Đây là vấn đề lớn và phức tạp. Để trả lời câu hỏi trên thật không hề đơn giản chút nào do nó có liên quan đến nhiều lĩnh vực như đạo học, khoa học, nhận thức, tư duy, lý luận, ngôn ngữ…Biết trình độ của mình thuộc loại lôm côm, không có khả năng giải thích nên tôi mượn lời của vài nhà khoa học tiêu biểu như Einstein, Oppenheimer, Heisenberg để trả lời thay. Anh bạn tôi cười nhẹ. Không phải nụ cười đồng tình thỏa mãn mà là thái độ nghi ngờ thất vọng, chỉ thiếu một cái nhún vai!. “Cậu cũng không hơn những người tôi gặp trước kia” Anh bạn tôi nói. “Mặc dù họ là những nhà khoa học lớn của thế giới, phát biểu của họ hoàn toàn có cơ sở nhưng nhìn chung, những phát biểu đó chỉ thể hiện quan điểm cá nhân, chưa đủ sức thuyết phục và khẳng định vấn đề. Cái mà tôi và nhiều người khác muốn biết là một công trình nghiên cứu chuyên sâu được cộng đồng khoa học thừa nhận mới cần thiết và đủ để chứng minh”. Thật sự cần phải có một công trình nghiên cứu chuyên sâu được cộng đồng khoa học thừa nhận để chứng minh tính khoa học của Phật giáo không?. Tôi nghĩ không cần! Vì, trong đạo Phật đã có khoa học cũng như trong khối lượng có sẳn năng lượng. Đạo Phật có một hệ thống giáo lý khổng lồ, tám mươi bốn ngàn pháp môn. So với giáo lý của đạo Bà la môn-tồn tại trước đó vài trăm năm-đậm chất huyền thoại siêu hình thì giáo lý đạo Phật mang tính tâm lý con người, vừa thực tiễn vừa năng động. Đức Thích Ca cũng không xây dựng hệ thống đó thành một nền triết học khô khan xơ cứng mà ngài coi nó là phương tiện dẫn dắt chúng sinh vượt thoát bể khổ trầm luân để đến bến bờ giác ngộ. Ngài cũng tự nhận mình là người thầy hướng dẫn, người chỉ đường đi cho chúng sinh và khuyên họ hãy tinh tấn tiến lên mới đạt được Phật quả. Chính do những ưu việt trên mà đạo Phật đã có lịch sử tồn tại trên hai ngàn năm trăm năm và phát triển khắp thế giới với gần một tỉ tín đồ. Khoa học cũng cùng song song tồn tại và phát triển với Phật giáo, chủ yếu ở phương tây. Suốt một thời gian dài-tạm gọi thời cổ điển-khoa học đã nhìn hệ thống giáo lý Phật giáo bằng ánh mắt hoài nghi, khinh thị, xem nó là cái gì đó mơ hồ, mù mờ, huyễn hoặc, không thực tế, phi khoa học. Tuy nhiên, lúc bấy giờ cũng có một số nhà khoa học, trí thức, học giả chú ý, tìm tòi nghiên cứu nhiệt tình và có cái nhìn tích cực và thân thiện hơn. Mãi đến thời hiện đại, các ngành khoa học nói chung, ngành vật lý nói riêng đã có nhiều phát hiện mới mẻ, lạ lùng về tự tánh của vật chất, về cấu tạo, về vận hành của nó và vũ trụ. Những phát hiện nầy đã tạo nên một cú sốc cực lớn đối với khoa học, đơn giản là nó đã được đức Thích Ca phát hiện hơn hai ngàn năm trăm năm trước, được trình bày cặn kẽ trong toàn bộ hệ thống giáo lý của ngài! Trở lại vấn đề của người bạn tôi đã đặt ra. Anh ấy và nhiều người khác không tin vào những lời phát biểu của những nhà khoa học nổi tiếng thế giới mà đòi hỏi phải có một công trình nghiên cứu chuyên sâu được cộng đồng khoa học thừa nhận. Tôi sẽ đáp ứng nhu cầu của anh ấy nhưng nói trước, đây là sự nghiên cứu cá nhân và không biết nó có được cộng đồng khoa học công nhận hay chưa?. Đó là quyển The Tao of Physics,an exploration of the parallels between modern physics and eastern mysticism, (Đạo của Vật Lý, một khám phá về sự tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo học phương đông) của tác giả Fritjof Capra, do Nguyễn Tường Bách dịch, Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 1999. Tác giả là giáo sư ngành vật lý tại các trường đại học và các viện nghiên cứu tiếng tăm ở Mỹ và Anh. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về những thành tựu của ngành vật lý hiện đại và hệ thống giáo lý của Ấn Độ giáo, Phật giáo và Lão giáo, ông đã đưa ra chín mối tương đồng giữa những phát hiện mới của ngành vật lý hiện đại với quan niệm của các tôn giáo trên mà ông gọi là nền đạo học phương Đông. Trong chín mối tương đồng đó, giáo lý Phật giáo có đến bảy mối, tôi so sánh giản lược như sau. Tính nhất thể của vạn sự (vạn pháp duy tâm tạo). Vượt trên thế giới nhị nguyên (lìa nhị biên, ly tứ cú). Vũ trụ động và Điệu múa vũ trụ (vô thường và vô ngã). Không và Sắc (tính chất của hạt và sóng). Không gian-thời gian (Lý và Sự viên dung). Sự dung thông (một trong tất cả, tất cả trong một). Hai mối tương đồng nầy có biểu tượng trong ngành vật lý là mạng lưới trường lượng tử, trong giáo lý Phật giáo là cung trời Đâu Xuất và tấm lưới báu của Đế Thích. Nhà triết học người Đức Liebniz (1646-1716) viết về sự dung thông trong tác phẩm Monadology: “Mỗi một phần tử của vật chất có thể được nhìn như một mảnh vườn đầy hoa lá hay một hồ đầy cá. Thế nhưng mỗi cành hoa lá, mỗi tứ chi con vật, mỗi giọt nước cốt của chúng cũng là một mảnh vườn đầy hoa hay hồ nước như vậy”. Còn nhà thơ người Anh William Blake (1757-1827) viết:“Nhìn thế giới trong một hạt cát. Và bầu trời trong một cánh hoa rơi. Giữ vô cùng trong lòng bàn tay. Và vĩnh cữu trong một giờ ngắn ngủi”. Quyển sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1974. Như tôi đã nói, sự nghiên cứu nầy có được cộng đồng khoa học thừa nhận hay chưa nhưng theo tác giả thì nó được “đón tiếp nồng nhiệt” và “gây một cộng hưởng mạnh mẽ trong mọi người” từ châu Mỹ đến châu Âu, châu Á. Tác giả còn cho biết: “Ngày nay số sách bán ra toàn thế giới đã lên đến trên một triệu cuốn. Đạo của Vật Lý đã được dịch ra hơn mười mấy ngôn ngữ, các bản dịch khác đang được chuẩn bị và những bản in khác đang in và bán chạy”. Tác giả cũng thừa nhận có không ít đồng nghiệp của ông nghi ngờ, bực dọc thậm chí hằn học với những quan điểm của ông, nhưng đó là “sự hiểu sai phổ biến về tính chất đạo học”, là “phản ánh chính sự lung lay của họ”, ông phát biểu. Trên đây chỉ là những cái tổng thể, trong quyển sách còn rất nhiều chi tiết khác nữa nhưng với tài hèn sức mọn tôi không thể nêu ra và phân tích hết được, xin quí độc giả hoan hỷ và tìm quyển sách đó đọc sẽ rõ hơn. Cổ ngữ có câu “hữu xạ tự nhiên hương”, rõ ràng là những phát hiện mới mẻ, lạ lùng của khoa học hiện đại “chỉ nêu thêm thí dụ, xác nhận và làm tinh tế thêm cho một nền minh triết cổ xưa”, nhà vật lý học hạt nhân người Mỹ J.R.Oppenheimer (1904-1967) thừa nhận./ TRƯƠNG HOÀNG MINH |