610 869
Nghiên Cứu » Phật Pháp Ứng Dụng
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 18:17:36 03-04-2017 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Phật Học Vấn Đáp (P.3)

Phật Học Vấn Đáp (P.3)Xin giải thích thêm hai tiếng "tu hành” cho dễ hiểu? - Tu là trau giồi, là sửa đổi, là bồi bổ, là chọn lọc. Chọn những điều hay lẽ phải đặng sửa đổi thân tâm, đặng bồi bổ chỗ thiếu sót mê lầm của mình. Trau giồi sửa đổi thói hư tà ra chính, sân hận ra nhẫn nhục, gian tham ra ngay thẳng, hèn nhát ra dạn dĩ, khiếp nhược ra cương cường, lười biếng ra siêng năng, v.v...
Chương IV: Công phu niệm Phật
 
114. Tôi đã làm lễ nhập môn, đã thọ quy giới, bây giờ phải làm thế nào?

Đây là điều cần hơn hết, ông nên chỉ thẳng cho tôi thi hành đúng với Phật pháp, khỏi nhọc lòng tôi kiếm kinh này kinh nọ lòng vòng, phí mất nhiều thì giờ mà chậm kết quả!
 
- Trước khi giải đáp, xin ông vui lòng cho tôi biết ý thích của ông muốn làm một người tín ngưỡng tầm thường, hay là một đệ tử chân chính đứng đắn của nhà Phật?
 
115. Tôi muốn làm một người tu hành đứng đắn, một đệ tử chân chính của nhà Phật, một giáo đồ trung thành của TĐCS PHVN; vậy phải làm thế nào?
 
- Tôi xin thành thực nói ra cái pháp vừa với sở nguyện của ông. Vậy thì ông phải ăn chay, phải niệm Phật, công phu tham thiền...
 
116. Ngoài bổn phận trên đây, còn có bổn phận gì khác nữa chăng?
 
- Ông phải y theo kỷ luật của Giáo hội, phải đoàn kết tương thân tương ái giữa hội viên và thiện tín của Giáo hội. Phải năng tới lui Hội quán, hoặc Trung ương, hoặc Chi nhánh, để học hỏi giáo lý và công việc làm của Giáo hội.
 
117. Tôi mới vô học đạo, phải ăn chay cách nào?
 
- Việc ăn chay đối với người tại gia cư sĩ không ép, dầu mới tu hay tu lâu cũng vậy, muốn ăn kỳ hay ăn trường tuỳ ý.
 
118. Ăn chay kỳ là sao?
 
- Ăn hai ngày, hoặc sáu ngày, hoặc mười ngày trong một tháng, gọi là ăn chay kỳ.
 
119. Cách thức niệm Phật làm sao?
 
- Niệm Phật có nhiều cách, nhưng thông dụng hơn hết là niệm sáu tiếng "Di Đà,” bất cứ lúc vào, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, ngủ, nghỉ đều niệm được cả.
 
120. Sự niệm Phật có ý nghĩa gì, hay là một bí quyết?
 
- Sự niệm Phật có rất nhiều ý nghĩa, mà cũng là một bí quyết.
 
121. Ý nghĩa niệm Phật như thế nào?
 
- Niệm Phật có ý nghĩa là diệt vọng tâm, tức là làm cho lòng mình được trong sạch (thanh tịnh). Đó là ý nghĩa chính; còn ý nghĩa phụ: Niệm Phật là một phương tiện trừ các thói xấu tật hư, nào tâm tham lam, tâm nóng giận, tâm ham muốn vô lối, tâm ghen ghét, v.v...
 
Nhiều người tu hành, mà không hiểu ý nghĩa của sự niệm Phật như vậy, cho nên chứng nào tật nấy vẫn còn nguyên, các thói xấu tật hư chẳng những không bớt, trái lại còn tăng thêm là khác.
 
122. Nhất tâm niệm Phật là sao?
 
- Đây là thuộc về công phu bên trong, chẳng phải mới tu hay tu lôi thôi, hoặc niệm Phật ngoài miệng mà được. Phải hết sức tinh tấn, cách niệm Phật đừng cho xen hở, dầu đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, làm lụng gì cũng không quên. Nhất là phải gắng công trau giồi sửa đổi các thói xấu tật hư và dứt lòng ham muốn. 

Niệm được như vậy một thời gian, tâm liền sáng tỏ. Tới chừng đó không niệm cũng như niệm, niệm cũng như không niệm. Là vì ngoài đức Phật ra, tâm không còn có một niệm tưởng gì khác nữa. Khi đó tâm ta là Phật, Phật là tâm của ta, Phật với ta không một không hai, không riêng, không khác.
 
123. Ngoài đức Phật ra, tâm ta không còn một niệm tưởng gì khác, có phải thuộc về khô định chăng?
 
- Không. Bởi vì còn niệm tưởng Phật thì đâu phải là khô định. Khô định là dứt tuyệt không còn một niệm tưởng gì nữa, dầu niệm tưởng Phật cũng không còn, mới gọi là khô định.
 
124. Niệm nghĩa là gì? 
 
- Niệm là tưởng nhớ. Tưởng nhớ có nhiều cách, hoặc tưởng đến hồng danh của Phật, tức là niệm sáu tiếng Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc tưởng nhớ đến hình ảnh của Phật, hoặc tưởng nhớ công đức của Phật đã ban ân huệ cho chúng sinh, v.v...
 
125. Tưởng nhớ như vậy có phải là quy y Phật bề ngoài chăng? Có phải là làm theo sự tướng bề ngoài chăng?
 
- Không. Tưởng nhớ Phật như vậy, thuộc về nội tâm. Một mặt tưởng như thế, một mặt trau giồi đức hạnh, chớ có phải chỉ lo cúng vái, cầu phước, cầu tự đâu mà gọi là quy y Phật bề ngoài và làm theo sự tướng bề ngoài?
 
126. Cách thức niệm Phật như vậy thuộc về bậc nào?
 
- Bậc trung.
 
127. Còn bậc thượng niệm Phật như thế nào?
 
- Bậc thượng niệm chân như cũng gọi là niệm Phật.
 
128. Tại sao niệm chân như mà cũng gọi là niệm Phật?
 
- Bởi vì chân như là Phật, Phật là chân như. Niệm chân như tức là niệm Phật vậy.
 
129. Niệm là tưởng nhớ. Nếu còn có lòng tưởng nhớ đến chân như, tức là còn có cái "tâm sinh,” hễ có tâm sinh thì lẽ tự nhiên có "tâm diệt.” Tâm còn sinh diệt như vậy mà bảo là bậc thượng ư?
 
- Trong lúc niệm, không có cái tâm năng niệm và chân như sở niệm (hay là ông Phật sở niệm) nghĩa là không mê chấp theo sự niệm tưởng chân như hay niệm tưởng Phật, thì đâu phải là có tâm sinh. Nếu "tâm sinh” không có thì "tâm diệt” cũng không.
 
130. Thế nào gọi là niệm chân như?
 
- Nghĩa là nhập chân như quán, tức là quán tưởng lý tính chân như. Sau khi tỏ ngộ được lý tính ấy, lý hiệp với trí, trí hiệp với lý. Trí lý không hai, trong ngoài như một, thể dụng chẳng khác, ứng hiện không lường.
 
131. Người niệm Phật về bậc tối thượng có niệm chân như chăng?
 
- Bậc tối thượng là bậc vô công dụng đạo, đối với đạo pháp không còn dụng công tập thiền, tập định, tập quán tưởng, cho đến cũng chẳng cần phải nhập chân như quán. Bậc này là bậc hết sức nhiệm mầu, lắng không nghe, dòm không thấu, xem không tới...
 
132. Còn bậc hạ niệm Phật ra làm sao?
 
- Bậc hạ niệm Phật ở ngoài môi, khi niệm khi không, lúc tu lúc chẳng tu. Bậc này chỉ biết niệm Phật trong lúc cúng kiến, hành lễ, trong lúc hữu sự, cầu khẩn, ngoài ra không lo trau giồi đức tính, tức mở các tính tốt, ai tham cũng tham với, ai sân cũng sân cùng. Không một lòng nào nghĩ tới công hạnh của Phật, đặng bắt chước ăn ở theo.
133. Ông có nói rằng niệm Phật có ý nghĩa là diệt vọng tâm, vậy thì niệm cái gì khác, thí dụ như đếm số, luyện điều tức (bình hơi thở), chăm chỉ ngó lửa nhang, chăm chỉ xem mặt trời, v.v... cũng có ý nghĩa là diệt vọng tâm vậy, nhưng tại sao không thấy nói tới?
 
- Nói như thế là chưa khám phá được những điều bí mật của sự niệm Phật. Vả chăng sáu tiếng Di Đà là một câu thần chú có sức rung động mãnh liệt, vượt cả không gian thời gian, xuyên qua từng lớp không khí, xuyên qua vạn hữu, xuyên qua vô lượng hành tinh v.v... do lòng mình niệm tưởng mà phát ra. Tiếng niệm Phật của một người còn như thế, huống nữa là tiếng niệm Phật của nhiều người, và đã niệm từ xưa tới nay, nhất là tiếng niệm Phật ấy, đã thành một khối duy nhất, một khối sáng suốt hùng mạnh châu biến khắp pháp giới.
 
Tư tưởng của một người đưa ra, thiếu sức mạnh, không bằng tư tưởng của nhiều người hiệp lại. Vì lẽ ấy, niệm tưởng cái gì lẻ tẻ chưa được thành khối, thì cái niệm ấy thiếu năng lực rung động, thiếu năng lực phổ biến. Bởi vậy cho nên, niệm cái gì khác là ít ai nghĩ tới, chỉ nghĩ tới sự niệm Phật mà thôi.
 
134. Thế thì pháp môn niệm Phật có khác gì niệm câu chú của Mật Tông, bởi vì Tông này chuyên tâm niệm chú mà được giác ngộ.
 
- Pháp niệm Phật chẳng những gồm câu chú của Mật Tông mà cũng gồm luôn minh tâm kiến tính của Thiền Tông nữa. Bên Mật Tông niệm câu chú "Úm a di đát phạ hậc rị tá ha” (Aum Amitabha Hrih Svaha) tức là niệm Nam Mô A Di Đà Phật chớ có gì lạ.
 
Chữ "Aum” người Tàu phiên âm là "Úm” là "Án” như trong câu thần chú "Án ma ni bát di hồng,” hoặc câu: "Án lam tá ha” v.v... Chữ Án này phát ra một âm điệu rung động mãnh liệt phi thường, châu biến khắp mười phương chư Phật, khắp cả hằng sa thế giới, không thể lường được sự nhiệm mầu của nó.
 
135. Theo tôi tưởng, chữ Án hay Úm phải phát âm cho trúng giọng, nghĩa là trùng âm điệu, thì mới có sức rung động mãnh liệt?
 
- Người Tàu phiên âm tiếng Phạn ra tiếng của nước họ, tuy không trúng giọng hẳn, nhưng họ cũng được thành công vậy. Bằng cớ là các Tổ sư Mật Tông ở Trung Hoa đã được thành công một cách rực rỡ, được tu chứng Tất địa (được thành Phật). Theo tôi niệm cho đúng luật là được. Cũng như luật phát thanh của các đài vô tuyến điện, bất cứ giọng gì cũng phát thanh khắp thế giới được cả.
 
Sở dĩ tiếng Pháp âm, tiếng Diệu âm, tiếng Viên âm của Phật phát ra, muôn loài vạn vật đều hiểu được mà tỏ ngộ đạo mầu cũng vì cái lẽ ấy, tức là cái luật huyền vi của vũ trụ vậy.
 
136. Pháp niệm Phật cũng gồm có minh tâm kiến tính của Thiền Tông, vậy chỗ gồm ấy như thế nào?
 
- Thiền Tông là một pháp "Trực chỉ nhơn tâm kiến tính thành Phật.” Kiến tính tức là thấy được Phật tính hay là thấy được Phật lòng của mình.
 
Còn pháp niệm Phật đến chỗ tâm mình là Tịnh Độ, tính mình là Di Đà, hai bên tuy lời nói khác, nhưng chỗ tu chứng và sự tỏ ngộ cũng đồng nhất với nhau, không hơn không kém.
 
Một đàng thì tỏ ngộ Phật tự tính, một đàng thì chứng được tự tính Di Đà, đều nghĩa lý như nhau.
 
137. Thế thì câu niệm Phật cũng có sự thành công rất sâu, rất rộng và rất mầu nhiệm chăng?
 
- Phải! Thành công một cách rất mầu nhiệm. Người niệm Phật được thuần thục, lâu năm, tâm được tỏ sáng lần lần mà không hay.
 
138. Tại sao sự niệm Phật kết quả sáng suốt một cách âm thầm làm cho mình không hay biết?
 
- Bởi vì theo các phương pháp tu chứng khác, hễ diệt được một bịnh thì chứng được một pháp, chứng được một pháp tức là thêm một trí huệ. Cho đến khi vô lượng trí huệ quang minh, tức là bậc Đại giác, là bậc Phật nậy. Trong lúc diệt bịnh chứng pháp, thêm trí huệ bằng cách tỏ ngộ chân lý, nên hiểu rõ ràng và biết chắc chắn từng giai đoạn, từng thành phần.
 
Trái lại, pháp niệm Phật không có cách diệt bịnh sôi nổi và sự chứng lý hiển nhiên, nên không hay biết. Nhưng phải hiểu rằng, sở dĩ có biết mình được thêm trí huệ, có biết mình được chứng lý sáng suốt, là tại cái mê của mình rất rõ rệt. Vì lẽ thấy được cái mê ấy, nên gọi là chứng biết mình có sự sáng suốt chớ không có gì lạ. Nếu như không có cái mê quá rõ rệt ấy, thì cũng không có cái gì làm cho mình chứng biết mình được sáng suốt. Pháp niệm Phật, sở dĩ âm thầm chứng đắc, cũng tại nguyên nhân như vậy.
 
139. Phải niệm Phật cho nhiều, ăn chay cho nhiều mới mau đến chỗ cứu cánh chăng?
 
- Không. Ăn chay niệm Phật là một phương tiện để sửa đổi các thói xấu tật hư, để mở lòng từ bi bác ái, nghĩa là để giác ngộ lòng mình, chớ chẳng phải là cứu cánh.
 
140. Thế nào gọi là phương tiện?
 
- Nghĩa là phương pháp tiện dụng để đi đến cứu cánh, tức là đến chỗ kết quả. Những phương tiện ấy phải bỏ ráo khi mình đã được kết quả.
 
141. Tại sao phương tiện phải bỏ sau khi kết quả, xin thí dụ cho dễ hiểu?
 
- Cũng như muốn qua sông phải dùng bè làm phương tiện. Khi tới bến bờ rồi thì bỏ bè lại, vì mục đích cuối cùng của mình là tới bờ.
 
142. Xin cho thêm một cái thí dụ nữa?
 
- Cũng như người bịnh cần phải uống thuốc. Khi lành mạnh không cần uống nữa.
 
143. Xin cho thêm một cái thí dụ nữa?
 
- Cũng như người đau bại, nhờ nương gậy mới đi được, gậy là cái phương tiện lâm thời, khi lành mạnh rồi, bỏ gậy, nếu giữ gậy mãi thì càng thêm chướng ngại chớ ích gì. Trong sự tu học cũng vậy, nương theo Phật, nương theo Pháp, nương theo Tăng, nương theo những phương pháp tập thiền, tập định, học giới, học huệ, v.v... là những phương tiện đặng đến chỗ giác ngộ (không còn mê lầm nữa). Sau khi giác ngộ rồi thì cần gì phải tu hành thêm nữa.
 
144. Có nhiều người tu hành, cũng ăn chay, cũng niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh, nghĩa là cũng dùng các phương tiện vậy, nhưng thói xấu tật hư vẫn còn nguyên là tại sao?
 
- Tại mình nhận họ là kẻ tu hành, hay là kẻ ấy mệnh danh tu hành, chớ thật sự là thuộc về hạng tín ngưỡng tầm thường. Hoặc giả người ấy lầm tưởng tu hành là ăn chay, niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh v.v... chớ không dè chính nghĩa của sự tu hành là trau giồi sửa đổi thân tâm. Và cách thức sửa đổi là dùng các phương tiện.
 
145. Xin giải thích thêm hai tiếng "tu hành” cho dễ hiểu.

- Tu là trau giồi, là sửa đổi, là bồi bổ, là chọn lọc. Chọn những điều hay lẽ phải đặng sửa đổi thân tâm, đặng bồi bổ chỗ thiếu sót mê lầm của mình.
 
Trau giồi sửa đổi thói hư ra nên, tà ra chính, sân hận ra nhẫn nhục, gian tham ra ngay thẳng, hèn nhát ra dạn dĩ, khiếp nhược ra cương cường, lười biếng ra siêng năng, v.v...
 
146. Ngoài những phương tiện như ăn chay, giữ giới, tham thiền, niệm Phật, lạy Phật, v.v... để chừa bỏ các thói xấu tật hư mà ông đã nói trên đây, còn có phương tiện nào khác nữa chăng?

- Chúng sinh đa bịnh, Phật thuyết đa phương. Đạo Phật vì lẽ đó mà có vô lượng phương tiện, nếu ai thích hạp phương nào, nghĩa là ai uống thuốc nào mau lành bịnh, thi tự do dùng lấy.
 
147. Có phương tiện nào thông dụng nhất chăng?
 
- Có. Đó là phương pháp đối trị, nghĩa là dùng pháp tương đối mà trị bịnh tâm.
 
148. Phương pháp tương đối là sao? Xin thí dụ cho dễ hiểu đặng thực hành? 
 
- Muốn đối trị bịnh tâm, phải biết pháp tương đối của sự vật như: Sáng đối với tối, đêm đối với ngày, phải đối với trái, tốt đối với xấu, sân hận đối với nhẫn nhục, ngu si đối với trí huệ, v.v...
 
Thí dụ như mình có bịnh tham, phải năng lập hạnh bố thí, dùng pháp bố thí mà giác ngộ lòng tham lam của mình. Nếu mình có bịnh sân, thì phải lập hạnh nhẫn nhục, đem pháp nhẫn nhục ra giác ngộ bịnh sân của mình. Nếu mình có bịnh hay thù oán, nên lập hạnh ân nghĩa, lấy ân mà trả oán. Nếu mình có tính khoe khoang, thì lập hạnh khiêm nhường; nếu hay chấp ta, thì lập hạnh vô ngã, v.v...
 
149. Các thói xấu tật hư, những thói quen mê lầm, trong kinh Phật gọi đó là "nghiệp.” Pháp niệm Phật có dứt trừ nghiệp quả được chăng?

- Người niệm Phật công phu thuần thục thì dứt được nghiệp quả trong vô lượng kiếp về trước, có làm chúng sinh và đã tạo ra vô số nghiệp tội. Nên biết rằng công dụng của pháp niệm Phật là một mặt thì diệt nghiệp, một mặt thì gieo nhân.
 
150. Tại sao một pháp niệm Phật lại có hai mặt khác nhau như vậy?

- Bởi vì pháp niệm Phật là để diệt nghiệp chúng sinh và đồng thời gieo giống Phật. Hễ gieo nhân nào thì gặt quả nấy, đó là cái lẽ dĩ nhiên của luật nhân quả, cũng như trồng dưa thì đặng dưa, trồng đậu thì đặng đậu vậy.
 
151. Phép niệm Phật có kết quả được trí huệ sáng suốt chăng?
 
- Cái đó thì hẳn nhiên như vậy, bởi vì A Di Đà là vô lượng quang, niệm A Di Đà là gieo chủng tử vô lượng quang minh, lẽ tự nhiên kết quả được vô lượng quang minh.
 
152. Tại sao tôi niệm Phật đã lâu mà không thấy sáng suốt như lời của ông nói đó?
 
- Sở dĩ ông không thấy được mình sáng suốt, là tại sự sáng suốt ấy: hoặc đang kết tinh bên trong, chưa phát lộ ra ngoài, hoặc sự sáng suốt ấy phát triển âm thầm, không bộc phát, nên không tự biết. Có người niệm Phật lâu năm mà không có ánh sáng, là tại họ không diệt thói xấu tật hư (xem lại số 137, 138), nên bị sự tối tăm mê lầm làm chủ thân tâm thì làm sao sáng suốt.
 
153. Có triệu chứng gì làm cho mình biết rằng ánh sáng của mình đã kết tụ chăng?
 
- Có nhiều cách: điều thứ nhất là mình không mê nhiễm trần thế; điều thứ nhì là các tính tốt được phát hiện; điều thứ ba là nơi khoé mắt lâu lâu có điển quang loé ra. Nhất là ánh sáng chân lý càng ngày càng tỏ, v.v...
 
154. Sự kết quả của pháp niệm Phật dễ tin chăng?
 
- Thật là khó tin. Bởi vì sự mê muội của chúng sinh nhiều hơn lòng sáng suốt. Có trí huệ mới có đức tin, chúng sinh mê làm gì có trí huệ để tin. Vì lẽ ấy, trước khi khai duyên thuyết môn Tịnh Độ, đức Phật bèn nói rằng: "Ta vì chúng sinh mà nói ra cái pháp khó tin này.”
 
Bao nhiêu lời lẽ trên đây, thì ông biết rằng pháp môn niệm Phật thật là kỳ bí trên tất cả sự kỳ bí, thật là huyền diệu trên tất cả sự huyền diệu; kết quả không thể lường, không thể tưởng tượng.
 
155. Mỗi tiếng niệm Phật so sánh như cái gì?
 
- Mỗi tiếng niệm Phật phát ra tự thâm tâm so sánh như một đốm lửa li ti cực nhỏ. Đốm lửa này chẳng có công dụng việc gì được, bởi ánh sáng của nó nhỏ quá. Nhưng gom góp nhiều ánh sáng như thế trong nhiều năm niệm Phật, thì kết quả không lường được. Nghĩa là ánh sáng đó có một ngày kia to rộng không biết đâu mà lường, do đó mới có lời nói "vô lượng quang minh.”
 
Có người so sánh pháp niệm Phật như thể bỏ ống, nếu đừng để tâm mong mỏi, có một ngày kia ống đầy mà không hay, chừng hay được thì vui mừng không xiết kể.
 
156. Nam Mô A Di Đà Phật là nghĩa gì?
 
- Nếu nói theo Mật Tông, thì đó là một câu chú bí mật có mãnh lực phi thường, không cần phải hiểu nghĩa, chỉ biết cái kết quả của nó mà thôi. Trái lại, theo Tịnh Độ tông thì giải nghĩa như vầy: Nam Mô, người Tàu dịch là quy mạng, nghĩa là đem tính mạng của mình quy y với đức Phật A Di Đà, cũng có nghĩa là đem tính mạng của mình trở về đại trí huệ quang minh, bởi vì A Di Đà là vô lượng quang, vô lượng thọ.
 
157. Thành Phật là hướng về chân như, pháp niệm Phật có hướng về chân như chăng?
 
- Không có pháp nào mau hướng về chân như cho bằng pháp niệm Phật. Bởi vì người niệm Phật là niệm bổn tính quang minh, niệm bổn tính quang minh tức là niệm bản tính chân như, tức là hướng về chân như bổn tính vậy.
 
158. Niệm A Di Đà có phải đồng nhất với A Di Đà chăng?
 
- Cái đó là lẽ dĩ nhiên. Bởi vì A Di Đà là vô luợng quang minh, niệm A Di Đà là nhập làm một với vô lượng quang minh, nhập với vô lượng quang minh là đồng nhất với tính thể A Di Đà.
 
159. Hướng về chân như là đồng nhất với chân như hay không đồng nhất? Nếu không đồng nhất thì chẳng được nói huờn. Bằng như đồng nhất thì đâu có chia ra Phật này Phật khác, cũng như đức Thích Ca chẳng phải là đức A Di Đà, đức Di Lặc chẳng phải là đức Văn Thù Sư Lợi, v.v...?
 
- Hướng về chân như đồng mà chẳng đồng, khác mà chẳng khác.
 
160. Xin ông ví dụ cho dễ hiểu, chớ nói chẳng phải đồng, chẳng phải dị, chẳng phải một mà cũng chẳng phải hai, thì tôi không thể hiểu được.
 
- Khoa học ngày nay đã dạy cho chúng ta biết rằng các vật thể (hình thể vật chất) mà chúng ta xem thấy, tưởng là một khối duy nhất, nhưng sự thật trong ấy có nhiều mảnh nhỏ hiệp thành. Những mảnh nhỏ ấy mới trông qua hình như nó có một nhưng chẳng phải một, vì nó là vô lượng. Tuy vô lượng nhưng không phải khác nhau.
 
161. Cái thí dụ này hơi khó hiểu một chút, xin cho thí dụ khác dễ hiểu hơn?
 
- Cũng như một khối đá, chúng ta xem qua tưởng là có một, nhưng thật sự do nhiều mảnh nhỏ ráp lại. Lại nữa, cũng như một đống cát, hình như chúng nó dính liền nhau, nhưng hột nào riêng hột nấy. Trong mỗi hột cát, lại cũng có nhiều phần tử cực nhỏ hiệp thành. Những phần tử ấy, cách biệt nhau, sinh hoạt riêng nhau, nhưng chẳng khác nhau. Chẳng đồng, chẳng dị là như vậy. 

Xem các thí dụ trên đây, thì thấy sự hướng về chân như tuy đồng mà không đồng, tuy khác mà không khác. Nước hướng về biển, vạn pháp hướng về chân như, người niệm Phật hướng về vô lượng quang, có khác nào như nước, như vạn pháp, như phân tử vật chất đâu, tuy khác mà không phải khác, tuy đồng mà chẳng đồng là ý nghĩa như vậy.
 
Các bậc Thánh được giải thoát, đến chỗ tột bậc như chư Phật, tuy đồng mà chẳng đồng, tuy khác mà chẳng khác, bởi vậy trong kinh luận mới nói đến Pháp thân và Báo thân* của mỗi vị Phật đều có sự thọ dụng riêng nhau (tự thọ dụng độ, tha thọ dụng độ...). Tuy chư Phật đồng nhau chẳng khác, nhưng đức Thích Ca chẳng phải đức A Di Đà, A Di Đà chẳng phải Thế Chí...
 
* Thân do vô lượng, vô biên phước báo đáp lại.
 
162. Phật hằng hà sa số (Phật nhiều như số cát sông Hằng) tại sao không tưởng niệm, lại riêng chỉ niệm một đức A Di Đà?
 
- Bởi vì đức A Di Đà có bốn mươi tám lời thệ nguyện độ tận chúng sinh. Nếu ai thành tâm tưởng niệm danh hiệu ấy, cơn lâm chung Ngài không rước về Tịnh Độ thì Ngài đoạ thế cho kẻ ấy. Vì lời thệ nguyện sâu dày ấy, nên ai cũng tin chắc mà niệm tưởng đến Ngài.
 
163. Những người vãng sinh Tịnh Độ, công phu tu hành còn non nớt, có trở lại cõi trần như bậc Tu Đà Hoàn chăng?
 
- Không. Ở luôn cõi Tịnh Độ mà tu hành cho đến khi thành bậc "Bất thối,” chừng đó muốn trở lại thế gian để lập công bồi đức là tuỳ ý. Chính cõi Tịnh Độ có cái đặc sắc duy nhất như vậy, không có pháp tu nào so sánh bằng, và, chính cái lẽ này mà chúng sinh đều nguyện về cõi Tịnh Độ, niệm A Di Đà, ít niệm Phật nào khác.
 
164. Tại sao người niệm Phật có cái đặc ân lớn lao và rộng rãi như thế. Còn riêng các môn khác lại không được như vậy?
 
- Sở dĩ pháp môn niệm Phật mà được như thế là do nhiều nguyên nhơn. Một là các môn khác chỉ nhờ tự lực, không nhờ tha lực. Còn pháp môn niệm Phật, nhờ tha lực của đức Phật A Di Đà hằng phóng hào quang nhiếp thọ. Hai là cõi Tây phương ví như một cái lò luyện kim, bất cứ loại kim nào, dầu nguyên chất hay pha chất, hoặc các chất khác bám vào, v.v... đều bị cái lò ấy nung đốt, lọc sạch nguyên chất, những cặn bã phải rơi rớt, cũng như người ta nấu chì, cứt chì phải nhả ra vậy.
 
165. Xin cho thêm một cái ví dụ khác?
 
- Cũng như nấu vàng, hễ lửa càng cao thì vàng càng xinh. Sức nóng của lửa càng cao độ chừng nào thì các chất khác lộn trong vàng mau cháy tiêu chừng ấy, chỉ có vàng nguyên chất là còn lại mà thôi.
 
166. Còn có cái lẽ nào nữa làm cho người niệm Phật khỏi phải thác sinh lại cõi thế như bậc Tu Đà Hoàn chăng?
 
- Cõi Tây Phương là cõi tối đại quang minh, dầu cho trăm ngàn muôn ánh sáng của mặt trời cũng không thể bì được. Chúng sinh ở cõi ấy nhờ ảnh hưởng và hấp thọ vô lượng quang minh ấy, làm cho các chủng tử mê lầm phải rơi rụng như ánh thái dương chiếu ngay tuyết giá, đều tan rã hết. Vì lẽ ấy mà những người vãng sinh khỏi cần phải trở lại cõi thế như bậc Tu Đà Hoàn.
 
167. Còn có bậc tu nào trở lại cõi thế như Tu Đà Hoàn chăng?
 
- Còn một bậc nữa là Tư Đà Hàm, chỉ đi và lại cõi Trời, cõi thế một lần nữa là hoàn toàn giải thoát. Bậc này Tàu dịch là Nhất Lai.
 
168. Pháp môn Tịnh Độ dễ tu như thế, chúng sinh ở cõi này cần gì phải tu hành cho mất công, để cầu nguyện Phật rước về Cực Lạc dễ tu, dễ thành hơn.
 
- Không thể được.
 
169. Tại sao vậy?
 
- Là vì trước khi muốn được vãng sinh, dầu là bậc hạ phẩm hạ sinh đi nữa, cũng phải có công tu học; ví như đi buôn, dầu mình không có vốn, nhờ người giúp đi nữa, cũng phải hoạt động, chẳng phải ngồi không mà được. Phải có công cực khổ, người ta mới giúp vốn cho mình. Không chịu ra sức làm ăn mà đòi có của là một chuyện trái ngược. Cũng như không học mà đòi biết chữ là chuyện không có lý. Bởi vậy cho nên, muốn được vãng sinh, phải cố gắng tu học, cố gắng trau giồi đức hạnh.
 
170. Hằng ngày, hằng giờ, hằng năm, hằng tháng, lo để tâm niệm Phật, công phu, làm sao sinh sống cho được?
 
- Sao lại không được. Lúc nào làm ăn tính toán thì lo làm ăn tính toán. Nhưng trong chỗ tính toán làm ăn ấy, không vì lợi mình mà hại người, thì có trái với Đạo đâu.
 
Ông nên để ý rằng sự niệm Phật để diệt vọng tâm, một khi vọng tâm không còn nữa, thì chừng đó không niệm Phật cũng như niệm Phật, có gì ràng buộc mà sợ mất thì giờ làm ăn sinh sống.
 
171. Vọng tâm là gì?
 
- Là cái tâm vọng động, giả dối, tư tưởng lung tung hết ước chuyện này đến chuyện khác. Tư tưởng cứ tiếp nối theo hoài, gọi là vọng tâm tương tục.
 
172. Vọng tâm với vọng niệm khác nhau như thế nào?
 
- Vọng tâm là tâm vọng động theo ngoại duyên sáu trần. Còn vọng niệm là tưởng nhớ đến sáu trần. Tưởng nhớ đến hiện tại, việc sẽ tới và việc đã qua.
 
173. Ông nói rằng không niệm cũng như niệm, thế thì trái với câu: "Một câu Di Đà chẳng tưởng khác, chẳng nhọc khảy tay đến Thiên đường.” Bởi vì câu này chẳng cho phép chúng ta dứt niệm, còn ông nói không niệm cũng như niệm. Thế thì kinh nói trúng hay ông nói trúng?
 
- Kinh Phật nói như thế, ông nên tìm hiểu sâu và rộng hơn nữa. Người tu hành chưa được thanh tịnh nên trong lòng có hai thứ niệm tưởng: Một là niệm tưởng Phật, hai là niệm tưởng chúng sinh. Muốn nói cho rõ ra, ba hồi niệm Phật, ba hồi niệm chúng sinh. Lúc niệm Phật là lúc thanh tịnh (lúc trong sạch), lúc niệm chúng sinh là lúc ô nhiễm (dính mắc việc trần thế). Như thế thì biết rằng, một khi chúng ta đã trong sạch rồi, nghĩa là không còn dính mắc chuyện trần thế nữa, thì không niệm Phật cũng như niệm Phật. Tới chừng đó niệm Phật cũng là thừa. Hơn nữa, nếu để mắc kẹt trong câu niệm Phật, thành ra còn mê chấp, bị Phật pháp trói buộc, sách Phật gọi là pháp phược.
 
Có nhiều người không hiểu như vậy, cho nên miệng thì cứ niệm Phật, mà lòng thì cứ ô nhiễm, dầu có niệm Phật ngàn muôn kiếp cũng không đặng thành công, nghĩa là không bao giờ trong sạch cõi lòng được.
 
174. Thế nào gọi là niệm chúng sinh?
 
- Niệm là tưởng nhớ; tưởng nhớ chúng sinh tức là tưởng nhớ tới các thói xấu tật hư, tưởng nhớ các nghiệp duyên mê lầm, nào tham, sân, si, thương, ghét, nào đố kỵ, a dua, v.v... gọi là niệm chúng sinh.
 
175. Tôi nghe nhiều người nói niệm Phật đến chỗ không không, chẳng có gì hết, cho đến nhà cửa vợ con, sự nghiệp nhất thiết đều không, mới là chỗ kỳ diệu của sự niệm Phật, có phải vậy chăng?
 
- Không là chẳng ô nhiễm, chẳng mến tiếc, chẳng mắc kẹt, chẳng chấp có, chớ chẳng phải không là bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ, bỏ con, v.v... mà gọi là không.
 
176. Xin giải thêm cho rõ?
 
- Người niệm Phật đến chỗ tâm không, là cái tâm không ô nhiễm, quyến luyến muôn sự muôn vật, chớ chẳng phải xa lìa trốn lánh sự vật mà gọi là tâm không. Đến như cái thân này cũng là vật, làm sao mà xa lánh cho được. Dầu ông có lên non ẩn dạng, vô chùa lánh thân, trốn nơi rừng sâu hang thẳm đi nữa, hễ còn có cái thân này thì còn sự nhu cầu, tức là những món cần dùng cho xác thân, thì làm sao mà xa lánh sự vật cho được. Hễ tâm không thì cảnh trần đều không, cần gì lánh trần; còn tâm có thì dù ở trong của thiền cũng còn ô nhiễm, làm sao lánh trần được.
 
177. Trong lúc ngồi niệm Phật, nếu còn vọng tâm thì phải làm sao?
 
- Trong lúc ngồi niệm Phật mà còn vọng tâm, thì đổi lại quán tưởng. Nếu quán tưởng mà cũng còn vọng niệm, thì về quán về niệm, tự nhiên tâm liền tịnh định.
 
Ai cũng vậy, trong buổi đầu tiên chưa quen, thì tự nhiên lòng còn vọng niệm. Khi đã quen rồi thì vọng niệm càng ngày càng bớt, cho đến lúc thành thục rồi, thì vọng niệm không còn nữa. Lòng vọng niệm là lòng sinh diệt, tức là tối tăm mê muội. Không vọng niệm là lòng không sinh diệt, tức là lòng sáng suốt, là bậc đã giác ngộ vậy (sinh diệt là mê, không sinh diệt là giác).

Còn nữa.....
--------------------------------------
Trích trong: Phật học vấn đáp
Soạn giả: Cư sĩ Như Pháp
Giấy phép số: 753/X.B
Nguồn Ban TTTT/TƯ
Chia sẻ với bạn bè qua: