Phóng sinh thế nào để không tốn tiền làm chuyện ác?
Chết vì được phóng sinh
Trên một số tờ báo mạng đã thông tin với hình ảnh rất cụ thể chi tiết những con chim chết rủ. Hình ảnh mua bán chim tấp nập không thua chợ Tết. Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) hàng năm là ngày lễ lớn nên người dân; phật tử thường đến viếng chùa và phóng sinh. Đến chiều ngày 5.3, những chú chim phóng sinh đã nằm chết la liệt trong các ngôi chùa ở Sài Gòn.
Quanh một số ngôi chùa ở TP.HCM như chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3), chùa Diệu Pháp, Lăng ông Bà Chiểu (Quận Bình Thạnh) đều có một chợ chim thu nhỏ nườm nượp người mua kẻ bán. Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3), chim phóng sinh được bán với giá 20 – 25 ngàn đồng/con. Đa phần người đi chùa đều mua cả lồng chim, có đến hơn 20 chú chim được nhốt trong chiếc lồng nhỏ. Khi thực hiện phóng sinh, có những chú chim bay lù đù rồi đáp xuống đất, nằm gãy cánh ngay lối đi của khách hành hương.
Những con chim bạc phước được nhà thiện tâm bỏ tiền phóng thích này từ đâu ra? Tại sao nó không được tự do bay trên bầu trời mà phải chết sau khi được phóng sinh? Ai đã tạo ra nghịch cảnh đau lòng là chim phải chết vì phóng sinh?
Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu bắt đầu cuộc đời sáng tác với bài hát "Trường làng tôi" với giai điệu trữ tình, ngọt ngào và lời ca bình dị nhưng gợi lên hình ảnh thân thuộc của quê hương: "Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, chim muông hát vang lên... Lời hát đã khái quát một quy luật của tự nhiên, nơi nào có cây xanh ắt có chim muông tụ về. Người ta xem đây là biểu tượng của điềm lành để con người quần tụ sinh sống theo thuật ngữ "đất lành chim đậu".
Phóng sinh có phải là phước báo, công đức lớn lao?
Có người phóng đại ý nghĩa thực dụng của việc phóng sinh là: "1. Không nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát. 2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh tật. 3. Tránh được thiên tai, dịch họa, không gặp các tai nạn. 4. Con cháu đông đúc, nối dõi không ngừng. 5. Chỗ mong cầu được toại nguyện. 6. Công việc làm ăn phát triển, hưng thịnh, gặp nhiều thuận lợi. 7. Hợp lòng trời, thuận tánh Phật, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỉ. 8. Giải trừ oán hận, các điều ác tiêu diệt, không lo buồn, sầu não. 9. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được an ổn. 10. Tái sinh về cõi trời, hưởng phước vô cùng. Nếu có tu Tịnh độ thì được vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc".
Chính quan niệm thực dụng đến thô thiển này đã kích động, khuyến khích việc tận thu tận diệt chim muông thiên nhiên để bán và những khách hàng mua chim cầu phước cho mình, mà bất chấp hậu quả chim phóng sinh sẽ sống hay chết, cũng không hề quan tâm số tiền bỏ ra đầu tư làm phước ấy đã kích thích người khác nhúng sâu vào tội ác.
Nếu việc phóng sinh được thực hiện do sự tính toán đầu tư để được phước báo, trường sinh hay những lợi ích thực dụng khác thì đều vô nghĩa. Việc này thực chất không tạo được công đức phước báo gì, mà còn tiếp tay cho người tận diệt chim trời để trục lợi. Người bỏ tiền mua chim, cá phóng sinh không mở được cái tâm bồ đề của mình, trái tim không thêm được sự rung động thương yêu, tri huệ không khai mở để thấy được cái thực ảo, sắc không của cuộc đời; mà còn nặng thêm cái tham dù đó là tham tốt: tham tạo phước, tham sống lâu, tham thành Phật...
Một chức sắc tôn giáo đã giải thích rằng. Hoạt động phóng sinh dựa trên tinh thần từ bi và bình đẳng giữa chúng sinh, và quan niệm nhân quả của sinh tử luân hồi.
Nếu vừa giữ giới sát, lại vừa phóng sinh thì công đức gấp bội.
Phóng sinh thế nào cho đúng?
Có thể thấy phóng sinh có gốc rễ ở giới sát. Cũng có thể nói phát triển giới sát thêm một bước, thành ra phóng sinh. Giới sát chỉ là ngăn không làm ác, là hành vi thiện thụ động. Phóng sinh cứu mạng là hành vi thiện tích cực.
Tóm lại phóng sinh là đúng, tốt, cần thiết; nhưng phải phát xuất từ lòng từ bi vô lượng và vô cầu vô vị lợi. Phóng sinh là vì thương yêu, vì sự sống của chúng sinh, chứ không phải vì vụ lợi, đầu cơ công đức cho mình.
Có người hướng dẫn việc phóng sinh thật thiêng liêng thần bí phải làm nơi vắng vẻ, không được nói với ai, phải phóng sinh trong ngày rằm nguyên tiêu... Thật ra tất cả những điều ấy đều là sự huyễn tưởng, không thấy được ý nghĩa chân chính của việc phóng sinh.
Hãy học theo lòng thương yêu vạn vật, chúng sinh của đức Phật, sống hài hòa nhân ái với cây cỏ tự nhiên đã là thể hiện sự phóng sinh rồi. Trong đời sống, cư xử nhân ái với con vật, với tạo vật thiên nhiên quanh mình, chăm chút cho cây cỏ từ nhà mình đến nơi công cộng cũng đã là tạo tác điều lành. Việc thả cá ở các dòng sông (mà phải là cá con, cá nhân giống không phải là cá bắt từ thiên nhiên) cũng là việc nên làm.
Việc mua và thả các chim thú thiên nhiên về với môi trường thiên nhiên cần làm thật cẩn trọng đúng nơi đúng chỗ, đúng thời điểm cho chúng sống được chứ không nhất thiết, không nên thả ở các ngôi chùa nhất là chùa trong vùng đô thị. Càng không nhất thiết phải chờ đến ngày rằm mà thả bất cứ lúc nào tốt nhất cho con vật ấy.
Điều quan trọng nhất là cần hiểu việc phóng sinh chỉ có lợi ích duy nhất là tập cho chúng ta biết yêu thương muôn loài, khai mở lòng từ tâm chứ không tích tạo phước đức cho kiếp này hay kiếp khác. Biết vậy mà vẫn làm tức là đã đạt đạo và góp phần giảm bớt cái ác do trục lợi từ việc giết chim để phóng sinh.
Anh Kiệt (Pháp luật & thời đại)