1010 425
Tin Tức » Xã Hội
Chia sẻ với bạn bè qua:
Nguyễn Phương. 06:34:22 21-04-2023 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Nhận diện những thủ đoạn lừa Phật tử của kẻ xấu trên Facebook

Nhận diện những thủ đoạn lừa Phật tử của kẻ xấu trên FacebookVới những lời kêu gọi và hình ảnh hoàn cảnh thương tâm, kẻ xấu đã 'đánh' vào lòng thiện nguyện, từ tâm sẵn có của Phật tử Việt Nam để trục lợi.

Bài viết Lập fanpage giả mạo tổ chức của Giáo hội PGVN chạy quảng cáo xin tiền chữa bệnh trên Cổng thông tin PGVN hôm qua nêu một tình trạng lừa đảo mới trên internet. Đó là kẻ xấu đã sử dụng fanpage Facebook - khó xác định danh tính và địa chỉ - dưới danh nghĩa tổ chức Phật giáo để kêu gọi quyên góp từ thiện cho những trường hợp hoàn cảnh éo le.

Một vị chư tôn đức Ban Thông tin Truyền thông TW - Giáo hội PGVN đã bày tỏ thái độ đáng tiếc về hiện tượng này. Vị tôn túc cho biết Ban biên tập cần cho đăng bài cảnh báo mạnh mẽ để bảo vệ niềm tin, từ tâm của Phật tử cũng như nói rõ về quan điểm của Giáo hội PGVN.

Nhiều bạn đọc, Phật tử tỏ thái độ bất bình trước hiện tượng lừa đảo này.

Nhận diện thủ đoạn lừa đảo

Có thể tổng hợp các "chiêu trò" mà kẻ xấu đã dùng để lừa Phật tử ở các dạng như sau:

- Sử dụng tên gọi và lợi dụng tính chất từ bi, từ tâm của Phật giáo để đặt tên fanpage như Phật tại Tâm, Hội Phật giáo Việt Nam, Phật đạo trong trái tim tôi....để dễ bề dẫn dụ, lừa đảo.

- Thông tin về hoàn cảnh kêu gọi từ thiện rất thương tâm nhưng không có địa chỉ có thể.

- Hình ảnh thường là các bệnh nhi trong tình thế thập tử nhất sinh nhưng cũng không có địa chỉ cụ thể.

- Không cung cấp các địa chỉ, số điện thoại hoặc các mối liên hệ nào để xác định nạn nhân/bệnh nhân và người nhận tiền là ai và ở đâu, chân dung cụ thể về gia cảnh, cũng như xác thực của người có thẩm quyền, có quen biết với họ (trưởng thôn, nhân viên công vụ nơi bệnh nhân thường trú, chức sắc tổ chức Hội Phụ nữ, bệnh viện......).

- Nhiều fanpage 'chạy quảng cáo' rầm rộ, với hàng chục ngàn like, bình luận đổ tiền vào một số tài khoản mà chúng ta KHÔNG XÁC ĐỊNH được danh tính, nhân thân.

- Không truy vấn được người nhận tiền là ai, có quan hệ như thế nào với hình ảnh bệnh nhân, bệnh nhi trong bài.

- Các post được chạy quảng cáo rất rầm rộ - việc mà ÍT CÓ BÀ MẸ ÔNG BỐ NÀO hiểu biết và làm để kêu gọi quyên góp cho người thân của mình.

Hiện nay báo Tuổi trẻ đã công bố các điều tra về một công ty có tên là Deeda đã dùng các phuơng tiện truyền thông, chạy quảng cáo để kêu gọi từ thiện và 'cắt phế, lấy hoa hồng' của các cháu bệnh nhi ở các BV tại TP HCM. 

Chúng tôi kêu gọi Phật tử cảnh giác những dấu hiệu lừa đảo nói trên và báo cho cơ quan công an gần nhất khi gặp tình huống tương tự.

Bắt một loạt các chủ fanpage lừa dân

Thật ra, hình thức này không quá mới. Từ tháng 5/2021, Bộ Công an phát hiện các fanpage “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”... được lập để kêu gọi quyên góp từ thiện, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho biết, công an trong cả nước phát hiện, xử lý cả chục nhóm quản trị các trang fanpage Facebook hoạt động lừa đảo theo phương thức này.

Cục An ninh mạng phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam khởi tố và tạm giam Trần Văn Lâm, 23 tuổi, trú tại tỉnh Hà Nam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự.

Trần Văn Lâm. Ảnh: VNE

Trần Văn Lâm. Ảnh: VNE

Theo điều tra, từ tháng 9/2020 Lâm lập trang fanpage Facebook "Hỗ Trợ Trẻ Em", đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Hàng nghìn nhà hảo tâm đã gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng đến tài khoản ngân hàng cho Lâm.

Lâm cũng lập thêm 7 trang fanpage Facebook nhằm mục đích tương tự, gồm: "Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em", "Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em Việt Nam", "Phật tại tâm", "Chia sẻ yêu thương Kết nối yêu thương", "Quan thế âm bồ tát", "Chia sẻ yêu thương", "Kết nối yêu thương".

Cùng thủ đoạn tương tự, nhóm quản trị fanpage "Chia sẻ vì người nghèo" ở Lâm Đồng cũng dụ hơn 1.000 nhà hảo tâm chuyển tiền từ 50.000 đến 500.000 đồng ủng hộ để chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.

Nhóm này do Đào Bá Lộc, 27 tuổi ở Lâm Đồng cùng hai người lập ra, đăng thông tin về các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để kêu gọi sự giúp đỡ. Tuy nhiên khi người dân chuyển tiền ủng hộ, nhóm Lộc rút ra chia nhau.

Đào Bá Lộc tạo cơ quan điều tra.

Đào Bá Lộc tạo cơ quan điều tra.

Một số trường hợp còn sử dụng các bài báo viết về những hoàn cảnh khó khăn đã được đăng để dẫn lại trên fanpage Facebook, rồi "xen cài" vào đó số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện của mình.

Theo VnExpress.net.
 

Chia sẻ với bạn bè qua: