810 505
Tin Tức » Các Sự Kiện
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 10:44:16 01-04-2017 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Dấu Ấn & Bước Chuyển Của Bát Bửu Phật Đài

Dấu Ấn & Bước Chuyển Của Bát Bửu Phật ĐàiBát Bửu Phật Đài, dân gian thường gọi là “chùa Phật Cô Đơn”, tọa lạc ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, cách trung tâm TP.HCM khoảng 30km về phía Tây nam, thuộc sự quản lý của Ban Trị sự GHPGVN thành phố. Đây là một trong những điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng thu hút đông đảo người dân đến lễ Phật, cầu nguyện, tham quan.
Vùng đất thiêng
Nói đến sự hình thành của Bát Bửu Phật Đài không thể không nhắc tới nguồn gốc của ngôi chùa Thanh Tâm (Thanh Tâm tự), những hiện tượng tâm linh mầu nhiệm liên quan tới sự kiện cung thỉnh tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni tôn trí lộ thiên cũng như đạo tâm của cư sĩ Lê Chí Bình cùng chư tôn đức, cư sĩ cùng thời.
Với tâm nguyện tôn tạo ngôi Tam bảo làm chỗ nương tựa tâm linh cho đồng bào noi gương đạo đức sống yên ổn, cư sĩ Lê Chí Bình đã phát tâm cúng dường khu đất rộng chừng 30 héc-ta của gia đình, trong đó kiến tạo ngôi chùa Thanh Tâm bên kênh Cầu Xáng, chùa hoàn thành và an vị Phật vào ngày 12-7-1956. Tại đây ngay từ buổi ban đầu ấy, một nhánh cây bồ-đề được chiết gốc từ đại thọ bồ-đề ở Benares, Ấn Độ - nơi Đức Thế Tôn tọa thiền để nhắc nhở thập phương về gốc tích của đạo thiêng.
Dẫu tôn tạo đơn sơ, nhưng ngôi chùa Thanh Tâm này, theo tâm nguyện của những vị sáng lập trong thâm ý “để nhắc nhở cho lòng người trong sạch mỗi khi vào chùa chiêm bái”, như cư sĩ Lê Chí Bình đã bộc bạch khi đề cập về lịch sử của Bát Bửu Phật Đài trong ngày lễ an vị tôn tượng Đức Bổn Sư ngày25-8-1961, là cơ duyên để chuyển hóa vùng đất này thành thánh địa.
Tìm lại tư liệu xưa, với năng lượng thiện lành của tâm nguyện kiến tạo đất Phật, nơi đây đã ứng hiện nhiều sự mầu nhiệm ngoài cả sự suy tưởng của con người bình thường, làm cho lòng người yên ổn dẫu vùng đất này trải qua bao phen binh lửa khốc liệt, thăng trầm trong chiến tranh giành lại nền độc lập của dân tộc, thống nhất và hòa bình cho đất nước.
“Đức Phật cô đơn”
Nhắc đến Bát Bửu Phật Đài, có thể có người không biết, nhưng khi nói địa danh “chùa Phật Cô Đơn” dường như không ai xa lạ.
Chùa Thanh Tâm bắt đầu kiến tạo năm 1955, hoàn thành năm 1956, Bát Bửu Phật Đài được tôn tạo sau đó, bắt đầu vào năm 1959 và hoàn thành vào năm 1961. Phật đài có kiến trúc hình bát giác, cao 3m. Trên đài, tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca cao 7m, nặng khoảng 4 tấn do Hội Phật học Nam Việt chủ trương tôn tạo, với sự tùy hỷ hiến cúng của cư sĩ Hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền.
Việc cung thỉnh tôn tượng Đức Phật từ chùa Xá Lợi về Cầu Xáng (Đức Hòa) trong điều kiện bấy giờ là hết sức khó khăn. Chư vị tôn đức và cư sĩ lúc đó đã tổ chức nhiều cuộc cầu nguyện, chuyên tâm trì tụng kinh Pháp hoa trong thời gian dài liên tục, và nhờ năng lực hộ trì đó, nhiều duyên lành huyền nhiệm đã xuất hiện, vượt qua mọi trở ngại, thành tựu tốt đẹp. Lễ an vị Phật được tổ chức vào các ngày 22 đến 25- 8-1961 vào mùa Vu lan - Báo hiếu năm Tân Sửu trong sự hoan hỷ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. 

Phối cảnh toàn bộ công trình

Trải qua những năm tháng trong chiến tranh, với sự tàn phá của bom đạn, chùa Thanh Tâm cũng bị thiêu rụi, nhưng lạ lùng thay, kim thân Đức Phật lộ thiên vẫn sừng sững tĩnh tại. Dân di tản, nơi đây không bóng người, chỉ duy Đức Phật vẫn ở đó, an nhiên, có lẽ do vậy, mà Bát Bửu Phật Đài được người dân, các đoàn thanh niên xung phong đến đây lao động công ích năm 1976 truyền miệng là chùa “Phật Cô Đơn” - Đức Phật một mình giữa đồng không hoang vắng… Tên gọi dân gian này lan tỏa và đi vào lòng người từ đó.
Sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, với những ứng hiện mầu nhiệm, dần dần Bát Bửu Phật Đài trở thành nơi mà người dân không chỉ tại thành phố mà cả các tỉnh thành lân cận đến lễ bái, cầu nguyện ngày mỗi đông hơn.
ớc chuyển mình
Năm 1988, Bát Bửu Phật Đài được Thành hội Phật giáo TP.HCM tiếp quản và đã quyết định giao cho Ban Đại diện Phật giáo huyện Bình Chánh từng bước chỉnh trang khu di tích thiêng liêng này.
Ngày 4-11-2014, Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) của Bát Bửu Phật Đài cho Ban Trị sự GHPGVN thành phố.
Trong hướng quy hoạch lại các cơ sở tự viện trọng điểm, để kiện toàn thành phần nhân sự về công tác quản lý và điều hành Phật sự tại Bát Bửu Phật Đài, ngày 17-9-2015, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã tổ chức hội nghị thống nhất thành lập Ban Quản trị chùa Bát Bửu Phật Đài nhiệm kỳ I (2015-2017) gồm 11 thành viên do HT.Thích Trí Quảng đảm nhiệm Trưởng ban; HT.Thích Thiện Tánh làm Phó ban Thường trực; các Phó ban: HT.Thích Tịnh Hạnh, HT.Thích Như Niệm, HT.Thích Như Tín (Kiểm soát), HT.Thích Thiện Lạc, HT.Thích Nhật Ấn; các ủy viên: TT.Thích Hiển Đức, TT.Thích Thiện Quý, ĐĐ.Thích Trung Nguyện (Thư ký) và SC.Thích nữ Như Hòa (Thủ quỹ).
Nhân duyên hội đủ, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP đã quyết định thành lập Ban Kiến thiết do HT.Thích Trí Quảng, Pháp Pháp chủ HĐCM, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP làm Trưởng ban, quy hoạch và xây dựng Bát Bửu Phật Đài trên tổng diện tích 46.4299m2, đáp ứng yêu cầu về sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mới của người dân hiện nay. Theo đó, lễ khởi công đặt đá ngôi chánh điện - một trong những hạng mục quan trọng của công trình sẽ được tổ chức vào ngày mai 13-3-2017 (nhằm 16-2-Đinh Dậu).
Trong tương lai gần, Bát Bửu Phật Đài sẽ được xây dựng trang nghiêm, cùng cơ sở Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM sẽ liên kết tạo thành cụm điểm văn hóa, giáo dục và tín ngưỡng Phật giáo lớn của thành phố, góp phần đem lại sinh khí cho vùng đất Cầu Xáng - xã Lê Minh Xuân trong tinh thần tốt đời đẹp đạo, ổn định nhân tâm, khuyến khích lối sống đạo đức, hướng thiện. 
 
1 bat buu3.jpg
HT.Thích Trí Quảng
Chùa Bát Bửu Phật Đài hiện hữu gần sáu mươi năm trước, do điều kiện khách quan, các hạng mục được xây dựng không đồng bộ, thiếu quy hoạch, trải qua thời gian và nhiều biến cố của thời cuộc, cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng, không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo của chư Tăng và đồng bào Phật tử tại địa phương.
Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường chính thức cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất tôn giáo cho chùa Bát Bửu Phật Đài do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM quản lý theo quy định Luật Đất đai hiện hành. Nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của chư Tăng và sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Phật tử, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN thành phố long trọng tổ chức lễ đặt đá xây dựng ngôi Đại hùng Bảo điện chùa Bát Bửu Phật Đài vào lúc 9 giờ, ngày 13-3-2017 (16-2, Đinh Dậu) với tổng kinh phí dự trù khoảng 50 tỷ đồng.
Để công trình xây dựng được thực hiện đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trân trọng kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đồng tâm hợp lực đóng góp tịnh tài, tịnh vật, v.v..., góp phần chung lo xây dựng chùa Bát Bửu Phật Đài (Phật Cô Đơn) mau sớm được thành tựu viên mãn”.
HT.Thích Trí Quảng, 
Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Kiến thiết Bát Bửu Phật Đài
 
Nguồn Giác Ngộ Online
Chia sẻ với bạn bè qua: