910 699
Tin Tức » Phật Sự
Chia sẻ với bạn bè qua:
Đông Triều. 07:33:29 07-07-2016 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

* Thống Nhất Trong Đa Dạng (1)

* Thống Nhất Trong Đa Dạng (1)ĐakLak. Hình như trong các tôn giáo hiện nay, giáo lý, kinh tạng, nghi lễ, sắc phục, pháp phục, văn ngôn thuật ngữ, kiến trúc thờ tự... đa dạng nhất, có lẽ chỉ có Phật giáo Bắc truyền.

Không chỉ Phật giáo Việt Nam, ngay cả Kim Cang thừa của Tây Tạng cũng có sắc thái đặc thù của 4 phái (Nyingma-Sakya-Kagyu và Gelug).
Các tông phái Nhật Bản cũng mang sắc thái riêng biệt như: Thiền Tông (Zen Sect)- Tịnh Ðộ Tông - Thiên Thai Tông - Nhật Liên Tông - Chân Ngôn Tông... nghĩa là Phật giáo Bắc truyền đa dạng hơn Phật giáo Nam truyền sau khi các bộ phái được phân lập thì hình thức cũng như nội dung hành trì cũng từ đó được thiết chế, vì thế Phật giáo Bắc truyền đã dễ dàng thẩm thấu vào các xã hội Đông Tây hiện nay, (có lẽ vì thế mà Bắc truyền đã đi quá xa từ nguồn gốc?).
Tại Việt Nam, hiện nay tồn tại hai hệ phái rõ nét: Bắc truyền và Nam truyền.
Nam truyền (Nam Tông Kinh) được du nhập từ thập niên 30 của thế kỷ 20, do thu hẹp sinh hoạt nên vẫn giữ được nét nguyên thủy từ hình thức đến nội dung. Nam tông K'hmer có mặt rất sớm tại miền Nam khi lãnh địa Việt Nam phát triển về miền Tây Nam bộ vào thế kỷ 18. Nam tông K'hmer có mặt nhiều nhất tại miền Tây, Nam tông Kinh cũng đang tồn tại cả miền Nam lẫn và miền Trung. Pháp phục vẫn giữ nét truyền thống từ thời đức Phật, tuy tông màu tam y so với Phật giáo Nguyên thủy của các quốc gia trong khu vực có đậm nhạt khác nhau. Văn tự vẫn lấy Pali làm gốc.
Riêng Phật giáo Phát Triển (Đại thừa) thì từ hình thức đến nội dung hoàn toàn khác biệt với Phật giáo Nguyên Thủy. Giữa Phật giáo Phát Triển của Việt Nam và Trung Hoa không mấy có sự dị biệt khi mà đất nước đã hai lần bị lệ thuộc vào Trung Quốc, mặc dù Phật giáo du nhập vào Việt Nam trước Trung quốc, nhưng do sự giao thoa trong cuộc sống, việc ảnh hưởng nhau từ văn tự cho đến tín ngưỡng nhân gian và Tôn giáo đều tương cận. Tuy nhiên, Phật giáo cũng như dân tộc Việt Nam, một góc độ nào đó, vẫn giữ được nét đặc thù khi tiếp nhận văn hóa của nhau, sự tiếp biến đó đã thể hiện tinh thần độc lập của một dân tộc từng bị một ngàn năm ngoại thuộc mà không hề mất gốc.
Các tổ sư Trung Hoa đã có mặt tại Việt Nam do nhu cầu truyền bá, cũng một phần do Phật giáo Việt Nam cung thỉnh sang truyền giới, phát triển đạo tràng, Thiền tông, vì vậy, mặc dù âm vận khác biệt nhưng cùng một nét chữ vuông. Mãi về sau, do tính tự tồn của dân tộc, cha ông ta đã triển khai chữ Nôm dành riêng cho người Việt, nhưng khó phát triển, vì chỉ sử dụng hạn chế trong một số cửa Thiền và văn bản cung triều. Cho đến khi chữ quốc ngữ hiện nay được tiện dụng nên văn hóa dân tộc và văn hóa Tôn giáo đã được đa dạng hóa qua việc truyền bá và hành trì.

Nói như thế không có nghĩa trước kia Phật giáo Việt Nam không có nét đặc thù. Để thoát Trung về mặt tín ngưỡng Tôn giáo, Tông phái Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng khởi xướng, suốt thời gian khá lâu, một Thiền phái thuần Việt được rạng rỡ độc lập, ngay cả văn hóa dân tộc dưới thời Lý Trần cũng cách biệt với "mẫu quốc". Các Thiền sư, Quốc sư đã chứng tỏ cho "mẫu quốc" thấy rằng ngoài bầu trời vẫn có một mặt trời phương Nam rạng chói. Chính vì thế, mặc dù văn tự, ngôn ngữ, kiến trúc, pháp phục, nghi lễ của Phật giáo Việt Nam thoáng nhìn cứ như rập khuôn Trung quốc, thực chất nó vẫn có nét riêng biệt mà chỉ người trong cuộc mới nhận dạng phân biệt được.
Trải qua hàng ngàn năm tồn tại, Phật giáo Việt Nam cũng biến cải khá nhiều về mọi mặt, tuy nhiên, để cho cái nhìn ngoại cuộc, nhất là các quốc gia phương Tây không phân biệt được giữa Phật giáo Việt Nam và Trung quốc về phương diện hình thức, nhất là kiến trúc nơi thờ phượng cũng như văn tự kinh điển, đã nhiều lần chư Tôn đức và các nhà văn hóa Phật giáo vẫn trăn trở cho một cuộc canh tân để cho Phật giáo Việt Nam có một nét cá biệt như sự cá biệt của Phật giáo Phát Triển mà các quốc gia Châu Á hiện nay đang thủ đắc.
Bốn lãnh vực rõ nét hiện nay của Phật giáo Việt Nam là: Pháp phục - Kiến trúc - Ngôn ngữ - và Di sản tâm linh. Một công trình vĩ đại đã từng ăn sâu vào máu huyết của nhiều thế hệ, đặt vấn đề canh tân là cả một sự khó khăn và mạo hiểm, tuy khó vẫn phải làm và mạo hiểm vì bao chướng ngại từ các hệ phái đang duy trì một tông phong cá biệt  phải được hóa giải: THỐNG NHẤT TRONG ĐA DẠNG; đây là một ý tưởng và cũng là một trọng trách của Ban Văn Hóa và Ban Nghi lễ cần phải làm và đang xắn tay nhập cuộc, đòi hỏi các hệ phái cần đồng lòng chung tay.
Ngày 02 và 03/7/2016 đã có cuộc Hội thảo Khoa Học tại chùa Yên Phú- Liên Ninh- Thanh Trì- Hà Nội do Ban Văn Hóa và Ban Nghi Lễ đứng ra tổ chức, thu nhận ý kiến và lắng nghe mọi đóng góp cho một lộ tình lâu dài trước mắt. Tham dự, ngoài các chức sắc Phật giáo, các ngành liện hệ đến Phật giáo, còn có một số nhà trí thức, chuyên gia như - Hội Kiến trúc sư VN - Viện Bảo tồn Di tích - Viện Ngôn ngữ học - Tập đoàn Dệt May VN - Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Hy vọng Phật giáo Việt Nam hiện nay sẽ có bước đột phá, tiếp nối truyền thống cha ông từng chuyển mình để có một Phật giáo Việt Nam mà chúng ta đang thừa hưởng.
(còn tiếp)
MINH  MẪN   
04/7/2016 
 
Chia sẻ với bạn bè qua: