1010 143
Nghiên Cứu » Các Tông Phái
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 10:18:48 20-03-2015 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Sư tu theo truyền thống Phật giáo nào?

Sư tu theo truyền thống Phật giáo nào?Chắc hẳn, những vị đã từng là Tăng-ni sinh Khất sĩ du học tại nước ngoài như các nước Phật Giáo Đại thừa (Mahayana), và Phật Giáo Nguyên thủy (Theravada). Sẽ bao lần nghe chung một câu hỏi: Bạn theo truyền thống Phật giáo nào?

 

Với tôi, là một Tăng sĩ trẻ hiện đang du học tại Thái Lan. Với những trải nghiệm sâu sắc từ một đất nước Phật giáo với nhiều truyền thống, văn hóa và sinh hoạt đặc thù theo tinh thần truyền thừa của Phật giáo Nguyên thủy. Cộng theo sự du nhập và giao lưu văn hóa giữa các truyền thống Hệ phái với nhau tại Trường Đại học Phật giáo Quốc tế đến từ các nước Phật giáo Đại thừa.
Chính sự hài hòa, cùng chung tu học giữa cộng đồng Tăng sĩ với nhiều hệ tư tưởng khác nhau và cách thức truyền tải giáo lý khác nhau, đã tạo nên sự đặc sắc, đa dạng của Phật giáo tại đây, để cùng nhau trải nghiệm theo tinh thần sẻ chia và cầu học.
Sư theo truyền thống Phật giáo nào?
Đó là câu hỏi của sư Ashim Chakma –một vị sư người Ấn Độ, hiện đang học cùng chung chương trình Cử nhân Phật học, cũng như những vị Tăng sĩ khác. Với tôi chỉ có một câu trả lời: Phật giáo Khất sĩ.
Rồi sư Ashim Chakrma liên tục đặt cho tôi nhiều câu hỏi khác nhau: Phật giáo Khất sĩ là như thế nào? Pháp tu ra sau? có gì khác với các truyền thống Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy. Cứ thế, cuộc trò chuyện với nhiều câu hỏi liên tục được đưa ra để tìm hiểu và muốn biết đến sự đặc sắc của một Hệ phái Phật giáo mới mà sư Ashim Chakrma tỏ ra một cách phấn khởi.
Con đường tôi đang đi,…
Khác với các nước vốn đặc thù một truyền thống Phật giáo riêng biệt, thì Phật giáo Việt Nam được tiếp nhận và dung hòa từ hai truyền thống Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy. Từ đó, Phật giáo Khất sĩ ra đời vì mục đích dung hòa chung với hai nguồn từ tưởng của hai truyền thống Phật giáo lâu đời. Nhằm đáp ứng nhu cầu học Phật của đại đa số người dân tại Việt Nam lúc bấy giờ, giúp cho mọi tầng lớp có thể hành trì tu học một cách dễ dàng như tụng kinh tiếng Việt, Ăn chay, và lấy pháp trì bình khất thực để đi vào đời sống người dân, giúp họ gieo duyên và gần gũi hơn với Đạo Phật.
Phật giáo Khất sĩ cùng chung một chí nguyện tiếp nối con đường mà Đức Phật đã đi, vì thế những pháp môn tu học và hành trì không đi ngoài lời dạy của Đức Phật, lấy Tứ-Diệu -Đế làm nền tảng để tu học và Thiền định là pháp môn để hành trì theo Tứ niệm xứ,… vì đây là phương pháp hành thiền mà Đức Phật đã thực hành để đưa đến sự Giác-ngộ hoàn toàn.
Được coi, như một truyền thống đặc thù của Người Việt, vì thế giáo lý và pháp môn đều dựa trên lời Phật dạy, và những tinh hoa được đúc kết từ hai truyền thống Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy. Chỉ có sự khác biệt là đời sống sinh hoạt và phương thức hành trì để phù hợp với văn hóa và truyền thống vùng miền. Không ngoài mục đích tuỳ nhân duyên mà hoá độ, không có sự phân biệt giai cấp Giàu-sang, Kẻ ngu-người trí,…tất cả đều bình đẳng trên con đường cứu cánh, và giải thoát khổ đau.

Ảnh Sư Giác Minh Luật Trì bình khất thực tại Thái Lan.
Bây giờ đã hiểu,…
Cứ như thế, mỗi khi có ai tiếp tục hỏi tôi: Sư theo truyền thống Phật giáo nào? Thì sư Ashim Chakrma lại tiếp lời và dành phần trả lời của tôi. Sư trả lời cho những vị sư khác một cách rất tâm đắc và phấn khởi về kiến thức của mình đã biết được về Phật giáo Khất sĩ khi ai hỏi đến. Tôi chỉ biết nhìn và thầm mỉm cười, vì đã có thêm một người bạn đã hiểu được con đường tôi đang đi. Nó đơn giản là sự hạnh phúc bình dị của một người con trong giáo pháp. Tôi không còn cảm thấy mình là người lẻ loi giữa các truyền thống Phật giáo khác, mà tôi càng cảm thấy sự tự hào vì mình là người “đặc biệt”.
Còn lại một nỗi lòng
Nỗi lòng đó được mang tên là “Hạnh phúc”, cảm ơn Người, cảm ơn Đời. Cảm ơn những cảm xúc bình dị giữa đời, khi được đắp trên mình tấm Y người Khất sĩ. Nó quá đổi thiêng liêng và thanh thoát. Với tôi tất cả là quá đủ cho một kiếp người, rồi tương lai sẽ đi mãi. Nhưng hiện tại là đây, tôi là người con Khất sĩ.
Một ngày kia, vừa bước chân vào lớp, sư Ashim Chakma và các sư cùng lớp đều gọi tôi bằng một ngôn từ tiếng Việt rằng: Khất sĩ. Một sự ngạc nhiên và cảm xúc tràn dâng, đúng chúng ta là Khất sĩ.
Theo: Ấn phẩm Đuốc Sen số 23
nguồn : www.phattuvietnam.net
Chia sẻ với bạn bè qua: