710 431
Tin Tức » Các Sự Kiện
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 03:10:56 30-03-2017 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

* Thoáng Mát Hương Xuân Phật Giáo Quảng Bình

* Thoáng Mát Hương Xuân Phật Giáo Quảng BìnhTháng hai vẫn còn Xuân, khí lạnh từ Đông Bắc tràn về, làm cảnh vật Quảng Bình tươi nhuận, người dân quên đi cái nắng gay gắt mùa Hè từ gió Lào tràn về làm khô khốc cuộc sống. BTS PG Quảng Bình chọn mùa nầy tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022 là một quyết định đúng nhất.

Từ năm 2009 về nhận cái hố 8.000m2 sâu 3,5m, hoàn toàn bằng đôi tay trắng, không ai nghĩ rằng nơi đây sẽ là ngôi bảo điện uy nghi và là cơ sở của BTS PG Quảng Bình, thế mà cụ Tánh Nhiếp đã làm nên kỳ tích vài năm sau đó.
Hầu như trong Phật giáo, nhất là Phật giáo miền Trung, không ai mà không nghe đến những phong cách "anh hùng Lương Sơn Bạc" của một tu sĩ ngang tàng bướng bỉnh. Đến tuổi thất thập cổ lai hy, bản tánh vẫn còn nguyên như thế.
Nghe kể rằng, ngày nhận được quyết định từ V/P 1 của HĐTS PG TW, thầy Tánh Nhiếp tức tốc về mượn một nhà dân dựng bảng tạm làm văn phòng. Chính quyền đến bắt tháo - "Ai cho phép anh dựng bảng mà không có giấy phép?" - "Ơ hay, một cơ sở kinh doanh trước khi xin phép cũng phải có địa chỉ, có cơ sở mới được cơ quan chủ quản căn cứ vào đó mà cấp phép, tôn giáo cũng thế, không có cơ sở tạm thì y cứ vào đâu mà xin cấp phép" - thầy đáp.
Sau đó, văn phòng tạm dời về chùa Phổ Minh, nơi xuất thân của một danh Tăng trong Phật giáo: - Đại lão H.T Thượng nhơn T. Trí Quang. Suốt thời gian dài thầy gặp không ít khó khăn, vì địa phương chưa hiểu, quần chúng thành kiến với một hình tướng xa lạ mà suốt nhiều thập kỷ, nơi đây, Phật giáo đã vắng bóng. Nói chung, với tánh khí ngang tàng, liều lĩnh, nóng nảy và một chút riêng tư đã tạo thành một áp lực từ xã hội.
Chuyện cá nhân là thế, nhưng đôi khi cá tánh cũng giúp thành công nhiều mặt. Đại hội nhiệm kỳ II, còn vài giờ nữa là ra mắt, đại biểu khắp nơi cũng chuẩn bị tề tựu, thế mà giấy phép vẫn chưa có, chưa thì chưa mà làm vẫn làm. Lịch sự và chấp hành luật lệ lúc nầy là tự mình làm thiệt công việc. Một vùng mà "cô gọi bằng chị, thầy gọi bằng anh", làm sao một sớm một chiều cho họ hiểu thế nào là đạo Phật.
Những Tỉnh miền Bắc Trung Việt, trước 1945 đều là những vùng ảnh hưởng Phật giáo sâu rộng. Đạo Phật du nhập vào nước ta vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, một trung tâm Luy Lâu tại Bắc Ninh làm bàn đạp phát triển sâu rộng khắp các Tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Cho đến thế kỷ thứ 10, xem như Phật giáo phủ sóng toàn bộ, trong đó, Nghệ An từng có trên 200 ngôi chùa mà nay cũng mới khôi phục được chưa tới 10 ngôi, thì Quảng Bình chỉ vỏn vẹn 80 ngôi, nay được 4 ngôi có mặt, và BTS đang dần phục hồi tại các huyện. Trên danh sách đã có 11 ngôi, một số đang xin phục hồi với danh nghĩa di tích. Trong đó, một di tích đã phục hồi hoàn chỉnh do đại gia và quần chúng yểm trợ; chùa Hoằng Phúc, di tích lịch sử cấp quốc gia, hiện do TT. Tổng thư ký - T. Đức Thiện trụ trì, đề cử đệ tử T. Chân Quang ở trông nom.
Địa thế - Quảng Bình là vùng duyên hải thuộc Bắc Trung bộ, một Tỉnh khá nghèo và đất hẹp. Giáp Hà Tĩnh về phía Bắc. Phía Nam giáp Quảng Trị, Phía Đông giáp biển, Tây giáp Lào. Xưa kia thuộc Chiêm Thành. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh chia cắt tại sông Gianh - Quảng Bình. Sau 1975 sáp nhập ba Tỉnh thành Bình-Trị-Thiên, năm 1989 lại phân ra ba Tỉnh như cũ. Vùng đất Quảng Bình là vùng đã có loài người sinh sống từ thời đồ đá do vị nữ khảo cổ người Pháp Madeleine Colani đã phát hiện nhiều di vật ở các hang động phía tây Quảng Bình. Bà đã kết luận rằng đã có sự hiện diện của văn hóa Hòa Bình ở khu vực này.
Vùng này, Champa thường vượt đèo Hải Vân ra cướp phá Nhật Nam và Cửu Chân. (Quảng Bình lúc bấy giờ thuộc Nhật Nam, là địa đầu giới tuyến của Champa).
Năm 1069, Lý Thánh Tông - vua của Đại Việt đánh Champa bắt được vua Champa đưa về Thăng Long, để được tha, vua Champa đã dâng đất (Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh) tương ứng với tỉnh Quảng Bình và các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, bắc Hướng Hóa của Quảng Trị ngày nay cho Đại Việt và Quảng Bình chính thức thuộc về Đại Việt từ năm 1069.
Đời Lê Trung Hưng có tên là Tiên Bình. Năm 1604, đổi tên là Quảng Bình. (Wikipedia)
Tuy địa dư bất lợi, nhưng từ cái khó ló cái khôn, Quảng Bình là mảnh đất sản sanh ra lắm anh tài về Tôn giáo cũng như chính trị - Thượng nhơn đại lão T. Trí Quang, đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nguyên quán của HT T. Tuệ Sĩ...
Luật bù trừ của cuộc sống, được cái nầy thì mất cái nọ, vì vậy, quê hương Quảng Bình chịu lắm thương đau, từ thời chiến đến thời bình. Thiên tai bão lụt luôn rình rập cư dân. Năm 2013, chòi lá tạm làm văn phòng BTS PG Tỉnh cũng bị san bằng bởi cơn bão số 10, thế nhưng, thiên tai không thể đè bẹp lòng người, mặc dù cơn bão cuối năm 2016 và ô nhiễm môi sinh bởi Formosa càng làm cho cư dân trưởng thành hơn về nghị lực. Giữa bão táp phong ba, Ban Từ Thiện của Giáo hội cũng đã chung tay cứu trợ thiên tai, xây nhà tình nghĩa, nuôi hàng trăm hộ nghèo qua những cơn lũ 2010 và cơn bão 2013, 2016, với hàng chục tỷ đồng. Giữa lúc bộn bề như thế, năm thứ 8, BTS PG Quảng Bình đã hình thành ngôi đại tự uy nghi trên hố đất nuôi tôm sâu thẳm mà không ai có thể tin trong thời gian ngắn đã trở thành vùng đất phẳng phiêu. Bao nhiêu tiền của lấp đầy không bằng lấp đầy bằng nghị lực. Trước bao bất mãn chống đối từ một vài quan chức cho đến quần chúng, HT Tánh Nhiếp đã vượt qua bao chướng ngại thể hiện một bản lĩnh kiên cường; từ đó người ta hiểu rằng, con người với bản chất phàm tình cũng có thể làm nên lịch sử. Điều quan trọng là làm được gì cho Phật giáo chứ không phải vấn đề bản chất cá nhân, bởi lẽ, không một Thánh nhân nào mà không trải qua những quá khứ... và không một tội phạm nào mà không thể có một tương lai. Đôi khi bản chất và hành động trái ngược nhau, nhưng là một trái ngược đáng nể phục.
Một thời gian ngắn, vừa san lấp hố sâu của thổ cư, san bằng thành kiến của xã hội, xây dựng "đại hùng bửu điện", xây dựng uy tín trên vùng đất mà từ lâu Phật giáo không còn tồn tại. Để từ đôi tay trắng, không một cộng sự viên, chỉ có sự khích lệ của một đại Tăng xuất thân từ Quảng Bình danh tiếng, chưa một BTS nào trên toàn quốc chiêu sinh qua mạng để cùng góp tay xây dựng Phật giáo trên vùng đất bị bỏ quên.
Sau Đại hội khó khăn kỳ II, giờ đây, một Đại hội kỳ III lại được sự yểm trợ cả HĐTS hai miền Bắc Nam, được sự hiện diện các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, cái khó vẫn còn trước mắt khi ngôi bảo tháp đang dang dở, 4.000m2 hố sâu chưa được lấp đầy; nhưng đã xây dựng được 4 BTS PG cấp huyện: Quảng Ninh - Lệ Thủy - Tuyên Hóa - Bố Trạch. Đang phục hồi một số cơ sở thờ tự bị hủy hoại trong thời chinh chiến. Tất cả là một sự cố gắng từ con tim và đôi tay trắng.
Đáng ra, theo chỉ đạo của HĐTS TW, ngày 08/3 tức 11/02 âm lịch là ngày khai mạc Đại hội, nhưng HT trưởng ban lại lấy ngày 07, tức trước một ngày, và sau khi kết thúc đại hội một ngày, cơn mưa nặng hạt như rữa sạch phố phường để chúc mừng đại hội thành công, cho dù suốt tuần khí hậu êm dịu mát lạnh; Trời chiều lòng người đến thế sao!!!
                                                ****
Bướng bỉnh, liều lĩnh, ngang tàng đôi khi là lợi thế khi cờ nắm trong tay với một tinh thần trách nhiệm. Đó là hiện tượng tại Quảng Bình hiện nay.
MINH MẪN
(còn tiếp)
 
Chia sẻ với bạn bè qua: