710 742
Tin Tức » Xã Hội
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 12:54:10 09-06-2023 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Ðạo đời hòa hợp để phụng sự nhân dân và đất nước

Ðạo đời hòa hợp để phụng sự nhân dân và đất nướcLTS: Ban Thông tin truyền thông Phật giáo tỉnh Đắk Lắk chia sẻ bài viết trên trang báo nhân dân, nhân sự kiện biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023, Hòa thượng Thích Châu Quang vinh dự là một trong năm gương điển hình của tỉnh Ðắk Lắk được tuyên dương ■
Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk có 192 cơ sở Phật giáo, với gần 190 nghìn Tăng, Ni, Phật tử. Trong những năm qua, các Tăng, Ni, Phật tử trong tỉnh luôn phát huy tinh thần "đạo đời hòa hợp" bằng những hoạt động thiện nguyện thiết thực để phụng sự nhân dân và đất nước. Người đi đầu thực hiện tinh thần này là Hòa thượng Thích Châu Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk, trụ trì Chùa Sắc tứ Khải Ðoan, ngôi chùa nổi tiếng ở Ðắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên.

Năm nay đã lớn tuổi nhưng Hòa thượng Thích Châu Quang vẫn khá bận rộn với công việc đời và đạo. Vì vậy, trước khi đi công tác, Hòa thượng Thích Châu Quang đã dành thời gian nghỉ trưa để trò chuyện với chúng tôi.

Mở đầu câu chuyện, Hòa thượng Thích Châu Quang cho biết: Là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Ðắk Lắk nhiệm kỳ 2015-2019 và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk nhiệm kỳ 2019-2024, nên Hòa thượng nắm khá rõ tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Là tỉnh có đến 49 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 35%, với trách nhiệm là Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk, chấp hành châm ngôn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là "Ðạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội", trong những năm qua, Hòa thượng Thích Châu Quang cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc và đồng bào phật tử giữ gìn đạo hạnh, sống tốt đời đẹp đạo, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Hòa thượng Thích Châu Quang chia sẻ: "Thông qua các khóa tu, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, bản thân tôi và Ban Trị sự Giáo hội đã lồng ghép tuyên truyền về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào Phật giáo tỉnh Ðắk Lắk. Việc học tập và làm theo Bác của phật tử là thi đua đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; chăm lo nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi; xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và tích cực đóng góp ngày công lao động, hiến đất, ủng hộ kinh phí cùng với chính quyền địa phương đẩy nhanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...".

Bên cạnh đó, Hòa thượng Thích Châu Quang cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động tăng, ni và phật tử trong tỉnh phát huy tinh thần "đạo đời hòa hợp" bằng những hoạt động thiện nguyện thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Trong 5 năm qua, nhất là trong hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát, Hòa thượng Thích Châu Quang đã cùng Ban Trị sự Giáo hội vận động nhân dân và phật tử đóng góp, trao nhiều đợt kinh phí hỗ trợ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đồng thời không quản ngại khó khăn, gian khổ, lặn lội đến các bệnh viện dã chiến và về tận các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, xây nhà tình thương, tình nghĩa..., với tổng kinh phí lên đến 142,8 tỷ đồng.

Hòa thượng Thích Châu Quang nhớ lại: "Trong thời điểm Covid-19 bùng phát, tôi đã chỉ đạo các chùa, cơ sở thờ tự không tổ chức sinh hoạt, không tập trung đông người để góp phần cùng các cấp, các ngành phòng chống dịch; đồng thời tích cực vận động phật tử và nhân dân quyên góp hỗ trợ bà con mình ở những khu phố, thôn, buôn bị cách ly và các bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị ở các bệnh viện dã chiến. Chính tinh thần đoàn kết ấy đã giúp tỉnh Ðắk Lắk sớm kiểm soát, đẩy lùi đại dịch, hạn chế được những thiệt hại, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân".

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Hòa thượng Thích Châu Quang luôn tự hào về ý thức và trách nhiệm của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng như đồng bào phật tử trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hòa thượng Thích Châu Quang cho biết, hưởng ứng chương trình phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2022, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk phát động, Hòa thượng đã cùng với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh vận động các chùa, cơ sở thờ tự và phật tử trên địa bàn tỉnh xây dựng, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường và thân thiện với môi trường trong thực hiện quy trình sản xuất, tích cực sử dụng năng lượng tái tạo, trồng cây xanh nơi công cộng, cơ sở thờ tự...

Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, trong giai đoạn 2016-2022, các cơ sở tôn giáo và đồng bào các tôn giáo toàn tỉnh đã trồng mới 39.650 cây xanh, khơi thông 12.710m dòng chảy, thu gom 1.014 tấn rác thải và 167 tấn rác thải nhựa, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ðắk Lắk đã thực hiện nhiều buổi lễ phóng sinh thả cá xuống các sông, hồ, ao; thả chim vì môi trường; vận động tăng, ni, phật tử không đốt vàng mã, hạn chế thắp nhang để tránh ảnh hưởng đến môi trường sống; tặng giỏ để chị em phụ nữ đi chợ góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon; tuyên truyền, vận động bà con phật tử thu gom rác thải, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, không đổ rác thải ra sông, suối, ao, hồ, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp...

Những việc làm thiết thực, ý nghĩa đó đã giúp đồng bào phật tử nói riêng, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung nâng cao ý thức, hạn chế việc đổ rác thải nơi công cộng, góp phần tạo cho môi trường xanh, sạch, đẹp, từ đó khơi dậy truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tạo nên sức mạnh nội lực trong mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng quê hương Ðắk Lắk ngày càng giàu đẹp.

Với những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo cũng như các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và địa phương phát động, Hòa thượng Thích Châu Quang được Ðảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Ðại đoàn kết dân tộc; được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk tặng nhiều bằng khen. Tại hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023, Hòa thượng Thích Châu Quang vinh dự là một trong năm gương điển hình của tỉnh Ðắk Lắk được tuyên dương ■

BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN CÔNG LÝ
Nguồn Báo Nhân dân

Chia sẻ với bạn bè qua: