Đại đức Thích Minh Huệ chia sẻ nghi lễ tán tụng căn bản Thiền môn
Giáo thọ phụ trách buổi học là Đại đức Thích Minh Huệ, UV.TT Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghi lễ tỉnh Đắk Lắk, Trưởng BTS GHPGVN huyện Buôn Đôn. Tham dự buổi học có 76 Tu sinh.
Tại buổi học, Đại đức Thích Minh Huệ đã trình bày những nội dung cơ bản về Pháp khí, Tán tụng căn bản Thiền môn. Đặc biệt chú trọng vào nội dung hai pháp khí quan trọng nhất của nhà Phật là chuông và mõ. Cụ thể là nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa chuông mõ, cách thức sử dụng chuông, mõ, tang, linh... Người đánh chuông và mõ phải như thế nào mới đúng...
Có 3 loại chuông thường dùng trong các Tự viện là Đại Hồng chung, Báo Chúng chung và Gia Trì chung. Người đánh chuông gọi là Duy na. Trong buổi lễ, Duy-na là người điều hành buổi lễ theo đúng với ý hướng của vị chủ lễ. Vì vậy, người thỉnh chuông phải am tường khoa nghi và chú tâm cao độ mới có thể làm tốt phận sự của mình. Tiếng chuông vang lên như tiếp thêm năng lượng và nguồn sức mạnh vượt trội để khiến cho ma quỷ, tà khí phải tránh xa và giúp con người hướng tới thiện lành, cảm nhận được sự thanh tịnh, bình yên đến từ tâm hồn của mình.
Có hai loại mõ: Mõ hình bầu dục có chạm đầu cá và mõ hình điếu chạm nguyên hình con cá nằm dài. Người gõ mõ trong buổi lễ gọi là Duyệt chúng, nghĩa là làm cho đại chúng đẹp lòng, tụng niệm một cách hòa hợp, nhất tâm. Vì thế, gõ mõ là cả một nghệ thuật, phải học tập và rèn luyện thật nhiều mới có thể làm tròn phận sự. Đánh mõ có hai ý: Một là để cho khi tụng niệm được nhịp nhàng, không lộn xộn và như thế vừa giữ được vẻ trang nghiêm, nhất là làm cho người tụng niệm khỏi bị rối trí loạn tâm; hai là để kỉnh thỉnh tâm trí người tụng niệm khỏi bị hôn trầm.
Sau khi trình bày cặn kẽ những kiến thức cơ bản, quan trọng về chuông mõ, Đại đức đã hướng dẫn các Tu sinh thực hành cách sử dụng chuông mõ... đồng thời tận tình giải đáp những thắc mắc của các Tu sinh trong lĩnh vực nghi lễ. Trong suốt buổi học, Đại đức Giáo Thọ sư đã nhiệt tâm chia sẻ kinh nghiệm tu học bản thân, truyền trao những kiến thức Phật học khi ứng dụng tại các địa phương khác nhau... Mong muốn các Tu sinh chăm chỉ luyện tập thuần thục để có thể ứng dụng và thực hành trong các nghi lễ nhà Phật. Ý thức việc huân tập kiến thức Phật học ngay từ buổi đầu tu học, hướng tới hoàn thiện bản thân, chuẩn bị tư lương cho tương lai và sứ mệnh dìu dắt đàn hậu học. Bên cạnh đó, cần khai thác những tiện ích của thời đại công nghệ 4.0 vào việc tu học một cách hiệu quả nhất.
Hình ảnh ghi nhận:
Tin: Hành Minh, ảnh: Nguyễn Phương