Lễ tưởng niệm 707 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn
Cung nghinh chư tôn đức - Ảnh: Bảo Thiên
HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Chứng minh Ban Hoằng pháp T.Ư; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS cùng chư tôn Giáo phẩm HĐTS, Ban Hoằng pháp T.Ư cùng các tỉnh, thành; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã quang lâm chứng minh buổi lễ.
Ông Dương Ngọc Tấn, Phó ban Tôn giáo Chính phủ; ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo các bộ ngành trung ương, tỉnh Quảng Ninh và hàng ngàn Phật tử khắp nơi về dự lễ.
HT.Thích Bảo Nghiêm đọc lời khai mạc - Ảnh: Bảo Thiên
Chư tôn đức và đại diện chính quyền dự lễ - Ảnh: Bảo Thiên
“…Cần phải nói rằng, trong định hướng cho tương lai, thì hoằng pháp vẫn là một giải pháp không thể thiếu trong sứ mệnh hoằng truyền Chánh pháp, vì hoằng pháp đáp ứng được một số nhu cầu thiết thực của tín đồ Phật tử. Hoằng pháp chính là công tác nhân bản, bởi nó nhắm thẳng vào con người để xây dựng con người hoàn hảo. Hơn thế nữa, con đường hoằng pháp của Phật giáo Trúc Lâm rất giản đơn nhưng mạch lạc, tuy cao thâm nhưng gần gũi, khiến cho người học đạo dễ tiếp thu, dễ thực hành, mang lại hiệu quả thiết thực và lợi ích ngay trong đời sống của con người... - HT.Thích Bảo Nghiêm |
Phát biểu khai mạc lễ tưởng niệm, HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, đồng Trưởng ban Tổ chức cho biết, Thiền phái Trúc Lâm là sự hợp nhất ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, nên đã hội tụ và dung hợp được nguồn minh triết của ba thiền phái vốn du nhập từ Ấn Độ và Trung Hoa.
Từ sự hội tụ tinh hoa đó đã tỏa ra bốn luồng tư tưởng đốn siêu phương tiện, cao vút thâm sâu nhưng lại rất thiết thực gần gũi với đời sống hằng ngày của người dân Việt, đó chính là tư tưởng “Thiền tùy tục” của Thiền sư Thường Chiếu; “Biện tâm” của Trần Thái Tông; “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung thượng sĩ và “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Thiền phái Trúc Lâm và tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hội tụ được trí tuệ, tinh hoa và khí chất của dân tộc Việt - gần như đã lột xác hoàn toàn, đúng nghĩa là một thiền phái của người Việt, mang tên Việt, và các vị tổ sư đều là người Việt. Chính vì vậy mà sau khi ra đời, Phật giáo Trúc Lâm có một vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Điều quan trọng là nó đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát triển những giá trị văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc.
“Tinh thần nhập thế đã thắt chặt mối quan hệ đạo với đời, đó là “không xa lánh cõi đời, cùng gánh vác việc đời”, biến sự đồng hành của Phật giáo với dân tộc thành sự hòa quyện như nước với sữa, không thể tách rời nhau được, sự hòa quyện này đã dung hợp được các mối tương quan then chốt trong đời sống, giữa “đời” và “đạo”, giữa “bác học” và “dân gian”, khiến cho mọi tầng lớp trong xã hội không còn cách biệt nhau và rất dễ dàng thấm sâu nền đạo đức nhân văn và triết lý giải thoát cao thâm của Phật giáo”, HT.Thích Bảo Nghiêm khẳng định.
Hòa thượng cũng cho biết, lịch sử đã ghi nhận vua Trần Nhân Tông là một bậc quân vương nhân từ, một nhà chính trị lỗi lạc, nhưng đồng thời cũng ghi nhận ngài là một thiền sư uyên thâm và chứng ngộ, một nhà lãnh đạo tài ba và uy tín của Phật giáo trong suốt một ngàn năm qua.
Sau khi hoàn thành trọng trách đối với dân tộc trên cương vị của một bậc quân vương, thì suốt cuộc đời làm Tăng của vua Trần Nhân Tông là một chuỗi ngày hoạt động tích cực và hiệu quả cho công cuộc hoằng pháp độ sanh và cho sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm.
Với tinh thần trên, theo Hòa thượng, nhân lễ tưởng niệm 707 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn, Ban Hoằng pháp T.Ư phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ hội hoằng pháp toàn quốc 2015, hội thảo “Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan tỏa” - gồm các chương trình tri ân đến anh hùng tử trận Bạch Đằng, pháp hội Dược Sư cầu nguyện quốc thái dân an và lễ chú nguyện đúc 100 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hộ quốc an dân, lễ truyền đăng...
Theo đó, Hòa thượng đề nghị các đại biểu tham dự cần phát huy hết khả năng vốn có và cần trau dồi thêm những phương tiện quyền xảo, cộng với lòng bi mẫn để dấn thân vào công cuộc hoằng truyền Chánh pháp, đồng thời, đưa ra giải pháp về công tác hoằng pháp phù hợp với thời đại, vừa giữ gìn được bản sắc truyền thống vừa tiếp thu văn hóa nhân loại một cách hữu hiệu nhất.
Ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu - Ảnh: Bảo Thiên
HT.Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh: Bảo Thiên
Toàn cảnh lễ khai mạc - Ảnh: Bảo Thiên
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Dương Ngọc Tấn, Phó ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá cao các hoạt động nhập thế của GHPGVN. Nhị vị cũng đề nghị chư Tăng Ni, Phật tử cả nước cần noi gương các bậc tiền nhân, thể hiện sự đoàn kết, hòa hợp, xương minh Giáo hội và đóng góp tích cực vào sự nghiệp hộ quốc an dân.
Dịp này, toàn thể chư tôn đức Tăng Ni, quý đại biểu còn lắng lòng nghe văn tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông của Trung ương Giáo hội, đạo từ của HT.Thích Trí Quảng và thành kính thực hiện nghi thức tâm linh tưởng niệm 707 năm ngày Phật hoàng nhập Niết-bàn.
HT.Thích Trí Quảng ban đạo từ - Ảnh: Bảo Thiên
Trang nghiêm tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh: Bảo Thiên
Chư tôn đức và quan khách dâng hương tưởng niệm - Ảnh: Bảo Thiên
Toàn cảnh lễ khai mạc - Ảnh: Bảo Thiên