710 767
Tự Viện » Thành Phố Buôn Ma Thuột
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 03:14:37 26-09-2016 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Đăk Lăk: Lịch sử Chùa Sắc Tứ Khải Đoan tọa lạc tại Thành phố Buôn Ma Thuột.

Đăk Lăk: Lịch sử Chùa Sắc Tứ Khải Đoan tọa lạc tại Thành phố Buôn Ma Thuột.Nét độc đáo cổ kính của ngôi chùa giữa lòng thành phố Buôn ma thuột đang vươn lên hiện đại hóa, đã trở thành thắng cảnh du lịch của Tây nguyên.
  • Địa điểm: 117 Phan Bội Châu, Tp.Buôn Ma Thuột, Dak Lak
  • Năm Khai Sơn: 1951
  • Trụ trì hiện nay: HT. Thích Châu Quang
  • Điện Thoại: (05003).858.649

Bối cảnh khai sinh chùa Sắc Tứ Khải Đoan
Đạo Phật có mặt cùng dân tộc Việt Nam từ rất sớm. Tăng Ni và Phật tử Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trong lúc thịnh cùng lúc suy. Tất cả đã đi vào trang sử Việt một hình ảnh sinh động hùng tráng.
Từ cuối thời Hậu Lê sang đầu triều Nguyễn, thực dân Pháp xâm lược, dân tộc ta điêu linh, nhân tâm tao loạn, mọi giá trị văn hóa đạo đức tín ngưỡng truyền thống bị lung lay. Văn hóa vật chất Tây Phương xâm nhập, phong hóa dân tộc lũng  đoạn. Một bộ phận nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên bị lôi cuốn vào trào lưu mới này và dần đánh mất luôn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trước thực trạng đó, đầu những năm 30 của thế kỷ 20, các tổ chức quần chúng nhân dân đều đồng loạt đứng dậy tổ chức các cuộc vận động, khởi nghĩa nhằm vực lại sự tự chủ, độc lập chủ quyền lãnh thổ cũng như giữ gìn và phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. cùng chung vận hội đó với dân tộc, Phật giáo cũng đóng góp tiếng nói của mình. Hội Phật học ra đời, mở đầu thời kỳ chấn hưng Phật giáo khắp nước; cùng các tổ chức quần chúng vực dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, đóng góp sứ mệnh lịch sử vốn có vào sự nghiệp đòi hỏi hòa bình độc lập chủ quyền dân tộc bằng con đường của chính mình. Tổ chức thanh thiếu niên Phật tử, gia đình Phật hóa phổ, các Khuôn hội Phật học hình thành, đã vực dậy những giá trị tiềm ẩn của người Phật tử Việt Nam.
Các tổ chức Tăng già, Hội Phật học rộng khắp trên ba miền đất nước và lớn mạnh không ngừng . Năm 1951, một Đại hội Phật giáo được tổ chức tại chùa Từ Đàm - Huế, thống nhất sáu tập đoàn Tăng già và Cư sĩ, thống nhất ba miền Bắc Trung Nam. Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời. Đại hội suy tôn Hòa thượng  Thích Tịnh Khiết lên ngôi vị Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Trí Thủ giữ vị trí Tổng trị sự trưởng Tổng Hội Phật giáo Trung phần.
 
Duyên khởi hình thành tổ chức Phật giáo Đăk Lăk
Đạo Phật thực tế đã có mặt tại Tây Nguyên từ rất sớm. Khoảng những năm 1905, tại Đăk Lăk đã có những dấu hiệu về chùa chiền. Song, muốn tiến tới thành lập tổ chức Phật giáo Tây Nguyên nói chung và Phật giáo Đăk Lăk nói riêng, thì phải có cơ sở, do đó mà chùa Khải Đoan đã thành hình. Vùng đất Tây Nguyên bạt ngàn được chính phủPháp trao trả về cho Nam Triều là cơ duyên thuận lợi đến với tư duy của các vị lãnh đạo Phật giáo Trung phần.

Vào dịp Tết cổ truyền Tân Mão 1951, đức  Từ Cung và các mệnh phụ Tôn Thất đã lễ Phật đầu năm tại Tổ đình Báo Quốc. Câu chuyện  đạo đầu năm đã dẫn đến đại sự phát triển tổ chức Phật giáo tại Tây Nguyên. Tại cuộc đàm đạo này có đức Hội chủ Thích Tịnh Khiết, Bổn sư của đức  Từ Cung cùng quý Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Mật Hiển, Thích Mật Nguyện, Thích Trí Nghiễm, và Thích Thanh Trí. Vốn sẵn đạo tâm, đức Từ Cung hứa cúng lô đất 7 mẫu, 20.38, nguyên là lô đất do Bà lập miếu Thần Hoàng.

Mùa An cư năm Tân Mão, Hòa thượng Thích Trí Thủ vào giảng Kinh tại Đại nội, giấy tờ hiến cúng viết tay đã được trao để làm bằng chứng. Tại đó, đức Từ Cung còn hứa có gì khó khăn sẽ trao đổi với cụ Tôn Thất Hối, bấy giờ là đại diện Nam Triều tại vùng đất Hoàng triều cương thổ. Ngoài ra còn có các cụ Hoàng Trọng Văn, Hoàng Trọng Sính là chỗ thân tộc. Thế là thiên địa nhân hội đủ cho việc lập chùa tại Tây Nguyên.
 
Cơ sở pháp lý khu đất thành lập chùa Khải Đoan
Qua trao đổi bước đầu, Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc (tức đức Từ Cung) thuận cúng lô đất 7 mẫu 20.38 tại thị xã Ban Mê Thuột để tạo dựng cơ sở  tổ chức Phật giáo tại Đăk Lăk.
Buổi đầu là khu đất do bà tạo mãi dưới thời Nam Triều và được Tòa khâm mạng hoàng  triều cương thổ duyệt y ngày 7 tháng 11 năm 1953. Đến năm 1963, vào thời Cộng hòa dưới thời Ngô Đình Diệm, đức  Từ Cung mới lập tờ nhượng quyền ngày 18 tháng 3 năm 1963 trao quyền sử dụng cho Hội Phật giáo Trung phần thay thế quản lí và hưởng quyền sở hữu vĩnh viễn.
Bộ cải tiến nông thôn Việt Nam Cộng Hòa chính thức duyệt cấp theo nghị định số 304-3CTNT/ND/HCTC.3, ngày 12 tháng 5 năm 1964.
Như vậy, đất chùa Khải Đoan từ những năm 1951 đã có cơ sở pháp lý là Tòa khâm mạng Hoàng tiều cương thổ duyệt y. Về sau, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa được xác lập một lần nữa năm 1964.

Cũng trong thời gian này, chùa Khải Đoan xin trưng thêm khu đất dọc đường Phan Bội Châu, Hoàng Diệu, từ đường Nguyễn Trãi đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để xây dựng các cơ sở xã hội như Cô nhi viện Khải Đoan, trường Trung học Bồ đề, rạp Hòa Lạc… sơ đồ hiện lưu trữ tại Văn  phòng chùa Khải Đoan.
Bước hình thành ngôi Phật tự Khải Đoan
Phạm vi đất chùa được hiến cúng chạy dài theo đường Quang Trung và Phan Bội Châu bắt đầu từ đường Trần Bình Trọng xuống tận nghĩa trang làng Lạc Giao.
Nói về hướng chùa, ngày khởi công xây dựng ngôi Tổ đường theo lời Hòa thượng Thích Thiện Châu, nguyên giảng sư Tổng hội Phật giáo Trung phần, trụ trì chùa Trúc Lâm Pháp quốc; một lễ sai đồng được tổ chức do chính bà Từ Cung chủ trì. Khi cốt đồng nhập, một thanh kiếm được vung tít lên trời và cắm mũi về hướng Tây Nam nên đức Bà đã choxây hướng chùa nhìn xuống suối Đốc học như ngày nay. Về mặt phong thủy thì đó là tiền thủy hậu sơn, phía trước là suối Đốc học, sau lưng là làng Lạc Giao, ngày nay là thành phố Ban Mê Thuột.

Lễ đặt đá xây dựng tổ đường vào ngày Phật Thành đạo tháng 12 năm Tân Mão 1951, vừa để có nơi quy tụ nhân tâm quanh vùng, vừa làm chỗ sinh hoạt bước đầu cho Hội Phật học và có nơi để Phật tử chiêm bái góp công sức vào Phật sự chung. Dù chùa vua nhưng không thể thiếu sức đân, ấy là nền tảng sức mạnh của Phật Giáo Việt Nam. Vì thế công trình này đến giữa năm sau đã đưa vào sử dụng. Đại lễ Phật đản đầu tiên được tổ chức tại đây, quy tụ đầy đủ tầng lớp nhân dân như cung quân cáng chính tham dự.

Cùng thời gian tiến hành xây dựng tổ đường, Hòa thượng Thích Đức Thiệu được Tổng hội công cử giữ chức vụ trụ trì trông coi việc xây cất và Hội Phật học cũng được thành hình do cụ Hoàng Trọng Văn làm hội trưởng. Khải Đoan đi vào lịch sử khai sáng Phật giáo  tại Tây Nguyên và là trụ sở văn phòng Ban trị sự qua nhiều thời kỳ Giáo hội cho đến ngay nay. Cũng từ chốn Già lam này, hàng trăm ngôi Phật tự được hình thành, kể cả các chùa trước đây tại Đăk Nông.

Thời gian mới thành lập chùa, đường Quang Trung chỉ đến đầu đường Trần Bình Trọng là dứt; mãi sau này mới làm tiếp, được gọi là Quang Trung nối dài. Do vậy, cổng vào chùa tại đường Phan Bội Châu đã trở thành địa chỉ liên lạc chính về mặt hành chánh và giao lưu. Cổng Tam quan chính buổi đầu chỉ làm bằng gỗ, về sau mới xây bằng gạch như hiện nay.
Tiến trình tôn tạo ngôi Chánh Điện
Tổ đường hoàn tất, là địa điểm sinh hoạt của chùa và văn phòng Ban Trị Sự. Từ đó, nhân tâm quy ngưỡng, nên tiến tới xây dựng ngôi Chánh điện, khởi công năm 1953. Đây là một công trình mang nét đặc thù Tây Nguyên bởi sự kết hợp hài hòa giữa hình thái nhà sàn bản địa và kiểu dáng nhà rường chốn cung đình Huế. Ngôi Chánh điện được thiết kế 5 gian  dạng cổ lầu từ trụ cột vách ván rui mè đòn tay và mặt sàn đều bằng gỗ quý. Tất cả được đặt trên trụ đá rất kiên cố cao khoảng  2m7. Khoảng trống bên dưới sàn có thể sử dụng sinh hoạt. Mái chùa buổi đầu lợp ngói âm dương; nóc chùa phối cảnh lưỡng long chầu nguyệt, gắn mảnh sành, kẻ hoa văn rất công phu. Các góc mái có hình dao uốn cong vươn lên mềm mại giữa khung trời Tây Nguyên. Đây là lối kiến trúc khá độc đáo có một không hai trong các cảnh chùa của Việt Nam.
Từ nhà hậu Tổ cũng như ngôi Chánh điện đều do bàn tay khéo léo của các nghệ nhân cố đô vào thực hiện. Tất cả các nét điêu khắc chạm trổ  hoa văn trên gỗ, đến cả giao long trên nóc mái đều rất hài hòa. Hình ảnh giao  long uốn lượn mềm mại giữa khung cảnh núi rừng Tây Nguyên tạo thành nét đặc thù mang ý nghĩa đoàn kết Kinh - Thượng trong cộng đồng dân tộc Việt.
Sau gần 12 năm tồn tại và phát triển, năm 1964, ngôi Chánh Điện mới được nới thêm phần sau bằng bê tông cốt thép tường xây, sàn bê tông rộng chừng 9m tiếp nối phần Chánh Điện bằng gỗ. Không gian sử dụng có rộng hơn, đáp ứng nhu cầu lễ bái sinh hoạt; song nhìn thì không mấy hài hòa đẹp mắt.
 
Chùa Khải Đoan, quá trình tôn tạo, chỉnh trang các công trình
Từng bước nhằm hoàn thiện các công trình trang nghiêm chốn Già lam cho đến ngày Đại trung tu, trải qua thời gian trên 60 năm.
Cổng Tam Quan (đường Quang Trung)
Đây là một công trình khá độc đáo. Là một cổng Tam Quan, nhưng không hề giống bất kì cổng chùa nào trong cả nước. Mới nhìn, nó giống cổng một quan phủ huyện, lại có ba lối ra vào. Từ lúc đầu, phía trên không có mái chỉ một mặt bằng, chung quanh có lan can như một vọng gác ở nơi phủ đường. Cổng được tôn tạo năm 1957, cấu trúc theo dạng phủ huyện, rộng 10m5, dày 3m, cao khoảng 7m, phía trên chưa có mái. Về sau được chỉnh sửa, ở chính giữa tạo một vòm lầu trên có mái, hai bên có mái giả, hình cổ lầu, chung quanh cũng duy trì phần lan can. Có thể nói đây là một công trình hoàn chỉnh có độ dày thời gian so với công trình hiện có của chùa. Tuy trải qua nhiều lần tu chỉnh, nhưng kiểu dáng cơ bản vẫn giữ nguyên.
Cây Bồ Đề
là tặng vật lưu niệm của Đại đức Narada mang từ  Côlômbô qua Việt Nam nhân chuyến ghé thăm Banmethuot. Đại đức tặng chùa Khải Đoan năm 1962.
 
Quan Âm các
Quan Âm các được khởi công tôn tạo năm 1968, đến năm 1970 thì khánh thành. Đây là một biểu tượng tín ngưỡng mang tính phổ cập trong đời sống dân  gian Việt Nam, có mặt tại Đăk Lăk khá sớm. Công trình gồm một hồ hình tròn, chính giữa hồ, hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao trên 5m, ngự trong một lâu các hình lục giác, với ba mái cổ lầu lợp ngói âm dương, nóc và các mái vươn cao, uốn lượn mềm mại. Quanh hồ có lối đi, lan can bao bọc. Cổng vào bảo tượng và các trụ lâu các được chỉnh sửa nhiều lần, lần cuối cùng vào năm 2000, mới tạo hình rồng và nền trụ bằng hoa văn liên vạn. Hai câu đối ở trụ vào bảo tượng do học giả Tuệ Sỹ kính đề.
Đại Hồng Chung
là bảo vật hiến cúng của Hòang thái tử Bảo Long và Bảo Thăng , do các nghệ nhân  phường đúc Huế tôn tạo tại làng Hưng Đạo 1953.
 
Giảng đường, hay Hội trường chùa Khải Đoan
Vào những năm 70 của thế kỉ XX, một dãy nhà cấp 4, tường xây, lợp tôn được xây dựng làm nơi hội họp, gọi là giảng đường. Trước năm 1975, giảng đường liên thông với trường Trung học Bồ Đề (nay là trường Lê Hồng Phong).

Từ năm 1975 đến năm 1981, hội trường bị trưng dụng. Sau khi được trao trả lại, nhà chùa, thời Hòa thượng Thích Quang Huy trụ trì, đã sửa sang, chống dột, sơn quét lại để chuẩn bị tiến hành Đại hội bầu Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Đăk Lăk lần đầu tiên vào năm 1982, sau ngày đất nước thống nhất.
Năm 2003, chùa xin phép tu sửa, cơi nới toàn bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt Phật sự tỉnh hội đang đà phát triển. năm 2006, công trình trùng tu xây dựng hội trườnghoàn thành và đưa vào sử dụng đến ngày nay. Hội trường gồm 2 tầng lầu và một tầng trệt; toàn bộ được kết cấu bằng bê tông cốt thép rộng khoảng 12m, kể cả hành lang, dài 32 m, là nơi sinh hoạt hội họp và khu vực hành chánh của Ban Trị sự  Tỉnh hội.

Nhà thờ cốt
Do nhu cầu hoàn cảnh, năm 1997, một khu nhà trí cốt được tạo dựng cạnh Điện Di Đà, gồm một dãy nhà dài 12m rộng 7m, kết cấu bằng bê tông cốt thép gồm 3 tầng, 1 trệt 2 lầu. Mái cổ lầu nóc và các góc mái có hình dao long. Nguyên trước năm 1975, một số hài cốt được thờ chung với khu thờ linh tại nhà Tổ. Vào năm 1987, do nghĩa trang Phật giáo tại đường Phan Bội Châu phải giải tỏa làm trường học (trường PTTH Chu Văn An). Một số lớn hài cốt vô chủ được nhà chùa dời và hỏa táng rồi thỉnh về thờ tại đây và nhu cầu của phật tử được ký cốt tại chùa. Mấy năm sau, nghĩa địa làng giải tỏa, thân chủ xin mang hài cốt về thờ. Hiện tại, nơi đây thờ hàng ngàn cốt, đặc biệt một số hài cốt chôn tập thể sau hai trận chiến vào 1968 và 1972, nhà chùa đã đưa về thờ và có thể trong số này có các hài cốt của các Liệt sỹ.
Điện Di Đà, còn gọi là Tháp Hòa thượng  Quang Huy
Duyên khởi công trình này là tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quang Huy lúc sinh tiền, mong muốn tôn tạo một Bảo Tháp để thờ ngài  Thích Quảng Hương, nguyên trụ trì chùa Khải Đoan 1961-1963, vị Tôn giả đã tự thiêu tại công trường Lam Sơn trước chợ Bến Thành để đòi hỏi thực thi nguyện vọng của Phật tử và chống đàn áp, đòi quyền độc lập dân tộc, công bằng xã hội. Nhục thân của Tôn giả đã bị chính quyền Diệm thủ tiêu nay không biết nơi đâu. 
                           
Năm 1992, khi vừa khởi công thì Hòa thượng Quang Huy thọ bệnh. Đến năm 1993, Hòa thượng viên tịch, bấy giờ Tháp chỉ mới làm móng nên nhục thân của cố Hòa thượng được nhập tháp tại nơi này. Sau khi nhập tháp, công trình được tiếp tục tiến hành. Nhằm hài hòa giữa tâm nguyện của Hòa thượng và tương xứng với cảnh quan chùa,  bảo tháp được tôn tạo theo dáng một lâu các, trong lòng tháp an trí bệ thời tôn tượng đức Phật A Di Đà, và tháp cũng được xưng là Tháp Di Đà để tương xứng với  Điện Quan Âm.Tại sáu mặt của bệ tượng Phật A Di Đà được tôn trí hình ảnh Hòa Thượng và 5 bia kí tưởng niệm các vị Tôn túc tiền bối và vợ chồng vua Khải Định.

Năm 2007, Tháp được chỉnh sửa thêm một cổ lầu thành 3 tầng mái, có dao long và hoa văn cổ kính. Bảo tượng Di Đà cũng được một Phật tử hỷ cúng tôn tượng đúc bằng đồng thay cho tượng xi măng ban đầu.

Nhà Tăng
Công trình nhà Tăng nằm ở phía Nam dọc bờ tường đường Trần Bình Trọng, là nơi Tăng chúng thường trú sinh hoạt. Nhà được xây khoảng đầu thập niên 60 thế kỉ 20 bằng vách ván lợp tôn xi măng. Mấy năm sau, mới sửa mái bằng ngói và tường xây gạch.

Đến năm 1991, Hòa thượng Thích Quang Huy xin phép nâng cấp thành nhà 2 tầng. Tuy nhiên, việc tu sửa nâng cấp cũng chỉ chắp vá. Từ mặt nền đang có, gia cố móng, đổ trụ bê tông thành nhà cấp 3. Do điều kiện khó khăn những năm ấy, nên nhà vừa đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp. Khoảng 10 sau phải tu sửa lần nữa nhưng mái vẫn dột. Tuy nhiên vẫn cầm cự cho đến ngày Đại trùng tu.  

Nhà bếp
Đây là khu vực thiết yếu, song việc sửa đi sửa lại nhiều lần vẫn chưa trọn vẹn. Vì vậy, đi từ đường Phan Bộ Châu nhìn vào trông rất nhếch nhác. Với nhà chùa, gần như nhà bếp ít được quan tâm, mặc dù ngạn ngữ có câu, “có thực mới vực được đạo”, nhưng nhìn chung các chùa đều ít để ý mặt này. Khải Đoan, một ngôi chùa hội, cũng không ngoài suy nghĩ ấy.
Mãi đến những năm gần đây, sang thế kỷ 21, khu nhà bếp Khải Đoan mới được chăm chút phần nào, do các lễ hội thường xuyên được tổ chức, Phật tử ngày càng phát triển và nhất là tăng chúng thường trú ngày một đông; thế nhưng cũng chỉ chắp vá, chưa thực sự trọn vẹn.

Toàn bộ các công trình trên đây được ghi lại như một dấu ấn thời gian tồn tại và phát triển của ngôi Phạm vũ Già lam Khải Đoan nhằm để lại đôi nét cho hậu thế, nhất là sau ngày Đại trùng tu. Công trình Đại trùng tu là một công tình thế kỉ, đáp ứng với cảnh quan tôn giáo giữa lòng thành phố Ban Mê Thuột phát triển.

Ban Văn Hoá & Thông Tin Truyền Thông Phật Giáo DakLak
Chia sẻ với bạn bè qua: