Đi tìm nét kiến trúc Phật Giáo Tây Nguyên
Nhắc đến Tây Nguyên là nghĩ ngay đến một vùng đất đầy dấu ấn văn hóa, từ những bộ sử thi, văn hóa tộc người, âm thanh, cảnh sắc tự nhiên, kiến trúc bản địa nỗi bậc với những mái nhà rông, nhà dài,… Trong kiến trúc, một phần văn hóa không thể tách rời, cũng góp phần làm nên một trào lưu điểm nhấn trong “hơi thở” nền kiến trúc tại nơi đây.
Kiến trúc Tây Nguyên mang âm hưởng của nắng, mưa bởi Tây Nguyên chỉ có hai mùa nắng (từ tháng 11 – 4) mùa mưa (từ tháng 5 – 10), cộng với những dãy đồi san sát với tiềm năng rất lớn về lâm nghiệp.
Ngày xưa để tránh thú dữ tấn công, nên người dân bản địa nơi này chọn những mẫu nhà sàn, và khi chọn lập làm làng phải có hàng rào bao quanh cũng vừa chống thú dữ và tộc người khác tấn công. Những mái nhà rông cao vút, ngoài những tiêu điểm mang dấu ấn biểu tượng văn hóa còn có tác dụng thoát mưa nhanh, và mát mẻ vào mùa hè. Những căn nhà dài cả trăm mét được chia làm nhiều gian, mỗi gian là một gia đình (bếp) mang nét cộng cư cộng đồng lớn, một gia đình và nhiều gia đình đồng sử dụng.
Nhưng vật liệu làm nên thương hiệu của kiến trúc Tây Nguyên là cây rừng và lồ ô được mọc rất nhiều tại vùng đất này, có những cộng đồng dân tộc sử dụng lồ ô làm sàn, sạp, vách nhà, cây mây rừng làm lạt buộc, mái tranh rất dày
để chống nước, vách nhà hơi nghiêng, cửa vào rẽ mái tranh (M’nông).. để chống nước tạt. Đó là những nét chính yếu ta dễ dàng nhận ra nhất.
Trước đây, Tây Nguyên hoàn toàn là mảnh đất, giang sơn của các dân tộc thiểu số rồi sau đó có mặt của người Chămpa, Kinh,.. có mặt rất sớm trước là xâm chiếm lãnh thổ cũng nhưng buôn bán, giao thương hàng hóa.
Đầu thế kỷ 19, Phật giáo mới có mặt tại Tây Nguyên cùng với người Kinh mang theo tôn giáo của mình lên Tây Nguyên để lập nghiệp kinh tế mới. Những dòng người này trước hết là những cơ sở tôn giáo nhỏ, mang tính chất gia đình sau đó là những cơ sở tập trung dần xuất hiện rồi phát triển ngày một rộng lớn, đặc biệt là từ những thập niên 50 với chính sách “dinh điền” của Ngô Đình Diệm thì phật giáo đã phát triển mạnh mẽ lắm rồi.
Hòa chung với nét văn hóa và chủ trương “Phật giáo nhập thế” nên kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên có những nét đột phá đáng kể. Mang nét giao thoa của Á đông và Phật giáo rõ rệt.
Những nét chính xin được trích dẫn vài điểm:
+ Đa phần những công trình chùa được tọa lạc tại những địa thế phong thủy hữu tình được mang nét “ngôi nhà chung” cũng giống như về quy hoạch làng, bon, buôn, plây.. của người dân địa phương. Tất cả đều được xem là ngôi nhà chính của vùng, nhà ở của dân luôn quây quần hướng về đó.
+ Mái chùa được tạo độ dốc lớn mang nét kiến trúc mái nhà rông, mái cong vẫn giữ lại nét Á đông để tạo dáng là kiến trúc cổ Phương Đông.
+ Không gian lớn được tạo lập để phục vụ công tác hành lễ, khối dài nên nhiều công trình chùa Tây Nguyên nhìn xa man mác như một ngôi nhà dài hiện hữu vậy.
+ Về tỷ lệ phần thân thường ít cao hơn mái, có những công trình làm hàng cột ở tầng hầm nhưng nhà sàn, để tận dụng không gian tầng hầm, và tránh việc san lấp cũng như tận dụng tối đa địa thế, địa mạo của Tây nguyên.
+ Không gian đa phần là nửa kín, nửa hở để hòa nhập vào mùa khí hậu Tây Nguyên.
Từ những nét kiến trúc độc đáo của Tây Nguyên, những người làm công tác phật sự luôn biết cách chắt lọc, chắt chiu những điểm chính của kiến trúc Tây
Nguyên để tạo lập ra một không gian phù hợp cho nền kiến trúc phật giáo tại địa phương này.
Cùng với xu thế hiện tại là “kiến trúc xanh”. Một trào lưu kiến trúc tương lai cũng là xu thế tất yếu của kiến trúc thế giới. So sánh mà nói kiến trúc bản địa của Tây nguyên mang nét “kiến trúc xanh” rõ nét, nên cũng là một điểm sáng để kiến trúc phật giáo tiếp tục tìm tòi những điểm chính để tận dụng trong công tác kiến trúc của mình.
Trên đây là vài ý kiến nhỏ của cá nhân cũng như những kinh nghiệm trích từ bản thân trong công tác làm kiến trúc phật giáo tại địa phương, cũng là những điểm lưu tâm chính khi muốn xây dựng một đồ án để góp phần nhỏ trong công tác phật sự của mình để cúng dường chư Phật.