ĐăkLăk: Lịch sử Chùa Vương Xá tọa lạc tại Thành phố Buôn Ma Thuột
|
Chùa Vương Xá thành lập vào năm 1956 (Bính Thân) do một số người gốc tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa lên Đăk Lăk làm công chức, quân nhân, làm thầu khoán, hoặc làm nghề thợ hồ, thợ mộc và vợ con họ buôn bán nhờ chợ Buôn Mê Thuột để sinh sống. Số người này đều là Phật giáo từ quê hương sinh quán của họ.
Lên đây, ban đầu chưa có chùa nên họ đã trao đổi với cụ Hoàng Trọng Quang là người trong Hoàng tộc đang làm việc và cư trú tại Buôn Mê Thuột, xin cụ cho mượn căn gác gỗ của cụ đang ở tại số 38 đường Nguyễn Thái Học nay là Đường Điện Biên Phủ làm Niệm Phật Đường để có chỗ lễ bái và tu học.
Mười năm qua niệm Phật đường đã quy tựu nhiều tín đồ.Mọi sinh hoạt phật sự, lễ bái, tu học phát triển rất mạnh và đều đặn.Phật tử ngày càng đông niệm Phật Đường ngày càng chật hẹp nên các buổi lễ hàng tháng đều phải tổ chức hai lần chiều và tối để có chỗ cho Phật tử lễ bái.
Ban Đại Diện lúc bây giờ là cụ Hoàng Trọng Quang bác Võ Văn Đại, bác Đỗ Văn Lang, và Bác Ngô Lượng đã bàn tính tìm mua đất để xây chùa. Đầu năm 1965 (Ất Tỵ) cơ duyên đã đên nên bà Lê Thị Minh (bà Cụ Thất) thỏa thuận với Ban Đại Diện nhường căn nhà và lô đất số 800 tọa lạc tại đường Tôn Thất Thuyết số nhà 40 nay là số 58 Lê Hồng Phong TP Buôn Mê Thuột. Diện tích đất 4m50 nhân 28 = 126m vuông để xây cất chùa.
Sau khi mua được căn nhà và đất của bà Cụ Thất các bác trong Ban Đại Diện trình lên Giáo Hội Tỉnh để xin phép xây chùa được Giáo Hội Tỉnh chấp thuận và cho phép đặt đá khởi công xây dựng Chùa vào ngaỳ 12 tháng 10 năm 1965 do Đại Đức Thích Minh Đức Chánh đại diện Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh chủ lễ.
Vốn ban đầu của Chùa chỉ còn 585 đồng thời đó. Ban Đại Diện phải phân công nhau đi lạc quyên trong hàng Phật tử của Chùa.
Công tác xây cất Chùa do bác Ngô Lượng và anh Ngô Văn Đồng (cháu Bác Lượng) thi công công trình trong 1 năm 5 tháng. Ngày 31 tháng 3 năm 1967 (Đinh Mùi) Chùa Vương Xá xây cất hoàn thành.
Chùa được di dời từ nhà Cụ Hoàng 38 Điện Biên Phủ về Chùa mới 40 Lê Hồng Phong TP Buôn Mê Thuột và tổ chức khánh thành 2 ngày 4.5 tháng 4 năm 1967 (Đinh Mùi).
Đặc biệt là kiến trúc của Chùa Vương Xá không giống các chùa trong tỉnh và không thực hiện đúng bản vẻ thống nhất các tự viện của Giáo Hội Trung Ương được vì chùa ở trung tâm thành phố khu thương mại nên bắt buộc phải xây cất như một cửa hiệu, chỉ khác mặt tiền từ tầng một trở lên. Tuy vậy chùa vẫn có chánh điện tôn nghiêm 94m vuông 50 phía trước lầu 1 và nhà tổ, thờ Chư Linh 22m250 phía sau tầng 1. Có phòng làm việc của ban đại diện và phòng ngủ của tăng ni ở gác lửng. Tầng trệt trước là giảng đường sau là phòng ngủ nhà bếp và công trình vệ sinh. Mặt tiền trên sân thượng cũng có quan âm lộ thiên cao tầm 80cm.
Sau ngày khánh thành phật tử quan tâm cúng dường đồng thau và hiện kim để đúc đại hồng chung do Đại Đức Thích Quán Tâm chánh đại diện giáo hội tỉnh hướng dẫn và chú nguyện. Đại Đức Thích Quang Huy trụ trì Chùa Sắc Tứ Khải Đoan tự hướng dẫn về ninh hòa thỉnh cho chùa một cổ tróng lớn, ngoài ra phật tử phát tâm cúng dường mua sắm pháp khí và đồ đồng thờ tự trang nghiêm đầy đủ.
Những năm 1967. 1974 tại Chùa Vương Xá có 3 sư cô tạm trú để dạy học tại chùa nên việc công phu sáng chiều và các buổi nghi lễ thuần túy do các cô đảm nhiệm.
Trải qua các đời chánh đại diện Chùa Vương Xá gồm có:
Đạo hữu Tâm Minh Hoàng Trọng Quang 1956-1960
Đạo hữu Tâm Quảng Lâm Thành Thể 1961-1965
Đạo hữu Tâm Thiện Ngô Lượng 1966-1968
Đạo hữu Không Thừa Võ Văn Đại 1969- 1972
Đaok hữu Chúc Quang Đỗ Văn Lang 1973-1980
Đạo hữu Nhuận Thành Lê Văn Tín 1981- 1984
Đạo hữu Trừng Vinh Trần Công Trung 1985- 2007
Từ năm 1967 cho đến cuối năm 1974 số lượng tín đồ nam nữ phật tử càng ngày càng đông lên đến 470 người gồm các công chức, quân dân, tiểu thương và dân sống trong khu vực phường 4, phường 5, phường 6 nay là phường thống nhất và tân tiến còn có một số phật tử ở phường thành công, thắng lợi, tân lợi, tân thành, từ an, tân hòa, nay vẫn còn đến sinh hoạt tại chùa vương xá mặc dù các nơi này đều có chùa.
1975 sau ngày giải phóng Buôn Mê thuột một số phật tử trở về nguyên quán, một số công chức, quân dân phân tán đi nơi khác, số khác theo gia đình đi nước ngoài nên số lượng tín đồ ở chùa kể cả cũ và mới ngày thưa dần
Chùa có một chúng phật tử thọ thập thiện và bồ tát gồm 24 người do đạo hữu Võ Thị Bút làm chúng trưởng ngoài ra còn một đạo tràng nghi lễ trên 40 người do ban nghi lễ hướng dẫn.
Các buổi sinh hoạt thuần túy rằm mồng 1 hàng tháng phật tử tham dự đế 50%. Các buổi lễ tại tư gia do phật tử yêu cầu đạo tràng đều tham gia. Các ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan Phật tư tham dự đầy đủ
Các Phật sự do Ban Trị Sự Tỉnh đề ra Phật tử Chùa Vương Xá đều hoàn thành xuất sắc. công tác từ thiện từ thiện xã hội đều được phật tử tham gia tích cực nhất là những ngày lễ lớn mỗi năm. Thời gian hoạt động tích cực dồn hết tâm để làm phật sự cho chùa các bác đạo hữu ngày càng già yếu dần.
Đến năm 2007 đạo hữu Trần Công Trung tuổi đã già nên không đảm nhận được phật sự về làm cố vấn cho chùa và cũng có ý định thỉnh tăng ni về làm trụ trì, đồng thời bàn giao chức vụ chánh đại diện lại cho đạo hữu Lương Văn Thái.
Đạo hữu Tâm Trúc- Lương Văn Thái 2008 -2017
Các vị nêu trên đây những năm không làm chánh đại diện thì cũng là phó đại diện hay ủy viên trong các thời kỳ từ 1956 đến năm 2008.
Năm2007 đạo hữu Trần Công Trung vì tuổi già trở về làm cố vấn cho chùa mặc dù tuổi đã già nhưng tâm huyết đối với chùa không ngừng lo lắng.
Đến năm 2010 đạo hữu Trần Công Trung cùng với Ban Đại Diện bàn tính thỉnh Tăng Ni vè trụ trì đồng ý nhất trí. Ban Đại Diện bạch với ni sư Thích nữ Chúc Tâm trụ trì Chùa DượcSư xin một sư cô về chùa làm Phật sự. nhị vị Ni Sư đồng ý và cho sư cô Thích Nữ Thánh Hoài về tập sự.
Lúc đó sư cô Thánh Hoài đang học ở huế nhân dịp về chùa nghỉ tết cùng thầy tổ, ăn tết xong vào tối sám hối 14/1 âm lịch năm 2011 sư cô Thích Nữ Thánh Hoài lên Chùa Vương Xá sám hối gặp gỡ làm quen cùng ban đại diện và phật tử. Một lần đó sư cô ra lại Huế để hoàn thành tốt nghiệp Học Viện Phật Học.
Đến tháng 9 âm lịch năm 2011 tốt nghiệp xong về Buôn Mê Thuột trở lại Chùa Vương Xá vào những tối ngày 15 và mồng 1 sám hối hàng tháng, sau mấy tháng lên xuống đến ngày mồng 8 tháng chạp năm 2011 ban đại diện xuống Chùa Dược Sư thưa thỉnh Nhị vị Ni Sư Thích Nữ Chúc Tâm và Ni Sư Thích Nữ Chúc Như cho sư cô Thích Nữ Thánh Hoài về nhập tự tạm trú tại chùa Vương Xá.
Sau 3 năm thử thách hoạt động phật sự mãi đến năm 2014 được sự tín nhiệm của quý phật tử và sự chấp thuận của các cấp lãnh đạo chính quyền và Ban Tri Sự Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo tỉnh nhà, đã có giấy quyết định chính thức bổ nhiệm sư cô Thích Nữ Thánh Hoài làm trụ trì. Lễ công bố quyết định bổ nhiệm vào ngày 12 tháng 9 năm Giáp ngọ (2014).
Đứng trước trọng trách lớn lao này để bảo tồn ngôi già lam thánh địa ngày càng phát triển đi lên cùng thời đại đổi mới Đồng hành cùng thời gian đến lúc già cỗi mọi thứ đều xuống cấp đến lúc cần phải tu sửa.
Chiều 14 giờ ngày 26 tháng chạp năm giáp ngọ 2014 sư cô trụ trì mở ra cuộc họp để bàn bạc về vấn đề tu sửa, cuộc họp gồm có sư cô trụ trì, đạo hữu Trần Công Trung cựu chánh đại diện cũ và chánh đại diện hiện tại đạo hữu Lương Văn Thái, thư ký Trương Quốc Phú, thủ quý Lương Thị Quý và một số phật tử trong ban đại diện và một số phật tử tham dự cuộc họp.
Với ước nguyện để ngôi chùa an toàn hơn để có nơi cho hàng tăng ni phật tử về sinh hoạt khang trang thoáng mát hơn, rông rãi hơn. Sư cô cùng đông đảo quý đạo hữu phật tử chia sẽ ước nguyện mở rộng thêm 1 tầng để có nơi thờ tự đức phật bổn sư niết bàn, và tượng đài bồ tát quan thế âm.
Công trình thi công vào ngày 17/2/Ất Mùi (2015) Trúc trực với công việc liên quan đến công trình tu sửa cùng với Sư cô trụ trì gồm có đạo hữu Thọ Giác Trần Xuân Bình, đạo hữu Nhuận Quý Trương Quốc Phú và một số phật tử trong chùa.
Trải qua hơn 6 tháng cố gắng nổ lực thi công các công trình hạng mục cũng đã hoàn thành. Long trọng tổ chức lễ khánh tạ trùng tu và an vị Đức Bổn Sư Niết Bàn, Bồ Tát Quan Thế Âm vào ngày 20 tháng 12 năm 2015 (nhằm nhày 12 tháng 11 năm ất mùì).
Đến ngày mồng 10 tháng 6 năm 2016 (Bính Thân) sư cô Trụ trì mở ra cuộc họp để bầu lại ban hộ trì Tam bảo nhiệm kỳ 2017- 2021 gồm có:
Trưởng ban hộ trì tam bảo Phật tử Nhuận Quý Trương Quốc Phú.
Phó Ban hộ trì Tam Bảo Phật Tử Thọ Giác Trần Xuân Bình.
Thư ký Phật tử Nguyên Quảng Lê Thị Hạnh
Ủy Viên Thủ Quỷ Thọ Ngọc Ngô Thị Châu
Ủy viên văn hóa thông tin Phật tử Nguyên Biện Lưu Trọng Hùng
Ủy viên từ thiện Phật tử Vạn Mẫn Nguyễn Thị Nghi
Ủy viên kiểm soát Phật tử Quảng Đông Nguyễn Thị Xuân
Thành phần nhân sự trong ban hộ trì Tam Bảo được Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Đăk Lăk chấp nhận ban quyết định, cùng sống trong tinh thần hòa hợp hỗ trợ Trụ Trì thực hiện những công tác Phật sự.
Như vậy, Chùa Vương Xá từ khi thành lập cho đến ngày hôm nay đã trải qua 60 năm trong lòng giáo hội.Một lần nữa ngôi Chùa Vương Xá đã được tu sửa giờ đây trở nên khang trang, thoáng mát, mới mẻ hơn, tín đồ Phật tử càng đông hơn. Đó là sự thỏa mãn ước nguyện của thế hệ đi trước, cũng là niềm vui của thế hệ tiếp nối theo sau. Ngôi Chùa nay đã đầy đủ 3 ngôi báu Phật – Pháp – Tăng hàng đệ tử xuất gia và tại gia cùng sống trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trao dồi giới hạnh, thực hiện tốt các công tác Phật sự để nâng cao hơn sự nghiệp bảo vệ hoằng dương chánh pháp của Như Lai. Trên tinh thần”Đạo Pháp và Dân Tộc”.Ban Văn Hoá & Thông Tin Truyền Thông Phật Giáo Tỉnh Dak Lak