tạm gác việc hành Bồ-tát đạo sang một bên. Tu Pháp hoa gọi điều này là thệ nguyện an lạc. Nói như vậy là lấy ý của Phật. Khi Phật đi xuất gia, Ngài hẹn khi nào được giải thoát sẽ quay lại hoàng cung độ quyến thuộc. Chưa đắc đạo thì Ngài không trở về nhà.
Thực tế chúng ta thấy thầy xuất gia mà còn kẹt gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè, khó đi xa, không giải thoát.
Phải một mạch đi tới để đạt giải thoát. Vì vậy, Phật quy định muốn đắc La-hán, phải theo lộ trình này, trừ trường hợp người có cha mẹ già không ai nuôi dưỡng, Ngài cho phép lo cho cha mẹ.
Tôi thấy có Tỳ-kheo tìm đất cất chùa, đất chưa tìm được đã chết, hay tìm được rồi, trả tiền chưa xong thì chết, hoặc ráng hơn, cất chùa xong cũng chết. Vì ráng quá sức, nên chết nhưng không biết về đâu.
Phải tìm đường giải thoát cho mình trước, hẹn người thân khi nào mình thành Vô thượng Chánh đẳng giác sẽ quay trở lại.
Có thầy bỏ được gánh nặng gia đình, nhưng nặng gánh chùa, nặng gánh bổn đạo, rồi than rằng làm trụ trì là làm dâu trăm họ.
Thiết nghĩ ta xuất gia không cần làm vừa lòng bất cứ ai. Người thật tu không lệ thuộc tình cảm, không lệ thuộc xã hội, không lệ thuộc thiên nhiên. Còn lệ thuộc những thứ này, chắc chắn còn trong sinh tử. Còn lệ thuộc vui buồn, vinh nhục, còn tiếp tục gánh sinh tử, dù mặc áo tu.
Phải làm sao không lệ thuộc xã hội, không lệ thuộc thiên nhiên, mình mới giải thoát. Thử hỏi các thầy cần bổn đạo, cần tiền bạc, cần chùa hay không.
Riêng tôi, sợ bổn đạo đông, sợ chùa lớn, sợ chùa nhiều, gánh không nổi. Sợ chức vụ mà Giáo hội giao phó, không gánh được, không phải đi tìm.
Tôi luôn suy nghĩ lúc nào mình phải buông. Vì Tăng sai, mình phải làm mọi việc với tất cả tấm lòng. Buông được phần nào, mình nhẹ phần đó.
Được Giáo hội giao phó, gọi là Tăng sai, chúng ta làm những chức danh Trưởng ban, Phó ban Ban này Ban kia. Tuy nhiên, lại có thầy ưa danh, lãnh chức nhưng không làm việc, như vậy xấu hổ hay không. Người hiểu đạo thì sợ danh, sợ đại chúng tin tưởng, giao phó mà không làm được. Nói như vậy không có nghĩa là thầy cô từ chối việc Tăng sai. Vì con mắt của Tăng thấy mình làm được mới giao việc, mình phải nỗ lực làm.
Trên bước đường tu, tôi nhờ Tăng sai, hết lòng làm, nên chư Tăng hộ niệm, hợp tác với mình. Còn chư Tăng không muốn mình làm, có làm cũng không thành công, nên phải từ chức, hay không được ai hợp tác phải từ chức. Thậm chí bị chống đối cũng phải từ chức.
Thí dụ Ban Trị sự thấy thầy có khả năng, nên bổ nhiệm trụ trì, thì phải dốc toàn lực phụng sự chùa, gọi đó là làm tôi cho Phật. Làm hết sức mình mà được Phật hộ niệm, chắc chắn việc thành tựu. Trái lại, nếu Phật bỏ, không hộ niệm, thì nên từ chức. Phật hộ niệm, việc khó mấy chúng ta cũng làm. Quyết tâm như vậy mới thành công.
Tôi có kinh nghiệm khi gặp khó, khổ, nhưng tôi không sợ, chắc chắn Phật thương mình, hộ niệm cho mình vượt qua khó, khổ. Phật hộ niệm, mình không thấy, nhưng quần chúng thương mình, hợp tác thì thấy. Đến nơi nào hành đạo, bà con hết lòng giúp đỡ, ta làm việc dễ dàng.
Xưa kia, các vị Tổ lập lều cỏ tu hành, không mua đất cất chùa, nhưng hành đạo, sức cảm hóa của các Ngài khiến quần chúng kính mến, nên họ hợp lực cùng nhau xây dựng chùa.
Chùa Kim Cang cũng vậy. Tổ đến đây không mua đất cất chùa, nhưng Ngài quán nhân duyên thấy dân chúng vùng này và Ngài có mối quan hệ vô hình, mới cất am tranh tu. Nghĩa là Tổ quán nhân duyên giữa Ngài và quần chúng xem Ngài làm được gì cho họ. Ngồi yên lặng, quán sát dân tình, thấy người bệnh nặng, thiền sư giỏi, biết đúng bệnh và làm thuốc cứu người. Kinh Dược Sư nói làm thuốc cứu người thì phước nhiều vô lượng, hiện đời được người kính trọng… sẽ thành Vô thượng Chánh giác. Người tu ngồi yên quán sát coi nhân dân cần gì, tìm cách giúp đỡ, nên được dân thương, kính quý và họ xây thêm nhà cho người đến tu học.
Ta chỉ lo tu giải thoát, người thương muốn làm theo ta để được thanh thản như ta thì họ tìm đến và ta dạy họ, họ tự tạo điều kiện sống. Ngày xưa, Tổ Huệ Đăng tu trong hang hổ, nhưng Ngài đắc đạo, các Hòa thượng ở khắp Nam Kỳ muốn học đạo, ra Bà Rịa ở với Tổ, rất đông, thì làm sao có chỗ cho các thầy ở. Các thầy phải lên núi che nhà ở, hái măng rừng ăn. Tổ chỉ tu. Nói rằng Ngài làm, nhưng thật ra là chư Tăng làm để sống, để tu. Vì vậy, chư Tăng đến đông, thì chùa lớn, mở rộng thêm.
Kinh nghiệm tôi thấy làm trụ trì phải quán sát nhân duyên giữa mình và dân chúng. Nếu ta thương họ, họ quý ta là chỗ đó ta hành đạo được. Như ngài Linh Hựu lên Quy Sơn dựng nghiệp, mở rộng tông môn, vì với huệ nhãn của người đắc đạo, vùng đất đó là nơi hành đạo của ngài. Nếu không thấy bằng mắt huệ, nhưng dùng tâm phàm tục hành đạo, là biến Phật đạo thành tà đạo, sớm muộn cũng thọ quả báo.
Tóm lại, giáo lý Phật tuy nhiều, nhưng chung quy gom lại một câu chính yếu rằng người thấy nhân duyên là thấy pháp. Người thấy pháp là thấy Như Lai. Các thầy suy nghĩ yếu lý của câu này trên đường hành đạo và áp dụng đúng đắn sẽ gặt hái được tiến bộ.
Cầu Phật gia hộ tất cả hành giả an cư luôn an lành trong Chánh pháp.
HT.Thích Trí Quảng (nguồn : http://giacngo.vn/)