510 334
Nghiên Cứu » Phật Pháp Ứng Dụng
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 08:09:59 04-11-2016 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Một số suy nghĩ về pháp phục PGVN thống nhất trong đa dạng

Một số suy nghĩ về pháp phục PGVN thống nhất trong đa dạng
Ngoài ra, áo đi đường của hàng Giáo phẩm Hòa thượng có thể sử dụng áo tràng màu vàng (dĩ nhiên là màu vàng hoại sắc); và, áo đi đường của hàng Giáo phẩm Ni trưởng có thể sử dụng áo tràng màu nâu.
I/ Dẫn nhập: 
Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã hơn 2000 năm, nếp sống văn hóa Phật giáo đã hòa nhập với nền văn hóa dân tộc Việt Nam như nước với sữa, làm cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam thêm phong phú về nội dung lẫn hình thức một cách đa dạng và phổ cập. Phật giáo du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường từ Ấn Độ và Trung Hoa, cho nên văn hóa Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn nền văn hóa Phật giáo của 2 quốc gia này. Nói đến pháp phục của Phật giáo, chúng ta thường đề cập đến pháp phục của người xuất gia, bao gồm pháp phục dùng trong nghi lễ và thường phục mặc hằng ngày. Pháp phục Phật giáo được xem là hình thức biểu hiện của thân giáo, đó cũng là pháp tướng bên ngoài của người xuất gia. Vì vậy, trong nền tảng giới luật, Đức Phật đã chế định rất rõ về hình thức của pháp phục. 
Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam bao gồm nhiều hệ phái, trong đó chủ yếu là hệ phái Bắc truyền (Bắc tông), Nam truyền (Nam tông) và Khất sĩ. Do có nhiều hệ phái và pháp phục của từng hệ phái có những điểm khác nhau về hình thức cũng như màu sắc. Vì vậy, khó có thể thống nhất về pháp phục Phật giáo Việt Nam. Mặc dù từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần… pháp phục của tu sĩ Phật giáo đã được chế định. Thời cận đại, năm 1952, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời cũng đã có quy định pháp phục dành cho Tăng Ni và cư sĩ. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, trong Nội quy Ban Tăng sự Trung ương chương X, điều 48 cũng đã quy định các hình thức Lễ phục, Giáo phục và Thường phục cho Tu sĩ Phật giáo Việt Nam.
Ngày nay, theo xu hướng hội nhập và phát triển của xã hội mới về mọi mặt, Phật giáo Việt Nam mặc dù đã thống nhất về mặt tổ chức, nhưng một vài khía cạnh biểu hiện văn hóa Phật giáo Việt Nam về mặt hình thức (kiểu cách) và màu sắc vẫn chưa thống nhất được, nhất là về phương diện màu sắc pháp phục. Mọi người trong và ngoài nước, qua cách ăn mặc của Tăng Ni hiện nay khó có thể nhận diện được đâu là Tu sĩ Phật giáo Việt Nam, thuộc hệ phái nào, hàng giới phẩm nào? Đó là điều mà Giáo hội cần quan tâm và có phương hướng chỉ đạo để khắc phục.
II/ Thống nhất pháp phục Phật giáo Việt Nam trong đa dạng: 
Pháp phục Phật giáo có 2 phương diện: hình thức pháp phục và màu sắc pháp phục.
1/ Hình thức pháp phục: Dựa trên nền tảng chế định của Luật nghi và một số hình thức đặc thù của văn hóa Phật giáo và dân tộc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo không thể quy định thống nhất một loạt các hình thức (kiểu cách) pháp phục nghi lễ và thường nhật cho Tăng Ni của tất cả hệ phái Phật giáo đang hiện hữu trên lãnh thổ Việt Nam.
2/ Màu sắc pháp phục: Chúng ta không thể thống nhất được màu sắc pháp phục vì chúng quá đa dạng. Từ xưa, chỉ có 3 tông màu thường được sử dụng cho pháp phục cho Tu sĩ Phật giáo Việt Nam là: màu vàng (tượng trưng cho sự giải thoát), màu nâu (tượng trưng cho tinh thần đồng hành, đồng sự) và màu lam (là màu khói hương tượng trưng cho hương thơm của giới đức). Ngày nay, theo đà hội nhập và phát triển của xã hội lại thêm màu đỏ (tượng trưng cho sự chí thành, hòa hợp và tinh thần phụng hiến), màu trắng (tượng trưng cho sự trong sạch, tinh khiết, thanh tịnh),… mỗi màu đều mang một ý nghĩa nhất định của nó, chưa nói đến mỗi màu đều có sự đậm nhạt khác nhau, quả là khó thống nhất. Tuy nhiên, chúng ta có thể thống nhất màu sắc pháp phục theo từng hệ phái, theo từng lĩnh vực sinh hoạt lễ nghi của Giáo hội, lễ nghi ứng phó đạo tràng và pháp phục sinh hoạt hằng ngày của Tăng Ni. Chúng tôi xin phép được đề nghị như sau:
a/ Pháp phục hằng ngày: Kiểu áo Nhật bình và Vạt khách (vạt hò) từ xưa vốn đã mang đậm bản sắc văn hóa bình dị của Phật giáo và dân tộc Việt Nam, vì vậy chư Tăng Ni hệ phái Bắc truyền (Bắc tông) mặc áo Nhật bình lở (ngắn) và Vạt khách (vạt hò) màu lam, màu nâu trong sinh hoạt hằng ngày. Tuyệt đối không được mặc kiểu áo La hán và nhiều kiểu áo lai căn thế tục và kiểu cách nước ngoài.
Áo đi đường của chư Tăng: hàng Sadi và tân Tỳ kheo mặc áo Nhật bình nâu hoặc lam; hàng Giáo phẩm Đại đức trở lên mặc áo tràng nâu (tràng xiêng, ống tay không rộng).
Áo đi đường của chư Ni: hàng Sadi ni, Thức xoa ma na và tân Tỳ kheo ni mặc áo Nhật bình nâu hoặc lam; hàng Đại đức ni trở lên mặc Tràng lam.
Ngoài ra, áo đi đường của hàng Giáo phẩm Hòa thượng có thể sử dụng áo tràng màu vàng (dĩ nhiên là màu vàng hoại sắc); và, áo đi đường của hàng Giáo phẩm Ni trưởng có thể sử dụng áo tràng màu nâu.
Về hệ phái Nam truyền thì pháp phục hằng ngày là y hạ (P. anttaravasaka) màu vàng hoại sắc, tức là cái quần không có ống chân (undergarment) và y trung (P. uttarasagha) màu vàng hoại sắc: có hai hình tướng khác nhau. Hình tướng một, giống như áo không có ống tay (upper robe, uppermost garment), che phần thân trên (covering the upper body), mặc từ vai đến quá đầu gối, che vai trái nhưng để trống vai phải và cánh tay phải. Được gọi là “y choàng ngoài” hay “y vai trái”. Hình tướng hai là áo ngắn choàng vai trái, hở vai phải, kéo xuống nửa đùi; Còn hệ phái Khất sĩ Việt Nam thì y trung không để hở vai trái, vì vậy có thể đồng nhất mặc bộ vạt khách màu vàng hoại sắc.
b/ Pháp phục nghi lễ: Hàng xuất gia khi mang Y và Hậu trên mình thì phải buộc ống quần (chỉnh y thúc đới) cho thanh tịnh và quán tưởng như buộc tâm vọng tưởng đảo điên.
b-1/ Hệ phái Bắc truyền: Đồng nhất Y (phước điền y) Hậu (áo tràng tay rộng) màu vàng hoại sắc (theo mẫu của Thành hội Phật giáo TPHCM khởi xướng vào năm 2005) khi tham dự nghi lễ của Giáo hội. 
Y và Hậu của chư Tăng: hàng Sadi mặc hậu lam, tay hậu dài không được quá 30 cm, y Sadi có 3 điều dọc, không có điều tướng phước điền (điều ngang); Hàng giới phẩm Tỳ kheo mặc hậu vàng hoại sắc, tay hậu dài 80 cm. Y phước điền của giới phẩm Tỳ kheo chia ra 3 bậc Giáo phẩm: Giáo phẩm Đại đức sử dụng 3 y phước điền 5 điều, 7 điều và 9 điều; Giáo phẩm Thượng tọa sử dụng 3 y phước điền 11 điều, 15 điều và 17 điều; hàng Giáo phẩm Hòa thượng sử dụng 3 y phước điền 19 điều, 21 điều và 25 điều.
Y và Hậu của chư Ni: hàng giới phẩm Sadi và Thức xoa ma na mặc hậu lam, tay hậu dài không quá 30 cm; Y của Sadi ni và Thức xoa ma na có 3 điều dọc, không có điều tướng phước điền (điều ngang). Hàng giới phẩm Tỳ kheo Ni mặc hậu lam, tay hậu dài 80 cm; Y phước điền của giới phẩm Tỳ kheo Ni cũng được chia ra 3 bậc: hàng Giáo phẩm Đại đức Ni sử dụng 3 y phước điền 5 - 7 và 9 điều; hàng Giáo phẩm Ni sư sử dụng 3 y phước điền 11 - 15 và 17 điều; hàng Ni trưởng sử dụng 3 y phước điền 19 - 21 và 25 điều.
Ngoài ra, lĩnh vực nghi lễ trong Đại Giới Đàn, để tăng thêm phần uy nghiêm của Tam sư thất chứng, chúng tôi xin được đề nghị như sau:
- Hòa thượng Đường Đầu: Sử dụng Hậu vàng, Y đỏ viềng vàng, chân mang Hài, đầu đội Mão Quán Âm. (có thể dùng chất liệu vải đặc biệt).
- Hòa thượng Luật Sư: Sử dụng Y và Hậu màu vàng chanh có viềng đỏ(có thể dùng chất liệu vải đặc biệt), chân mang Hài, đầu không đội Mão (Giới Sư xưa nay không đội mão).
- Hòa thượng Yết ma A xà lê và Giáo Thọ sư: Sử dụng Y và hậu đồng nhất màu vàng hoại sắc có viềng đỏ, chân mang Hài, đầu đội Mão Hiệp Chưởng (có thể dùng chất liệu vải đặc biệt).
- Thất vị Tôn Chứng sư: Sử dụng Y và hậu đồng nhất màu vàng hoại sắc có viềng đỏ, chân mang Hài, đầu không đội Mão. (có thể dùng chất liệu vải đặc biệt).
Lĩnh vực Nghi Lễ Ứng Phó Đạo Tràng (trai đàn Kỳ An, Kỳ Siêu, Giải Oan, Cắt Kết, Chẩn Tế Cô Hồn và quan, hôn, tang, tế…): Tùy theo tông phái và sự ảnh hưởng văn hóa màu sắc từng vùng miền mà Ban Kinh Sư đồng nhất màu sắc Y và Hậu, chân mang vớ trắng và buộc ống quần (chỉnh y thúc đới); riêng vịSám Chủ trai đàn (chủ lễ): Phải là hàng Giáo phẩm Thượng tọa trở lên thì sử dụng Hậu vàng có viềng đỏ (không nên sử dụng Hậu màu xanh, đỏ, tím… lòe loẹt); Y vàng viềng đỏ hoặc Y đỏ viềng vàng tùy theo nghi thức và sử dụng thêm các loại Mão và Hài cho phù hợp ý nghĩa của từng nghi thức trai đàn, lễ nghi. Riêng hàng Giáo phẩm Đại đức làm Chủ sám (chủ lễ) thì chỉ được sử dụng Y Hậu vàng có viền đỏ, chân mang vớ trắng buộc ống quần (chỉnh y thúc đới), không được sử dụng các loại Mão, Hài.
b-2/ Hệ phái Nam truyền (Nam tông):Khi tham dự nghi lễ của Giáo hội, cũng như ứng phó đạo tràng thì mặc Y thượng (P. Satghati), đồng nhất màu vàng nghệ (không tươi),giống như áo choàng (the outer robe), che phủ y trung và y hạ, được khoác từ vai đến mắt cá, phủ kín toàn thân, trừ đầu và hai bàn chân. Còn gọi “y hai lớp”. Và tùy theo cấp bậc Giáo phẩm mà quy định bao nhiêu điều Phước điền Y như trên.
b-3/ Hệ phái Khất sĩ Việt Nam: Khi tham dự nghi lễ Giáo hội, cũng như ứng phó đạo tràng thì sử dụng Y thượng đồng nhất màu vàng hoại sắc, và tùy theo cấp bậc Giáo phẩm mà quy định bao nhiêu điều Phước điền Y như trên.
III/ Kết luận: 
Tất cả chúng ta đều biết: Không chỉ có y pháp làm nên thân tướng trang nghiêm, mà cần phải có oai nghi tế hạnh trong cách đi, đứng, nằm ngồi, tụng niệm, nói năng giao tiếp… mới nhiếp hóa tâm thức của trời, người và chúng sanh. Người xuất gia là bậc mô phạm, đầu tròn áo vuông mà nói năng hằng học, lỗ mảng, đi đứng ngữa nghiêng,... thì làm sao mà làm bậc mô phạm cho trời, người và chúng sanh; Người xuất gia khi mang Y, Hậu trên người mà đứng làm lễ gót chân không giao nhau thành chữ V,ống quần thì cao thấp không đều(không chỉnh y thúc đới), nhảy múa lung tung, nói năng không nhỏ nhẹ… thì làm sao trang nghiêm thân tướng, nhiếp hóa tâm thức chúng sanh, xứng danh bậc phạm hạnh của trời, người được. Vì thế, hàng xuất gia cần phải nghiêm trì giới luật, thực hành oai nghi tế hạnh mọi lúc, mọi nơi; đi nhẹ, nói khẽ…“Đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm, vào ra cười nói tướng đoan nghiêm”, để cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng trang nghiêm. Ban Tăng sự, Ban Kiểm soát và Ban Pháp chế cần phải đề ra phương pháp chế tài hoặc nghiêm trị hàng Tăng Ni trẻ lạm dụng pháp phục Phật giáo lòe loẹt, chạy theo mốt thời thượng ngoại lai, mang đậm nét thế tục để tô đẹp thân tướng của mình; nhất là một số Tăng trẻ ngày nay, giới đức chưa đủ, oai nghi tế hạnh chưa đầy, nhưng vì ham mê danh lợi, tiền tài vật chất nên đã lạm dụng y áo mão sặc sỡ đủ kiểu, đủ thứ màu sắc để mê hoặc lòng người, vọng tâm hướng ngoại, hưởng thụ tiện ích xa hoa, tạo ra sự hổn loạn hình thức và màu sắc pháp phục Phật giáo, ảnh hưởng đến sự trưởng dưỡng đạo tâm của tứ chúng và sự trang nghiêm của Giáo hội. 
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi xin mạo muội trình bày một số thao thức suy nghĩ và đề nghị về “Pháp phục của Tu sĩ Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”, kính mong chư Tôn đức tường lãm và góp ý thêm. 
Thành tâm kính lễ.
Trân trọng./.
Tham luộn của Hòa thượng Thích Phước Trí Phó Trưởng ban Nghi lễ TƯ. GHPGVN.
Nguồn Phattuvietnam.net 
 
Chia sẻ với bạn bè qua: