Tỉnh thức và cảnh giác

Đức Phật đã dạy : “Này các Kàlàmà! 1- Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, 2- Chớ có tin vì nghe truyền thống, 3- Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn, 4- Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, 5- Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, 6- Chớ có tin vì đúng theo một lập trường, 7- Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện, 8- Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình, 9- Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền, 10- Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình, v.v..
 
Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào, tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”. Thời này, Kàlàmà hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.
 
Đây là lời dạy sâu sắc của đức Phật trong thời đại  mà xã hội Ấn độ lúc bấy giờ có quá nhiều Đạo sư, nhiều tôn giáo, nhiều tín ngưỡng dễ lạc dẫn tín đồ vào mê tín. Phật giáo lúc bấy giờ cùng một vài hệ phái tâm linh thoát khỏi sự chi phối của hệ thống Tôn giáo đương thời, chuyên sâu vào pháp hành chuyển hóa tâm thức, không đặt nặng vào lễ nghi cúng bái cầu khấn, không vướng vào hình thức thờ phượng rườm rà. Tài sản của Tu sĩ lúc bấy giờ  chỉ có tam y nhất bát, ngoài ra không có bất cứ phương tiện vật chất nào, chính nhờ thế mà hành giả không bị vướng bận những vật ngoại thân, không quan tâm đến ăn mặc ở bệnh, có thời giờ hướng tâm giải thoát.
Cuộc sống ngày nay, khó mà thoát  ly hoàn toàn, vì cơ chế và nhịp sống của nhân loại theo đà tiến hóa khoa học và tiện nghi vật chất, tu sĩ không thể ngủ dưới gốc cây như xưa, không đi khất thực hàng ngày.Việc hoằng hóa cũng cần có những tiện nghi tối thiểu, nếu tu sĩ biết giới hạn khi sử dụng các tiện nghi và không để tiện nghi biến thành nhu cầu hưởng thụ, thì cho dù sống trong thời đại nào, việc hành trì hướng đến giải thoát cũng không có gì chướng ngại. Mục đích hành giả là làm chủ bản thân thì sẽ làm chủ mọi tiện nghi vật chất, ngược lại bị tiện nghi chi phối  thì lòng tham và mọi kiết sử theo đó mà phát sanh.Mục đích hành trì của hành giả là hướng vào bên trong.
Tâm lý hướng ngoại là tâm lý chung của con người, kể cả tu sĩ đi tìm chân lý và minh sư cho lý tưởng giải thoát, cũng bị vướng vào ngoại tướng nên càng nhiệt thành, càng đi xa chân lý. Đức Phật đã dạy: “Sau khi Ta nhập Niết Bàn, các Thầy Tỳ kheo hãy lấy Giáo Pháp và Giới Luật của Ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành…” thế mà mấy ai tỉnh thức trước câu nói như thế để rồi vẫn là lữ hành trong màn đêm đi tìm chân lý.
Giáo pháp và giới luật là gì?  Bốn bộ kinh A Hàm.  Năm bộ kinh Nikaya. là ngón
tay chỉ mặt trăng, là bản đồ cho hành giả. Lời dạy của Phật thông qua kinh điển không là chân lý mà chỉ là phương tiện hướng ta đến chân lý. Bám trụ vào đó như lữ khách bám vào phương tiện qua sông, sẽ khó tìm thấy đích đến. Giáo pháp là phương pháp dạy hành giả tiến đến giải thoát chứ bản thân giáo pháp không thể giải thoát, thế thì chuyên tâm trì tụng cũng không thể giải thoát. Thâm nhập kinh tạng thì trí tuệ như biển, nghĩa là tri kiến rộng mở chứ không thể nhờ đó mà giải thoát, khi mà tập khí, vọng thức còn tồn đọng trong a lại da thức. Tâm là mãnh đất của thiện và ác, tốt và xấu, tu tâm chỉ là ngăn ác hành thiện; một vườn tâm mọc toàn giống thiện vẫn không thể thoát khỏi tử sanh, vì đó là hạt giống phúc báu để sanh quả tốt cho kiếp hậu lai. Người tu giải thoát là  không tích trữ bất cứ hạt giống nào cho dù là hạt giống  phúc báu; tuy nhiên hạt giống phúc báu rất cần để vun bồi gốc rễ  cho cây giải thoát trổ hoa, vì thế, ngoài vấn đề tạo phúc, cần tu tập tuệ giác, phước huệ song tu là đôi cánh vững mạnh cho hành giả. Người chuyên tu huệ mà thiếu phước, thường gặp nhiều chướng ngại, dù có thành đạt quả vị thì đó chỉ là cây nở hoa trên vùng đất khô cằn mà thuật ngữ gọi là "càn huệ địa".
 
Tu phước rất đa dạng, không chỉ hạn chế trong phạm vi bố thí tài vật. Những gì lợi người, lợi mình và lợi cho tất cả chúng sanh đều là phước, chỉ lợi riêng mình thì không thể gọi là phước mà là vị kỷ. Tu huệ cũng thế, nếu kết quả cho riêng mình thì chưa phải là pháp cứu cánh, chưa nói đến pháp hành đó đưa đến đâu khi mà hành giả chưa phân biệt được thế nào là chánh và tà. Cho dù đó là pháp Phật, nhưng hành giả sử dụng vì mục đích lợi dưỡng thì cũng không thể gọi là chánh. Kinh điển đem tụng cho ma chay làm phương tiện sống thì chánh sao? Giảng nói kinh điển vì mục đích danh-lợi-tình là chánh sao? "Chánh nhơn hành tà pháp, tà pháp thị chánh pháp, tà nhơn hành chánh pháp, chánh pháp thị tà pháp". Chánh và tà cách nhau đường tơ kẽ tóc của tâm hành giả.
 
Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào, tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”. Thời này, Kàlàmà hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.
 
Những lời dạy trên đây của Phật là kim chỉ Nam, là thước đo trước mọi giáo lý trên thế gian, là sự cảnh tỉnh cho chính mình. Tuy nhiên, khởi đầu cho việc tu tập thường là tâm chánh thiện, nhưng một thời gian hành trì thường bị lạc dẫn bởi ngũ ấm ma, do nghiệp thức tiềm ẩn, đôi lúc như bế tắt, đôi khi như giải đãi, đến khi tinh tấn và tiến bộ phần nào thì hành giả lại gặp phải những tình huống của ảo ảnh, ảo giác đánh lừa, cứ nghĩ mình sở đắc.
 
Trên đạo lộ tâm linh, hành giả gặp không ít nhiêu khê, vì thế cần có minh sư chứng ngộ đủ kinh nghiệm hướng dẫn trong những lúc bế tắt cũng như lúc hưng phấn giả tạo mà ta cảm thấy an lạc, hoan hỷ.
 
Ngoài giáo pháp hành trì, hành giả cần nghiêm túc trong vấn đề kỷ luật bản thân, tức là giới luật. kinh Trường Bộ, đức Phật dạy:“Chỗ nào có giới luật nhất định chỗ ấy có trí tuệ, chỗ nào có trí tuệ nhất định chỗ ấy có giới luật…”. 
Đức Phật đã dạy: “dứt bỏ sanh y thì Phạm hạnh mới xong”.  Lời dạy này rõ ràng và cụ thể, xác định dứt khoát “có dứt bỏ thì có giải thoát”. Dứt bỏ sự ràng buộc về Danh và tướng ngoài sự ràng buộc về vật dục, muốn dứt bỏ được thì không thể rời xa giới luật tự thân. Kỷ luật bản thân là cách tốt nhất để tiến xa trên đạo lộ tâm linh. Một khi giới luật tinh nghiêm thì không có gì có thể cám dỗ lạc dẫn hành giả.
 Luôn Tỉnh thức và luôn cảnh giác từ ngoại cảnh đến tâm thức, hành giả sẽ nhận được kết quả khả quan từng giây phút hiện tiền. Như thế, không nên tin vào cảm quan hay tin vào ngoại cảnh mà trí tuệ nhận xét pháp nào lợi người, lợi mình và lợi cho tất cả chúng sanh, và kỷ luật tự thân đó là lời dạy chân thật của đức Phật, là ánh sáng dẫn đường cho ta giữa tối tăm nhiều cám dỗ trong cuộc sống.Lời dạy trên đây không chỉ có giá trị trong xã hội đương thời mà luôn có giá trị trong mọi thời đại, nhất là ngày nay.
MINH MẪN
21/6/2016
 

Tin cùng chuyên mục

 
BAN THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG
CƠ QUAN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH ĐAK LAK
  Tổng biên tập: HT. Thích Châu Quang
Chịu trách nhiệm nội dung: ĐĐ. Thích Nguyên Huấn
  - Văn phòng: 117 Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đak Lak.
  - Bài viết xin gởi về theo địa chỉ Email: phatgiaodaklak@gmail.com
  - Ghi rõ nguồn phatgiaodaklak.org khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.
Email của VP. Ban Trị Sự - Nơi tiếp nhận các văn bản, giấy tờ hành chánh Giáo Hội
vpbtsphatgiaodaklak@gmail.com