110 485
Tin Tức » Phật Sự
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 10:44:33 31-08-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức đón nhận bộ Đại Tạng Kinh như một “Báu vật”

Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức đón nhận bộ Đại Tạng Kinh như một “Báu vật”Sau 45 năm thuyết pháp, những lời giảng daỵ của Đức Phật không những không bị quên lãng, thất lạc mà còn được lưu giữ, truyền bá mãi đến ngày nay, làm nền tảng cho một nền văn hóa vĩ đại với những đặc thù về mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, văn học, triết học, v.v... và trở thành nguồn sống và niềm hy vọng của nhân loại trên khắp thế giới.
Bộ Tạng Kinh hơn 200 cuốn; do Hội Đà giáo dục Kim Hội Đài Loan cúng dường và được Công ty TNHH Quốc tế Nghị Bửu vận chuyển về, Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức, đúng vào ngày rằm Tháng 7 (Ngày Vu Lan Báo hiếu năm 2015). Đây là Bộ Đại Tạng Kinh đầu tiên được Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức đón nhận.
Về chứng minh cho buổi Lễ đón nhận bộ Đại Tạng Kinh có Thượng tọa Thích Châu Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Đăk Lăk, các Đại đức Tăng, Ni các Chùa Tịnh xá trong tỉnh cùng với gần 1.000 phật tử trong tỉnh về tham dự.
Ý nghĩa của Bộ Đại Tạng Kinh là: Sau 45 năm thuyết pháp, những lời giảng daỵ của Đức Phật không những không bị quên lãng, thất lạc mà còn được lưu giữ, truyền bá mãi đến ngày nay, làm nền tảng cho một nền văn hóa vĩ đại với những đặc thù về mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, văn học, triết học, v.v... và trở thành nguồn sống và niềm hy vọng của nhân loại trên khắp thế giới. Được như thế, có hai nguyên do: Thứ nhất, những lời giảng dạy của Đức Phật phù hợp với chân lý khắp nơi và muôn đời; thứ hai do quá trình lưu giữ và truyền bá của chư vị thánh tăng mà trong đó, những lần kết tập kinh điển và những công trình phiên dịch kinh điển là căn bản.
Không có những lần kết tập kinh điển và những công trình phiên dịch kinh điển thì không có Tam Tạng Thánh Điển như ngày nay.
Chính lần kết tập thứ nhất đã hình thành Luật tạng và Kinh tạng. Lần kết tập này được tổ chức chỉ 4 tháng sau khi Đức Phật Niết Bàn. Luật tạng do ngài Upali (Ưu Ba Li) chủ trì và Kinh tạng do ngài Ananda (A Nan Đa) chủ trì. Dĩ nhiên các lần kết tập kế tiếp đã bổ túc thêm nội dung cho Luật tạng và Kinh tạng. Luận tạng được thành hình trong hai lần kết tập thứ ba và thứ tư. Lần kết tập thứ ba do vua Asoka (A Dục) hậu thuẩn và bảo trợ tổ chức sau khi Đức Phật Niết Bàn 218 năm (trước Tây lịch 325 năm) nhằm thanh lọc những pha trộn và phản bác những xuyên tạc của ngoại đạo cùng lúc đúc kết các bài thuyết giảng về tâm lý, thể tính và sự tướng của vạn pháp, tạo thành Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma). Lần kết tập thứ tư diễn ra khoảng 400 năm sau Đức Phật Niết Bàn do vua Kanishka (Ca Nị Sắc Ca) bảo trợ tổ chức, soạn ra được ba bộ luận nhằm giải thích kinh, luật và luận gồm ba mươi vạn bài tụng. Theo Phật giáo Nam truyền, lần kết tập thứ tư diễn ra tại Sri Lanka (Tích Lan) cũng khoảng thời gian 400 năm sau Đức Phật Niết Bàn do vua Vattagàmani bảo trợ tổ chức với thành quả là hoàn tất và viết xuống bằng tiếng Pàli toàn bộ Tam tạng kinh điển hệ Nam truyền.
Cho đến thế kỷ thứ 10, Phật giáo Ấn Độ nói chung và Phật giáo Bắc truyền Sanskrit nói riêng vẫn phát triễn tốt đẹp. Không ai có thể nghĩ rằng sau đó không lâu, đặc biệt từ đầu thế kỷ 13 trở đi, Phật giáo xem như bị triệt tiêu hoàn toàn. Bị triệt tiêu đến độ có thể nói Phật giáo đã vắng bóng hẳn 5 thế kỷ trên chính quê hương của mình. Các nhà nghiên cứu đã nêu ra nhiều nguyên do, nhưng chính yếu là do sự tiêu diệt của các bộ tộc Hồi giáo thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Với tinh thần kỳ thị, bất khoan dung tôn giáo một cách cực đoan, cuồng tín, họ đã tàn sát những người không chịu theo Hồi giáo, đốt phá chùa chiền, kinh điển và các cơ sở văn hóa không thuộc Hồi giáo. Điển hình trường hợp Phật Học Viện Nàlandà. Đây là một trung tâm văn hóa, giáo dục, đào tạo danh tiếng kỳ cựu của Phật giáo ở Ấn Độ được vua Sakrăditya (Thước-ca-la Dật-đa) thành lập trong thế kỷ thứ hai, nghĩa là trước khi bị tàn phá hơn 10 thế kỷ, nơi lúc đông nhất có đến mười ngàn học viên, nơi các luận sư danh tiếng của Phật giáo Đại Thừa như các ngài Vô Trước, Thế Thân, Long Thọ giảng dạy, nơi ngài Huyền Trang, Pháp Hiền, Nghĩa Tịnh trong thế kỷ thứ 7 đã lưu trú tu học, nơi mà từ xưa đã nổi tiếng có một thư viện tàng trữ nhiều sách quý và hiếm, kể cả những kinh điển Sanskrit… Chính nơi đây đã hai lần bị các đạo quân Hồi giáo tàn phá. tiêu diệt. Lần thứ nhất, năm 1197, dưới sự chỉ huy của tướng Mohammad bin Bakhtyan, bộ tộc Hồi giáo Khaj thuộc Thổ Nhĩ Kỳ đã đốt phá cơ sở, kinh sách và giết trên 8000 tu sĩ và trên 1500 vị giáo sư tu sĩ lỗi lạc đương thời tại Đại Học Nàlandà. Lần thứ hai, năm 1235, một đạo quân Hồi giáo khác đã đốt phá và giết hại hầu như tất cả những người cư trú tu học và giảng dạy tại đây, chỉ còn lại 70 vị Tăng sống sót phải trốn sang Nepal và Tây Tạng. Đó là điển hình cho hầu hết những chùa chiền, cơ sở của Phật giáo khắp nơi trên đất Ấn. Đó là lý do tại sao Phật giáo đã bị vắng mặt hoàn toàn tại Ấn Độ suốt 5 thế kỷ. Đó cũng là lý do tại sao đại bộ phận kinh điển Sanskrit biến mất khiến cho ngôn ngữ Sankrit, cái nôi chuyên chở kinh điển Phật giáo Bắc truyền đã không là ngôn ngữ gốc của một Đại Tạng Kinh Phật giáo Bắc truyền ngày nay như Pali là ngôn ngữ gốc của Đại Tạng Kinh của Phật giáo Nam truyền.
Tuy nhiên, cũng còn may mắn. Đại bộ phận kinh điển Sanskrit mà phần lớn bị đốt phá, tiêu diệt ở Ấn Độ đã được bảo lưu qua các bản dịch Tây Tạng và Trung Hoa vài thế kỷ trước đó để về sau trở thành Đại Tạng Kinh Tây Tạng và Đại Tạng Kinh Trung Hoa.
Đại Tạng Kinh hay Tam Tạng Kinh Điển hay Tam Tạng Thánh Giáo là tên gọi chỉ cho toàn bộ kinh điển Phật giáo đã được hệ thống hóa trong cùng một ngôn ngữ, bao gồm 3 tạng: Kinh, Luật, Luận. Từ hai ngôn ngữ gốc được dùng để ghi chép kinh điển là Sanskrit và Pali, kinh điển Phật giáo hiện nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới nên cũng đã có nhiều Đại Tạng Kinh với ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, do các yếu tố hoàn chỉnh, hệ thống và ảnh hưởng lịch sử mà các Đại Tạng Kinh Pali, Trung Hoa và Tây Tạng có giá trị vượt trội hơn. Cần để ý rằng trong cùng một loại Đại Tạng Kinh có những khác biệt trong mỗi ấn bản, chẳng hạn có những khác biệt trong Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Thái Lan so với Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Tích Lan. Cũng vậy, tuy được xem là Đại Tạng Kinh Trung Hoa, nhưng có những khác biệt về nội dung giữa các ấn bản của Nhật, của Đại Hàn, của Trung Hoa vì khi tập thành đã dựa trên những ấn bản khác nhau trước đó của Đại Tạng Kinh Trung Hoa.
Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, người có cuộc sống giản dị, mộc mạc và cần kiệm khắc khổ, qua hai mươi mấy năm chỉ ăn cơm gạo lức với muối mè, dốc toàn tâm toàn lực đầu tư vào việc vận động phục hưng Phật giáo Đài Loan và tích cực đào tạo nhân tài ưu tú cho Đài Loan. Năm 1994, Ngài không quên tiến hành kế hoạch phiên dịch Đại Tạng Kinh chữ Việt đem tất cả tiền lương dạy trong Viện Đại học của mình cống hiến cho sự nghiệp dịch Đại Tạng Kinh. Ngài đã kết hợp với các chuyên gia, học giả Việt Nam và Đài Loan, đã trải qua 8 năm tiến hành phiên dịch Đại Tạng Kinh không ngừng nghỉ, tính đến nay (cuối năm 2003) đã dịch xong gần như trọn bộ hàng ngàn bộ Kinh, Luật, Luận.
Bộ Tạng Kinh hơn 200 cuốn được chuyển từ Đài Loan về với Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức là một “Báu vật” vô lượng, vô biên; là một kho tàng Văn học để Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức lấy nền tảng đó truyền dạy cho muôn đời sau.
Chứng minh cho buổi Lễ nhận Đại Tạng kinh; Thượng toạ Thích Châu Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Đăk Lăk nói: Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, tôn giả Ma Ha Ca Diệp (Mahàkassapa) lãnh đạo 500 vị A la hán mở đại hội kết tập Pháp tạng lần thứ nhất. Kế đến, khoảng 100 năm sau, 700 vị A la hán lại kết tập Pháp tạng lần thứ hai, dưới sự chủ trì của trưởng lão Nhất Thiết Thứ và Ly Bà Đa. Thế rồi, cách chừng 118 năm sau đó, 1.000 vị A la hán tại kế tập Pháp tạng lần thứ ba, dưới sự chủ trì của tôn giả Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta-tissa). Lần kết tập này mới bắt đầu biên tập Luận điển. Sau đó, vương tử Ma Sẩm Đà (Mahinda) đem tam tạng này truyền sang Siri Lanka (Tích Lan) và được gọi là Tam tạng Thánh giáo Pàli (Pàli Tipitaka). Các điển tích Đại Tạng Kinh hiện còn nói về niên đại thành lập không nhất trí. Do đó, niên đại thành lập chậm nhất được suy đoán là vào khoảng thế kỷ thứ hai đến thế kỷ nhất đến thế kỷ thứ hai trước Tây lịch. Nhưng theo Đảo sử Tích Lan thì lần đầu tiên Tam tạng được ghi chép trên lá bối tại Sri Lanka (Tích lan) vào khoảng năm 83 trước Tây lịch, dưới triều Vua Sinhala Vattagamani Abhaya. Tam tạng này chứa đựng tinh hoa giáo lý của Đức Phật, gồm có tạng Luật (Vinayya), tạng Kinh (Sutta pitaka) và tạng Luận (Abhidhamma pitaka), tất cà 41 tập.
Ngày nay, người học Phật, trong mọi cố gắng tự thân để tiếp cận với hệ thống kinh điển, không thể không có những hiểu biết nhất định về Đại Tạng Kinh. Đây là Bộ Tạng Kinh có giá trị; vì vậy mỗi người con Phật phải biết gìn giữ và bảo quản cho muôn đời con cháu mai sau.
Một số hình ảnh, đón nhận Đại Tạng Kinh do Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức tổ chức 






Đại Đức Trụ trì và Phật tử bổn tử dâng đại tạng kinh lên Tam bảo


TT Thích Châu Quang Trưởng Ban Trị sự PG tỉnh DakLak chứng minh lễ đón nhận Đại Tạng Kinh

Thượng tọa Trưởng Ban trị sự Ban đạo từ buổi lễ đón Đại Tạng kinh


 
Bộ Đại Tạng Kinh hơn 200 cuốn



 
Lễ Vu Lan 





 Cài Hoa hồng cho Chư tôn đức




ĐĐ Thích Trúc Thông Trụ và đại biểu chính quyền phóng sinh
Chư tôn đức phát quà từ thiện 


Minh Nghiêm
Ban TTTT Giáo hội Phật giáo Đăk Lăk
 
Chia sẻ với bạn bè qua: